Truyện dự thi: Cây thiêng

Bùi Thị Như Lan Thứ hai, ngày 12/04/2021 08:42 AM (GMT+7)
Em cặm cụi ngược núi về nhà. Nhà em ở bản Pác Miều, nằm trong thung lũng được tạo nên bởi cánh cung của dãy núi lớn Phja Mạ. Đứng từ bản nhìn lên, dãy Phja Mạ giống như bầy ngựa lớn nhỏ nằm phủ phục giữa ngút ngàn mây.
Bình luận 0

Từ những cái tai của lũ ngựa chảy ra vô vàn dòng nước tung mình qua khe đá, lao ầm ầm xuống núi làm nên thác Ngườm Điếp. Tụi nước xuống dưới chân núi quấn quýt ôm nhau len lỏi qua rừng rậm, rừng thưa, lặng lẽ dấu mình dưới thung vắng, trườn vòng quanh bản Pác Miều rồi chảy về dưới thị trấn Pác Phày. Nước từ tai ngựa mang màu trắng thanh khiết, gọi là sông Nậm Kháo. Người bản uống nước sông Nậm Kháo nên người già có nước da đỏ au như màu đồng, còn lũ con gái má lúc nào cũng ưng ửng màu phấn hoa.

Truyện dự thi: Cây thiêng - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ truyện dự thi "Cây thiêng". Hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà

Còn phải leo qua mấy con dốc nữa em mới về đến nhà. Ngôi nhà sàn vững chãi chín bậc cầu thang nép mình dưới chân núi Phja Mạ là nơi em cất tiếng khóc chào đời.

Khi em là đứa trẻ, đêm đêm, bên bếp lửa, vào lúc những viên than đỏ rừng rực, mế thường hay kể chuyện cho em nghe. Những câu chuyện của mế chảy vào đầu em như nước suối Nậm Đẻng chưa bao giờ biết dừng. Mế bảo, lúc mế sinh em, cha đi bộ đội xa nhà. Em lớn lên trong vòng tay vỗ về, an ủi của bà, của mế thôi.

Khi em ăn được bảy mùa cây lúa trên nương cho hạt, vào đúng lúc sương muối giăng trắng rừng, trắng núi, bà tự nhiên lôi chuyện về cha ra nhiếc mắng mế em.

Bà nói to mấy đêm liền, nói gì thì cái đầu non nớt của em không nhớ. Cho đến lúc, cái tai mế không chịu nổi nữa, mắt mế chảy nước mọng đỏ, sưng như quả nhót chín thì mế gói quần áo và dắt em đi ra ngoài cổng. Bà chạy theo, giữ chặt lấy em, nghiến răng rít lên:

- Mày đi đi! Đi ngay cho khuất mắt tao, nhưng không được mang theo con Diên.

Mế ôm em nức nở:

- Nó là con của con mà, xin mế nó còn bé quá, mế cho con nuôi cháu.

Bà trợn mắt, cầm tay nải bằng vải chàm của mế, ném tung ra ngoài đường, đóng sập cánh cổng lại, rồi cầm tay em lôi sềnh sệch lên nhà, mặc em kêu gào gọi mế đến lạc giọng.

Em khắc khoải nhớ mế, ngày ngày, em ra ngoài gốc bưởi già đón đợi mế trở về mà không thấy. Em rất sợ mế không trở về với em nữa. Mế ra đi được hơn tháng, vào dịp cả bản ngập tràn hương rượu ngô nồng nàn, các bà, các mế trong bản rủ nhau vào rừng hái lá dong, lá chít về gói bánh chưng, bánh vắt vai chuẩn bị đón tết về. Em bỗng hỏi bà:

- Bà à, sao mế cháu đi đâu mãi không về để vào rừng hái lá dong gói bánh?

Sau một thoáng trầm ngâm, bà ôm em bảo:

- Dà! Mế mày nó là đứa hư đốn, nhắc đến nó làm tao bực mình!

Em òa khóc tức tưởi, bà dỗ:

- Mày khóc làm gì chứ? Tết không có mế mày thì vẫn vui đấy. Cái chân đi chán nó khắc về.

Là bà nói thế để dỗ em thôi, chân mế quên lối về thì biết bao giờ em mới được gặp mế? Em nhớ cái tết năm đó, mắt suốt ngày ướt dượt, mặt ủ ê như bông hoa héo. Em không đi chơi cùng tụi trẻ trong bản.

Trời buông bóng tối xuống nhanh quá thôi, gió lạnh túm chặt lấy em như muốn lôi đi, trong gió có hương thơm man mác của hoa trái, có mùi thơm của bánh chưng, bánh khảo, có vị rượu nồng ấm... báo hiệu cái tết đang về.

Chỉ còn vài bước chân nữa là em lên đến nhà rồi. Em không biết phải làm thế nào đây? Trong đầu ngổn ngang, rối bời mà em không biết phải làm sao? Bất giác. Em quay người đi xuống núi. Nhưng, đi đâu bây giờ? Giá như không phải ngày giáp tết thì em trốn ở nhà lũ bạn để mặc bà mong đỏ mắt. Mong chờ mãi không thấy em về khắc chán thôi, không bắt em phải làm những điều em không muốn.

Em leo lên dốc rồi đi xuống không biết bao lần rồi. Chân mỏi nhừ muốn rụng ra, bờ vai ướt đẫm sương. Em đứng dựa vào gốc cây bưởi đầu dốc mà thở. Cây bưởi này to lắm, thân nó ba người vòng tay ôm không xuể. Quanh năm, suốt tháng ra hoa, kết trái, toả hương thơm ngào ngạt.

Bản em nhiều bưởi lắm. Bưởi chua, bưởi ngọt mọc thành rừng, nhưng không có cây nào to như thế này, mà cũng không cây nào nở hoa, kết trái bốn mùa như thế. Người bản gọi nó là "cây thiêng", khách quý, khách du lịch nơi xa đến, già bản không bao giờ quên hái mấy quả biếu làm quà. Cũng vì cây bưởi quí này mà bây giờ em đang gặp chuyện khó nghĩ.

Chuyện của em có phần nào đó giống chuyện mế ngày xưa. Em ao ước, giá bây giờ em được ôm mế mà dãi bày, vơi đi cái buồn bực đang nhộn nhạo trong đầu thì tốt biết mấy. Em không còn giận mế nữa, từ sau ngày mế đột nhiên trở về. Sau đó, mỗi độ xuân sang, hoa đào nhuộm thắm sườn núi, mế trở về nhà ăn cái tết với hai bà cháu vài hôm, rồi vội vàng quày quả ra đi. Những đêm hiếm muộn được ngủ với mế, em bỗng hiểu ra...

* * *

Đêm. Miên man gió. Hương bưởi nồng nàn ăm ắp.

Em nằm quay lưng lại mế, tiếng thở dài dồn nén của mế buốt nhói sau lưng em. Trong bóng tối, mế ôm ngang, kéo em lại gần. Em dãy dụa hất tay mế ra, nói dằn dỗi: - Bỏ ra!

Mế nhẫn nhịn, dịu dàng: - Diên à, lớn lên con khắc hiểu thôi! Đừng giận mế mà.

Mế nói mãi, kể mãi. Đêm này qua đêm khác, lời mế thủ thỉ đưa em về một miền ký ức xa xôi.

... Mế là đứa con độc nhất của bà ngoại. Ông ngoại người dưới xuôi lên trên bản làm nghề gác rừng rồi lấy bà. Khi mế ăn được năm cái tết, biết đi nương cùng bà gieo hạt ngô, hạt đỗ thì ông về thăm quê. Không biết vì sao ông phải lòng một người đàn bà và ở với người ta, không trở lại bản. Bà đau lòng lắm, bà bỗng nhiên trở nên khó tính. Bà thường vô cớ mắng mế. Bà trì chiết: - Vì bố mày, vì mày mà tao khổ.

Biết tính bà, mế nhẫn nhịn và làm theo ý bà để bà vui lòng. Nhưng rồi chuyện gì đến thì cũng đến thôi, như con nước dưới lòng sông ấy, đâu có phải lúc nào cũng êm đềm mà chảy? Giọng mế xa xót bùi ngùi.

Năm ấy, bản Pác Miều được mùa bưởi. Sắp đến tết, rừng bưởi từ núi xuống bản rực lên màu vàng của quả. Già bản bảo, tụi con gái mạnh chân, khoẻ tay thì đi bán. Gái bản lũ lượt cho bưởi lên lưng ngựa thồ xuống dưới thị trấn Pác Phày. Bán được bao nhiêu, trừ tiền chơi chợ, còn thì mang về gộp lại, chia đều cho các nhà trong bản. Từ lâu người bản vẫn làm thế. Bưởi được mùa, biếu không hết, ăn nhiều rồi thì mang xuống chợ bán, thêm tiền chi tiêu.

Ôi dà, tụi con gái sướng quá, bán cho vui, đi chơi chợ tết là chính. Xuống chợ được đi hát, được gặp người quen ngắm nhìn nhau vui lắm. Dân dưới thị trấn nhìn bưởi Pác Miều là xúm đông, xúm đỏ mua. Bưởi đẹp để lên ban thờ mới tốt. Nhà ai cũng cần bưởi thờ. Vừa mua, vừa được nói đùa dăm ba câu với các cô gái của Pác Miều thì ai cũng muốn.

Khổ cho mế em, đây là lần đầu được đi xuống chợ. Mế là người con gái trẻ, đẹp nhất bản. Khuôn mặt mế tròn trắng như trăng ngày rằm, đôi mắt đen láy, trong vắt như giọt nước trong nhũ đá. Mế được già bản chọn làm cái việc, biếu quả ở "Cây thiêng" cho những người đến chợ, lấy may cho bản mùa hoa trái năm sau.

Mế lúng túng mãi rồi cũng chia hết số bưởi, cho đến lúc trong "thạ" còn một quả thì bất chợt, đôi mắt trong trẻo của mế vấp vào đôi mắt đắm đuối của một người trai. Mế lúng túng, ấn luôn quả bưởi vào tay người ấy, rồi vội chạy đến bên con ngựa nâu, quên luôn nói lời chúc phúc như già bản đã dặn. Người trai ấy theo chân mế về bản. Và đêm ấy, dưới chân thác Ngườm Điếp hai người thức trắng đêm.

Sau vài mùa trăng hẹn hò thì bà ngoại biết chuyện. Bà cấm cửa không cho mế ra khỏi nhà. Bà lạnh lùng bảo:

- Nhà nó giàu, có mình nó là con trai, mày lấy nó thì cũng làm con ở cho nhà nó thôi. Tao cấm!

- Mế à, con nhận lời của người ta rồi.

- Hừm! Không được! Nhà này phải lấy rể về.

Trời đất tối sầm dưới chân mế em. Thì ra, bà muốn lấy rể, bà không đồng ý cho mế với người ấy chỉ vì bà muốn giữ con ở nhà với mình.

Đêm trăng sáng vằng vặc. Từ dưới bờ sông, lời lượn của tụi con gái, con trai văng vẳng giữa non ngàn. Trong lời lượn da diết, quấn quít ấy, vút lên tiếng sáo trầm bổng của người con trai dưới thị trấn. Tiếng sáo dạt dào như nước sông Nậm Kháo, mê miên tựa sương sớm, như giận, như hờn, như giục giã theo gió lọt qua cửa, len theo khe liếp làm mế bật khóc rưng rức.

Ba tháng sau, bà bắt mế phải lấy một người cháu họ xa gọi bà bằng cô. Bà bảo: -Pò, mế nó nằm dưới đất lạnh lâu rồi, nó ở đây tao vui trong bụng. Mày phải quên thằng trai kia đi mà sống với nó.

Ngày cưới đến, mế em trốn đâu đó cho mãi hôm sau mới về. Mặt ủ ê, xanh như lá dáy héo. Dân bản xì xào, lần đầu đám cưới vắng cô dâu. Chẳng hiểu sao, năm đó "Cây thiêng" không ra hoa, kết trái. Người già ở bản buồn mãi về sự lạ ấy.

Mế em ở với cha chưa đầy một tuần trăng thì cha đi bộ đội. Cho mãi đến bây giờ, người bản vẫn không nguôi thắc mắc, sao cha em đi mãi không trở về bản với mế con em? Vì sao mế lại bỏ em mà ra đi?

Đêm sâu hun hút. Nước sông rì rầm. Mênh mang.

Mế ôm em vào lòng, mế nói với em đừng giận mế nữa, mế không làm điều gì để em phải xấu hổ. Mế đi vào lâm trường trồng rừng thôi. Trong núi xa không có trường học, mế không dám đưa em vào ở. Bà cũng không cho em đi cùng mế. Mế dặn em phải cố học nhiều chữ để cái đầu khôn ra. Mế thương em nhưng không biết làm thế nào, mế không dám trách bà, tại cái số mế vất vả nên mới thế.

Tiếng mế nghèn nghẹn lẫn vào tiếng nấc thổn thức... Em ôm chầm mế, bật kêu hai tiếng "Mế à"! Đêm ấy, em ngủ ngon lành trong vòng tay mế, lúc em mở mắt ra thì mế không còn ở nhà nữa. Em hoảng hốt lao xuống chân cầu thang, chạy ra cổng gọi mế. Bà từ ngoài bãi đá đi về, lạnh lùng bảo:

- Nó đi từ lúc con gà chưa cất tiếng!

Mắt em nhòe ướt: -Sao bà không giữ mế cháu ở nhà?

- Cái chân nó ai giữ được?

Em buồn, lững thững đi lên gốc "Cây thiêng". Trời không gió, sao em nghe như có tiếng lao xao từ trong vòm lá. Bỗng nhiên, vô vàn giọt nước nhỏ như mưa bụi bay ra, để rồi ngàn cánh hoa trắng ngần lả tả rơi trắng mặt đất, rơi vào khắp người em. Năm ấy "cây thiêng" ra có một quả, đung đưa lạc lõng ở trên cành. Người bản không ai dám hái. Quả bưởi ở trên cây, mang vỏ màu xanh mãi đến mùa sau mới chín vàng.

* * *

Không biết em đã đứng bao lâu dưới gốc "cây thiêng" ngẫm nghĩ. Chẳng lẽ đứng ở đây cho đến hết đêm? Bỗng nhiên, em thấy sợ phải về nhà! Em sợ phải gặp bà. Có phải bà muốn em bỏ đi như mế hay sao mà cố ép em vào thằng trai ấy? Cách đây hai mùa con trăng, một buổi tối bên bếp lửa, bà thủng thẳng nói:

- Diên à có thằng Khấu ở Pác Lày hỏi mày làm vợ.

Nghe bà nói, em giật mình suýt nữa đánh rơi quyển sách. Sau giây phút ngỡ ngàng, em bảo:

- Cháu còn đang học dở chữ mà.

- Dà! Con gái học nhiều làm gì a? Cả đời tao không biết chữ có sao đâu? Chữ vào đầu có no bụng được không? Mày ở nhà thôi!

- Không! Cháu phải học nhiều chữ nữa. Có chữ rồi khắc nghĩ ra việc làm để no bụng thôi.

Bà cau mặt lại, ném cái nhìn sắc như dao sang em:

- Tao già rồi không làm ra cây lúa, cái bắp để nuôi mày đi học! - Sau một thoáng im lặng bà bảo: - Mế mày không biết chúi ở đâu? Gần hai cái tết qua đi không mang tiền về nuôi mày. Giờ có người hỏi mày làm vợ, nó đồng ý ở rể cái nhà này thì tốt quá rồi.

Em rơm rớm nước mắt: - Bà à, cháu không lấy người ta đâu, cháu đi học thôi! Qua tết, đến hè mế cháu không về, cháu đi tìm.

Bà lắc đầu: - Ây! Tao không nuốt lời với người ta. Thầy mo bảo thằng trai này lấy vợ gần chỗ có cây bưởi thiêng thì tốt.

Em cố ghìm tiếng khóc, giọng như đặc lại: - Bản này nhiều con gái lắm mà, bà bảo người ta tìm đám khác.

Bà quắc mắt: - Nó chọn mày! Mà nó là thằng trai to khoẻ để mày dựa vào. Mày không đồng ý không được.

Đêm ấy, mắt em no nước. Em không ngủ nổi, đầu nhộn nhạo như có lũ ve kêu rỉ rả...

Bây giờ chắc muộn lắm rồi sao nhà em vẫn sáng đèn và nhiều người đi lại thế kia? Có lẽ em phải về thôi. Về để nói với bà, em không thể làm vợ thằng trai lạ ấy. Bà ép em không được đâu. Em không thể giống như mế trước kia.

Nghĩ thế, em thấy đầu tự nhiên nhẹ bẫng, khẽ ve vuốt thân "cây thiêng", ngửa mặt nhìn vòm lá lấp lánh trong ánh trăng, em thì thầm: - Cây à, mày đừng để bà làm tao khổ!

Cây bưởi khẽ đung đưa tán lá, toả hương thơm dìu dịu, phấn hoa lắc rắc. Rì rào khe khẽ, cây như muốn an ủi, em hãy an lòng mà về đi, kẻo trời lạnh thế này ốm đấy. Trăng ở trên cao toả ánh sáng bàng bạc, lặng lẽ trôi mãi xuống dòng Nậm Kháo dập dềnh sóng nước.

Em lên cầu thang. Người bản ngồi chật sàn nhà, đứng kín sàn phơi. Còn đang ngơ ngác, chưa biết chuyện gì, già bản Dần kéo tay em, nói:

- Ây! Mày đi đâu giờ này mới về để người nhà mong đỏ mắt? Cha, mế mày về từ lúc mặt trời chưa trôi xuống núi. Cái con này mải mê đi học hay đi chơi?

Mế em ngồi cạnh bếp lửa, múc nước từ nồi đồng ra phích bằng muôi gỗ. Em ào xuống bên mế, oà khóc tức tưởi:

- Mế, sao lâu mế không về? Mế ở nhà thôi, mế đừng đi nữa. Con sợ...

Mế lau nước mắt cho em, bảo:

- Dà, cao ngang cột nhà còn khóc. Mế sẽ ở nhà với con thôi! - Mế khẽ nói:

- Diên à, chào cha đi. Cha con đây!

Em chợt quay sang người đàn ông khoác trên mình bộ quần áo bộ đội bạc màu, mái tóc đốm bạc, đôi mắt hiền từ nhìn em đăm đắm...Bỗng nhiên, miệng em như bị dính lại. Em không thể cất tiếng nói. Không chào nổi. Từ lúc bé em đã quen không có cha. Bên tai em có tiếng lao xao của ai đó:

-B ộ đội Sinh à, cái Diên nó giống mày quá thôi!

Bà em bỗng thở dài, tựa như tiếng cưa xẻ gỗ, bà chép miệng:

- Gia đình con cái xum họp tốt rồi, có thằng cháu tôi là thiệt thòi thôi! Cưới xin tử tế, hoá ra dùng đồ thừa của người khác. Cái mặt trơ ra không biết xấu hổ nữa à?

Già bản Dần xua xua tay thủng thẳng nói:

- Nó là con gái bà, có phải người lạ đâu. Chuyện cũ nói làm gì, giờ mừng chúng nó về một nhà. Cái thằng cháu bà cũng lấy con vợ dưới phố lâu rồi mà!

Dân bản lao xao, mỗi người một câu, rằng bà bây giờ già rồi, mặc chúng nó thôi. Bản mình người ít, đất nhiều, có người về thêm là tốt lắm, cái tết năm nay phải gói nhiều bánh mừng nhà con Diên đoàn tụ.

Em bảo với bà, em không làm vợ cái thằng trai mà bà chọn, em phải học lên cao nữa. Học xong em về, cùng dân bản phát triển nghề trồng bưởi ngọt giá trị cao. Tạo công ăn việc làm cho dân không khổ.

Già bản Dần cười, chuyện không thể bắt em lấy thằng Khấu nói từ lúc em chưa về. Già cùng mế em bảo nhà thằng Khấu mang lễ chạm ngõ về rồi. Cái thằng ấy lười nhác thích chơi không thích làm, lấy nó khổ cả đời thôi. Em nhìn bà như muốn trách, bà làu bàu:

- Nó nói khéo, to khỏe thế, cứ nghĩ nó tốt!

Giờ em hiểu, bao năm nay, giấy khai sinh của em sao vẫn để trống tên cha. Mế dấu kín chuyện để em không buồn. Gần hai năm qua, mế đi tìm cha về cho em. Thì ra, khi mế bị bà bắt lấy người khác, đêm hôm trước ngày cưới, mế tìm cha để nói cho cha biết trong bụng mế đã có em.

Cha đi bộ đội, chân đi nhiều nơi mà không quên được hương bưởi nồng nàn từ người mế tỏa ra. Bây giờ, đầu hai thứ tóc mới được đoàn tụ. Mế bảo, sau đêm gặp cha, mế về kể hết chuyện với người chồng mới cưới, lấy chăn ngủ riêng. Người ấy đi bộ đội, mế cho bà biết chuyện. Bao lâu nay, bà em giận mế nhưng bà thương hai mế con bằng tình cảm có phần ích kỷ, khiến cho em có lúc nghĩ sai. Em buông mế, ra ôm bà, lưng của bà cong lên nhiều quá, thời gian nuốt trôi sức khỏe của bà. Em thì thầm vào tai bà, tha lỗi cho mế con em, trên gương mặt đầy ắp những nỗi niềm của bà bỗng trào ra những giọt nước mắt hiếm muộn. Bà khẽ đẩy em ra, bảo:

- Mày còn không ra chào cha mày đi, có cái chữ hơn người phải biết ai là người đẻ ra mày.

Em ngập ngừng, len lén như con mèo đến bên cha, miệng lí nhí không thốt ra lời. Dường như cha thấu hiểu, cha nhẹ vuốt mái tóc em, thở dài nhẹ như tiếng gió…

Đêm dần trôi về sáng. Tiếng gà gáy ran ran gọi mặt trời. Thế là đã qua đêm, người bản ở nhà em cười nói rôm rả, lâu lắm rồi bản mới có một đêm vui như thế. Già bản Dần rít một hơi thuốc lào, thong thả nhả khói, nói với mọi người:

- Mừng quá thôi, thảo nào "cây thiêng" năm nay sai hoa, trĩu quả đến thế. Bản mình năm nay mở hội Loồng toồng thật lớn, hái bưởi thật nhiều, mời các bản trong vùng đến chia vui.

Ngoài kia, tiếng nước sông vỗ bờ đá to như tiếng trống ngày hội. Gió xuân nhẹ bay mang hương bưởi nồng nàn, vấn vít đất trời.

Thái Nguyên, tháng 1/2021

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem