Tại TP.HCM, phân tích bước đầu hồ sơ đăng ký dự thi cho thấy, hệ đào tạo nghề luôn trong tình trạng vắng thí sinh, trong khi nhu cầu thị trường lao động rất cao.
Trường thiếu người học
|
Cơ hội việc làm rất cao nhưng nhiều thí sinh không mặn mà đăng ký và theo học nghề. (Ảnh minh họa). |
Kết thúc thời hạn nộp hồ sơ, Trường ĐH Công nghiệp (quận Gò Vấp) có chỉ tiêu tuyển sinh gần 10.000 học viên hệ CĐ-TC và nghề ngắn hạn nhưng chỉ nhận được hơn 6.000 hồ sơ; Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (quận Thủ Đức) mở một khóa về Hướng dẫn viên du lịch nhưng loáng thoáng chỉ có mấy chục hồ sơ; hay Trường Du lịch và Tư thục Quốc tế (quận Bình Thạnh) chỉ tiêu 700 nhưng chỉ nhận được 200 hồ sơ…
Đây là những trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị và giáo viên tốt, vậy mà vẫn phải “khóc” trước mỗi mùa tuyển sinh. Còn những trường “địa phương” tại các quận (huyện), hay một số trường ngoài công lập thì tình trạng thiếu trò còn “thê thảm” hơn.
Cô Phan Thu Hiền - giáo viên dạy nghề Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngậm ngùi: “Năm nào hệ đào tạo nghề của trường cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều ngành được phép đào tạo nhưng vì không có học sinh đăng ký nên không mở được”.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Trung cấp chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho biết năm 2011-2012 chỉ tiêu đào tạo trình độ trung cấp của cả nước khoảng 600.000, tuy vậy so với thực tế nhu cầu sử dụng lao động (LĐ) hiện nay tại các doanh nghiệp thì con số này rất nhỏ. Trong khi đó hiện nay có tới hơn 60% LĐ đang làm việc tại các DN ở các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa qua đào tạo. Vì vậy một nghịch lý là các cơ sở đào tạo thì không đáp ứng được, còn các DN thì “khát” nguồn nhân lực. Vấn đề đầu tiên được chỉ ra là cơ cấu đào tạo bất hợp lý mà bản thân các trường sẽ phải điều chỉnh.
Doanh nghiệp thiếu… thợ
Theo ông Trần Anh Tuấn, trên địa bàn thành phố có 900 DN cần khoảng 200 nghìn lao động có tay nghề nhưng đào tạo chỉ đáp ứng được 20%. Dẫu vậy, số học sinh muốn thi vào hệ học nghề của các trường ĐH-CĐ vẫn rất ít.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thị trường lao động TP.HCM, do thiếu hụt lao động, các DN phải “cầu cứu” các trường đào tạo nghề hay các trung tâm giới thiệu việc làm.
Tuy vậy, vấn đề là bản thân các trường cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo các nghề này, cho dù đã có “mác” là hệ đào tạo nghề trình độ CĐ-TC.
Một số nghề luôn có nhu cầu cao như: Tiện, hàn, cơ khí… thì có rất ít học sinh chọn học. Nhiều doanh nghiệp còn đến tận trường đặt hàng đào tạo các nghề này với mức lương khởi điểm từ 3 triệu đồng/tháng trở lên nhưng các trường cũng… chịu vì không tuyển được học sinh.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành quả quyết: “Hiện nay đúng là rất có vấn đề trong cơ cấu tuyển sinh khi học sinh hoàn toàn quay lưng với hệ học nghề. Thay vì học xong phải chạy ngược, chạy xuôi tìm việc như các sinh viên đại học, sinh viên học nghề hệ ĐH-CĐ còn được quyền lựa chọn chỗ làm. Vậy mà các em vẫn không mặn mà”.
Ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: Hiện nay các DN thì kêu thiếu LĐ kỹ thuật nhưng lại không tìm đến chúng tôi hay các trường dạy nghề. Còn nhiều trường chưa nắm bắt, dự đoán nhu cầu LĐ của xã hội nên chưa có chiến lược đào tạo bài bản.
Để cải thiện tình hình, UBND thành phố phải cho cơ chế chính sách khuyến khích hợp tác đầu tư, liên kết theo chương trình công nghệ nước ngoài, có như vậy mới thu hút được học sinh, đáp ứng được nhu cầu LĐ của thành phố và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”.
VM
Vui lòng nhập nội dung bình luận.