Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cùng dự Hội thảo còn có các đồng chí: Nguyễn Tiến Cường – Ủy viên Ban Thường vụ, Quyền Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Vũ Huy Văn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Thị Ánh – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Hồng Sơn – Bí thư Đoàn Bộ NNPTNT.
Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Khắc Toàn – Ủy viên Ban Thường vụ, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có xác lập một số quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đó là: "nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh kinh tế", "nông nghiệp là lợi thế quốc gia". Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới.
Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh: Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, việc tổ chức nghiên cứu về nông nghiệp theo cách tiếp cận nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp bền vững, cụ thể ở đây là câu chuyện nông nghiệp gia công là rất cần thiết.
"Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam đại diện cho gần 10 triệu hội viên nông dân, sinh hoạt tại gần 92.000 chi hội thuộc hơn 10.200 cơ sở Hội trong cả nước. Do vậy nghiên cứu về "Thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, giải pháp và kiến nghị" là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết, góp phần trực tiếp vào thực hiện mục tiêu xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam và Đại hội XIII của Đảng" – ông Toàn nhấn mạnh.
Để có cơ sở đánh giá được thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay và đề xuất được nội dung, giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 5639-QĐ/HNDTW ngày 29/6/2022 phê duyệt Đề tài "Thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, những giải pháp và kiến nghị" thực hiện năm 2023-2024; giao đồng chí Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn làm chủ nhiệm đề tài.
Để có thêm cơ sở thực tiễn và lý luận báo cáo trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành các chủ trương, nghị quyết phù hợp, hoặc kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hôm nay Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo gia công trong nông nghiệp, thực trạng và kiến nghị.
"Tại hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài "Thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, những giải pháp và kiến nghị" rất mong muốn được nghe các ý kiến trao đổi của các đồng chí về 4 nội dung sau.
1. Quan niệm, hiểu biết của đại biểu về gia công nông nghiệp.
2. Thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hoặc gia công nông nghiệp ở địa phương hiện nay.
3. Phân tích một số điểm tích cực, ưu điểm và điểm không tích cực, hạn chế của gia công nông nghiệp.
4. Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề gia công nông nghiệp" – ông Nguyễn Khắc Toàn nói.
Theo Đề dẫn Hội thảo, Việt Nam là nước có quy mô dân số nông nghiệp lớn khoảng thứ 7 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazin, Nigeria, Philipin...). Với khoảng trên 100 triệu người, trong đó dân số nông thôn chiếm tỷ lệ 60% tổng dân số cả nước. Lao động nông thôn chiếm 67,8% lực lượng lao động xã hội. Cả nước có tổng số 26,8 triệu hộ gia đình, trong đó số hộ trên địa bàn nông thôn là gần 16 triệu, số hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp là 8,6 triệu. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng trên 30% lao động xã hội, hiện nay có khoảng 18 triệu người.
Nông nghiệp là ngành sản xuất đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu trong những năm qua. Đặc biệt, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 730 tỷ, xuất siêu 10 tỷ USD. Trong tổng số 370 tỷ USD xuất khẩu, có 260 tỷ USD là xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, chỉ có 110 tỷ USD là xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có 53,2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm tới hơn 50% tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước).
Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 là 28,84 tỷ USD, thì nhập khẩu vật tư nông nghiệp tiêu tốn tới 17,4 tỷ USD, chiếm gần 30%. Lượng thuốc BVTV nhập khẩu gia tăng mạnh lên tới 1.564 triệu USD, tăng 11,2% so với năm 2012... Việt Nam phải nhập gần như 100% thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV, trong đó khoảng 90% nhập từ Trung Quốc. Tình trạng thức ăn chăn nuôi còn đáng lo ngại hơn, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2020 đã tiêu tốn 4,08 tỷ USD, lớn hơn tiền ta thu về từ xuất khẩu gạo.
Nhìn vào số liệu trên, từ cách phân tích khoa học, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài mảnh đất, chuồng trại và lao động sống, đại đa số đầu vào của sản xuất nông nghiệp là của nước ngoài, dành dụm được đồng nào lại đi mua vật tư nông nghiệp của nước ngoài để tái sản xuất, vì thế nền nông nghiệp của ta về cơ bản vẫn là nền nông nghiệp gia công.
Công đoạn gia công là công đoạn tạo ra "giá trị gia tăng" thấp nhất trong chuỗi giá trị.
Mặt khác, cũng cần thấy kinh tế gia công là xu hướng của kinh tế toàn cầu, của phân công lao động toàn cầu, nước này làm gia công cho nước kia. Khi hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, rất khó tìm ra một nước nào đó tự mình làm hết mọi công đoạn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Do vậy công đoạn gia công được đặt ở đâu, quốc gia, vùng lãnh thổ nào, địa phương, đơn vị nào và thời điểm nào lại là vấn đề quan trọng cần được xem xét, tính toán.
Có thể khẳng định, nông dân là người chịu nhiều thiệt thòi, là một trong những lực lượng yếu thế hơn so với những lực lượng xã hội đông đảo khác.
Đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp là ảnh hưởng trực tiếp từ điều kiện tự nhiên, Việt Nam lại là nước có nhiều vùng khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy việc bảo vệ, hỗ trợ nông dân tránh khỏi những rủi ro và có tri thức, kỹ năng để tìm được sinh kế lâu dài trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn là việc làm cần thiết, cấp bách, thể hiện vai trò, chức năng của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam.
Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành Trung ương, Hội Nông dân các cấp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ thực trạng liên quan đến nền nông nghiệp gia công ở nước ta hiện nay; phân tích một số điểm tích cực và không tích cực của gia công nông nghiệp dẫn đến ảnh hưởng chất lượng, giá trị sản phẩm; việc bảo vệ, hỗ trợ nông dân tránh khỏi những rủi ro và có tri thức, kỹ năng để tìm được sinh kế lâu dài trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời đề xuất một số giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề gia công nông nghiệp...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Huy Văn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng cần nhìn nhận, phân tích một cách khách quan những điểm tích cực và không tích cực của gia công nông nghiệp.
Về giải pháp, ông Văn cho rằng cần phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ cho người nông dân.
Giải pháp trước mắt, Hội Nông dân cần tổ chức các lớp tập huấn, đưa nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp hiệu quả trong nước và cả ở nước ngoài. Đồng thời phát huy mô hình liên kết "5 nhà" theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp.
Theo ông Văn, trên cơ sở phát huy những điểm tích cực của gia công nghiệp, đề xuất cần có sự dịch chuyển gia công trong nông nghiệp. Cụ thể: Dịch chuyển ngang như: gia công những mặt hàng giá trị cao, đặc trưng riêng có (sầu riêng, dược liệu…). Dịch chuyển dọc trong chuỗi gia công nông nghiệp chọn một số nội dung, công việc trọng tâm. Dịch chuyển tổng thể: giảm gia công, hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Cường – Ủy viên Ban Thường vụ, Quyền Trưởng Ban kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng về ưu điểm, gia công trong nông nghiệp mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Về nhược điểm, gia công nông nghiệp sẽ không nâng cao được trình độ của người lao động; khai thác kiệt quệ tài nguyên trong nông nghiệp…
Theo ông Cường, hiện nay Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vấn đề chúng ta có khai thác, tận dụng và phát huy được những cơ hội và lợi thế đó hay không?
Theo ông Cường, để nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, người nông dân thực sự là chủ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp cần có sự đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, thay vì đầu tư dàn trải, chung chung không hiệu quả.
Ông Cường cũng lấy ví dụ, năm 2024, Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân được Ban Thường vụ Trung ương Hội giao xây dựng hỗ trợ các mô hình điểm về HTX. "Chúng tôi đã khảo sát và lựa chọn 5 HTX làm điểm thật hiệu quả ở 5 vùng miền để hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình" – ông Cường nói.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Khắc Toàn trân trọng cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến phát biểu, trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo. Đây là những ý kiến quý báu để Ban Chủ nhiệm hoàn thành Đề tài và có thêm cơ sở thực tiễn và lý luận báo cáo trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành các chủ trương, nghị quyết phù hợp và kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.