Truyện dự thi: Gió bấc

Quách Thái Di Thứ tư, ngày 20/01/2021 10:27 AM (GMT+7)
Ông nội tôi qua đời vào đêm gió bấc. Tôi chạy thục mạng từ nhà mình đến nhà ông, hy vọng có thể nhìn mặt ông lần cuối, mặc cho từng cơn gió rét quất vào người.
Bình luận 0

Tôi ngã hai lần trên đường, đầu gối rướm máu nhưng tôi vẫn cố sức gượng dậy tiếp tục chạy bằng đôi chân rã rời của mình. Vừa bước qua cổng sắt, tôi nghe thấy tiếng khóc vọng ra. Trái tim như nghẹn lại, có lẽ vì quá đau lòng nên tôi không thể khóc được nữa. Tôi quỳ gối bên quan tài ông, đậy nắp kính trong suốt, chỉ có thể nhìn chứ không thể chạm vào. Chiếc nắp ấy như chia cách hai thế giới âm dương.

Truyện dự thi: Gió bấc - Ảnh 1.

Hình minh hoạ truyện dự thi Gió bấc. Hoạ sĩ Bùi Tiến Hoà

Ông nằm im, giấc ngủ ngàn thu. Tôi biết tất cả không phải là một giấc mơ. Ông mất rồi còn chúng tôi vẫn phải sống. Trong các con cháu, tôi là người ông thương nhất. Có gì ngon ông cũng giấu và để dành cho tôi. 

Ông còn là một người bạn mà tôi có thể dốc bầu tâm sự bất cứ lúc nào. Từ nay bên cạnh tôi thiếu vắng đi một người, không còn ai bênh tôi mỗi khi bị ba la mắng, không còn ai kể chuyện tiền chiến cho tôi nghe hay những câu chuyện cổ tích về đạo lý làm người… Tôi cứ ngỡ những điều ấy sẽ còn mãi, chỉ cần có ông nội ở bên dìu dắt tôi bước qua sân si cuộc đời, tôi sẽ sống tốt. Vậy mà giờ đây mọi thứ đột ngột biến mất, chỉ còn lại những vòng khói tang thương. Đường đến cửu tuyền lạnh lẽo, ông đi rồi, vĩnh viễn không trở lại.

Dì tôi khóc đến đôi mắt đỏ hoe, sụt sùi kể lại chuyện ông mất. Lúc sáng còn thấy ông đang hái nho, sắc mặt hồng hào. Đến trưa nghe đứa con cả của bác hai nói rằng ông bị ngã, dì cứ tưởng ông chỉ xây xát nhẹ ai ngờ ông đi nhanh thế. Dì còn định sáng mai đưa ông đi đổi gió ở Đồ Sơn, bánh ngọt dì cũng đã chuẩn bị rồi vậy mà… Dì lại khóc tức tưởi. 

Dưới ngọn đèn vàng vọt, khuôn mặt của dì trông càng sầu bi hơn. Không gian nhuốm màu tang tóc. Ngọn đèn dầu trước quan tài tỏa ra thứ ánh sáng leo lét, vàng nhợt chiếu lên di ảnh của ông. Tiếng gió lẫn trong tiếng kèn đưa tang u uất, tôi nghe lạnh toát sống lưng. Mọi người đi qua đi lại tất bật chuẩn bị đám tang ông nội như những cái bóng vật vờ, vô cảm. Tôi quỳ mãi bên ông, nước mắt trào ra ướt cả chiếc khăn tang đội trên đầu.

Khi chưa có người thân qua đời, cảm thấy cái chết ở rất xa nhưng khi nhìn người thân yêu bên cạnh mình nằm trong hòm gỗ, mãi mãi không tỉnh dậy mới hiểu rằng giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Đối mặt với Thần chết quả thực là điều đáng sợ. Một khi nó đến và mang người đi thì không thể cứu vãn được nữa. Trước đây tôi xem thường cái chết, vì nghĩ rằng nó nhẹ tựa như lông hồng, có gì mà phải bận tâm, bây giờ khi đối diện với sự thật tôi mới biết đến cảm giác sợ hãi. Suy cho cùng, đích đến của mỗi người vẫn chỉ là cái chết mà thôi.

Gió kèm với mưa rì rào trên mái nhà. Cây cối nghiêng ngả như sắp đổ. Tiếng lá xào xạc nghe như tiếng ai gọi về từ cõi âm u mù mịt. Đột nhiên đèn điện tắt phụt. Có một ngọn đèn bão lớn thắp sáng giữa màn đêm đen kịt, sáng đến chói lóa. Tiếng bước chân dồn dập, huyên náo, hỗn loạn. Đội kèn đám ma tấu lên một khúc nhạc vui, dì tôi quở trách, họ lập tức thổi sang một bản bi thương, nghe mà muốn khóc.

Một người phụ nữ trung niên tay cắp chiếc túi xách có đôi chút rách rưới đang đi bỗng dừng chân. Chị ta đứng trong gió rét, nghe tiếng kèn quen thuộc thì ngã khuỵu khóc như tiễn đưa cha mẹ mình về chốn cực lạc. Có lẽ cái chết của ông nội tôi một phần tác động vào nơi yếu mềm nhất trong tâm hồn người phụ nữ nên chị ta mới khóc dữ dội như thế. Ngọn đèn bão soi rõ dung nhan chị tiều tụy đến xám ngoét.

Tiếng kèn vang vọng tứ phía, bao trùm lên ngôi làng nhỏ cứ mỗi lần có đám ma lại chật chội, kín đường. Tiếng kèn đánh thức cả lũ côn trùng nỉ non trong lòng đất. Những ngôi sao trên không dường như thấu hiểu nỗi đau nhân gian nên lặng im không tỏa sáng. Ánh trăng lấp ló sau các đám mây, in bóng xuống mặt đường như những vết loang lổ của đôi cánh diều hâu chực như muốn nuốt sống khách qua đường. Tiếng kèn ru con người vào cõi tịch liêu, âm thanh như ai oán đến cuối cùng khi người thổi đã kiệt sức chỉ còn nghe những dư âm văng vẳng như tiếng thở trầm mặc.

Bắp mang đến cho tôi chén cơm. Trong giờ phút này tôi chẳng còn tâm trí đâu để ăn. Bắp là cậu bạn hàng xóm, lớn lên bên tôi từ nhỏ, cùng tôi trải qua thời thơ ấu êm đềm. Ông nội tôi rất quý Bắp, luôn khen cậu ấy trước mặt tôi. Ông nhận xét về Bắp, cháu có tố chất của một nhà nông.

Thế thì sao ạ? tôi hỏi, không phải là ông định truyền bí quyết trồng nho cho cậu ấy đấy chứ?

Haha, cảm ơn cháu đã nhắc nhở ta, ông tôi bật cười khanh khách.

Còn tôi xụ mặt, nghĩ rằng ông chơi xấu mình, ông thật thiên vị, xem cháu là người ngoài.

Tuy nói vậy chứ tôi công nhận một điều Bắp rất thông minh và sáng suốt. Có một lần vườn nho ngập úng, trái thối rữa rụng hết. Bắp nghiên cứu và tìm ra phương pháp cứu sống cả khu vườn. Từ đây ông tôi tin tưởng và truyền đạt thêm một số bí quyết về cách chăm sóc nho cho cậu ấy.

Ông cười đùa bảo rằng, nếu sau này hai đứa lấy nhau ta sẽ giao cả vườn nho cho hai cháu cai quản.

Tôi đỏ mặt, chạy biến vô nhà. Vào hẳn bên trong rồi, đóng kín cửa tôi vẫn nghe thấy tiếng cười sảng khoái của hai ông cháu ngoài vườn.

Biết tìm đâu những kỷ niệm ngày ấy trở về. Nước mắt tôi lại chảy ra. Bắp đặt tay lên vai, an ủi tôi hãy kiên cường lên, ngay lúc này cậu không thể gục ngã, ông sẽ buồn đấy.

Không thể để ông lo lắng, tôi quệt hết nước mắt, cầm tô cơm lên xúc từng muỗng bỏ vào miệng.

Hơn mười giờ tối, ba tôi trở về. Lúc ông nội qua đời, ba đi làm ăn xa, nửa năm mới về thăm nhà một lần. Bắp chở tôi trên chiếc xe đạp cộc cạch ra đầu ngõ đón ba. Nhà ông nội ở cuối hẻm, từ đầu đường quốc lộ đến nhà ông tôi phải mất hai cây số. Mẹ bảo tôi đừng đi vì ngoài trời rất lạnh nhưng tôi không chịu. Tôi muốn gặp ba, muốn vùi đầu vào lòng ba khóc để ba xoa dịu tôi như ngày thơ bé rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Câu nói của ba sẽ giúp tôi có thêm động lực để bước tiếp.

Trong màn đêm gió lạnh buốt, cậu bạn oằn lưng chở tôi. Chiếc áo khoác mỏng manh bị gió thổi tung phần phật. Qua làn nước mắt, tôi có cảm giác như ông đang ở phía sau gọi to tên tôi, tôi chạy lại nhưng không thể gặp được ông. Có một bức tường ngăn chúng tôi-những con người còn sống ở nhân gian và ông nội-người vừa mới nhắm mắt xuôi tay về thế giới bên kia. Vách ngăn ấy có lẽ chính là ranh giới sinh tử. Tất cả vẫn như ngày hôm qua, chỉ tiếc rằng thời gian đi quá vội, vội đến mức không để người kịp nói lời từ ly. Vì vậy, ông chỉ có thể đứng bên kia thời gian vẫy tay chào vĩnh biệt chúng tôi.

Về cùng với ba tôi còn có con út của bác hai. Chị bồng đứa con chạy đến bên quan tài khóc sướt mướt. Đứa nhỏ con chị ngủ ngoan trong lòng mẹ, đôi môi mím lại. Tôi chợt nghĩ nếu cứ mãi là trẻ thơ, vô tư khóc, vô tư cười thì sẽ không bao giờ hiểu được nỗi đau mất người thân. Nhưng quy luật của cuộc sống này, sinh-lão-bệnh-tử. Chúng ta ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành, va vấp và đối mặt với những thử thách không thể lường trước được.

Ba tôi vừa vào nhà, tiếng kèn lại cất lên não nuột. Tiếng khóc của mẹ làm cho đứa bé đang ngủ giật mình tỉnh giấc. Bàn tay bé xíu quờ quạng trong không trung, bi bô mấy tiếng. Ba gục đầu xuống chiếc quan tài, không gào khóc thảm thiết nhưng tôi thấy bờ vai ba rung lên bần bật. Có lẽ ba đã rất buồn và tự trách mình không về sớm hơn để gặp mặt ông nội lần cuối.

Dưới ngọn đèn dầu tù mù, gương mặt ông nội hiện ra hiền từ và phúc hậu. Ông ngủ thật say, không hay biết những người con, người cháu của ông đau lòng đến cỡ nào. Nhìn ông nằm im ở đó, tôi có cảm tưởng như ông đang ngủ quên dưới gốc cây đa cổ thụ vào mùa thu năm ngoái. Hôm đó, tôi, Bắp và ông ra thăm vườn nho. 

Trong khi ông chỉ cho Bắp cách hái nho thì tôi ham chơi đùa giỡn cùng mấy con cào cào. Lúc về tôi thấy ông ngủ rất say dưới bóng cây râm mát trong cái nắng hanh hao của buổi chiều đầy sương khói. Cây ngô đồng từ xa theo gió đưa hương bay lại. Tiếng chim lảnh lót trên các tàn cây. Mùa thu năm đó, tôi còn cùng ông đem nho ra chợ bán, vậy mà hôm nay tôi lại phải tiễn ông về nơi xa. Mùa nho năm nay đã chín rồi, ông ạ, tôi thút thít.

Ba tôi quỳ mãi trước linh cữu, không ăn uống gì. Mẹ tôi nói, bao lâu rồi ba không gặp ông nội, cứ để ba ở bên ông nội con thêm một lát nữa, những giây phút thiêng liêng như thế này rồi cũng nhanh chóng biến mất thôi.

Đội kèn ra về, hẹn ngày đưa tang lại đến. Những người khác ai về nhà nấy, chỉ còn mẹ và dì tôi ở lại cùng ba. Căn phòng chập chờn ánh đèn, in những cái bóng cô đơn lên tường. Ba tôi suốt một đời vất vả gió sương, lo cho vợ con, bận bịu làm việc từ năm này qua năm khác, chưa bao giờ tôi thấy ba nghĩ cho mình. Ở tuổi của ba chưa hẳn đã già nhưng những nếp nhăn trên gương mặt ba hiện lên rõ nét, một khuôn mặt hằn vết thời gian. 

Ba cứ ngồi như vậy, thỉnh thoảng lại vặn to ngọn đèn dầu sắp tàn. Những tờ giấy bạc hóa thành tro. Còn chút ánh lửa lập lòe, ba bỏ giấy tiền vào đốt tiếp, ngọn lửa bừng lên, chiếu sáng một góc. Lúc còn sống ba không được ở gần ông nội, chăm lo cho ông nội theo đúng đạo lý làm con thì giờ khi chết đi, việc làm duy nhất mà ba làm cho ông nội là đốt thật nhiều vàng mã để ông có thể thảnh thơi, an vui dưới suối vàng.

Đã quá nửa khuya, mẹ giục tôi về. Suốt dọc đường, tôi và cậu bạn đi chung không nói với nhau câu gì. Tiếng gió réo ầm ầm, hàng cây bằng lăng rụng hết lá, chỉ còn lại thân cây trơ trụi khẳng khiu, ngọn cây đâm thẳng lên trời như những bóng ma.

Mình thấy lạ lắm, cái chết của ông nội ấy, giọng tôi vang lên trong đêm khuya.

Ý cậu là cậu nghĩ không phải ông vô tình té ngã mà chết?

Mình không biết nữa. Tôi nhớ lại, cả buổi tối hôm nay không thấy vợ chồng chú tư đâu cả. Vợ chồng chú giàu nhất làng, tính tình ích kỷ, bủn xỉn không ai bằng. Họ buôn bán gạo, lấy giá cắt cổ. Có một lần mùa màng thất bát, đói rét khắp nơi. Trong làng, chỉ duy nhất chỗ chú tư có tiệm gạo. Lợi dụng điểm này, vợ chồng chú bàn nhau tăng giá gạo lên. 

Hồi ấy gạo còn quý hơn cả vàng, nếu không ăn cơm thì chỉ còn cách là đào khoai lang, khoai mì rồi luộc ăn. Ăn hoài cũng ngán, người dân đành bỏ một số tiền lớn để mua một ký gạo. Vợ chồng chú rủng rỉnh túi tiền, cười không ngớt. Người dân làng tôi ai cũng ghét vợ chồng chú. Mấy lần họ dòm ngó mảnh vườn của ông nội, còn đề nghị nên bán đi nhưng ông nội tuyệt nhiên không đồng ý. Lẽ nào cái chết của ông nội có liên quan đến vợ chồng họ?

Ngày đưa tang ông nội là một ngày nhiều gió. Bầu trời xám xịt. Không khí đầy mùi ẩm mốc. Quan tài đặt ngoài sân chuẩn bị đưa lên xe. Các dì các cô chuẩn bị mũ tang, khăn tang cho từng người. Thanh niên trai tráng phụ trách việc khuân vác. Tiếng trẻ nhỏ cãi nhau chí chóe, nói cười hồn nhiên. Những người đến viếng sau khi thắp cho ông tôi một nén nhang thì ra ngồi đằng trước tán gẫu, tỏ vẻ bình thản. 

Không phải là người thân của họ qua đời nên nỗi đau buồn này không tồn tại trong suy nghĩ của họ. Tôi ngước đôi mắt đờ đẫn nhìn người qua kẻ lại. Quá nửa buổi sáng, ánh mặt trời vạch một đường mây chiếu những bóng nắng xuống khoảnh sân đông đúc người, chiếu lên chiếc nắp kính trong suốt làm cho toàn thân người nằm bên trong như đang phát sáng.

Tôi bỗng nhiên thấu hiểu một điều. Mỗi người sống trên đời này đều giống nhau. Ai cũng phải gặp cảnh sinh-ly-tử-biệt. Chúng ta chào đời, lớn lên, thành lập gia thất, mưu sinh kế nghiệp, cùng trải qua những mất mát, hạnh phúc, cùng sống trên một mảnh đất khô cằn… bao thế hệ lặp lại y chang như vậy, từ tiền bối đến hậu bối. Họ có chung một ước nguyện là mong muốn được sống bình an đến tận cuối đời.

Giờ đưa tang đến. Mấy thanh niên khỏe mạnh dùng dây thừng buộc quanh quan tài đi trước. Ba tôi cầm di ảnh của ông nội đi kế tiếp. Tôi đội khăn trắng bước sau lưng ba. Tiếng khóc của các dì các bác lại vang lên. Từng dòng người lần lượt tiến về phía đầu đường, nơi xe tang đang đợi. Tiếng khóc lẫn trong tiếng nói chuyện rì rầm của những người không cùng dòng họ. Tôi nhìn quanh, không thấy vợ chồng chú tư. 

Ngày đưa tang ông mà họ cũng không đến. Lúc ngang qua ngôi nhà to nhất, đẹp nhất, tôi cố tình đi tụt lại phía sau, nhướn cổ nhòm vào trong, chỉ thấy một người đàn ông nằm trên võng quạt phành phạch. Người dưng không cùng huyết thống còn chia buồn với chúng tôi huống hồ chi chú mang chung dòng máu với ông nội mà lại vô tâm đến thế.

Dù có nắng nhưng vẫn không làm ấm lên khoảng không gian xung quanh. Gió buốt căm căm. Lá khô rơi xạc xào. Ngồi trên xe, tôi để tay lên nắp quan tài như thể ôm ông lần cuối. Ba tôi ngồi trước, tay cầm cành liễu dán giấy bay dập dìu trong gió. Mái tóc ba đã lấm tấm muối tiêu. Từ nay ba trở nên mồ côi, như cánh chim cô đơn, lạc lõng giữa vòng xoáy cuộc đời, không còn ai để nhắc nhở sống phải biết hướng đến chân-thiện-mỹ. 

Nhưng tôi tin ba sẽ luôn khắc ghi lời răn dạy của ông nội, cố gắng là một người cha chính trực, nuôi dạy con cái thành tài. Xe dừng tại khu nghĩa trang dưới ngọn đồi cỏ xanh bạt ngàn. Chúng tôi đi bộ lên đó, từng đoàn, từng đoàn người. Ở bãi đất trống mênh mông, một nhóm người xúm xít quanh cỗ quan tài cẩn thận đặt xuống. Tôi tới chỗ ba, nói suy nghĩ của mình về vợ chồng chú thím, cái chết bất đắc kì tử của ông nội. Ba tôi trầm ngâm chỉ nói, ba sẽ điều tra.

Ông được an táng ngay cạnh bà nội, cuối cùng họ cũng được ở bên nhau. Giấy tiền, vàng bạc đốt thành tro. Từng mẫu tro đen sì bay lên cao theo gió trôi đi khắp nơi như những hình thù kỳ dị thật ghê rợn. Mọi người dần ra về, chỉ còn lại lác đác vài người xúc từng xẻng đất đổ xuống mồ, đất dâng cao lấp chiếc quan tài. Tôi về cùng ba mẹ, trong lòng trống rỗng, không tìm được cảm giác an yên như ngày xưa.

Ngày hôm sau, ba tôi họp mặt dòng họ để bàn về chuyện vườn nho của ông nội. Quả nhiên nghe nói đến chia tài sản, vợ chồng chú tư lật đật tới ngay, tới từ sáng sớm. Trong khi những người khác đưa ra kế sách nhằm bảo vệ vườn nho thì chú tư đi ngược lại vấn đề mà mọi người đang bàn.

Không một ai trong chúng ta biết gì về nho cả, tôi nghĩ là nên bán đi, lấy tiền chia cho mấy anh em. Có số tiền này anh ba không cần phải đi buôn xa nữa, như vậy có phải tốt hơn không?

Các bác các dì mỗi người một câu nhằm phản bác lại ý kiến của chú tư.

Vườn nho là tài sản quý giá của ông nội sắp nhỏ, nếu bán đi hẳn ông cụ sẽ buồn lắm.

Để lại cũng chẳng tác dụng gì, nếu để lâu nho rụng hết tới lúc đó sẽ chẳng có ai mà mua đâu, chú tư vừa rung đùi vừa nói.

Ông cụ vừa mất mà chú đã nói đến việc gia sản, thật là không tôn trọng người đã khuất.

Chúng ta có thể thuê người làm.

Thấy mọi người kịch liệt phản đối, chú tư lâm vào bước đường cùng nhưng vẫn cố chống chế, người mất tài sản vô chủ không bán thì để đó cho trộm viếng thăm à?

Không được bán vườn nho, chẳng biết tôi lấy đâu ra can đảm để buột miệng nói lên điều mà mình nghĩ từ nãy tới giờ.

Hỗn láo, ở đây mày được phép lên tiếng à?

Thứ con mất dậy, chị ba nên xem lại cách dạy con của mình đi. Vợ chú tư là một người đàn bà đỏng đảnh. Lớp son phấn trên mặt mụ ta dày có đến chục phân cộng với bộ quần áo lòe loẹt càng khiến mụ giống mụ phù thủy xấu kinh điển trong các câu chuyện cổ tích mà ông nội thường kể tôi nghe.

Phớt lờ câu châm biếm quá quắt của người thím ngu xuẩn, tôi liếc nhìn Bắp và bắt gặp cái gật đầu của cậu, tôi thu hết can đảm một lần nữa nói rõ từng tiếng một. Sở dĩ không được bán vườn nho là vì ông nội trước khi đi có viết di chúc để lại vườn nho cho con, bảo con phải chăm sóc thật tốt.

Tôi vừa nói xong ai nấy đều chưng hửng. Chú tư như con hổ xổng chuồng, lồng lộn lên. Ăn nói ngông cuồng, ông già khỏe mạnh, có bệnh hoạn gì đâu, mắc mớ gì phải viết di chúc.

Mọi người đồng loạt chĩa thẳng ánh mắt ngạc nhiên về phía người đàn ông đang bức xúc vì không giữ nổi bình tĩnh khi nghe tôi thông báo. Biết mình nói hớ, chú tư vội vàng sửa lại. Ý tôi… là làm sao ông già có thể giao cả sản nghiệp của mình cho một đứa con nít hỉ mũi chưa sạch.

Ông nội của mấy đứa nhỏ là người thâm thúy, biết rõ kẻ ác người lành, ông thà giao vườn nho cho một đứa không biết gì còn hơn phải để vườn nho lọt vào tay kẻ xấu. Ba tôi nói, có hàm ý khinh.

Chú tư cùng mụ phù thủy của chú mặt mày tím tái, cố sức nói, nước bọt văng tứ tung. Tôi không tin, bản di chúc đâu?

Di chúc cháu đang giữ, ông nội bảo không được cho người khác xem. Tôi nói, giọng hơi run.

Ánh mắt chú tư phừng phừng như có lửa, tôi có cảm gác như chú đang sắp sửa lao về phía mình.

Nếu đã như vậy thì chúng ta nên tôn trọng quyết định của ba, việc này chấm dứt tại đây. Người đàn ông lớn tuổi nhất, có uy nhất trong dòng họ lên tiếng kết thúc cuộc tranh chấp tài sản.

Thật ra bản di chúc là hoàn toàn bịa đặt do Bắp dựng nên hòng đưa vợ chồng chú tư vào bẫy. Đi nước cờ này quả thật nguy hiểm nhưng tôi đặt hết niềm tin vào cậu bạn, ba tôi cũng vậy, tin rằng cậu sẽ cứu được vườn nho. Ông nội ở trên trời có linh thiêng cũng sẽ bỏ qua lời nói dối của cậu.

Lúc tôi và Bắp đi mua gạo ở tiệm gạo của mụ phù thủy, cậu cố tình nói to để thu hút sự chú ý của mụ, cậu nhớ giữ kỹ bản di chúc, cái đó quan trọng lắm, mất là hết hiệu lực luôn đấy.

Tôi gật đầu, ừ, rồi liếc sang người đàn bà đang soi gương. Thấy mụ ta dỏng tai lên nghe ngóng, tôi nói tiếp, ngày mai ba mẹ mình lên huyện có chút việc, ở nhà một mình thật chán, chúng ta đến thăm vườn nho của ông nội đi.

Được đấy, Bắp vừa nói vừa vác bao gạo đặt lên vai.

Quả nhiên đúng như những gì Bắp dự đoán. Hôm ấy gia đình tôi giả vờ đi vắng, vợ chồng chú tư bèn lẻn vào nhà, bới tung cả căn nhà để tìm bản di chúc. Tìm hơn hai tiếng đồng hồ mà không thấy, chú tư đâm ra cáu gắt. Khốn kiếp, để ở đâu chứ?

Hay chúng nó cất giấu ở một nơi khác?

Cứ tưởng hạ độc chết ông cụ sẽ cướp được mảnh vườn nào ngờ lão già chết tiệt ấy nhanh chân hơn chúng ta một bước, đã tính toán đâu vào đó. Tìm thấy bản di chúc lập tức hủy ngay.

Chẳng có di chúc nào đâu chú thím ơi, tôi cất giọng phía sau làm hai tên trộm giật bắn mình.

Mọi người trong gia tộc tập họp đông đủ, ai nấy đều chứng kiến hành vi ám muội của hai con người có bụng dạ xấu xa.

Mày… dám lừa tao, chú tư chỉ vào mặt tôi, nghiến răng ken két, thiếu điều nhảy bổ vào nữa thôi.

Làm chuyện xấu ắt có tật giật mình, ba tôi nghiêm trang, chú vì một khu vườn mà hại chết ba, chú đáng bị trừng phạt.

Ba tôi long mắt lên sòng sọc, chưa bao giờ tôi thấy ba giận dữ như thế. Mọi người lên án, nói chú là đứa con bất hiếu rồi sẽ gặp quả báo. Vợ chồng chú tư đứng không vững lảo đảo như suýt ngã đành phải thú nhận sự thật. Chính chú đã bỏ thuốc Penicillin vào thức ăn của ông nội khiến ông chết không kịp trăn trối. Chú quỳ gối dưới ba tôi, mong ba tha thứ. Dù cho ba tôi có bỏ qua mọi chuyện nhưng còn người dân trong làng thì sao, họ oán hận và căm ghét gia đình chú tận xương tủy.

Có người hớt hải chạy vào báo tin con trai chú tư đang cấp cứu trong bệnh viện, nghe đâu thằng con ngổ ngáo này đua xe rồi bị tai nạn. Vợ chú mặt thất sắc, ngất lịm.

Cha làm con chịu, tôi nghĩ đây là báo ứng.

Hai năm sau.

Dưới sự chăm sóc của Bắp, vườn nho ngày một tươi tốt. Mỗi năm tới kỳ thu hoạch, chúng tôi đem nho lên huyện, lên xã bán. Số tiền thu được chúng tôi chia nhau đóng học phí cho những năm học kế tiếp. Số dư còn lại tôi đưa cho ba mở tiệm thuốc bắc nho nhỏ, như vậy ba tôi không cần phải đi làm ăn xa nữa. Biết nhiều về y thuật, ba tôi trị bệnh cứu người miễn phí.

Đứa con trai duy nhất của vợ chồng chú tư sau khi ra viện thì ngớ ngẩn, đầu óc bấn loạn, không còn biết gì. Có lần cậu nghịch dại với lửa, may mà thím tư về kịp nếu không chắc sẽ xảy ra hỏa hoạn mất thôi. Gia đình chú dù bán hết cơ nghiệp cũng không trị dứt bệnh cho con trai, ngày đêm chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Phải chăng đó là cái giá mà vợ chồng chú thím phải trả cho những việc làm sai trái của mình trong quá khứ?

Tôi còn nghe nói cứ đến rằm hằng tháng, người đàn bà một thời son phấn ấy đi chùa cầu nguyện, mong con mình mau chóng bình phục. Tôi không biết lời cầu xin của thím có động lòng Phật hay không nhưng tôi tin nếu thành tâm hối cãi thì sẽ được may mắn.

Hôm nay là ngày giỗ của ông nội, tôi ôm một bó hoa ra mộ ông, vừa nhổ cỏ vừa kể chuyện cho ông nghe. Bắp đã không làm ông thất vọng, cậu ấy đã đưa vườn nho ngày một đi lên, năm nào cũng buôn may bán đắt. Tin tức lan truyền đi, khách từ nơi khác đến đặt mua nho rất nhiều, còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa ông ạ. Không bao lâu sau ngôi làng bé nhỏ của chúng ta sẽ trở nên nổi tiếng đấy ông. À, báo cho ông thêm một tin vui nữa, Bắp đang nghiên cứu và chuẩn bị cho ra đời một loại rượu làm từ nho. Tiếc thật, ông không còn để mà uống cùng tụi cháu.

Sắc thẫm hoàng hôn ánh lên từ chân trời phía tây in bóng xuống ngôi mộ những tia sáng mờ nhạt. Tôi nói, đã đến lúc cháu phải về rồi ông ạ, năm sau cháu sẽ lại đến và kể tiếp cho ông nghe nhé!

Tôi bước xuống đồi, men theo con đường cũ về nhà. Gió chợt nổi lên, lành lạnh.

Mỗi năm cứ đến mùa gió bấc, lòng tôi lại bâng khuâng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem