Truyện dự thi: Gia đình nông dân

Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên) Thứ bảy, ngày 28/03/2020 09:20 AM (GMT+7)
Được mấy năm, luôn như vậy, cỡ hai chín, ba mươi Tết là má điện cho anh Hai, rưng rưng “Thằng Ba về rồi. Mình có về ăn Tết không con?”.
Bình luận 0

Hỏi là hỏi vậy chớ cũng dân trong nghề, má biết mùa Tết là mùa làm ăn, dễ gì anh về. Anh Ba làm thợ hồ, Tết đương nhiên được nghỉ chớ anh Hai thì không. Chẳng ai bắt làm nhưng không thể nghỉ. Ngày thường bán một, Tết bán tới mười. Nghỉ sao đành. Lần nào nói chuyện xong, má cũng sụt sùi…

Không chỉ má và anh Hai mà cả xóm luôn, trừ một hai vị cán bộ công chức còn nếu rặt nông dân thì nhà ai cũng có người bán vé số hoặc làm thợ/phụ hồ. Đa phần đàn bà, người già, trẻ em vé số, đàn ông thợ/phụ hồ. Hai nghề này ưu điểm không phải xin việc, không cần bỏ vốn. Thường người ta không bỏ ruộng đất, có điều tới mùa thì sạ, tới khi lúa chín về cắt rồi lại đi. Cũng có người đưa ruộng cho người khác làm, hình thức cho thuê, có người bán đứt. Nói chung, lý lịch ghi nghề nông nhưng thời đại bây giờ, chỉ còn “nông” một nửa. Nghề nghiệp phụ mới nông còn nghề chính là vé số hoặc thợ/phụ hồ.

Như nhà tôi đây.

Má - tôi - đi - bán - vé - số. Tôi nói ra mà lòng chỉ chực khóc. Buồn ghê lắm lận, buồn muốn chết. Từ ngày bị chồng bỏ, tôi ôm con về, xúm rúc trong cái ổ chuột thì má cũng chính thức gia nhập đội quân bán vé số.

“Con cái ngoại đâu, tụi nó làm gì mà để bà già lết thết đầu đường cuối hẻm thế này? Biết vầy hồi xưa đẻ ra bóp mũi cho rồi, hông ấy ngoại về giang chưn (chân) biểu tụi nó chui lại vô bụng đi!”.

Truyện dự thi: Gia đình nông dân - Ảnh 1.

Không phải một mà rất nhiều người nói với má những câu tương tự vậy. Chẳng thể trách người ta ác miệng được, họ nói đúng quá mà. Một bà già tám mươi tuổi đáng lẽ phải chăn êm nệm ấm, con cháu cơm bưng nước rót chứ có đâu mòn chưn hết đường nọ sang đường kia bất kể ngày nắng như đổ lửa hoặc ngày mưa gió tả tơi. Mới nghĩ tới cảnh ấy đã nghe nhức nhối huống chi người có lương tri tận mắt thấy.

“Không làm lấy gì ăn?!”. Má nói vậy. Ba tôi gần chín mươi, cái tuổi còn ngồi uống trà, coi tivi được là đã giỏi nên chắc chắn sẽ tốn người nuôi cơm. Hai vợ chồng già, lo gì thiếu ăn hở? Trời trời, ăn thì không thiếu nhưng cuộc sống đâu chỉ dừng lại ở chuyện “ăn”. Đặc biệt ở quê, giỗ chạp hiếu hỉ liên miên, ngó vậy mà tốn lắm. Chưa nói tuổi già nay bệnh mai đau. Trăm thứ chuyện cần tiền mà con cái rặt nông dân nên mong gì nhờ vả (mỗi tôi cô giáo lại lên bờ xuống ruộng).

Đi bán vé số, mỗi buổi chiều về má bải hoải ngồi bệt xuống hè, kiểm tra số vé đã bán, số tiền thực thu, vừa làm vừa viết nhật ký đi bán vé số bằng miệng. Ngày nào cũng bị mất tiền, mất vé. Tôi y như cái máy thu, chiều nào cũng ghi âm hết lời má rồi lặng lẽ buồn. Một bà già đi bán vé số không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng cảm của mọi người, tôn trọng thì càng khó. Và thằng lưu manh cướp giật, nó cũng không trừ chi bà già bán vé số.

Đoạn trường lắm. Chiều nào cũng nấu cơm dư để khuya lục cơm nguội, tranh thủ chạy qua bà bán xôi gần nhà mua ba ngàn móc trước cổ xe (phần ăn trưa) rồi tròng cái xách có ghi “Xổ số kiến thiết” vào cổ và trầy trật đạp chiếc xe tàng không thể tàng hơn xuống thị trấn “tác nghiệp” - cách nhà chừng 20km. Ngày nào hên kiếm được một trăm (không có nhiều ngày như thế), còn bình quân mỗi ngày trên dưới năm chục. Đấy là phần hồn, chứ phần thực nhận ngày nào cũng bốc hơi vài vé. (Bán một vé được một ngàn).

Mỗi chiều về, nếu phải thấy má xác xơ hất chiếc xe vô rào và kéo lê đôi dép vô nhà thì tôi đau nỗi đau của cảm giác có tỷ tỷ con bò cạp đang cắn vào những tế bào của thân thể mong manh bách bệnh. Cảm giác này cực  kỳ khó chịu, tôi gắt:

Má đừng đi bán nữa!

Bán vé số cũng như tập thể dục thôi. Từ ngày đi bán vé số má thấy cái lưng bớt đau…

Nhưng con mang… trọng tội.

Nói xàm! Tội trạng gì, má tự đi chớ ai bắt ai biểu đâu. Cứ để má làm. Còn đi đứng đùng đùng sao ngồi không được. Ráng đi được ngày nào nữa thì đi chứ đằng nào hổng nằm xuống báo đời báo chướng.

Má nói vậy lòng cũng đỡ áy náy nhưng nghĩ đến cảnh lạnh căm căm nhưng đứng bên cửa chờ người ta ăn cơm xong lại mời, có trưa vừa đi vừa ngủ gật, có hôm vừa đi vừa khóc thì tôi không cầm lòng được mà dứt khoát:

Không bán buôn gì nữa! Mỗi ngày má bán được nhiêu tiền con sẽ trả!

Bây lo mà nuôi thằng con kìa. Thân mình lo chưa xong mà đòi lo gì cho má.

Và như thế, ngày ngày má cứ đi bán vé số.

Còn anh Hai, ban đầu không tính đầu quân cho đại lý vé số đâu. Nhìn tướng còn phong độ quá mà. Tính ra, anh là đàn ông trẻ nhất xóm đi bán vé số. Đã nói ngay từ đầu, không muốn nhưng anh Thận là bạn thân thời đi học (sau thành tri kỷ), năm lần bảy lượt “thuyết khách” anh Hai đầu quân cho đại lý ổng mới mở trong thành phố, ban đầu vì nể mà làm nhưng sau thấy ổn nên theo. Lao động nào phù hợp thì theo thôi. Ai sống dùm ai được mà cứ chõ mũi vào bình… loạn. Anh Hai tôi mà biếng nhác gì, còn cái nghề nặng nhọc nào mà chưa làm đâu.

Nhưng sau chuyện ấy, anh chính thức “gác kiếm”.

Không phải vì nỗi buồn phiền vặt vãnh. Từ khi chọn công việc này, anh Hai không để ý đến nỗi tự trọng tủn mủn, không bận tâm nỗi đời nhiêu khê nữa.

Bán vé số cũng “ lắm công phu” chớ không đùa được đâu. Có bao chuyện bi hài. Người ngang tuổi họ ngoắc lại, hỏi gia sự tùm lum rồi kêu không mua, làm quen chút thôi. Có ông “trưởng giả học làm sang” kêu lại “dò bài”. Hễ trả lời đúng thì được mua, ít nhiều tùy vào độ khó của câu hỏi. Nói sai đuổi đi. Cũng may anh Hai miệng mồm, nhanh trí, lại thêm ngày xưa học giỏi nên những câu hỏi kiểu như tác giả của câu “Rượu đến cội cây ta cứ uống. Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” hay “Cổ kim hận sự thiên nan vấn. Phong vận kỳ oan ngã tự cư” anh đều trả lời được. Còn biết kể chuyện điển tích, điển cố làm mồi cho mấy ông bợm nhậu nữa. Lại thêm ưu điểm mồm năm miệng mười khi nói đến chuyện thế sự, triết lý nhân sinh. Và rất “ma lanh” đá qua phong thủy, kinh dịch, bói toán. Nhờ vậy mà thu nhập của anh luôn đứng đầu danh sách hai mươi người bán trong đại lý anh Thận. Nhưng cũng có chuyện đêm về khó ngủ. Kiểu như mấy đứa đáng tuổi con cháu nó mắng xơi xơi trong mặt. Lại trờ vé số mời, nó hất tay như đuổi tà. Có đứa vừa thấy đã chửi: Đàn ông sức dài vai rộng lại đi tranh phần với người già, phụ nữ, người tàn tật. Nhục. Từ “nhục” nghe đau nhưng biết sao giờ, làm gì có đồng tiền nào mà không phải đổ mồ hôi nước mắt. Cũng không phải bỏ nghề vì chuyện anh đã bán vé nợ cho mấy ông thợ ở một công trình xây dựng, họ hẹn ngày công trình hoàn tất sẽ thanh toán cả vốn lẫn lời. Có ai ngờ ngày công trình làm xong, người ta rút quân và số nợ kia họ để anh ôm trọn. Tổng số tiền nợ bằng nửa năm lê chưn đi bán chớ ít gì. Nghề nào chẳng có rủi ro, lại an ủi “của đi thay người”. Tóm lại, bao nỗi niềm của cái “nghề mạt hạng” anh đều chiến thắng, bán vé số gần như sở trường của anh nhưng rốt cuộc phải dừng. Giữa điều tồi tệ và xấu xa, thôi ta chọn điều xấu.

Giá chị An, vợ anh Thận, cũng có thái độ mạt sát, khinh thường như những người giàu có khác, hoặc chỉ cần chị lạnh nhạt, dửng dưng như cách chị đối xử với bao người bán ở đại lý đã đỡ khổ. Đằng này chị quan tâm, lo lắng. Rồi những tin nhắn ỡm ờ, ánh mắt đong đưa mỗi khi anh Thận vắng nhà. Chuyện đó không bao giờ giấu được. Dù ý nhị, dù khéo léo thì trước sau cũng bị nắm thóp, anh Hai đủ già để hiểu điều nhạy cảm đó. Cả đại lý, người nào cái đầu cũng có sạn cả rồi. Khi nghe một hai cụ trêu “sao thương thằng Hai dữ” thì anh thấy không ổn. Cuối cùng phải nói với anh Thận ở quê vợ bệnh, con khờ. Về. Nhưng đang làm ăn ngon lành mà? Không được. Nhứt định phải về.

Anh Hai là anh rể, má không coi như khách mà thương như con. Có lúc chị em tôi so bì, má lý lẽ tại ảnh khổ quá. Má quan điểm, tình thương đúng đắn là tìm chỗ khổ mà thương. Nhà bốn anh chị em nhưng chị Hai khổ nhất. Lấy chồng lại càng khổ hơn.

Nghĩ tội. Cái thời đường xá nhão nhoẹt, vừa đạp vừa dắt chiếc xe vượt 25km số để học cấp 3 nhưng đậu Cao đẳng Sư phạm Nha Trang thì không nhập học được (địa phương không ký giấy tờ, hồi trước ba tôi là lính miền Nam). Chị nhìn ba, nước mắt lưng tròng. Khóc đã đời rồi cuộn áo quần đi học may.

Tới anh Ba, anh là con trai duy nhứt trong nhà. Học cũng tầm trung bình khá. Ảnh hiền, hay nghịch chứ không đến nỗi bợm bãi đánh đấm. Hôm đó ngồi trong lớp mà mồm như tép nhảy nên bị thầy giáo đuổi ra. Hổng đi ra không mà tự dưng nói thêm: Đuổi thì ra. Vậy là bỏ học ngang hông chớ không dám vác mặt tới trường nữa. Má biểu ba khuyên giải cho ảnh học lại nhưng ba bảo, có học cũng tới 12 thôi chớ đâu thể làm thầy. Giọng ba mềm như sắp khóc. Bỏ học năm lớp 7, chơi ớn rồi khăn gói vào phố làm thợ hồ. Được cái vợ ổng kinh tế khá, chị ấy từ hồi con gái lo chạy hàng buôn bán, duyên tình lận đận nên “lỡ thì” mới lấy chồng, lúc đó cũng có vốn lận lưng rồi. Cưới nhau về, chồng đi làm, vợ ở nhà trông con và coi cái tiệm tạp hóa. Mọi thứ có vẻ ổn. Vợ chồng ổng học hành thua nhưng tình hình lại khả quan hơn vợ chồng chị Hai.

Còn chị Bốn, chị kề tôi. Hồi xưa, chị giỏi tiểu học và khá ở cấp THCS nhưng thi tuyển lên lớp 10 rớt cái chạch. Đúng học tài thi phận. Nhà nghèo. Lại thêm sau giải phóng ba tôi đi cải tạo nên mình má chẳng thể xoay xở học phí bán công cho con. Nhưng chị Bốn bảnh nhứt nhà. Chị nông dân, lấy chồng cũng nông dân nhưng giàu, nhà anh rể “giàu từ trong trứng”. Ruộng đất máy móc nhiều nên tiền đẻ ra tiền. Đó là chưa nói mới có mấy thửa đất trúng đền bù nữa.

Tôi là gái út trong nhà, hậu đậu nhưng học hành chăm chỉ nhứt. Cái thời tôi thì ký giấy nhập học dễ òm. Đậu Đại học Báo chí nhưng mẹ bảo đi Cao đẳng Sư phạm cho gần nhà, học phí được miễn. Vậy là trở thành cô giáo dạy văn cấp 2.

Vì những chuyện vừa kể nên tôi gọi nhà mình là gia đình nông dân. Mỗi tôi cô giáo, cô giáo vùng cao - cuộc đời cũng nhiều nỗi truân chuyên nên chẳng khá lên được. Nói vậy nhưng nỗi đoạn trường của tôi mang hơi hướm “phong vận kỳ oan”. Khổ tâm nhiều. Nhưng làm sao dám so với nỗi khổ kỳ cùng mạt hạng của anh Hai. Cực tâm cực thân, anh lãnh đủ.

Anh Hai hồi học phổ thông đẹp trai học giỏi, nói chung khá nổi tiếng.

Nhưng khi má gả chị Hai xinh đẹp cho, anh Hai đã là một nông dân. Một nông dân vóc dáng thư sinh. Đúng số khổ. Anh đậu Đại học Ngoại Thương nhưng điều thống khổ đến tới tấp. Ba anh đi cưa bom lấy thuốc nổ châm cá, bom nổ mất xác. Ngay sau đó, chỉ sau một tuần, má anh đổ bệnh, đem vô Sài Gòn mới tá hỏa ung thư gan. Gấp tờ giấy nhập học cất làm kỷ niệm. Để kéo thêm những ngày trên dương gian cho má, mấy sào ruộng nhà đem bán hết. Cố cầm cự nhưng không đầy năm bà mất, anh Hai chính thức khoác lên mình chiếc áo nâu.

Nông dân không có ruộng, anh đi làm mướn. Tất tật những công việc của một nông dân anh đều làm được. Kêu gì, làm nấy. Một mình một cõi, có nhiêu ăn nhiêu, làm về ngủ vùi trong mái nhà dột nát. 

Thấy anh côi cút, cực khổ nên ba má dùng tình thương của đấng sinh thành đối đãi. Đám cưới xong, ba đứng ra huy động nhân lực trong nhà, phụ thêm tiền xây đỡ cho anh chị ngôi nhà gạch (chưa tô). Vừa là nhà ở, vừa làm tiệm may luôn. Người ta trêu chị Hai tôi cưới chồng chớ không phải chồng cưới. Tôi không chịu quan niệm trọng nam khinh nữ, tôi vẫn ủng hộ chị. Tôi ghét cái cách phụ nữ luôn ở thế bị động. Nguyên hai anh chị yêu nhau từ hồi học phổ thông. Khi gia đình anh lâm cảnh khốn cùng, khi anh chỉ còn đôi tay và cái cuốc, anh đòi chia tay nhưng chị tôi không chịu. Chị ôm quần áo lên nhà anh lót ổ, quyết đánh không đi dời không chuyển rồi hát bài “mái nhà tranh hai quả tim vàng”. Ba má tôi nông dân nhưng hiện đại lắm, con cái ưng đâu gả đó, không câu nệ sang hèn.

Lấy chồng, nghề may vá của chị ngó bộ ăn nên làm ra. Hồi đó nông dân làm gì có khái niệm thời trang, chủ yếu mua vải về may. Chị Hai khéo tay nên đường kim mũi chỉ sắc sảo, may đâu mặc đấy chớ không phải sửa chữa gì nên đông khách. Cọc cạch may, cộng với nghề thợ đụng của anh Hai, vợ chồng không dư dả nhiều nhưng “gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”. Vậy là mừng rồi - má nói - hai đứa nên sinh con, vợ chồng không con nhạt lắm.

Liền sau đó, chị Hai có chửa. Lần đầu tiên được làm bà ngoại, má mừng khiếp khủng. Má đem chị về (cách ly chồng trẻ), lo ăn uống bồi bổ. Ngày lâm bồn, hạ sinh được hai hài nhi hồng hào, sởn sơ, đều là con trai - má cười, chị cười nhưng liền sau đó là những vệt nước mắt. Hai cháu khóc oa oa oa… rồi đi. Và sau lần đó, chị Hai “lở dở” (sẩy thai) liên tục. Phải chi giàu có như người ta, đem thẳng vô Từ Dũ thì chắc đã không đến nỗi bầm dập như vậy. Sáu lần sa sút, chị nhợt nhạt tái xanh. Đàn bà nông dân giỏi đẻ, đẻ rơi đẻ rớt ngoài ruộng, đẻ tới chừng hết trứng mới thôi chứ có đâu ỏng ẹo như Hai - má khóc.

Sau bao nhiêu vật vã, ám ảnh, chị đẻ được thằng Cà (cái thai thứ bảy may mắn trụ được), sức lực chị suy giảm toàn bộ. Cũng thời gian này, công nghiệp may mặc phát triển nên nghề may ế chỏng chơ. Chị đành thảnh thơi, sống đời ăn bám.

Một người quen rủ vào Hóc Răm, chỗ đó đồng giáp núi, nhiều người đang vỡ hoang. Anh rể dư sức, dư chí nên vác cuốc vô liền. Hì hục vỡ gò làm ruộng. Đương nhiên sẽ là ruộng lấy nước… trời. Những cây lúa quéo quắt, đứng chỏng chơ dưới cái nắng thiêu đốt của miền Trung. Lúa thu về chẳng xứng với công bỏ ra. Hết cách rồi. Trong tình thế đó, anh Hai bỏ ruộng, chọn đi “tranh thị phần với người già, phụ nữ”.

À không, thực ra, trước khi đi bán vé số anh Hai có đi đào vàng. Hồi đó, vùng núi phía Tây tỉnh nhà, giáp Đăk Lăk mới khai phá, người ta tìm thấy vàng lẫn trong đất đá thế là dân bốn phía đổ xô về đó kiếm vàng. Đào xới đất cát, hì hục đem ra suối đãi. Làm công việc “đâm Hà Bá, phá sơn lâm”, những nông dân lạc quan ngâm xương thịt trong nước rừng, ngâm mình trong hầm tối, chỉ mong một phen đổi đời. Có nhiều người sa hầm sẩy hang chết thảm. Nhưng vận may cũng đến với một số ít. Những lần trúng vàng, những cuộc đổi đời… Sông Hinh - nơi chó ăn đá gà ăn sỏi bỗng trở thành miền đất hứa. Dân tứ tảng dắt díu đưa nhau đến, giọng nói líu lô khác nhau, tập quán lại càng không giống nhau. Họ chỉ có một điểm chung là phần lớn nghèo nàn, túng bấn. Trong số những người di cư có một số lượng không nhỏ những thành phần có lý lịch bất hảo như trộm cướp, tù tội, ma túy… cũng không loại trừ những kẻ phẫn chí. Hậu quả, vùng đào vàng không phải là khu vực an toàn của người lương thiện.

Lần đó anh Hai cũng trúng vàng. Không nhiều. Những hạt vàng không thể so với những hạt mồ hôi đã đổ. Không được một cây vàng nhưng anh cũng muốn về nhanh với vợ. Trong cái đêm anh gói ghém đồ đạc đặng sáng về thì trộm đã lấy sạch sẽ lộc trời. Coi như của đình trả miếu. Thằng ăn trộm, biết nó thất đức thiệt nhưng nếu thấy bộ mặt bi thiết lúc đó của anh chắc chúng sẽ đem trả chớ không nuốt nổi. Chó cắn áo… nát. Công sức và niềm vui mọn mằn đổ sông đổ biển hết. Từ bỏ giấc mộng vàng. Ôm tấm thân sốt rét về quê, những cơn nóng lạnh kìm kẹp anh suốt một thời gian dài. Hãi hùng. Tiền vào nhỏ giọt mà lúc ra như thác. Miếng đất vợ chồng cất nhà còn dư có ba mét ngang cũng đành lòng đem bán.

Một đứa bươi hai đứa mổ - anh hay tếu vậy. Không. Chính xác là một nửa vợ, một nửa con. Trong cơn gieo neo, chị Hai tranh thủ cuốc thẻo đất vườn trồng cà trồng mướp. Xui thay, mới vác cuốc ra vườn “bập” mấy nhát thì một hạt cát găm vào mắt. Chị đứng dụi say sưa. Thấy êm êm nên im ru đi ngủ, ai dè sáng ra con mắt bị lấp kín bởi những đám mây trắng. Hết bệnh viện tỉnh đến Sài Gòn, Hà Nội, kết quả mất thị lực hoàn toàn. Đến lúc này, về cơ bản, chị không bằng một nửa sức lực của một người đàn bà bình thường. Còn con? Thằng Cà sinh ra lớn thích. Dung mạo giống anh rể, rất đẹp trai. Khổ nỗi bị khờ. Nước dãi lòng thòng, đã vậy cà lăm cà lặp. Tôi gọi “một nửa” chứ thực ra nuôi cháu phải khổ gấp hai, gấp ba một đứa trẻ bình thường.

Thằng Cà (hồi tập nói cứ cà lăm, tôi giỡn, gọi cháu tên Cà, gọi vui ai ngờ thành thiệt) không học mẫu giáo nhưng bảy tuổi chị Hai cũng dắt ra trường cho học lớp một. Học chưa được một học kỳ thì thầy hiệu trưởng bảo cháu không thể học với những học sinh bình thường được. Thua. Vấn đề trầm trọng nhất không phải “cà” mà ở khả năng tư duy. Nhận thức yếu quá. Hành động theo bản năng. Thầy hiệu trưởng bảo: Biểu hiện này giống bệnh thiểu năng. Hay mình hỏi cho cháu xuống phố học trường Niềm Vui? Trời! Anh chị tôi điều kiện đâu mà cho xuống trường đó. Cho về nhà đuổi gà thì được.

Cháu khờ, trò giải trí duy nhất là nghe nhạc. Nhà anh chị tôi nghèo nên không có dàn nhạc, không có karaoke, vậy là cháu cứ tới nhà chú Năm hàng xóm chơi rồi xin chú ấy mở nhạc cho nghe, nếu may mắn thì có hôm được cho cầm mic ngọng nghịu hát một bài. Lần đầu mở nhạc không có điều kiện nhưng lần sau chú bảo ra dọn sạch chuồng bò rồi vô nghe nhạc. Luôn luôn như vậy. Ngày chị Hai phát hiện thằng con xoăn quần hốt cứt bò để được nghe nhạc, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, xấp ngửa chạy tới tiệm mua nợ dàn âm thanh.

Miếng ăn thật không dễ kiếm. Anh bỏ nghề đào vàng chuyển sang đốt than. Đốt than ít tiền. Thấy khó ăn nên chuyển qua lấy gỗ. Cả nhà ai cũng nơm nớp cái quy luật thiên thu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Rồi một ngày, anh bị cộ chở gỗ lật đè. Gãy xương vai, xương đùi. Lại bệnh viện, lại chuyển nghề. Không đủ sức để làm việc nặng nhọc nữa, vừa lúc anh Thận vận động nên anh theo nghề vé số luôn.

Thực ra, từ trước tới giờ, làm đủ công đủ chuyện nhưng bán vé số thu nhập bảnh nhất. Nhưng rồi phải nghỉ. Chuyển qua học làm thợ hồ. Công việc có vẻ ổn. Anh Hai đi với anh Nhũng trong xóm. Làm thợ hồ một tuần người ta trả tiền công một lần, cơm công trình bao lại có đồng gửi về quê cho vợ con. Được mấy năm như vậy, tạm ổn.

Khi cuộc sống cỏ vẻ đường hoàng hơn, chị tôi nghĩ đến chuyện sợ anh Hai không có người nối dõi, thờ cúng tổ tiên. Trước khi bước sang kỳ mãn kinh, chị kịp đẻ một thằng con trai lanh lợi. Anh được an ủi nhiều nên vui lắm.

Nhưng không vì thế mà tình vợ chồng mặn nồng hơn. Từ ngày anh Hai đi làm thợ hồ, chị tôi dù chồng không hờ hững thì “cũng như… không”. Còn phải hỏi. Đi làm xa quá, lần về nhà, riêng tiền tàu xe ra vô đã mất cứng một tuần làm. Anh chị đang kẹt nên chưa dám đi về nhiều như những bạn thợ khác. Đó là chưa nói “dân thành phố” về, bạn bè, con cháu hú hí. Nhậu nhẹt cũng phải ra dáng thị thành chút. Nhục nhất là nhậu mà để thằng khác móc ví - anh Hai nói vậy. Lần nào về thăm nhà, mười ngày ở nhà nhậu hết mười ngày.

Xưa giờ hông có mà nay đổ đốn. Đi làm thợ hồ, phát sinh thêm nghề… nhậu. Chị Hai nổi điên, nay đòi ly hôn mai đòi ly dị. Vợ chồng năm gặp được ba lần. Một lần Tết, hai lần giỗ ba, giỗ mẹ. Lần nào cũng về lo xong chuyện là đi. Chỉ Tết mới nấn ná ở nhà được mười ngày. Vậy nhưng tới ngày thứ tám chị đã muốn tống khứ. Tôi kình, để ảnh ở nhà chơi Tết đã, người chớ trâu bò đâu mà cày kéo quanh năm, mà trâu bò cũng có ngày nghỉ vậy. Chị hét: Thiên hạ cũng làm đầy ra đấy chớ mình mình na (hả)? Đem thân khố rách đi làm cu li chớ làm ông bà gì mà về phè phỡn??

Trước giờ, cả nhà tôi đều là đồng minh của anh Hai. Tại anh quá giỏi, tại đời anh quá cực. Nhưng giờ nghe kể về những chuyện thâm cung bí sử. Tôi thương chị mình quá. (Nhưng cũng không nỡ giận anh Hai).

Thời gian đầu xa nhà đi làm, anh gọi về liên tục. Hỏi cái nọ, nhắc cái kia. Mỗi lần anh về, nhà cửa ấm áp chan hòa. Nhưng sự ấy kéo dài không bao lâu. Càng về sau, mọi thứ vừa kể đảo ngược hết. Chỉ khi nào có việc cần mới điện, tiền gửi về nhưng lần nào cũng thòng một câu “chi tiêu ít thôi, tiền kiếm không dễ như vô núi bứt lá đâu…”. Mỗi lần về ta tụ với bạn nhậu, vợ con bỏ bê trọn gói. Không chỉ nhậu. Rượu làm anh mất tỉnh táo. Từ một người thanh lịch và lí trí, anh biến thành một con ma men đáng ghét.

Uống rượu vào rồi ra sức đập phá, đập đã tay rồi nằm sóng soài trên nền nhà, miệng nham nhảm chửi. Chửi cái thứ đàn bà ăn hại, đẻ chửa không nên, không biết phụ chồng nuôi con. Thứ đàn bà chỉ biết xách đít ngồi lê mách lẻo, ăn tàn ăn hại. Chồng mang thân đi làm mướn, vợ ở nhà lên chùa hò hẹn mà lấy cớ tụng kinh niệm Phật, mày ỏng ẹo trai trên gái dưới làm ô uế chốn từ bi và vân vân… những câu mạt sát tồi tệ nhất. Lúc còn sức thì chửi to đến khi cứng mắt rồi cứ lải bải rì rầm trong miệng. Chẳng hiểu có ngủ được không nhưng cái miệng nói không ngớt. Ói, đái, ỉa một chỗ.

Hồi trẻ say về ngủ phì, giờ gần tới tuổi lục tuần, mỗi lần anh say là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Cơ khổ! Sáng ra nhoẻn cười, kêu uống nhiều quá đau đầu. Không nhớ gì…

Nhà cửa tan quang sau một cuộc nhậu mà xong cứ cười nhẹ hều như không. Mỗi lần anh Hai rơi vào trạng thái “không nhớ gì” thì chị tôi lâm cảnh đoạn trường.

Có lần, chị nói với tôi: Nếu được như mày (có nghề nghiệp) tao đã ly hôn. Chịu hết nổi… Tôi quán tính vun vào, chị bật khóc.

Lại bỏ nghề. Lần này chị Hai rất mừng. Với chị, nói thì ra chỗ bất nhân nhưng đúng là “rủi người may ta”. Khi anh Nhũng rớt trên giàn giáo tầng hai xuống đất, chết gãy xương cổ. Anh Hai hãi quá, ôm đồ về quê luôn.           

Về quê. Rảnh. Sáng nhậu chiều nhậu. Vợ chồng hục hoặc triền miên. Già đầu mà chị Hai cứ cuốn đồ ôm con về má miết. Ba má cũng điên đầu.

Nhưng bữa nhậu hôm ấy, chị xem nó là cuộc nhậu tử tế nhất. Đấy là cuộc nhậu với mấy thằng cháu có ăn có học, có những mối quan hệ khá lớn. Thằng cháu thấy cậu thất nghiệp nên giới thiệu vào làm ở một resort biển Nha Trang. Lương lậu khá bảnh. Một thời lấy gỗ, học lỏm thợ mộc nên kiến thức về gỗ cũng khá, lại thêm khéo tay, sáng dạ nên có thể đảm đương được chuyên môn của một thợ mộc.

Nha Trang chỉ cách nhà cái đèo Cả. Nhưng chỉ gửi tiền về chớ người thì không. Nhưng chị Hai cũng bằng lòng, lý do tiền về đều đặn. Nói thành chỗ ác chớ sức mạnh của đồng tiền quả khủng khiếp. Trong cơn khốn khó, chị Hai cần tiền và quen với việc sớm chiều không có chồng kề cận.

“Khổ tận cam lai”. Nhìn cuộc sống của chị đủ đầy hơn, tôi mừng lắm. Cũng bớt áy náy con cùng cha cùng mẹ mà mình giáo viên còn chị nông dân chính chủ (nông dân không có ruộng mới đau). Căn nhà cấp bốn, xây theo chữ L ngày xưa được sửa lại khá khang trang. Cũng lát men, ốp tường, bếp điện từ, lò nướng bánh, cũng công trình phụ trong nhà như ai, đặc biệt thằng Cà có dàn âm thanh nổi. Cuộc sống mà chị Hai chỉ có trong giấc mơ giờ đã thành hiện thực. Chị hay nhẫn nại nói, ổng đi đâu kệ ổng, cứ túc tắc gửi tiền về cho ba mẹ con là được.

Nghề đời cứ thích cho người ta ăn “bánh vẽ”. Cứ tưởng “khổ tận cam lai” nhưng không phải. Đời người ta không dài nhưng nỗi buồn không ít. Tới tuổi “hưởng thọ” mà chị tôi phải lau nước mắt đi lấy vợ bé cho chồng. Đau chưa??

Lần đó anh Hai về, tại thằng nhỏ xuất huyết đường ruột sém chết. Đêm đã 12h mà có điện thoại, anh Hai uống tê tê rồi nên không làm chủ nữa. Anh thả giọng mềm mỏng “Em coi nhờ ai chở đi, hay chờ mốt anh vào rồi tính, bệnh đó cũng không cần phải gấp gáp vậy đâu. Ngoan nè. Tui dỗ”. Chị Hai tinh ý, chỉ nghe cuộc thoại từ một phía cũng lờ mờ hiểu chuyện.

Đàn bà như ớt, chuyện rõ như ban ngày vậy không ghen sao chịu được. Chị hằn học:

Ông nói chuyện với con nào?

Con nào là con nào?? Bà chủ chỗ làm đấy.

Chủ tớ gì kệ thây bả. Nghe mùi như người yêu?

Không biết thì đừng nói xàm. Mệt!

Thấy tín hiệu khả nghi nên chị Hai tìm cách hỏi thăm. Thiệt. Té ra ổng có bồ, bà chủ resort. Tôi cãi: Nói tào lao, người ta giàu sang quyền quý, bồ chi ông nông dân già nua, cục mịch. Bồ chi thì đi hỏi bả chớ ai mà biết. Người trong resort kêu chồng bả giàu sang nhưng nhậu quá, liệt mẹ nó rồi. Người bảo bả thuộc đàn bà mê của lạ. Người bảo ông chồng cũng tằng tịu nên bả ăn nem rửa hận. Ôi chao, thành phố, người giàu, nhiễu sự hết sức. Túm lại, vì lý do gì không biết nhưng cặp với đàn ông có vợ là thứ đàn bà mặt dày, lương tâm bị chó tha… – chị Hai nổi đóa, mắng xơi xơi, chẳng sợ khẩu nghiệp như chị thường đe lũ con cháu. Tôi chẳng biết nói sao. Thằng cháu cùng làm với ổng kể thì không sai đâu. Ổng vô resort vừa làm thợ mộc, vừa coi bói. Mấy năm lên Sông Hinh đào vàng, học lỏm ai đó, tinh ý lại thêm dẻo mỏ, vậy là bói. Cái nghề bói ngó vậy chớ dễ dụ mấy nàng lắm. Nghe bảo có lần bả xuống kiểm tra thợ thùng, kêu anh em lại ngồi chơi thân thiện, ổng ngẫu hứng múa mép, nhận xét cái nốt ruồi tròn vo trên trán của bà í. Vậy rồi bả kêu sao đúng quá, hỏi có biết gì về phong thủy không, nói biết, bả xin số điện thoại luôn. 

Vậy giờ chị tính sao?

Chẳng tính được gì - nói xong rồi khóc hu hu như một đứa trẻ.

Không tính được gì, không thể tính. Mấy mẹ con chị đang ăn bám chồng mà. Giờ làm to chuyện, chị được gì đâu. Chuyện vỡ ra, anh Hai cũng chẳng ngại ngùng nói luôn mấy năm nay tiền anh gửi về dư dả, tiền sửa nhà cửa, giỗ chạp, mồ mả ông bà, ngay cả tiền mua đôi giày, bộ đồ mới của chị Hai cũng là tiền của người đàn bà “lương tâm bị chó tha”.

* * *

Anh Hai vẫn tận tụy làm ở resort lộng gió. Mỗi lần về thăm nhà vẫn điện thoại anh anh em em ngọt xớt. Nếu nhà làm giỗ cha mẹ, ổng chở “bà nhỏ” về luôn.

Còn chị Hai, ngày ngày đến chùa, đi nấu chay, làm công đức.

Truyện dự thi: Gia đình nông dân - Ảnh 2.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem