Trương Mỹ Lan không thừa nhận việc lấy tiền của SCB và những điểm đáng chú ý tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát

Chinh Hoàng - Gia Bình Thứ bảy, ngày 16/03/2024 10:17 AM (GMT+7)
Trong những điểm đáng chú ý ở phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc rút 1 triệu tỷ đồng, gây thiệt hại 677.000 tỷ cho SCB. Tuy nhiên bà Trương Mỹ Lan liên tục phủ nhận, cho rằng chưa từng lấy đồng nào của SCB.
Bình luận 0

Trong 5 ngày diễn ra phần xét hỏi vụ Vạn Thịnh Phát (11 – 15), bị cáo Trương Mỹ Lan vẫn khăng khăng chối tội, bà ta cho rằng không lấy đồng nào của SCB. Ngoài ra với những cáo buộc khác, bà Lan đều trả lời là không nhớ…

Trương Mỹ Lan không thừa nhận việc lấy tiền của SCB và những điểm đáng chú ý tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát- Ảnh 1.

Trương Mỹ Lan nhiều lần phủ nhận tội tại toà, có lúc không nhớ. Ảnh: Lê Giang

Hôm 15/3, thay mặt HĐXX chủ tọa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận, theo kế hoạch đại diện Viện kiểm sát sẽ phát biểu quan điểm luận tội vào sáng thứ ba (19/3/2024).

Bị cáo buộc rút 1 triệu tỷ đồng, Trương Mỹ Lan nói "tôi có lấy đồng nào của SCB đâu"

Theo cáo trạng, bị cáo Lan bị cáo buộc năm 2012 đã thâu tóm SCB (được hợp nhất từ 3 ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn và Đệ Nhất). Trong 10 năm sau đó, người phụ nữ này lập hàng nghìn hợp đồng vay sai quy định để rút 1 triệu tỷ đồng của SCB, hiện còn hơn 677.286 tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Trả lời câu hỏi của luật sư, Trương Mỹ Lan khẳng định từ ngày hợp nhất 3 ngân hàng, bản thân chỉ đưa tài sản vào SCB để giúp ngân hàng tái cơ cấu và: "Có bao giờ rút tiền ra đâu, tôi có lấy đồng nào của SCB đâu".

Trương Mỹ Lan không thừa nhận việc lấy tiền của SCB và những điểm đáng chú ý tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát- Ảnh 2.

Các bị cáo trong bụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Giang

Bị cáo Lan cho hay bản thân nguyên quán tại Triều Châu (Trung Quốc) nhưng sinh ra ở Việt Nam nên coi đây là quê hương thứ hai. Theo bà Lan, sau năm 1975, nhiều người đã đi nước ngoài làm ăn nhưng "tôi chọn ở lại Việt Nam", được Nhà nước tạo điều kiện làm ăn…

Chủ tọa giải thích, bị cáo sinh ra ở Việt Nam, dù đi nước ngoài hay không vẫn là người Việt Nam và chính sách của Nhà nước là tạo điều kiện cho mọi công dân dù ở bất cứ đâu nên không cần trình bày việc này. Chủ tọa yêu cầu luật sư chú ý câu hỏi và bị cáo Lan chú ý câu trả lời của mình.

Tiếp tục khai báo, Trương Mỹ Lan trình bày, có mẹ là "tiểu thư của chợ Bến Thành", cửa hàng tại 244 cửa tây, chuyên bán mỹ phẩm, hàng hóa khác. Năm 1988, nơi này đổi thành Trung tâm Thương mại vật tư và năm 1992 được lập công ty TNHH.

"Mẹ tôi đã tích lũy được tài sản vì lúc đó rất là rẻ nên tôi có vốn và tâm huyết đi hoạt động cộng đồng", lời bị cáo trình bày. Cũng trong năm 1992, bà Lan gặp chồng là bị cáo Chu Lập Cơ – người Hồng Kông sang Việt Nam đầu tư - và tổ chức lễ cưới.

Luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi, vì sao bị cáo biết đến SCB, cơ duyên nào đưa bị cáo đến ngân hàng này? Trương Mỹ Lan bật khóc, cho hay "nghĩ đến ngày đó rất xót xa".

Nữ bị cáo sau khi bình tĩnh trở lại đã trình bày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng mời nhiều người đầu tư nhưng không ai dám vào nên vận động bà dù bà "không biết ngân hàng, không thích ngân hàng".

Bị cáo cho hay, NHNN khi đó yêu cầu đầu tư vào SCB với 3 nhiệm vụ cụ thể gồm: Vận động bạn bè, miễn sao nắm trên 65% cổ phần của 3 ngân hàng nhỏ để hợp nhất, không ảnh hưởng các ngân hàng khác và hệ thống tiền tệ quốc gia; cho mượn tài sản để SCB cơ cấu; thứ 3 là "kêu được" đối tác nước ngoài vào.

Bà Lan phân tích, đối tác nước ngoài vào SCB phải gồm 2 nhóm, một chuyên kinh doanh tài chính ngân hàng và một nhóm chuyên kinh doanh bất động sản…

Về việc các lãnh đạo, nhân viên của SCB đều khai Trương Mỹ Lan có vai trò lớn, là người làm chủ của ngân hàng, nữ bị cáo này cho rằng: "Anh em ngộ nhận vai trò của tôi" và trách móc: "Tại sao không dám nói sự thật, rằng tài sản của tôi đưa vào để cơ cấu SCB".

Hai cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước đổ lỗi "sửa số liệu" của SCB

Trong phiên xét hỏi ngày 14/3, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát II Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra NHNN, về các nội dung liên quan hành vi che giấu sai phạm cho SCB.

Trương Mỹ Lan không thừa nhận việc lấy tiền của SCB và những điểm đáng chú ý tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát- Ảnh 4.

Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát II Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ảnh: Lê Giang

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hưng khai có nhận được báo cáo kết quả thanh tra SCB nhưng "tính trung thực" của báo cáo ấy phụ thuộc vào đoàn thanh tra mà Trưởng đoàn (bị cáo Nhàn) ký với tư cách đại diện.

Ông Hưng cho biết bản thân chỉ phụ trách ký quyết định thành lập và chỉ đạo thanh tra; bản thân không chỉ đạo bị cáo Nhàn sửa đổi số liệu trong các báo cáo thanh tra. Vị này cũng bác bỏ mọi liên quan đến việc làm sai lệch kết quả thanh tra hay bỏ qua các sai phạm của SCB.

Luật sư cho biết bị cáo Nguyễn Văn Hưng từng nói bản thân rất suy nghĩ khi các thành viên đoàn thanh tra trước nay chưa từng vi phạm, nhưng vì kí quyết định của bị cáo mà dẫn đến ngày hôm nay. Bị cáo có suy nghĩ gì về việc này?

Bị cáo Hưng cho rằng câu hỏi luật sư không có lợi cho bị cáo cùng các thành viên đoàn thanh tra nên không trả lời. Chủ tọa cũng lưu ý, luật sư không làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Đến lượt khai báo, Đỗ Thị Nhàn khẳng định được bị cáo Hưng chỉ đạo chỉnh sửa số liệu. Như báo cáo kết quả thanh tra đợt 1, được trình lên cho Hưng để sử dụng trong việc trình nội dung, chuẩn bị các cuộc họp nhưng ông yêu cầu sửa.

Luật sư hỏi có gì để chứng minh việc Hưng chỉ đạo do người này đang không thừa nhận? Đỗ Thị Nhàn Bị cáo Nhàn khẳng định rằng bản báo cáo ngày 11/1/2018, cùng với các tài liệu liên quan, đã đề xuất việc thành lập một bộ phận độc lập để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thanh tra.

Tuy nhiên, bị cáo Hưng đã không chấp nhận đề xuất này yêu cầu chỉ đạo sửa đổi các số liệu liên quan đến chỉ số an toàn của SCB, dẫn đến việc làm sai lệch kết quả thanh tra. Theo bà Nhàn, các tài liệu này đều được cơ quan điều tra thu thập…

Vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí cam kết trả đủ 1.000 tỷ đồng cho Trương Mỹ Lan "ngay trong thời gian xét xử"

Vợ đại gia Nguyễn Cao Trí xin thay chồng trả đủ 1.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt trong 3 tháng, nhưng chủ tọa cho biết, như vậy thời gian đó tòa xử xong, sẽ không được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ nên vợ của ông Nguyễn Cao Trí cam kết sẽ trả cho Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ngay trong thời gian xét xử.

Trương Mỹ Lan không thừa nhận việc lấy tiền của SCB và những điểm đáng chú ý tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát- Ảnh 6.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí, người bị cáo buộc "nuốt" 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan. Ảnh: Lê Giang

Chủ tọa yêu cầu bà Bùi Thị Vân Anh, vợ bị cáo Nguyễn Cao Trí lên bục khai báo rồi cho hay đã nhận đơn của bà về việc khắc phục hậu quả thay chồng nhưng đến nay bà chưa nộp tiền.

Trong vụ án, cơ quan tố tụng xác định Nguyễn Cao Trí từng nhận của Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát 1.000 tỷ đồng để mua bán dự án. Khi bà Lan bị bắt, bị cáo Trí lập khống các giấy tờ, thể hiện không còn việc mua bán và chiếm đoạt số tiền này.

Theo tòa án, cơ quan điều tra đã thu hồi từ Nguyễn Cao Trí số tiền mặt, USD là hơn 700 tỷ đồng; hiện còn thiếu 266 tỷ đồng. Ông Trí bị kê biên 7 bất động sản để đảm bảo thi hành án cho số 266 tỷ đồng này nhưng đã xin nộp đủ bằng tiền mặt.

Về vấn đề này, bà Bùi Thị Vân Anh cho hay "đang sắp xếp nguồn tài chính để khắc phục" và xin tòa cho thời hạn 3 tháng.

Chủ tọa giải thích, trong 3 tháng, phiên tòa đã xét xử xong nên không còn "giá trị khắc phục hậu quả vụ án" và đề nghị các luật sư giải thích việc này với bị cáo Trí cùng gia đình. Nếu nộp đủ 1.000 tỷ trong thời gian xét xử, Nguyễn Cao Trí sẽ được xem xét tình tiết giảm nhẹ.

Bà Vân Anh đồng ý, bà trình bày còn khoảng 400 cá nhân, tổ chức đang "thiếu nợ" gia đình bà gần 1.500 tỷ đồng, xin tòa hỗ trợ thu hồi khoản này để khắc phục nhanh nhất có thể…

Ngân hàng SCB đòi nhóm Trương Mỹ Lan bồi thường 760.000 tỷ đồng, cao hơn cáo trạng xác định

Theo cáo trạng, từ 2012 – 2022, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng của SCB. Đến nay, các khoản vay này còn dự nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Trương Mỹ Lan không thừa nhận việc lấy tiền của SCB và những điểm đáng chú ý tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát- Ảnh 8.

Bị cáo Trương Huệ Vân, cháu ruột của Trương Mỹ Lan. Ảnh: Lê Giang

Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về 498.000 tỷ đồng trong đó. Người phụ nữ đang bị truy tố về các hành vi tham ô, vi phạm quy định về ngân hàng và đưa hối lộ.

Theo đại diện SCB, với tư cách bị hại được trình bày tại tòa, SCB không đồng ý con số Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm. Phía SCB cho rằng, thiệt hại trong vụ án phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5/3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).

Phía SCB cho hay, Trương Mỹ Lan còn sở hữu các tài sản khác, như chính bị cáo trình bày tại tòa, nên đề nghị HĐXX truy tìm, kê biên, phong tỏa rồi giao cho SCB để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Cũng theo đại diện SCB, các bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của Ngân hàng SCB trong mắt người dân, buộc Nhà nước phải vào cuộc. Do vậy, SCB đề nghị HĐXX xem xét đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ngân hàng…

HĐXX cũng thông báo, tòa nhà Capital Place ở 29 Liễu Giai (Hà Nội), bị cáo Lan nói con gái Chu Duyệt Phấn đang rao bán 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả nhưng tòa nhà này đang được thế chấp, vay ngân hàng 230 triệu USD. Hiện tại, có người trả 360 triệu USD nên "bị cáo nói bán 1 tỷ USD là không đúng".

Trương Mỹ Lan trình bày "lan man" nhiều ý không rõ, bị chủ tọa yêu cầu trả lời đúng câu hỏi và: "Lãnh đạo tập đoàn lớn, hỏi một câu, trả lời một câu khác thế hằng ngày lãnh đạo thế nào? Phiên tòa diễn ra dài ngày, bị cáo sẽ có quyền tranh luận".

Bị cáo sau đó khẳng định ngay khi bán tòa nhà Capital Place, sẽ đem trả tiền vay ngân hàng, phí môi giới, còn lại dùng để khắc phục hậu quả.

Đối với cổ phần tại Công ty bảo hiểm SUV, Trương Mỹ Lan khai doanh nghiệp này của một tỷ phú Hồng Kông nhưng "không tiện nói tên". Bà mua cổ phần trị giá khoảng 920 tỷ đồng tại đây, hiện được "Nhật Bản, Singapore" trả giá 5.000 tỷ đồng, nếu bán được cũng dùng khắc phục hậu quả.

Chủ tọa thông báo, con gái bị cáo đang rao bán số cổ phần này giá 40 triệu USD, tương đương thời điểm mua vào.

Đối với nhà máy sản xuất vắc xin thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, con gái bị cáo cũng muốn chuyển nhượng cho đối tác khác. Trương Mỹ Lan khai đã đầu tư vào đây 315 tỷ đồng nhưng nếu bán đi, sẽ không được đối tác Sinopham (Trung Quốc) hợp tác sản xuất.

Về căn biệt thự tại 112 Võ Văn Tần (TP.HCM), bà Trương Mỹ Lan cho hay, căn biệt thự này mẹ bà đã mua từ lâu, có giá 700 tỷ đồng nhưng xin không kê biên vì đây là biệt thự thuộc diện bảo tồn.

Một doanh nghiệp có liên quan là Công ty Thành Hiếu (thuộc Tập đoàn Phương Trang) là chủ đầu tư 3 dự án bất động sản, 1 ở quận 7 và 2 dự án ở Long An. Trương Mỹ Lan cho hay Thành Hiếu đang nợ SCB 1.450 tỷ đồng.

Chủ tọa hỏi lại, Công ty Xe khách Phương Trang đã chuyển nhượng cho bị cáo 100% cổ phần, giá 3.450 tỷ đồng nhưng mới được thanh toán hơn 1.200 tỷ, còn thiếu hơn 2.000 tỷ. Công ty Thành Hiếu đã chuyển toàn bộ con dấu, tài liệu cho phía bị cáo dễ điều hành nên: "Bị cáo thiếu chứ người ta thiếu đâu? Phương Trang đang yêu cầu hủy, họ trả 1.200 tỷ để nhận lại 3 dự án".

Đại diện Công ty Phương Trang có mặt, khai họ không bán Công ty Thành Hiếu cho Trương Mỹ Lan hay Vạn Thịnh Phát mà bán cho 3 cá nhân khác.

Chủ tọa hỏi, tại sao bán cho 3 người khác, giờ lại đi giải quyết với Trương Mỹ Lan?

Phía Phương Trang cho hay, Công ty Thành Hiếu đang hoạt động bình thường nên bên mua sẽ vận hành tiếp; bên bán đã bàn giao hồ sơ dự án tại quận 7 còn các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 2 dự án ở Long An, bao giờ bên mua trả tiền mới được giao.

Phía Phương Trang từng mang giấy tờ đi tách sổ tái định cư cho khách hàng ở Long An, mới biết 2 dự án bị phong tỏa vì liên quan Vạn Thịnh Phát. Ngày 2/2, doanh nghiệp này nộp đơn xin tham gia tòa và hiện mong được gõ phong tỏa do chúng không liên quan bị cáo Lan hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Chủ tọa cho hay có thông tin 3 người mua Công ty Thành Hiếu chỉ "đứng tên" cho Trương Mỹ Lan nên yêu cầu phía Công ty Phương Trang cung cấp hồ sơ để triệu tập ngay 3 người này "trong sáng hoặc chiều nay".

Về thiệt hại vụ án, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng của SCB. Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về 498.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem