Trường trung cấp "kêu trời" vì các đổi mới tuyển sinh của Bộ GDĐT

Thứ năm, ngày 20/03/2014 09:04 AM (GMT+7)
Các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề khu vực phía Nam đồng loạt phản đối các chính sách đổi mới tuyển sinh của Bộ GDĐT trong năm nay như bỏ điểm sàn, xét tuyển vào đại học bằng học bạ với học lực quá thấp…
Bình luận 0
Các chính sách đổi mới của Bộ GDĐT hiện nay chỉ nhằm mục tiêu là “phổ cập đại học” chứ không phải đáp lại yêu cầu của xã hội là cần một cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia ổn định, bền vững. Đó là ý kiến của lãnh đạo hàng chục trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) khu vực phía Nam xoay quanh những chính sách đổi mới về tuyển sinh trong năm 2014 mà Bộ GDĐT mới thông qua.

Nhiều chính sách lôm côm, không thực tế


Ngày 19.3, gần 20 trường TCCN, TCN khu vực phía Nam đã tập trung tại TP.HCM để họp bàn những chính sách tháo gỡ khó khăn cho công tác phân luồng, tuyển sinh trình độ nghề… trong thời điểm các trường đang bị dồn đến bờ vực phá sản. Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, mở đầu: “Năm nay Bộ GDĐT quyết định bỏ điểm sàn nhưng vẫn áp dụng Thông tư 57 (cho các trường tự xác định chỉ tiêu - PV) thì thật vô lý. Chỉ cần làm bài toán đơn giản: Bỏ điểm sàn + các trường tự xác định chỉ tiêu + tâm lý chuộng bằng cấp = ai cũng sẽ học đại học”.

Học sinh học nghề kỹ thuật tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Học sinh học nghề kỹ thuật tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Chính vì sự phi lý đó nên ông Sáng đề xuất: “Nếu bỏ điểm sàn thì bộ phải khống chế thật chặt chỉ tiêu của các trường. Nếu trường nào tuyển vượt chỉ tiêu phải có chế tài thật nặng như phạt tiền + dừng tuyển sinh, thì may ra hệ thống trường trung cấp mới tồn tại được”.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm trong Ban Kinh tế Thành ủy TP.HCM, ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành, tỏ ra ngán ngẩm: “Tôi chẳng thấy lĩnh vực nào lại bất ổn như giáo dục cả. Cứ mỗi mùa tuyển sinh lại có những chính sách mới khiến những người làm giáo dục chúng tôi muốn thót tim. Nói thật, những chính sách này nhiều khi rất lôm côm, không thực tế như kiểu được “sản xuất” từ bàn giấy mà ra chứ không phải được đúc kết từ thực tiễn”.

Cũng theo ông Ngọc: “Vì phải lo ứng phó với những chính sách này mà chúng tôi không thể nào tập trung đề ra các chiến lược phát triển dài hạn mà toàn phải… “vặt mũi đút miệng, sống sót ngày nào hay ngày đó”.

Thầy Nguyễn Việt Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn thì nêu một thực tế: “Năm nay cơ hội thi ĐH rất cao nên lượng SV của hệ thống các trường trung cấp chúng tôi ngày càng rơi rụng; thậm chí có trường hợp các em học được 1,5 năm rồi nhưng vẫn bỏ để năm nay xét tuyển vào học ĐH cho… “ngon”. Đến một lúc nào đó thì cơ cấu nguồn lao động sẽ hoàn toàn mất cân đối”.

Đồng quan điểm, thầy Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Thông tin Sài Gòn thì lo lắng: “Việc Bộ GDĐT cho các trường xét tuyển dựa vào học bạ thì chẳng khác gì các trường TCCN chúng ta tuyển sinh lâu nay. Tôi có cảm tưởng bộ đang bằng mọi cách thu hút học sinh học ĐH. Đến một lúc nào đó thì lực lượng lao động trình độ nghề, lao động kỹ thuật chúng ta sẽ phải “nhập khẩu” từ nước ngoài; trong khi đó lao động trình độ ĐH sẽ ngày càng dư thừa, thất nghiệp”.

Công tác phân luồng thời gian qua giống… “lùa vịt”

Ngoài việc phản đối các chính sách đổi mới tuyển sinh của Bộ GDĐT trong năm nay như bỏ điểm sàn, xét tuyển vào ĐH bằng học bạ với học lực quá thấp…, lãnh đạo các trường trung cấp cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho công tác phân luồng học sinh.

Thầy Bùi Quang Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tổng hợp TP.HCM nêu một thực tế: “Ở các nước, cơ cấu phân luồng học sinh sau trung học gồm 70% vào học nghề và chỉ 30% vào học ĐH, CĐ; trong khi đó ở nước ta thì tỉ lệ này ngược lại. Chưa kể năm nay có hơn 60 trường được tuyển sinh riêng theo học bạ với đầu vào thấp bất ngờ (5,5 điểm vào CĐ vào 6,0 điểm vào ĐH), thì năm nay tỉ lệ học ĐH sẽ càng cao hơn”.

Đồng quan điểm, thầy Phan Dũng Danh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á cũng bộc bạch: “Nếu như ở các nước tỉ lệ lao động trong cơ cấu nguồn nhân lực là 1 cử nhân, 10 trung cấp và 20 kỹ thuật thì ở Việt Nam tỉ lệ này là 1 cử nhân, 0,46 trung cấp và 0,44 kỹ thuật. Đây là một cơ cấu hoàn toàn không hợp lý”. Cũng theo thầy Danh: “Việc tính toán nhu cầu nhân lực cho xã hội là một việc làm cần thiết và cũng không mấy khó khăn. Ở nước ta có 5 thành phố trực thuộc trung ương thì cứ tính nhu cầu lao động thực tế ở các KCX, KCN, sau đó cộng dôi dư ra một chút và từ đó xác định chỉ tiêu cho việc đào tạo của các trường”.

Còn thầy Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng thì chua chát: “Công tác phân luồng thời gian qua của chúng ta cũng như … “lùa vịt”. Bộ chỉ xem xét một cách chủ quan rồi chặn đầu này để cho các em chạy vào đầu kia mà không nắm diễn biến thực tế để điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế việc quy định đối với tiêu chuẩn thi liên thông thời gian qua là một điển hình…”.

Quy định điều kiện học lực đối với các trường xét tuyển học bạ

“Việc xét tuyển theo học bạ thì cũng chấp nhận được nhưng phải khống chế điều kiện học lực. Cụ thể, chỉ các em có học lực giỏi thì vào ĐH, học lực khá thì vào CĐ. Không thể xét tuyển các em có học lực TB, TBK vào học ĐH…”, thầy Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ Thông tin Sài Gòn.

Quốc Hải (Quốc Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem