Truyện dự thi: Cánh diều đã bay lên

Nhà văn Trần Văn Thước Thứ ba, ngày 08/06/2021 17:05 PM (GMT+7)
Thời gian - một ngày là hai mươi bốn giờ, một năm là mười hai tháng, những số đo này là hằng số. Thế mà con người ta vì hay mơ mộng nên bày đặt ra nhiều cách tính thời gian. Ví như một ngày dài như thế kỷ, ví như một phút đợi chờ bằng cả mùa thu...
Bình luận 0

Thịnh cũng học đòi những người mơ mộng, tính thời gian bằng những mùa diều. Thịnh đem điều ấy tâm sự với bạn lính đảo. Thì ra bạn lính còn mộng mơ hơn. Anh chàng Thảo tính thời gian bằng học kỳ của cô bạn đại học khoa văn. Tín "khểnh" tính bằng những lứa tôm đầm... Thiếu tá đảo trưởng mới "ăn chơi" nhất đảo, tính thời gian bằng ngày vợ mang bầu, cu Tít tập lẫy, tập bò... Thoắt thế mà Thịnh đã xa xóm bờ sông đẫy ba mùa diều sáo.

Năm giờ chiều xe khách về đến bến xe huyện. Thịnh từ tốn cảm ơn cả tá bác tài xe ôm đón ngay cửa xe: "Cảm ơn các anh tài. Thằng em xin được căng hải cho dãn xương cốt sau mấy chục tiếng đồng hồ ngồi ghế cứng".

Truyện dự thi: Cánh diều đã bay lên - Ảnh 1.

Minh họa truyện dự thi "Cánh diều đã bay lên". (Ảnh: Internet)

Ra khỏi phố huyện Thịnh rẽ sang lối tắt về làng. Trước khi con tàu cặp quân cảng Thịnh đã chọn lối này. Đường chiều thưa vắng người xe. Qua quãng đường gấp khúc là nhìn thấy ngọn cây đa đình làng. Hoàng hôn tím lịm trên vòm cổ thụ như mái ô lớn đầy sức chở che. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về làm rối bước người xa quê để rồi xốn xang hơn tất cả là ký ức một buổi chiều.

Thoáng có tiếng lũ trẻ líu ríu qua cổng. Thịnh vội vàng khoác chiếc ba lô lên vai. Chờ lũ trẻ vào đến giữa sân Thịnh rảo ra lập nghiêm kiểu nhà binh: "Báo cáo các thằng cháu. Chú mày vừa có lệnh phải ra đảo ngay bây giờ’’. Lũ trẻ vón lại, nỗi buồn thoắt đầy ắp những đôi mắt trong veo. Đứa vác chiếc diều trên vai lí nhí: "Chú... chú nán lại một tí thôi. Chiều nay gió đẹp thả diều lên cao lắm chú ạ’’. 

Thịnh giả bộ nghiêm: "Lệnh quân sự chậm một phút là tù bảy ngày. Chào các cháu nhé’’. Bọn trẻ rẽ ra nhường lối. Thịnh lỡ bước thứ hai vì tiếng gọi giật: "Chú ơi’’. Thịnh quay phắt lại, thoáng lo: "Sao thế?". "Chú ra đảo mà quên đi giầy". Thịnh nhìn xuống chân, cười phá lên: "Chào thua các nhóc rồi. Chờ chú cất ba lô rồi chú cháu ta hành quân". Cánh bãi đầu xóm đã gọn mùa ngô, mùa dưa đỏ. Đất đang phơi màu chờ vào vụ rau hè thu. Thịnh giữ gốc dây, lũ trẻ nâng cánh diều. Hai... Ba...Tung. Chiếc diều vút lên chao liệng kéo hết tầm dây rồi bắt gió đứng im. Tiếng sáo cặp đôi ri ro... ri ro. Thịnh nhìn chiếc diều, bâng khuâng. Đã là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ phép. Đây là lần thứ năm trong tuần nghỉ phép Thịnh đi thả diều cùng lũ trẻ. 

Đêm mai con tàu sẽ rời quân cảng. Có nhanh cũng phải ba năm nữa Thịnh mới có buổi chiều như chiều nay. Những đứa trẻ đang quây quần bên gốc diều sẽ có đứa lớn lên bớt ham diều nhưng sẽ có những đứa khác thế chỗ. Và sau những chí chóe tranh giành giữ dây, tung diều, cả lũ lại quây quần bên gốc dây ngước nhìn cánh diều no gió, tiếng sáo vi vu chăm chú hơn ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài. Lớp sau tiếp lớp trước lũ trẻ xóm bờ sông không bao giờ để mất mùa diều. Nếu có cuộc thi trẻ con thả diều dù ở cấp độ nào chức vô địch cũng ở trong tầm tay lũ trẻ xóm bờ sông.

Xuống khỏi dốc cầu Thịnh xốc ba lô rẽ sang bờ đê sông Lăng. Từ chân dốc đi xuôi một quãng "diều đứt dây" là đến đầu xóm bờ sông. Có điều lạ lắm. Chiếc diều dù to nhỏ cỡ nào không may bị đứt dây cho dù gió cuốn mạnh thế nào cũng không bao giờ trấp qua dốc cầu. Có lẽ chiếc diều cũng có tâm tư, phải gió cuốn mạnh thế nào cũng không vượt khỏi mảnh đất của những con người đã khai sinh ra nó, nâng dắt lên cao để chao liệng vi vu. Thịnh rối bước khi nhìn thấy ngọn cây gạo trước cửa miếu thần bãi. Chưa quá xa một lần chiếc diều trấp tít ngọn cây. Thịnh trèo lên trượt chân ngã trật khớp bàn chân, cả tháng trời các bạn thay nhau cõng đến trường. Bâng khuâng Thịnh ngước nhìn lên. Ngày đã hết từ lúc nào rồi. Nhưng chẳng hề chi. Lính đảo đã rèn đôi mắt quen lướt đầu ngọn sóng dõi xa. Thịnh rảo bước, phắt dừng lại giữa quãng đê lượn hình yên ngựa, điểm bắt đầu của cánh bãi. Mặt nước mênh mông. Sóng vỗ ì oạp. Ngỡ là chiều nước lên Thịnh rảo bước xuỗng tận chân đê. Ùm... ùm... tiếng đất lở. Những cột nước vọt lên. Thịnh giật mình, may víu được cành cây dại la đà. Phải mất vài phút trấn tĩnh Thịnh mới hết cơn hốt hoảng để nhìn về phía đầu xóm. Chỉ thấy nước và nước... Có lẽ nào điều Thịnh linh cảm trong đêm mấy năm trước đã là sự thật. 

Ký ức Thịnh bung ra buổi tối ngày phép cuối cùng. Bà con xóm ngõ, bạn bè đến chia tay, chúc Thịnh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Chú Đằng trưởng xóm đi họp ủy ban về sang muộn. Chú chúc Thịnh xứng danh con nhà ba đời lính hải quân, nhân tiện thông báo với bà con nội dung cuộc họp bất thường. Chủ tịch xã thông qua quyết định về việc mở mỏ cát ở quãng sông bao cánh bãi rau màu của xóm bờ sông. Đại diện công ty vật liệu xây dựng là Chu Lượng em vợ bí thư xã. Chu Lượng cam kết khai thác đúng luật, tuyệt đối an toàn cánh bãi, dòng chảy. Công ty sẽ tài trợ cho văn phòng ủy ban dàn máy vi tính, tivi màn hình lớn, một số trang bị cho trường học .

Thịnh dò dẫm từng bước trên lưng mái đê, nhìn xuống. Đang chiều nước đứng, sóng vỗ rất nhẹ mà cứ vài bước Thịnh lại nghe có tiếng ùm đất lở. Mặc kệ. Thịnh đang mải dõi mắt tìm kiếm những hình ảnh quen thân từ ngày còn là cậu bé lon ton tắm sông, chạy diều. Không còn ngôi quán giữa cánh bãi. Ngôi quán có tuổi cả trăm năm, là nơi tránh nắng trú mưa của người làm lụng, của lũ trẻ chăn trâu cắt cỏ. Không còn những luống xanh rau màu như những con sóng chạy từ mép sông vào sát chân đê. Không còn những hình nộm giang tay vẫy cờ đuổi lũ chim nhặt trộm hạt. Mỗi bước chân là thêm một xót xa những không còn... Không còn dãy cần vó lều như những tháp nghiêng nhỏ nhắn nghiêng nghiêng bên bờ sông. Không còn cây ruối già là nơi bao nhiêu lứa trẻ xóm bờ sông cột gốc dây diều sáo... Ký ức níu bước chân, xui khiến Thịnh đứng thẳng người hít một hơi thật sâu. 

Một lần... Thêm một lần nữa... Không thấy ùa vào lồng ngực mùi thơm của cải hoa vàng. Mới ngày nào cứ độ này chỉ ra khỏi đầu xóm là đã được đón vào hơi thở mùi hoa cải cay cay nồng nồng không lẫn với bất cứ thứ mùi thơm nào thăng lên từ cánh bãi. Thật là không còn thứ mùi thơm mà bất cứ ai chỉ nghe kể thôi cũng muốn về ngay xóm bờ sông, chạy ra cánh bãi tung tăng dọc ngang những vạt cải hoa vàng, giang tay ưỡn ngực hít không biết chán mùi thơm cay cay nồng nồng. Chỉ một lần thế thôi cánh bãi xóm bờ sông sẽ là kỷ niệm ấm áp suốt cuộc đời. Nhưng không còn nữa rồi. Cánh bãi đã biến mất rồi...

Đến giữa quãng đê lượn hình yên ngựa Thịnh nhìn thấy người đàn ông chống đòn gánh đứng nhìn bãi nước. Đích thị là chú Đằng. Vợ chồng chú có nghề thả lờ, câu cáy. Thịnh rảo bước.

- Chào chú. Cháu Thịnh đây ạ.

Chú Đằng quay lại chăm chăm ánh mắt giây lát, buông rơi đòn gánh, ôm vai Thịnh lắc lắc:

- Sao mày về muộn thế?

- Xe đúng giờ đấy chú ạ - Thịnh cúi xuống nhặt chiếc đòn gánh lên - Cháu ra quân rồi. Nếu chú không giấu nghề cháu xin làm đệ tử. Món tiền ra quân đủ mua lờ rải cả cây số sông Lăng chú ạ.

Chú Đằng đón chiếc đòn gánh chọc chọc xuống mái đê, thở dài.

- Từ ngày cánh bãi biến mất tôm cá cũng rủ nhau đi cả. Ngược xuôi sông Lăng bao nhiêu quãng sông bị tàu hút sâu như vực, bờ bãi sạt lở năm nào cũng có sự nước tràn, đê vỡ. Xa gần nhiều người phải bỏ nghề sông nước, đăng đó. Tao chỉ năm thỉnh mười thoảng mới thả vài chục lờ cho đỡ nhớ nghề.

Hai chú cháu trở lên mặt đê, rảo về xóm. Chú Đằng chậm bước lại, đổi tay cầm đòn gánh khó nhọc như đang mang vật nặng.

- Có việc sớm muộn mày cũng biết. Tao không đành để người đi xa về phải biết qua người khác. Tao bị bãi chức trưởng xóm rồi.

Thịnh vấp chúi, may víu được được bờ vai chú Đằng thoát cú ngã sấp. Chú Đằng thủng thẳng lời nói mà ăm ắp nỗi xót xa phận dân bất lực. Năm ngày sau cuộc họp bất thường bốn con tàu hút cát chia quãng cắm neo trên quãng sông bao cánh bãi. Hai tuần sau xuất hiện vết nứt dài giữa bãi, ven mép sông có dấu hiệu đất lún. Một buổi sáng vợ chồng ông Bảo đang xới ngô thì vạt đất rùng rình chìm lút kéo theo hai người, may những người làm phía trong kịp chạy ra cứu. Chú Đằng tức tốc vào báo cáo chính quyền.

Chủ tịch xã hứa sẽ cùng lãnh đạo công ty ra xem xét hiện trường. Lời hứa chắc hóa cơn gió thoảng. Ít hôm sau, qua đêm mưa rào một góc cánh bãi biến mất, ngôi quán cổ nghiêng nứt tường, xô ngói. Dân xóm bờ sông làm đơn kêu cứu. Thằng bé từng ra xóm bờ sông xin nhập hội diều, cùng chí chóe luộc ngô, nướng khoai... bây giờ là một ghế quyền lực. "Quyền lực ghế" thản nhiên nói với những người đáng bậc cha chú: "Chính quyền sẽ xem xét sự việc. Nhưng các vị đông đàn thế này khác gì manh động...". Sau một trận lũ cánh bãi hoàn toàn biến mất.

Thịnh nhẩm tính đã ba năm dân xóm không được vung cuốc lật đất cánh bãi, lũ trẻ chịu mất ba mùa diều. Thế mà thư ra đảo không ai nói đến việc ấy. Chỉ vài tuần trước khi ra quân Thịnh nhận được điện thoại của một "tướng diều’’. Nó khoe xóm bờ sông ba đứa đỗ đại học, một đứa được vào thẳng học viện âm nhạc. Thịnh hỏi đến mùa diều tới đứa nào thay nó làm tướng thì nó lảng sang chuyện khác. Vì sao cả đến bố mẹ cũng giấu chuyện cánh bãi? Thịnh níu tay chú Đằng:

- Chuyện buồn thế sao không ai cho cháu biết?

Chú Đằng dừng lại nhìn ra phía bờ sông, nhìn về phía xóm:

- Xóm ta dăm chục nóc nhà việc lớn việc nhỏ biết bảo ban nhau. Việc mất cánh bãi nghĩ ngợi chiều nào cũng thấy ra sự bất lực, kiếp nạn phận dân cái kiến. Con em đi làm ăn xa bao nhiêu nỗi vất vả, lo toan bỗng dưng biết chuyện buồn ở nhà chỉ thêm hoang mang, khổ tâm, hao sức. Với mày đang ở nơi trùng khơi, bao nhiêu hiểm nguy rình rập càng không nên biết vội.

Năm ngày sau khi về Thịnh mới vào ủy ban làm thủ tục quân nhân xuất ngũ. Anh xã đội trưởng đọc xong tờ phiếu quân nhân, nhổm người qua mặt bàn vỗ vai Thịnh:

- Chúc mừng chú mày. Những lời nhận xét của các thủ trưởng thật trên cả tuyệt vời. Thật xứng danh con nhà lính nòi.

Chủ tịch xã ngồi bàn trong nói với ra:

- Sao muộn thế đồng chí. Theo luật là có sai đấy nhé!

Qua cổng trụ sở Thịnh ngoái lại tưởng quên xe đạp, sực nhớ đi bộ vào đây.

Ngày đang ngả sang chiều. Ước gì đường về không phải đi trên quãng đê bao cánh bãi đã biến mất. Không có lối nào khác và cũng không thể nhắm mắt mà đi được. Mùa sắp sang thu, nắng vàng mơ, gió chính nam hây hây. Về đến đầu cánh bãi đã biến mất Thịnh cảm giác cái nắng cũng khác đi và gió cũng khác thứ gió trên đường làng, trên cánh đồng. Nắng uể oải nhợt vàng trên mênh mang nước và gió thổi sóng vỗ chân đê, tiếng vỗ như rên như khóc. Những cái bắt tay ma quỷ đã cướp đi cánh bãi công sức thiên niên phù sa tụ bồi và con người gìn gữi, mở mang. Những gì chúng cướp đi có những thứ tính được bằng tiền bạc, nhưng nhiều hơn là những cái bị mất không thể tính bằng tiền, không tiền bạc nào bồi hoàn được. Thịnh vấp chúi, may phải gốc cỏ mềm đầu ngón chân không tóe máu nhưng cái đau thuốt tận đỉnh đầu. Sau ngày về Thịnh đi chào bà con khắp xóm. Vui mừng người lính đảo bình an trở về không che khuất được nỗi buồn phận dân thua thiệt. Không còn cánh bãi để dân xóm sớm nắng chiều mưa, nhọc nhằn nhưng rộn ràng mùa vụ. Mấy chị mấy cô qua sông lên phố phụ bán hàng, rửa bát... 

Mấy bác, mấy anh đi phu hồ, bốc vác bến đá, bến than... Nhà cụ Bảo cửa đóng then cài, cỏ mọc lưng cánh cổng. Cụ là người đầu tiên bị mất vạt bãi, giờ hai cụ vào làng ở với con gái. Cánh bãi biến mất, cả một vùng quê mất đi những loại hạt giống, cây giống tốt nhất đã quen với đồng đất và lối gieo trồng từ nhiều đời. Anh Quý phải hủy hợp đồng cung cấp hạt giống cho công ty giống cây trồng, hai vợ chồng anh đi đóng gạch thuê. Nghe tin Thịnh về anh Quý sang ngay. Nỗi buồn mất mảnh đất sinh kế và nhọc nhằn việc thổ mộc khiến anh gầy sọm già đi cả chục tuổi. Vợ chồng con gái bác Công bị cướp đi dự án hợp tác với một công ty của ngành du lịch. Họ dự định vay vốn đầu tư xây dựng cánh bãi thành một điểm du lịch. Đan xen với dãy vó lều là dãy lều thủy tạ. Khách về cánh bãi sẽ có lều nghỉ, cất vó, câu cá trên sông, thưởng thức đặc sản cánh bãi, ngắm cảnh, chụp ảnh kỷ niện với những luống cải hoa vàng, những luống cây hạt giống đặc sản... 

Buổi chiều sau ngày về, ra khỏi ngõ một quãng Thịnh gặp lũ trẻ đang quây quần chơi bi quanh gốc cây gạo. Thiếu đi mấy đứa trẻ cùng Thịnh thả diều ba năm trước nhưng thêm mấy đứa nhỏ tuổi hơn. Nếu cánh bãi không biến mất giờ này bọn trẻ đã ở ngoài cánh bãi với chiếc diều sáo. Không còn trò chơi này bọn trẻ dễ dàng bày ra trò chơi khác. Thịnh đứng với lũ trẻ một lúc rồi mới đi tiếp. Được vài bước Thịnh ngoài lại thấy lũ trẻ đứng cả lên nhìn lên trời. Ngơ ngác, Thịnh ngước nhìn theo. Không thấy cánh diều chao lượn nhưng nghe thoảng tiếng sáo ri ro. Thì ra tiếng sáo diều vọng lên từ bên kia sông. Làng bên kia sông vẫn còn cánh bãi. Thì ra bao nhiêu trò chơi dù cuốn hút đến đâu trong tâm trí lũ trẻ xóm bờ sông vẫn không nguôi khát nhớ tiếng sáo diều. 

Hơn một lần nhủ lòng hãy khoan nhưng qua gốc gạo một quãng Thịnh rẽ ngay vào ngõ nhà Đào. Nhác bóng Thịnh vào cổng, Đào đang cho con bú chạy tuột vào buồng. Thịnh ngồi với mẹ Đào. Chuyện người mẹ kể lẫn vào tiếng khóc của con, của cháu vọng ra từ trong gian buồng kín cửa. Cánh bãi biến mất Đào lên phố làm thợ may. Cô gái mát tay trồng rau gieo đậu bị phụ mối tình đầu. Cô bạn cùng tuổi Thịnh cam chịu mất thời con gái chứ quyết không làm việc thất đức. Rồi Đào cũng đi ra cho Thịnh được bế thơm cậu bé đẹp như thiên thần. "Tớ sẽ làm cho nó chiếc diều đẹp nhất hắn ạ". Đào gật đầu, nụ cười thoáng trên môi nhưng mấy giọt nước mắt rơi trúng bàn tay Thịnh xoa xoa mái tóc tơ của cậu bé.

Ùm... Ùm... Tiếng đất lở khiến Thịnh giật mình khựng lại. Tiếng đất lở vô tình hay có gì huyền bí tác động vào cơn sóng vỗ chân đê níu Thịnh dừng lại đúng quãng đê muốn đi qua thật nhanh? Từ chỗ Thịnh đứng trải theo chân đê hơn hai trăm mét và chạy dài bảy trăm mét ra tận mép sông là vạt bãi chung của hai nhà. Trên vạt bãi này bố tập cho Thịnh đi đường cày đầu tiên. Trên vạt bãi này lần đầu tiên Chi được mẹ bày cách tra hạt ngô. Vụ ngô ấy bội thu. Từ ngày ấy mỗi kỳ gieo giống đầu năm Chi được chọn gieo hạt lấy may cho cả xóm. Vạt bãi chung hai nhà chứng kiến bao nhiêu là vui buồn của người lớn và trẻ con bây giờ chỉ còn một miếng như mảnh chiếu rách lập lờ giữa một vùng nước mênh mông mỗi lần sóng vỗ là thêm một mảng đất ùm rơi. 

Thịnh nhìn miếng đất chợt nóng bừng cả người với òa hiện một lần chơi trò đuổi bắt trong bãi ngô. Thịnh vấp búi cỏ ngã đè lên người Chi. Vì vướng dây cỏ khó ngồi lên ngay được thế là lũ bạn vỗ tay reo hò: " Chi thắng rồi... Cố lên...". Phải đến cả tháng trời hai đứa mới hết ngượng mỗi khi gặp nhau. Cánh bãi biến mất Chi xin đi làm ở công ty giầy da. Một hôm làm tăng ca về khuya đến giữa cánh đồng Chi bị bọn thú người đón đường hãm hại. Chuyện xảy ra đúng đêm Thịnh xuống tàu về đất liền. Hôm Thịnh về đến nhà cũng là ngày Chi phải chuyến lên bệnh viện tâm thần. Bất chợt cơn gió thoảng. Cả cánh bãi với miên man hoa cải vàng òa hiện cùng lúc với tiếng ùm đất lở. Thịnh vội đưa tay dụi mắt, bước như chạy gằn về phía xóm.

Truyện dự thi: Cánh diều đã bay lên - Ảnh 2.

Hình minh họa truyện dự thi "Cánh diều đã bay lên". (Ảnh: Internet)

Mới tinh mơ ngày đã có tiếng bước chân như nện vồ qua cổng. Thịnh bật khỏi giường chạy ra. Bố Thịnh từ ngoài vườn rảo về. Chú Đằng đặt như ném xách lờ xuống sân, thở dốc.

- Nguy rồi bác ạ!

- Nguy sao? - Bố Thịnh hốt hoảng đến đứt lời.

Chú Đằng huơ tay ra phía đầu xóm:

- Ngôi miếu nguy rồi. Em đi thu lờ về qua cửa miếu thấy có vết cỏ rẽ lối như có con trăn lớn vừa trườn qua. Thì ra đây là vết đất nứt chạy dài cách cửa miếu chỉ mươi bước chân.

Xóm nhỏ, khói bếp đầu xóm la đà cuối xóm. Một loáng mấy chục con người đứng ủ rũ trên sân ngôi miếu cổ. Chuyện xưa còn mãi trong lòng dân. Sau cái đêm có bọn người xấu tụ tập làm việc bất nhân, liền mấy năm cánh bãi thất bát, rau đậu sâu bọ, ngô khoai cộc cằn. Một sớm mai có con chim đậu ngọn cây đầu bãi cất tiếng kêu khắc khoải : "A... ương... A... ương...". Người già trong xóm luận rằng con chim rất lạ, tiếng kêu nghe như tiếng người ngắn lưỡi, có thể tản ra là: "Ta thương... Ta thương...". Dân xóm bờ sông góp tiền xây miếu, tôn linh vị thần bãi, mùng một ngày rằm hương đăng, lễ chính ngày hai mươi tháng giêng, trước ngày gieo lứa đậu đầu năm. Từ sau ngày lập miếu cánh bãi mỗi năm mỗi rộng thêm, rau màu đủ loại mùa nào thứ ấy nổi tiếng khắp vùng cửa sông Lăng.

Chú Đằng thọc cánh tay xuống khe nứt giơ lên trước đám đông, thõng xuống ngay. Phù sa đỏ au suốt cánh tay chú. Thịnh đứng bên cạnh chú nghe rõ từng giọt phì nhiêu rơi rơi. Tiếng giọt đất đỏ au rơi xuống vạt cỏ xanh nghe thật êm nhưng đầy xót xa nỗi buồn ngàn năm tích tụ nơi này, buồn vui bó bện với dân tình xóm bờ sông nay mai lở sạt, trôi chìm... Bố Thịnh kéo chú Đằng vào chái miếu. Hai người trao đổi một lúc, bố Thịnh trở ra nói với mọi người:

- Phải kè giữ bằng được ngôi miếu. Việc cấp bách lắm nhưng dân xóm ta chẳng thể trông cậy vào cửa nào được đâu. Tôi xin hiến vườn xoan làm cọc kè.

Mấy bác xô lại trước mặt bố Thịnh.

- Đương nhiên phải kè ngay. Bác khổ vì cánh bãi, vì chúng tôi nhiều rồi. Trước mắt hãy chặt dãy bạch đàn nhà tôi.

- Chặt cả bờ tre nhà tôi...

Vườn xoan bố trồng từ năm Thịnh học lớp bốn. Mười chín cây xoan đào thẳng tắp cao vượt nóc nhà. "Xoan già hơn bà lim". Bố Thịnh đã tính vào mùa đông kem cây chắc nhựa sẽ hạ ngâm bùn, sang năm sửa lại gian nhà. "Thằng Thịnh nhắm chỗ đứa nào đi là vừa...". Những lời nửa khuyên nửa đùa của người trong xóm cũng là ý nguyện của bố mẹ Thịnh. Bố Thịnh dứt khoát:

- Vết nứt thế này phải có trụ kè bằng cây lớn mới chịu được. Nhà tôi có rìu và cưa. Bà con về lấy thêm dụng cụ sang vườn hạ cây. Việc này không thể chậm trễ.

Mười một giờ trưa, mười chín cây xoan đã sẵn sàng vào vị trí. Tranh thủ lúc mọi người nghỉ trưa Thịnh đi khảo sát vết nứt. Ba năm lính công binh Thịnh đã trực tiếp kè chống đê sạt, kè giữ đất bị xói lở. Thịnh lập phương án như đã kè giữ đất ngoài đảo. Bố và chú Đằng tán thành ngay phương án của Thịnh. Trước lúc mọi người chuyển cây ra vị trí cắm kè, chú Đằng nói:

- Cháu Thịnh là lính công binh đã tham gia nhiều công trình chống xói lở kè giữ đất. Cháu đã lên phương án xử lý vết nứt trước cửa miếu. Vết nứt rất sâu và chạy dài, cả vạt đất rộng có nguy cơ trượt ra phía sông. Như thế vị trí cắm cọc kè phải cách xa vết nứt vài mét sau đó hạ cấp vết nứt và đổ đất thịt đầm kỹ.

Mọi người nhất trí đó là giải pháp tốt nhất. Bác Công tạm quyền trưởng xóm băn khoăn:

- Vết nứt như thế phải tồn nhiều đất lèn. Mà phải dùng đất thịt mới chịu được. Cánh bãi chỉ còn dăm miếng đất như vạt chiếu mà là đất màu tơi. Có đem thuyền ra chở vào đầm lèn mấy cũng không bền.

Anh Quý đi làm gạch nghe tin xóm có việc nguy, vợ chồng bỏ việc về ngay. Anh Quý lên tiếng:

- Cách làm của em Thịnh thật tuyệt vời. Ý kiến của bác Công chí phải. Đất đổ lèn mọi người không phải lo. Vườn nhà tôi gạt lớp đất màu là nền đất thịt. Bà con cứ lấy đổ lèn cho thật đầy chắc. Nay mai sau lũ tôi lấy phù sa sông bồi hoàn. Xin đừng ai phản đối.

Thịnh và chú Đằng đo chia quãng cắm cọc kè. Mười chín cây xoan chia quãng đủ vượt qua hai đầu vết nứt tạo được thế an toàn ngoài dự kiến. Mọi người đang ép chiếc cọc cuối cùng thì cụ Bảo chống gậy vào miếu. Ở trong làng hay tin xóm nhà lâm việc dữ cụ bảo cháu gái lấy xe đạp chở ra. Thắp hương cầu khấn thần bãi xong cụ Bảo trở ra chỗ bác Công và bố Thịnh đang gài tre mái kè:

- Xoan tươi thế này làm kè thì tốt lắm rồi. Các anh cho người về chặt hết vườn tre nhà tôi chở ra đây. Cọc tốt, tre già ken dày, đất thịt lèn cho chặt thì lũ lụt nước xoáy đến mấy cũng không lo.

Mọi người có ý ngần ngại. Vườn tre là một phần đáng kể trong cuộc sống của vợ chồng cụ Bảo. Tùy tầm tuổi cây cụ chọn làm cán cuốc cán xẻng, đan rố rá... thứ nào cũng đáng đồng tiền. Bố Thịnh rảo lại với cụ Bảo:

- Thay mặt bà con xin cảm ơn hai cụ. Xin cụ yên tâm. Bờ tre nhà chú Đài đã đủ việc rồi ạ.

Cụ Bảo dứt khoát:

- Đã đủ rồi vẫn phải đủ thêm nữa. Cứ khoảng giữa hai cọc xoan thêm một cọc tre. Hàng chèn ngang cài thêm tre nguyên cây cho thật dầy. Cơ đời này chả biết thế nào. Tính việc hôm nay phải nghĩ cho con cháu ngày mai.

Vượt qua mặt bố Thịnh, cụ Bảo lại chỗ chú Đằng và Thịnh vừa xong việc đo đánh dấu mức hạ cấp vết nứt.

- Chú cháu mày còn coi tao là người cùng xóm thì về chặt tre vác ra đây. Bằng không thì...

- Dạ ... - Chú Đằng vội bước lại trước mặt cụ Bảo, lễ phép - Chúng cháu xin vâng ạ.

Chuông đồng hồ đánh thức Thịnh đúng giờ hẹn - bốn giờ sáng. Anh cai hẹn năm giờ sáng có xe đón ở ngã ba làng. Ít hôm trước hay tin có vết đất nứt trước cửa ngôi miếu cổ nhiều người trong làng ra hỗ trợ việc cắm kè, lèn đất. Trong lúc làm người bạn Thịnh bảo trong làng có anh cai tử tế đang tuyển thợ xây dựng. Thịnh biết anh cai ấy tuổi thiếu niên cũng thường ra xóm bờ sông nhập hội tắm sông, thả diều. Đến tuổi anh đi lính, ba năm ở chốt Vị Xuyên. Ra quân về quê anh đi làm thuê, tiến dần từ phu hồ lên thợ cả rồi đội trưởng đội xây dựng. Thịnh xin số điện thoại, anh em đã vài lần nói chuyện tâm đắc.

Ngoài trời vẫn tối om. Thịnh bật công tắc bóng điện trần hiên. Ở ngoài sân giếng trở vào Thịnh sững lại giữa cửa, ngỡ ngàng. Ánh điện phản chiếu lung linh tấm ảnh phóng to ép bóng làm phông nền tủ kính đặt giữa nhà. Đó là tấm ảnh chụp trước ngày Thịnh nhập ngũ. Chi, Đào, Thịnh và mấy cô bé cậu bé... Tất cả đều đã và đang là thành viên của hội tắm sông, thả diều xóm bờ sông. Người thợ ảnh thật khéo dàn cảnh và chọn góc độ bấm máy. Bọn Thịnh đứng lưng mái đê, phía sau xa xa là vòm cây gạo trước cửa ngôi miếu cổ, tiền cảnh bắt đầu là một quãng sông Lăng, vạt bãi rực rỡ cải hoa vàng, những luống cải bắp đang cuộn như những lớp sóng xanh nối nhau chạy vào chân đê mướt mát cỏ gấu, cỏ gà, loáng thoáng những vạt hoa dừa cạn cánh tím nhụy vàng. 

Gần như cánh bãi những ngày chưa-biến-mất hiện lên nguyên vẹn trong tủ kính. Đấy là báu vật của thiên nhiên, là di sản của biết bao thế hệ tiền nhân. Là bát cơm tấm áo, quyển sách chiếc bút, cánh diều tiếng sáo... Không có lẽ những điều ấy chỉ còn là tấm ảnh, là ký ức? Câu hỏi đồng nghĩa với nỗi uất ức không chỉ là với riêng người dân xóm bờ sông. Nhiều lắm rồi đơn từ các cấp. Mỗi lần đơn là thêm một lần đau thân phận con dân cái kiến. Có lẽ nào mãi thế chăng? Thịnh sực nhớ một lần chú Đằng kể: "Có vị nhận đơn của tao rồi nói có biết cánh bãi ấy đẹp lắm. Khen thế rồi hứa chắc như đinh đóng cột rồi cấm thấy cái mặt đâu...". Mấy hôm trước dân xóm kháo nhau huyện có chủ tịch mới từng là sĩ quan quân đội. Một ý định bừng lên. Như sợ có ai đó cướp mất Thịnh vội vàng mở tủ lấy tấm ảnh giữ khư khư trong tay, ới ra sân với bố vừa bắt đầu bài thể dục buổi sáng:

- Bố... Bố vào ngay... bố ơi.

Bố Thịnh đi vào, vội vàng suýt vấp bậu cửa.

- Có chuyện gì thế?

Thịnh vẫn đứng, đặt tấm ảnh lên mặt bàn:

- Con hoãn việc đi làm bố ạ. Lát nữa con sẽ sang bàn với chú Đằng kèm tấm ảnh này vào lá đơn chú định hôm nay lên huyện.

Bố Thịnh bám thành ghế ngồi xuống, chăm chăm nhìn tấm ảnh trước mặt mặt. Ông đã chín lần đi cùng chú Đằng đưa đơn kêu cứu cánh bãi. Lần thứ năm trên đường đi ông bị xô xe từ phía sau ngã văng ra lề đường. Ông cố nén đau vào phòng tiếp dân đưa đơn rồi mới đến bệnh viện kiểm tra, may chỉ bị sai khớp cổ tay. Thâm tâm ông đã vợi bớt rất nhiều lòng tin vào những con người ông đã trao gửi niềm tin. Nhưng ông vẫn hy vọng sẽ có ngày...

Thịnh ngồi xuống, chỉ tấm ảnh trước mặt:

- Bố ạ...

- Bố hiểu - Bố Thịnh cắt lời con trai - Việc nên làm con ạ. Nhưng nếu có tấm ảnh hiện trạng cánh bãi làm đối chứng biết đâu ông quan mới động lòng trước cảnh tình hôm qua hôm nay. Mà sao bây giờ bố mới nghĩ ra nhỉ.

Thịnh nhao sang vòng tay ôm cổ bố.

- Con biết bố nghĩ ra việc này từ lâu nhưng vì những ai đó nên bố đành giữ kín trong lòng. Bố tuyệt vời. Trên cả tuyệt vời. Con và chú Đằng sẽ làm như ý bố.

Anh thợ ảnh là chỗ thân quen. Thịnh nói với anh việc cần làm gấp. Anh thợ ảnh chỉ tay lên tấm ảnh phóng to làm phông cho cửa hiệu:

- Mấy hôm sau ngày cậu đi tớ ra bãi chụp tấm ảnh này. Từ ngày treo ảnh cánh bãi nhà cậu hiệu tớ đông khách hơn, nhiều người chọn cánh bãi làm nền chụp ảnh kỷ niệm. Cũng không ít người bảo in phóng bán cho họ treo làm cảnh. Họ ra giá cao đáng nể nhưng tớ dứt khoát không. Thằng cu nhà tớ khó nết lắm nhưng cứ bế ra trước tấm ảnh chỉ kia là vạt ngô, kia là hoa cải... Thế là cu cậu hết hờn dỗi ăn bột, uống sữa ngon lành.

Thịnh nhìn cánh bãi thuở chưa - biến - mất. Hoa cải vàng... những luống su hào, bắp cải... vạt hoa dừa cạn... Mắt Thịnh nhòa đi. Anh thợ ảnh vồ vai làm Thịnh giật mình quay ra.

- Gì thế anh?

Anh thợ ảnh chỉ tấm ảnh:

- Tớ sẽ hạ tấm ảnh cho cậu đem đi.

- Cảm ơn anh - Thịnh nắm chặt bàn tay anh thợ ảnh - Trước mắt đem theo tấm ảnh của em và ảnh mới nhất xem thế nào đã.

Chín giờ sáng Thịnh và chú Đằng đã có trong tay hai tấm ảnh. Nhìn vào hai tấm ảnh ai đó lạnh lùng đến đâu cũng bùng nổ cảm giác đối nghịch. Với tấm ảnh này là tâm trạng háo hức muốn ào đến để được chạy tung tăng dọc ngang cánh bãi, ước được như cánh diều sáo vi vu chao liệng trên những vạt hoa cải vàng, những luống sóng rau màu xanh mướt mát... Với tấm ảnh kia là nỗi ngao ngán, là niềm xót xa trước cảnh những con sóng ì oạp vỗ vòng cung bờ đất lở lói và nhấp nhô dăm ba mẩu đất lất phất cỏ dại nổi giữa mênh mông sóng nước.

Chú Đằng và Thịnh là hai công dân cuối cùng của buổi tiếp dân. Chỉ còn mười lăm phút nữa là hết giờ công sở. Chủ tịch huyện như không chú ý đến giờ giấc. Ông đọc như đếm từng chữ tờ đơn khiếu nại của công dân xóm bờ sông. Thịnh phấp phỏng nhìn đồng hồ tay căn từng phút. Chủ tịch vừa đặt tờ đơn xuống mặt bàn, Thịnh đặt tiếp bên cạnh hai tấm ảnh:

- Xin trình chủ tịch bằng chứng.

Chủ tịch huyện cầm lên hai tấm ảnh. Ông chăm chú trong khoảng thời gian còn lâu hơn cả thời gian đọc tờ đơn. Đặt hai tấm ảnh lên trên tờ đơn, chủ tịch nhìn Thịnh:

- Ảnh cậu chụp trước lúc đi đâu đó phải không.

- Vâng ạ - Thịnh đứng lên, liều xưng em - Em chụp trước ngày nhập ngũ.

- Cậu ở đơn vị nào?

- Báo cáo chủ tịch. Em lính hải quân, lữ " En- Mờ - Ba", vùng Bốn.

Chủ tịch huyện đứng phắt lên, bước sang ôm chầm lấy Thịnh:

- Anh em ta cùng sắc lính, cùng đơn vị. Lữ trưởng vật tay với tớ mười keo lão thua bảy, tám. Lão hứa khi nào vào đất liền sẽ trả nợ. Tớ kích kháy rằng anh có lên tướng tôi cũng cho nốc ao.

Buông Thịnh khỏi vòng tay sau một cú vỗ đầu thân mật, chủ tịch huyện nói với chú Đằng:

- Hai chú cháu về giúp tôi thưa với bà con cứ yên tâm. Tôi sẽ thu xếp để sớm về xóm ta bắt thằng đồng ngũ trả nợ thay cho tướng quân của nó.

Cuối tháng ba lũ về. Lũ sớm và dữ. Sông Lăng đỏ ngầu dòng nước hung hăng như con thủy quái lao vào cuộc chiến quyết tử. Đứng trên quãng đê bao cánh bãi đã biến mất cảm giác dòng nước đang ép quãng đê dịch chuyển vào phía nội đồng và sẽ ục vỡ bất cứ nào. Dân xóm bãi thay nhau thơm hương sáng đèn trong ngôi miếu cổ, khẩn cầu thần bãi phù hộ đất lành thoát cơn thủy tặc. Phía thượng lưu cách xóm bờ sông bốn cây số bị vỡ quãng đê dài hơn năm chục mét. Nguyên nhân chính vẫn do tàu hút cát. Đoàn tàu hút cát của công ty Chu Lượng cắm neo quãng ấy từ mấy tháng trước. 

Một buổi chiều Chủ tịch huyện đi ca nô từ thượng lưu về lên ngay với xóm bờ sông. Ông đứng cả tiếng đồng hồ trên quãng đê giữa cánh bãi đã biến mất. Trước lúc xuống ca nô đi tiếp ông nói với những người có mặt: "Cánh bãi từng là chân đế vững vàng cho cả một vùng quê. Để mất đi như thế này là có tội với tiền nhân, với con cháu mai sau. Phải tạo lập lại cái chân đế có từ ngàn đời nay...". Chiều ấy Thịnh và các bạn lên bệnh viện thăm Chi. Bệnh Chi đã thuyên giảm nhưng nỗi đau còn đó ngày về chưa biết khi nào.

Kế hoạch phục hồi cánh bãi được chủ tịch huyện trực tiếp thông báo với dân xóm bờ sông. Công ty thủy nông nhận hợp đồng cắm kè, san lấp. Ba con tàu nạo vét cửa sông Lăng sẽ xả cát và phù sa về cánh bãi. Hai đầu hút xả khá xa nhưng các nhà kỹ thuật đã có giải pháp lắp thêm hệ thống nén đẩy dọc đường ống về cánh bãi. Cát và phù sa xả về sẽ được tính toán chia lớp tạo nền thổ nhưỡng nguyên thủy.

***

Tan cơn mưa bóng mây dân xóm bờ sông ùa ra cánh bãi. Dấu mốc phần đất từng hộ được khôi phục. Đẫy bốn năm dân xóm bờ sông mới được đặt bước chân trên mặt đất cánh bãi. Đất chưa vững nền, bước chân còn lút sâu nhưng người lớn mà như đứa trẻ cứ lội khắp cánh bãi. Có người vốc lên nắm đất xăm soi như không tin cánh bãi đã hoàn nguyên. Chiều muộn, chú Đằng và Thịnh nán lại kiểm tra số đo từng phần đất. Các cụ đã dạy rồi: "Hôn nhân, điền thổ..." hai việc hệ trọng cẩn thận bao nhiêu cũng không thừa. Thịnh kéo đầu thước dây ra đến giữa bãi thì chú Đằng hô to: "Khoan đã". Thịnh dừng lại, nhìn vào. Có người đàn ông dặt dẹo trên lưng mái đê. Chú Đằng chạy lên dắt tay người ấy lên mặt đê rồi xua tay như đuổi gà. Người ấy là Chu Lượng. Xơi no cát quãng sông bao cánh bãi đội tàu ngược dòng lên cắm neo quãng sông chảy qua làng Trình. Dân làng dàn hàng phản đối. Lúc ấy Chu Lượng đang ở trên tàu. Anh ta ra đứng mạn tàu vung tay nói vào bờ. Chu Lượng đang mồm nói tay vung bất ngờ cơn gió mạnh hất anh ta xuống sông bị nước cuốn đi quãng xa. Sau pha xuống gặp thủy thần Chu Lượng mắc chứng loạn thần, mỗi khi cơn bệnh lên đỉnh anh ta lại đi lang thang. Cụ Bảo nói: "Đất làng ta thiêng lắm. Kẻ nào hại đất sớm muộn sẽ phải chịu tội".

Gió chính nam đã về, thứ gió thuận cho việc đồng bãi, cho cánh diều bay lên và những trò ngụp lặn sông nước. Thật tuyệt vời! Chiếc diều năm xưa được gác trên trần nhà vẫn nguyên vẹn, chỉ phải phủi bụi đôi cánh.

Đúng hẹn, Thịnh và lũ trẻ rồng rắn ra cánh bãi.

Hai... Ba...Tung.

Chiếc diều vút lên chao liệng bắt gió rồi đứng in, Tiếng sáo cặp đôi ri...ro... ri ...ro. Đang chăm chú nhìn chiếc diều Thịnh giật mình vì cú đập cánh tay:

- Chú... nhìn kìa.

Thịnh nhìn về quãng đê phía đầu xóm. Dáng người kia không ai khác là Chi. Chi ra viện đúng hôm vạt bãi chung hai nhà xuống giống dưa đỏ. Chi về bất ngờ để chứng tỏ con bệnh đã hoàn toàn biến mất. Lệ quê ai đi xa về gần, có việc vui buồn bà con xóm làng đủ mặt chúc mừng, chia sẻ. Buổi tối Chi về, nhà Chi đông vui như đêm trước ngày Thịnh nhập ngũ. Bà con, bạn bè vui đến mãi khuya. Chi lại chỗ này, ngồi chỗ kia chào hỏi, trả lời. Chi lướt qua chỗ Thịnh vài bước ngoái lại, mặt đỏ bừng: "Không được thoái vị ngôi vua diều nha". Bao nhiêu là tiếng cười. Chi đã hoàn toàn là cô gái xinh đẹp, ngoan hiền nhất xóm bờ sông.

- Cô... Kìa chú...

Thịnh như bừng tỉnh, đi nhanh lên mặt đê. Đằng kia Chi thong thả bước, mẳt không rời cánh bãi đỏ au màu đất phù sa đang chờ lên luống. Thịnh gặp Chi bên gốc cây vọng cách đúng lúc cánh diều chao thêm gió cho tròn tiếng sáo cặp đôi. Ri ... ro... ri... ro...


.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem