Trước thềm tăng lương, công chức, viên chức "phập phồng" nỗi lo tăng giá

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 19/05/2023 13:16 PM (GMT+7)
Lần đầu, mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh, hơn 20%. Tuy vậy, mức tăng này vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của cán bộ công chức, nhất là khi giá cả tăng liên tục. Nỗi lo lương tăng, giá cả "đội nón" tăng theo lại hiện hữu với đại đa số cán bộ, công chức.
Bình luận 0

Công chức, viên chức lo ngại tăng lương 1, giá cả tăng 2-3 lần

Chị Nguyễn Thị Lâm – Công chức Quận Cầu Giấy (Hà Nội) tỏ ra khá vui mừng trước thông tin sắp được tăng lương. Chị cùng các đồng nghiệp đang đếm từng ngày tới 1/7 để được tăng lương. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui sắp được tăng lương, chị Lâm vẫn canh cánh nỗi lo giá cả tăng theo.

Chị Lâm tâm sự: "Sợ nhất là tăng lương 1, giá cả tăng 10. Theo luật thì lần này lương cơ sở tăng lên 1.800 nghìn đồng/tháng, nếu nhân với hệ số lương, tôi tăng khoảng 900 nghìn mỗi tháng. Tuy nhiên, mức này không thấm vào đâu so với tiền sinh hoạt phí và giá cả đang leo thang".

Theo chị Lâm, không chỉ giá điện, giá nước, mà ngay cả đến giá cốc trà đá cũng tăng theo. Chị Lâm cho biết, trước đây, thi thoảng sáng chị cùng đồng nghiệp đến cơ quan sớm, chị ra cổng cơ quan ăn một bát bún chả, uống cốc trà đá, nhưng cả năm nay nhóm cũng phải tiết giảm các hoạt động ăn uống vì lương không tăng, mà giá cả thứ gì cũng nhích lên.

tăng lương

Công chức, viên chức đang mong mỏi tăng lương từng ngày. Ảnh: NN

"Bún chả trước đây  chỉ 25.000 đồng/1 suất, nay đã tăng lên 35.000 đồng/1 suất; trà đá bình thường 2- 3.000 đồng/1 cốc thì nay cũng tăng lên 5.000 đồng/1 cốc. Chưa kể rau cỏ đều tăng… khiến tôi rất áp lực", chị Lâm nói.

Nhiều công chức cho biết, dù tăng lương nhưng chị không mấy hy vọng tiền lương có thể cải thiện được cuộc sống của gia đình. Cụ thể chị Nguyễn Thị Liên (công chức Viện Khoa Nghiên cứu khoa học tại Hà Nội) cho biết, theo tính toán, nếu tăng lương thì một công chức có bằng trung cấp như chị cũng chỉ tăng hơn 400 nghìn đồng mỗi tháng. Khoản tiền này không đủ để đổ tiền xăng. Chính bởi vậy, hàng ngày ngoài giờ làm văn phòng, chị vẫn buôn bán online để kiếm thêm thu nhập.

"Về kinh phí tăng lương, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ đề xuất với Quốc hội bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ cho việc tăng lương từ 1/7/2023. Cần hơn 59.000 tỷ đồng để thực hiện tăng lương. Ngoài số tiền từ ngân sách nhà nước, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương bố trí thêm tiền tăng thu để phục vụ cải cách tiền lương"

"Tôi lấy hoa quả, đồ ăn, tối về chịu khó ship đồ bán cho cư dân ở chung cư. Mỗi tháng cũng có thêm 4-5 triệu đồng. Chính ra tiền bán hàng ngoài giờ còn cao hơn tiền lương", chị Liên nói.

Chính bởi những lý do trên nên dù rất vui mừng vì sắp được tăng lương nhưng các lao động cũng rất băn khoăn và mong muốn tăng lương nhưng phải "đính kèm" kìm giá cả.

Quan trọng nhất là "kìm" tăng giá trước khi tăng lương

Câu chuyện tăng lương, tăng giá là câu chuyện không mới. Dù phải còn gần 2 tháng nữa mới chính thức tăng lương cơ sở nhưng ngay từ bây giờ giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã gia tăng.

Phải kể tới đầu tiên là giá điện. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Không chỉ giá điện, giá nước cũng có xu hướng tăng. Dự kiến giá nước sạch tới đây sẽ tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.

tăng lương

Công chức lo lắng, tăng lương 1 giá cả tăng 2-3 lần. Ảnh: DV

Bà Nguyễn Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, tăng lương là chuyện mừng, nhưng tăng lương phải tính tới việc kìm giá lạm phát. Lịch sử ghi nhận câu chuyện tăng lương luôn kèm tăng giá. Đôi khi lương chưa tăng, giá cả đã tăng rồi.

"Nói đúng ra không hẳn là tăng lương, tăng giá, mà do lạm phát nên giá cả tăng liên tục. Vì thế giá tăng đâu có đợi lương, nên nói tăng lương tăng giá là cũng chưa hẳn đúng, mà phải nói điều chỉnh tiền lương bù trượt giá", bà Hương nói.

Bà Hương kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát giá, phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động. Riêng với nhóm công chức, viên chức, bà Hương cho rằng tiền lương còn quá thấp, cần điều chỉnh gấp, mức độ điều chỉnh phải cao thì tiền lương của khu vực công mới đuổi kịp tiền lương của khu vực tư.

"Thực hiện cải cách tiền lương, đưa tiền lương về đúng giá trị thực, cắt giảm các khoản phụ cấp không cần thiết, trả lương theo vị trí việc làm… là những việc cần làm để tăng nguồn, thực hiện cải cách tiền lương", bà Hương nói.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 24, quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức. Theo đó, có 9 đối tượng công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương từ 1.490 nghìn đồng lên 1.800 nghìn đồng/tháng kể từ 1/7 tới đây.

Điểm lại trong lịch sử từ khi Chính phủ ban hành mức lương cơ sở ban đầu chỉ là 290.000 đồng/tháng, sau đó đến năm 2006 mức lương này được điều chỉnh tăng lên 350.000 đồng/tháng.

So với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Mức tăng tuyệt đối lên tới 310 nghìn, tăng 20,8%, trong khi đó, những năm trước mức tăng chỉ dao động từ 60-200 nghìn đồng. Nếu lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì công nhân, viên chức sẽ được tăng khoản tiền lương tương đối. Mức tăng từ hơn 400.000 đồng cho tới hơn 2.000.000 đồng/1 tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem