Ông Tích buông cái cày ở gốc xoài, hối thằng cháu bảy tuổi cho trâu uống nước. Ông ngồi bệt xuống hè tựa người vào cột nhà há mồm thở gấp. Mồ hôi chảy đầm đìa khắp người mà trời chẳng có nổi một cọng gió nào. Thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt. Cả ngày nắng như đổ lửa chẳng dám thò đầu ra khỏi nhà. Năm giờ chiều dắt trâu đi cày thửa ruộng cạn để trồng lạc mà cả trâu lẫn người đều thở không ra hơi. Bảy giờ tối trời còn sáng bửng, oi nồng. Đám gà mái đứng cửa chuồng ngơ ngác chờ trời tối. Bà Tích đang giã cua ngoài giếng, chân còn lấm bùn lên tận gối. Nóng nực thế này chỉ có bát canh cua với ít cà pháo mới nuốt nổi cơm. Nước dưới ruộng chả khác gì mới được đun sôi, luộc chín đám đòng đong cân cấn, dồn đuổi những chú cua lên bờ ẩn náu trong đám cỏ. Bà đội nón cắp giỏ đi vòng một lượt dưới đồng thì được bữa canh. Ông vắt áo lên vai, lững thững đi ra giếng:
- Cua với cáy. Có ngày cảm nắng chết ngoài đồng không ai biết.
- Trời nắng chẳng làm được gì cứ ngồi ở nhà cũng sốt ruột.
- Trồng lạc vào thời tiết này chắc gì mọc được. Có mọc mầm lên rồi cũng chết héo ngay thôi. Hay là đợi trời mưa.
- Cũng chẳng biết bao giờ mới mưa. Có mưa cũng dăm ba hạt chả bõ ẩm đất. Cứ thế này có mà chết đói. Hay là…
- Bà lại định theo mụ Hới xuống thành phố làm giúp việc chứ gì. Cơm người khó nuốt lắm bà ơi. Tưởng kiếm được vài triệu một tháng mà dễ đấy à? Mình nhà quê vụng về, gặp chủ tốt không sao, vớ phải nhà ghê gớm là người ta chửi cho vuốt mặt không kịp.
- Tôi cũng chẳng nỡ bỏ mấy đứa cháu mà đi. Nhưng tháng nào cũng gần hai triệu tiền lãi ngân hàng chưa kể bao nhiêu khoản chi tiêu. Cưới xin, ma chay, đổi mả, người ốm, người đẻ… chóng cả mặt. Mà nhà nông mình chẳng làm gì ra tiền. Vụ lúa vừa rồi trừ tiền phân gio, thuốc thang chả khác nào đi ăn đong. Lợn thì hết đợt dịch này đến đợt khác. Đất đai khô cằn rau cỏ còn chẳng mọc nổi. Cứ thế này có mà chết đói…
"Cứ thế này có mà chết đói" trở thành câu cửa miệng của nhiều người phụ nữ nghèo khổ nơi đây. Khi họ làm việc vất vả quanh năm mà vẫn phải giật gấu vá vai. Tiêu thì nhiều chứ ăn uống bao nhiêu. Một tháng dăm ba bữa cỗ là có khi bán cả đàn chó con còn không đủ. Mà thời buổi cũng lạ, hở cái là mời. Làm cái nhà mà mời đào móng, đổ mái, đến khánh thành. Vừa đi chơi người đẻ được vài hôm đã thấy mời sang ăn đầy tháng. Một người nằm xuống là phúng viếng đám ma, là cỗ bốn chín, một trăm ngày rồi từ giỗ đầu đến những cái giỗ về sau cũng mời đông đủ. Không đi thì ngại mà đi thì tốn tiền.
Nhưng tiêu mấy việc đó còn không tốn bằng tiền thuốc thang. Đến tuổi như ông bà Tích là ổ bệnh trong người. Hết đau dạ dày, vai gáy lại ù tai, chóng mặt. Đấy là còn may, chứ khối người đang khỏe mạnh đùng cái bị ung thư. Thế là vét sạch cửa nhà, vay mượn tứ tung mà cuối cùng cũng tò te tí. Làm lụng chắt chiu cả đời, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc cuối cùng chỉ để dốc vào những viên thuốc đắng ngắt.
- Phàm sinh ra trên đời ai chẳng có nỗi khổ hả bà. Như tôi đây này, vào sinh ra tử chiến trường chẳng chết vì hòn tên mũi đạn mà cuối đời có khi sắp chết nhục vì con.
- Lần này nó mà còn mò về nhà báo nợ là tôi từ mặt.
Ông Tích nằm vắt tay lên trán thở dài. Ông không ngờ cuối đời mình lại khổ đến vậy. Thằng con trai duy nhất trong nhà lao vào đề đóm, cờ bạc đã gần chục năm nay. Từ lúc nó chưa lấy vợ, sinh con cho đến khi cháu nội ông có đứa giờ đã học lớp hai. Ban đầu nó làm được bao nhiêu đánh bạc bấy nhiêu. Sau này nó lừa lọc vay mượn khắp nơi. Cái sổ đỏ của ông cũng đáo hạn mấy lần vì nó. Khi chẳng thể xoay đâu ra tiền thì nó liều mạng vay xã hội đen. Lãi phải trả một ngày có khi bằng cả vụ thóc của vợ chồng ông ấy chứ. Chẳng có tiền trả thì người ta đánh cho thâm tím mặt mày nên bao năm nay nó trốn chui trốn nhủi sống không ra sống. Sự nghiệp tiêu tan, vợ nó cũng bỏ đi để lại cho ông ba đứa cháu cùng một đống nợ lên đến vài trăm triệu.
Mấy năm trước còn sức khỏe, ông theo đứa cháu đi xây dưới Hà Nội, tháng cũng kiếm được vài triệu gửi về cho bà trang trải. Giờ già rồi, chẳng ai thuê cả. Mà xương khớp yếu rồi chẳng may ngã giàn giáo thì toi đời, lấy ai lo cho các cháu. Thôi thì lại về quê, nuôi con lợn, chăm ao cá. Ông tính chờ đất đai lên giá bán đi một thổ trả bớt nợ nần. Nhiều đêm nằm thao thức bà Tích bảo chồng:
- Ước gì mình trúng Vietlott ông nhỉ. Những mấy chục tỉ đồng. Nếu mà trúng xổ số mình sẽ trả hết nợ nần cho con, lợp lại mái nhà, xây mộ tổ tiên. Số còn lại dành để nuôi các cháu học hành.
- Bà có mua xổ số bao giờ đâu mà ước trúng.
- Tại quê mình không bán Vietlott chứ nếu bán tôi cũng đánh liều mua.
- Thằng con bà cũng vì cái ý nghĩ may rủi ấy mà thân tàn ma dại. Tôi chẳng tin. Thiên hạ khối người khổ hơn mình, trời có thương cũng chưa đến lượt.
- Hôm nay đi chợ nghe bảo đợt này xóm mình khối đứa đi xuất khẩu lao động. Kể mà thằng con mình chịu chỉn chu làm ăn có khi tôi cũng cố lo cho nó đi. May chăng đời mới khá.
Ông Tích trở mình. Ngoài kia lặng thinh không một tiếng gió khua. Trời oi nồng, mấy đứa nhỏ thỉnh thoảng lại cựa quạy ngủ mớ. Tội nghiệp, giá như có cái vỗ về của mẹ chắc chúng sẽ mộng giấc lành. Ông lẳng lặng đi ra ngoài sân, ngước lên nhìn trăng mười sáu. Lòng tự hỏi cả đời này ông đã làm gì sai trái đâu mà sao cửa nhà rối ren cơ cực? Ông chỉ lo mai này khuất núi mấy đứa nhỏ biết nương tựa vào ai. Đời chúng còn dài…
***
Bà Tích hớt hải chạy về nhà khoe với chồng:
- Ông ơi, tôi nghe nói bên bảo hiểm Nhân Thọ về xã mình trao quà. Ai đi nghe cũng được tặng một bộ cốc hoặc bát đĩa đấy. Lát ông nấu cơm giúp tôi nhé. Để tôi chạy qua đó xem sao.
- Mình có tiền mua bảo hiểm đâu mà đi nghe.
- Thì cứ đến mất gì. Lấy suất quà rồi về.
- Già rồi còn ham quà. Trên đời này chả ai cho không ai cái gì đâu bà.
Nhưng ông chưa nói xong thì bà Tích đã tất tả chạy ra đến cổng. Bao lâu nay trong lũy tre làng này vốn chẳng có trò gì xôm tụ. Ngày xưa còn thỉnh thoảng có đoàn văn công về biểu diễn phục vụ bộ đội. Thấy có loa thông báo, từ người già đến trẻ con đều háo hức. Nhắc nhau đi làm đồng về sớm, tắm gội thơm tho, mặc quần áo đẹp. Chỉ chờ trời tối là dắt díu nhau đi qua cánh đồng vào doanh trại bộ đội để xem. Ngày ấy vui lắm, quân với dân như cá với nước. Văn công về làng chẳng khác nào ngày hội toàn dân.
Rồi một năm đôi lần hội chợ về làng, hát hò ầm ĩ, hàng hóa ê hề, các trò chơi may rủi như níu lấy gấu áo người xem. Nó khác hẳn phiên chợ quê với rau cỏ, cá tôm, trứng gà trứng vịt. Người dân vét sạch túi tiền để mua một mảnh vải "đẹp chưa từng thấy", những món đồ vốn chỉ nghe đâu đó, đến gói kẹo cho trẻ con cũng vô cùng khác lạ. Chỗ của ông thầy bốc thuốc nam luôn đông khách nhất. Những thang thuốc gói trong giấy báo được bán cho người nhức khớp, đau dạ dày, chướng bụng khó tiêu… về bóc ra thấy hao hao giống nhau. Cây cỏ được băm nhỏ, có khi chẳng chữa được bệnh tật gì cũng chẳng hại đến ai. Chỉ túi tiền của những người đàn bà ở vùng quê nghèo là sạch bách. Vì ai cũng bảo nhau "mấy khi có hội chợ về làng, nếu không mua biết đâu sẽ không còn có lần sau nữa".
Rồi rạp xiếc cũng có khi ghé qua làng nhỏ. Lũ trẻ con háo hức trèo lên tận ngọn cây nghe loa đài thông báo. Thấy ô tô của rạp xiếc bắc loa đi rao quanh làng là lũ trẻ bám theo hò reo còn vui hơn tết. Khỉ biết đi xe đạp, chó biết tung hứng, con voi biết làm đủ thứ trò tiêu khiển. Nửa đêm lũ trẻ còn chưa chịu ngủ, rúc rích kể với nhau về con khỉ biết nháy mắt cười.
Thế rồi thời đại phát triển, nhà nào cũng có ti vi, đầu đĩa. Muốn nghe nhạc gì có nhạc đấy, muốn xem chương trình gì chỉ cần bấm nút chọn kênh. Chẳng cần phải đi đâu, ở nhà nằm khểnh ra giường, vắt chân chữ ngũ xem suốt ngày chán ngấy. Thành ra chẳng ai còn tha thiết với những thứ ồn ã xưa kia. Hội chợ, rạp xiếc không còn về làng nữa…
Giờ bỗng nhiên có công ty bảo hiểm căng sân khấu hoành tráng ngoài trời. Phông bạt rực rỡ, bốn chữ đỏ choét "tặng quà miễn phí" được phóng to hết cỡ đập vào mắt người nhìn. Xưa nay đâu có ai đến làng này tặng quà miễn phí bao giờ. Nhìn trên gian trưng bày bộ ly cốc lấp la lấp lánh, mấy chiếc bát in hoa văn sang trọng ai mà không mê tít. Bà Tích nghĩ giờ mà được bộ ly kia đặt lên chiếc bàn gỗ nhà bà chắc là sang khắp cả căn nhà vốn rất tuềnh toàng. Đàn bà thường vẫn thích những thứ lấp lánh cho dù nó không hợp với mình.
Nên ngoài sân bóng của xã được một hôm chen chúc đông đúc. Những người đàn bà lam lũ thì thầm to nhỏ, cười phớ lớ, mắt dán vào những phần quà. Muốn có quà thì dĩ nhiên phải đợi. Ban tổ chức để đám đông ấy đợi đến lúc sắp rệu rã mới tươi cười niềm nở mang bánh trái ra mời. Họ quan tâm hỏi han sức khỏe mọi người. Họ nói về tình trạng con người ngày càng mắc phải nhiều căn bệnh hiểm nghèo vì thực phẩm độc hại, môi trường ô nhiễm. Họ nói về những hoàn cảnh thương tâm khi mắc phải ung thư mà gia đình không có khả năng kinh tế chữa chạy. Họ nói về chi phí chữa bệnh, những loại thuốc đắt tiền mà cảnh nhà quê có khi bán cả con trâu cũng không mua nổi một ống thuốc. Họ đánh vào hiện thực đời sống. Họ chạm vào nỗi sợ âm ỉ bấy lâu. Họ gãi vào đúng chỗ ngứa. Họ làm cho đám đông túm tụm dưới kia im phăng phắc lắng nghe.
Chờ cho đám đông ngấm từng lời như người ta ngấm thuốc mê, họ bắt đầu nói về sản phẩm của mình. Như cái phao cứu sinh giúp những người nông dân bảo vệ tính mạng của mình và gia đình. Họ hứa quyền lợi, các chi phí được hưởng khi nằm viện hay phẫu thuật và khoản tiền lớn được nhận khi chẳng may có rủi ro tính mạng. Đám đông nghe như nuốt từng lời, mắt sáng bừng như vừa thấy bà tiên ông bụt.
- Đây đâu phải lần đầu có người mời bà mua bảo hiểm đâu. Mà sao trông bà hào hứng thế?
- Nhưng gói bảo hiểm của công ty này lãi suất cao lắm ông ạ. Họ bán bảo hiểm ngắn ngày. Mình mua lại của người hủy ngang hợp đồng, để hưởng lãi suất cao. Khi hết hạn hợp đồng (thời hạn 35, 45, 55, 65 hoặc 90 ngày) sẽ được hưởng toàn bộ giá trị hợp đồng và được nhận lãi suất từ 50 đến 53%. Ví dụ gói một tỷ đồng sẽ được hưởng 530 triệu đồng sau 3 tháng đấy. Làm gì ra từng ấy tiền. Có mà đi tây đi tàu cũng không kiếm được ngần đó ông nhỉ.
- Tôi chẳng tin vào mấy miếng bánh vẽ. Lãi gì mà còn hơn cả bọn xã hội đen cho vay nặng lãi? Mà quan tâm làm gì, mình cũng đâu có tiền để mua bảo hiểm.
- Ấy là tôi nói thế…
Ông Tích đã quên béng câu chuyện của vợ mình vì mải lo phát quang bụi rậm và các loại cây dại để bón phân cho rừng tràm mới trồng. Ông phải cố chăm bẵm cây cối để lúc ốm đau còn có cái mà trông. Ở làng ông giờ người ta dồn sức cho rừng. Những thửa ruộng cạn ngày trước trồng hoa màu giờ cũng bổ hố trồng tràm. Tràm nhanh lớn, ít phải chăm bón, bán cũng có tiền. Sau tầm tám đến mười năm thu hoạch từ vài chục đến vài trăm triệu, tùy theo diện tích. Nhà nông làm gì ra từng ấy tiền. Ông giờ không bám vào rừng và chút sức lực của mình thì còn biết bám vào gì.
Nhưng bà Tích dạo này tâm trí không để ở ruộng vườn, góc nhà, xó bếp. Mà đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến mấy lời nhỏ to rủ rê của các bà hàng xóm. Từ hôm đi nghe cái gọi là "hội thảo khách hàng" tâm trí các bà cứ treo ngược cành cây. Những người có tiền họ bảo nhau "tiền để không trong nhà cũng chả đẻ thêm. Gửi ngân hàng thì lãi suất thấp. Hay là mua bảo hiểm phòng lúc ốm đau? Mà kể cả chẳng ốm đau thì hết hạn hợp đồng vẫn được lấy tiền về cả gốc lẫn lãi cơ mà". Nghĩ thế nên đã có người vét sạch tiền bạc trong nhà mua bảo hiểm. Thấy người này mua người kia cũng háo hức, cậy cục để mua. Nhà bà Tích thì làm gì có tiền. Bà tự nhủ coi như số mình hẩm hiu, thôi thì chống mắt lên xem thiên hạ đổi đời.
Bẵng đi chừng ba tháng thấy có người đến tận nhà đưa giấy mời tham dự lễ tri ân của công ty bảo hiểm. Trong giấy mời ghi "sẽ có một phần quà cho người tham dự". Bà tiếc buổi làm cỏ lúa, nhưng nếu không đi thì còn tiếc hơn vì nghe nói quà lần này còn to hơn lần trước. Lần này tiệc tri ân được tổ chức trong một khu vui chơi ăn uống lớn nhất trên thị trấn. Xa thì đã có xe ô tô đưa đón đoàng hoàng. Nhà nào hai người đi thì được hai phần quà. Bà Tích tính rủ chồng đi cùng nhưng ông bảo còn phải vét bùn ao, chuẩn bị thả đợt cá giống mới.
Đến buổi lễ tri ân bà không khỏi ngỡ ngàng về độ hoành tráng chưa từng thấy. Một chiếc ô tô con mới cóng, màu đỏ được thắt nơ để ngoài sân. Ngoài ra còn có ti vi, tủ lạnh, xe máy… Đều là quà tặng khách hàng VIP của công ty bảo hiểm. Nếu chỉ nghe trên tivi, đài, báo có khi lại nghĩ người ta lừa lọc. Nhưng đằng này người làng bà mua bảo hiểm cũng được tặng hẳn chiếc tivi thì chẳng thật còn gì. Đến những người không mua bảo hiểm như bà còn được tặng suất quà mấy trăm nghìn. Sao mà không ham chứ.
- Hay là mình cũng vay mượn mua bảo hiểm hả ông?
- Nhà nợ đầm nợ đìa, ai dám cho bà vay?
- Hay mình bán bớt một mảnh đất đi ông?
- Bà có khùng không vậy? Đất đai giờ bán cũng chẳng ai mua. Mà tôi không tin vào những thứ quá hời. Cho khéo lại mắc bẫy người ta đấy.
- Lừa đâu mà lừa. Làng mình khối người mua gói bảo hiểm ngắn ngày với lãi suất cao. Tháng vừa rồi họ nhận lãi đầy đủ đấy thôi.
- Có đúng như trong hợp đồng không?
- Thì đúng chứ sao. Nếu không tin mai ông đi mà hỏi.
Hôm sau ông Tích đi quanh làng một vòng. Đâu cũng thấy người ta bàn đến việc mua bảo hiểm nhân thọ hưởng lãi suất cao. Người này rủ người kia, nhà bán trâu bò, nhà bán thóc gạo, người giỏi xoay xở thì vay mượn khắp nơi. Nhà bà Bảy nghe nói còn cắm cả sổ đỏ để dồn tiền mua bằng được. Đêm đó ông Tích lại vắt tay lên trán nghĩ ngợi. Chả nhẽ lại có loại hợp đồng bảo hiểm mang lại lợi ích cao về kinh tế như vậy thật ư? Trước đây ông cứ nghĩ việc mua bảo hiểm nhân thọ chủ yếu là để bảo vệ mình và người thân trước những rủi ro có thể xảy ra. Hay thật, giờ mua bảo hiểm lại như một cách làm ăn kinh tế. Có lẽ xã hội phát triển nên có nhiều phương thức làm giàu mà người nông dân quanh năm không ra khỏi lũy tre làng như ông không biết. Nếu dân làng đều mua và hưởng lãi suất thực thì có gì mà phải băn khoăn. Ông lẩm bẩm "kể mà có vốn đầu tư biết đâu lại thoát nghèo".
Mấy hôm sau nhà ông có khách. Cô nhân viên bảo hiểm tên Thu ghé nhà bằng xe ô tô con láng cóng. Cô ta trẻ quá, ăn mặc sang trọng, nói năng lưu loát. Nhìn cô ta toát ra vẻ thiện cảm của những người làm ăn chân chính. "Cháu cũng xuất thân từ nhà nông nên thấu hiểu nỗi vất vả của những người nông dân bác ạ. Nên cháu luôn cố gắng mang đến cho các bác những sự lựa chọn tốt nhất. Thời gian này bên công ty cháu đang có gói bảo hiểm "Phú an khang hưu trí" rất thích hợp với những người lớn tuổi như các bác. Chỉ cần đóng 100 triệu đồng thì các bác sẽ nhận được 4,5 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Hết thời hạn 20 – 30 năm sau sẽ được thanh toán tiền gốc". Tiễn cô nhân viên bảo hiểm ra cổng đầu óc ông rối bời suy nghĩ.
- Hay là mình bán rừng đi ông nhỉ?
- Không được. Tài sản của tôi với bà chỉ có cánh rừng. Bán đi rồi sau này biết trông cậy vào cái gì?
- Thì chẳng phải nếu mua gói "Phú an khang hưu trí" ấy mỗi tháng chúng ta có 5 triệu đồng đó sao. Thử tính mà xem, một năm là 60 triệu đồng. Mười năm là 600 triệu đồng. Rừng có muốn thu hoạch cũng gần chục năm nữa. Mà lúc ấy bán gỗ cũng làm sao được từng ấy tiền cơ chứ.
- Thôi thì tùy bà.
Rừng bán non, khối người tranh nhau mua nhưng ai cũng ép giá. Hôm cầm tiền của người ta trong tay ông tiếc ngẩn tiếc ngơ. Nhớ lại hồi hai ông bà tay trắng về đây vỡ đất khai hoang biết bao nhiêu cực nhọc. Đất cằn đá sỏi, nhát cuốc bổ xuống còn tóe lửa, hai bàn tay ông chai sạn mới có được một mầm xanh. Rừng tràm trồng cũng đã lâu, qua cái đoạn lúc cây còn nhỏ chăm sóc vất vả nhất. Giờ người ta mua về là sẵn chờ thu hoạch. Vậy mà được có tám chục triệu đồng. Bà Tích gọi người bán nốt con trâu. Ờ, con trâu là đầu cơ nghiệp, bán nó đi người nông dân chẳng khác nào bị chặt cụt tay. Bà Tích ngồi đếm đi đếm lại mấy cọc tiền, thở phào bảo "cuối cùng cũng đủ".
Một cuộc điện thoại được gọi đi. Ngay sáng hôm sau cô nhân viên bảo hiểm tới nhà tươi cười niềm nở. Bà Tích giữ bản hợp đồng kỹ lắm. Như người ta giữ sổ đỏ vậy.
Sáng nào thức dậy bà cũng xé một tờ lịch trên tường mong cho mau đến ngày được người ta trả lãi. Bà nhẩm tính: còn hai mươi ngày, mười chín ngày, mười ngày, ba ngày… Bà tính nhận tiền lãi tháng này đi đóng lãi ngân hàng còn dư tiền sẽ mua mấy trăm vịt con về thả ao, mua cho mỗi ông cháu một bộ quần áo mới. Mấy năm nay rơi vào cảnh nợ nần bà chẳng có tiền mua sắm gì cho ông cháu nó.
Nhưng mọi dự định của bà đã không thực hiện được. Vì đến ngày trả lãi không thấy cô nhân viên bảo hiểm tên Thu về làng. Dân làng ngồi chờ từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Gọi vào số điện thoại của cô ta thì chỉ thấy "thuê bao không liên lạc được". Cả làng bỗng nhiên chột dạ, kéo nhau ra ủy ban xã hỏi thì họ bảo không quản việc này cũng không biết cô Thu nào cả. Gọi vào số của công ty bảo hiểm mới phát hiện ra không có gói bảo hiểm nào ngắn hạn lãi suất cao như thế. Không có hình thức mua lại bảo hiểm của người trước hủy ngang. Lúc này cả làng mới tá hỏa rằng mình đã bị lừa mà chẳng biết một chút thông tin gì về người đàn bà tự nhận là nhân viên bảo hiểm. Cũng chẳng biết cô ta có thật tên Thu, nhà ở đâu để mà tìm kiếm. Đã bắt đầu có vài tiếng rên rỉ kêu than. Tiếng khóc thút thít cất lên. Tiếng ai đó vỡ òa. Vài bước chân loạng loạng. Vài lời trấn an nhau run run bật trên môi ai đó.
Ông Tích loạng choạng đạp xe trên con đê làng để trở về nhà. Ông không biết phải nói thế nào với bà và lũ cháu đang đợi ở nhà. Ông dừng xe dưới lũy xe làng, ngước mắt nhìn đụn khói bay lên từ căn bếp nhà ông phía xa xa. Đứng ở chỗ này ông cũng có thể nhìn thấy màu xanh của cánh rừng tràm bao phủ quanh nhà. Nước mắt ông bỗng nhiên ứa ra cay đắng và đau đớn. Đời ông từng đi qua bom đạn kẻ thù trong chiến tranh lại không thể vượt qua lòng tham của con người và những thói lừa lọc giữa thời bình. Ông thấy đôi chân mình chùng xuống như không còn sức lực để bước tiếp nữa rồi. Bỗng nhiên gió ở đâu ập đến. Chớp giật nhì nhằng ở phía cuối trời đang hằn lên những đám mây màu đỏ. Báo hiệu một cơn giông chuẩn bị nổi lên…
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.