Truyện dự thi: Ngoảnh đi ngoảnh lại…

Đặng Ngọc Hưng Thứ tư, ngày 24/07/2019 07:00 AM (GMT+7)
Quê ngoại của Phúc là một xã thuần nông của Hà Nam. Nơi đây ngày xưa vẫn được gọi là vùng đất chiêm trũng, đất cầu tõm. Vào vụ cấy, người dân phải lội đến quá gối mới cắm được cây mạ non xuống bùn.
Bình luận 0

Năm 17 tuổi, mẹ Phúc trốn bà ngoại ra Ninh Bình xin làm công nhân đường sắt. Mẹ gặp và lấy bố cũng là một công nhân ở đó. Sau mấy năm, hai người được điều chuyển ra làm một công trình giao thông lớn ở ngoài Hà Nội. Công trình lớn tầm cỡ quốc gia nên hàng vạn người làm những hơn 10 năm mới xong. Khi công trình xong thì đã có hẳn một thế hệ thứ hai là con cái của các cán bộ, công nhân viên thi công công trình đó ra đời. Để an sinh cho mấy vạn người, Nhà nước phải bố trí cấp nhà, cấp đất cho những công nhân ở lại. Thế là bố mẹ Phúc tự nhiên có hộ khẩu Hà Nội như bao người khác.

Ngày còn học cấp hai, cấp ba, năm nào cũng vậy, hễ cứ đến dịp nghỉ hè là Phúc lại được bố mẹ cho về quê ngoại chơi. Năm ít ngày thì cũng đôi tuần, còn năm nào nhiều thì có khi tới đôi tháng, đến khi nhà trường thông báo tập trung thì mới lên.

Ông ngoại mất sớm nên chỉ còn bà ở với vợ chồng cậu Hải. Hồi đó vợ chồng cậu Hải mới cưới nên có ba đứa con lít nhít. Khi mợ Hòa sinh đứa út thì thằng Hà, là con lớn nhất của cậu mợ, mới lên 5 tuổi. Vậy nên Phúc nói về chơi song cũng phải giúp bà, giúp mợ khối việc, từ cuốc đất, thồ mạ đến trông bế mấy đứa trẻ nhà cậu Hải.

Xung quanh nhà bà ngoại toàn là nhà các chú, các bác anh em họ hàng với ông ngoại nên Phúc cũng có nhiều anh em họ mạc trạc tuổi. Mỗi lần Phúc về chơi là các anh em thích lắm, tha lôi Phúc đi khắp các xó xỉnh từ đầu làng ra đến cuối ruộng, từ ao vườn nhà ra đến các thùng đào, thùng đấu rồi ra tận con sông ranh giới giữa hai làng… Mỗi lần về quê lên, người Phúc đen xạm hẳn đi khiến bố mẹ nhìn thấy cũng đều phải xót xa…

img

***

Từ ngày vào học đại học Phúc bắt đầu ít về quê hơn. Thực ra thì số lần về có nhiều hơn vì Phúc đã lớn, tự biết chủ động đi lại nên hễ hơi có tí việc gì cần kíp là bố mẹ lại sai về. Số lần về quê thì nhiều, song số ngày ở lại thì rất ít, nhiều khi sáng về chiều đã lại lên ngay. Từ khi bà ngoại mất thì Phúc lại càng ít về hơn.

Tốt nghiệp ra trường, không tìm được việc ở Hà Nội, Phúc vào Sài Gòn xin việc rồi lấy vợ luôn ở trong đó. Vợ Phúc sinh con, hai vợ chồng đặt tên con là Đức. Vợ Phúc bảo đặt tên như vậy cho nó quấn bố.

Quả thực thằng Đức quấn bố kinh khủng. Lúc còn nhỏ mỗi khi Phúc đi đâu về là nó sà ngay vào lòng bắt bế bắt nựng. Đến khi lớn hơn một chút thì bố đi đâu nó cũng nằng nặc đòi đi theo. Thấm thoắt thằng Đức đã vào lớp một, mới đi học mà mắt đã cận lòi ra, phải đeo cặp kính 2 điốp.

Thỉnh thoảng bố con có dịp ngồi chuyện trò, Phúc thường kể lại những kỉ niệm về quê ngoại cho con nghe. Thằng Đức nghe bố kể chuyện cua, cá, ếch, nhái… cứ há hốc mồm ra nhìn bố như thể nhìn người hành tinh khác mới rơi xuống trái đất. Phúc nghĩ chắc nó chẳng thèm tin những thứ mình kể, cuộc sống của chúng nó từ nhỏ đã quen nơi thành thị nhộn nhịp, chúng đâu cần quan tâm, để ý gì đến đời sống, phong cảnh nơi thôn quê…

Nhưng Phúc đã nhầm! Trong một lần hai bố con nói chuyện về học tập, Phúc động viên con bằng cách khuyến khích: Nếu năm nay con đạt danh hiệu học sinh giỏi thì ba sẽ lại cho đi biển một chuyến…

Thằng Đức buột miệng nói: Nhưng con thích đi chỗ khác cơ…

Thực ra hè năm nào Phúc cũng cố thu xếp cho vợ con được đi biển một chuyến dù gần hay xa. Phúc nghĩ “Chắc cu cậu cũng đã chán, không còn thiết tha lắm với đi biển…”.

- Con thích đi đâu?

- Ba cho con về quê đi… Về nhà ông Hải chỗ mà ba hay kể chuyện hồi xưa đó…, về chơi mấy ngày thôi cũng được…?

Ra là vậy, nó thích được về quê. Phúc nghe vậy cũng mừng vì như vậy sẽ tách được nó ra khỏi màn hình máy tính, điện thoại.

- Gì chứ về quê chơi thì ba ủng hộ ngay…! - Phúc đồng ý song vẫn muốn biết lý do nên hỏi: Sao con lại thích về quê?

- Con muốn xem những thứ mà ba kể cho con nghe có thiệt không?

- Vậy hả…! – Phúc không giấu được cảm xúc. Chuyện ở quê toàn là thiệt đó, bữa giờ ba không có xạo đâu…

- Vậy ba hứa đi?

Chẳng hiểu sao thằng Đức lại bắt Phúc phải hứa. Chắc nó sợ bố nó sẽ quên hoặc nó nghĩ việc về quê là việc khó, khó hơn cả việc cho nó đi biển vào mỗi dịp hè. Mà nó nghĩ vậy thì cũng có phần đúng, đã lâu Phúc không về quê.

- Ba hứa…! Nhưng con phải cố gắng đấy…

- Dạ…!

Thằng Đức dạ dài, vậy là giao kèo giữa hai bố con đã được ký kết.

***

Đã hứa thì phải làm, Phúc lên kế hoạch xin nghỉ phép ngay khi thằng Đức về thông báo:

- Con đạt danh hiệu học sinh giỏi rồi…! Chỉ còn chờ ngày bế giảng để nhận phần thưởng và giấy khen nữa thôi…

Mà Phúc có không muốn thực hiện lời hứa đó cũng không được, vì thằng Đức từ hôm đó ngày nào gặp ba nó cũng nhắc:

- Ba đã hứa rồi, ba nhớ phải thực hiện đó…!

Vợ Phúc không thể nghỉ được nên chỉ có hai bố con ra Bắc. Nghĩ mình ngày xưa về quê chơi những mấy tháng mà không biết chán nên Phúc nhẩm tính kế hoạch cho chuyến đi 10 ngày. Thứ bảy tuần này hai bố con sẽ bay ra Hà Nội và ở chơi với ông bà nội 2-3 ngày. Sau đó Phúc sẽ đưa con về quê chơi với vợ chồng ông cậu khoảng dăm hôm. Sau đó nữa thì tùy thuộc vào thằng Đức, nếu nó thích ở chơi thêm thì cho nó ở lại đến khi nào cu cậu thấy chán thì nhờ ông cậu đưa lên Hà Nội để ông bà nội xem có người quen nào vào Sài Gòn sẽ gửi nó theo vào. Còn nếu thằng Đức cảm thấy chơi vậy đã đủ thì hai bố con sẽ cùng về. Tình huống thứ hai này thì có lẽ hơi khó xảy ra. Phúc tự tin nghĩ vậy nên chỉ dám đặt vé khứ hồi cho riêng mình.

***

Chiếc xe ôm bon bon đưa hai bố con Phúc về làng. Con đường độc đạo dẫn từ đê về làng ngày xưa khấp khểnh bởi chằng chịt những vết chân trâu nay đã được đổ bê tông láng mịn.

Phúc cố nghển cổ khỏi vai anh xe ôm để dõi mắt nhìn về phía làng, dấu hiệu thay đổi đã hiển hiện khá rõ, những bụi tre thưa thớt hơn, những ngôi nhà xây 2-3 tầng nhiều lên trông thấy… “Đường này mà thồ mạ thì sướng phải biết”, Phúc nghĩ mà thấy mừng cho quê hương đã có nhiều thay đổi theo hướng tốt lên.

Phúc lim dim đôi mắt, hít hít mấy hơi thật sâu để tìm lại một thứ mùi xưa cũ, song không thể cảm nhận được. Đó là mùi thum thủm của phân và nước tiểu của trâu bò, đó là mùi ngai ngái của rơm rạ mục… tất cả hòa quện, trộn lẫn với đất bùn tạo nên một thứ mùi đặc trưng mà chỉ ở quê mới có, Phúc vẫn thường gọi đó là mùi quê.

Phúc mở mắt nhìn ra xung quanh, lúa ngoài ruộng đã gặt hết, gốc rạ để cao ngang đầu gối vì không ai còn lấy rơm về làm gì nữa. Hai bên đường thỉnh thoảng lại có một đống tro lớn, dấu hiệu của việc đốt rơm mấy bữa trước.

Con đường xi măng nhỏ dần song dẫn đến tít tận cổng nhà ông cậu. Cậu Hải ngạc nhiên lắm khi thấy Phúc cho cả con trai về chơi. Ngồi một lúc cậu vụt đứng dậy bảo:

Bố con thằng Đức cứ ở nhà để ông đi gọi bà về làm cơm đãi khách quí…

Phúc tranh thủ dẫn con ra bờ ao ngắm nghía. Chiếc ao xưa rộng dài là thế, vậy mà giờ đã bé lại trông thấy bởi bị lấp lấn từ bốn phía. Cái chuồng lợn cạnh bờ ao ngày nào đã được đập bỏ, xây lên một khu phụ để vệ sinh, tắm rửa..., nước thải chảy thẳng xuống ao. Phúc đưa tay chỉ cái ao nhỏ đen ngòm, nói:

- Ngày xưa ba hay tắm ở cái ao này…

- Nước ngày xưa có đen thế này không ba?

- Không, nước trong lắm! – Phúc vừa nói vừa đưa tay chỉ trỏ. Ngày xưa chỗ này là cái chuồng lợn, phân lợn, phân người đều giữ lại dùng để bón ruộng chứ không thải ra ao… Ở quê mọi việc tắm táp, giặt giũ, vo gạo, rửa rau, rửa bát… tất tần tật là ở cái ao này… Chỗ này ông Hải bắc một cái cầu ao bằng tre vươn ra ngoài…

Thằng Đức nhìn lại mặt ao lần nữa để xác định chính xác màu nước rồi nhìn ba nó nghi ngờ hỏi:

- Tất cả đều rửa ở ao này hả ba…?

- Đúng vậy - Phúc khẳng định rồi đính chính thêm: Chỉ có mỗi nước nấu ăn là phải đi gánh từ giếng làng về thôi!

Phúc nói xong định thò tay xuống ao hớt nước lên nghịch như thuở nào, song nước quá thấp không với tay tới.

- Thỉnh thoảng ba ra cầu ao lại bắt được cặp ốc nhồi to như nắm đấm. Cụ ngoại đem tích vào giỏ treo lên gác bếp, đợi đến khi nào đủ bữa mới đem xuống nấu…

Nhắc đến bà ngoại, Phúc bỗng chợt thấy cay cay nơi sống mũi.

***

Mới tầm 4 giờ chiều, thằng Đức đã ra chỗ ba nó ngồi nhấm nháy:

- Đi thôi ba…

Phúc liếc mắt nhìn ra sân, trời còn nắng ran nhưng không thể để thằng Đức cứ phải háo hức chờ đợi mãi.

- Ừ thì đi! Đồ bơi chuẩn bị đủ chưa?

- Con xếp hết vào balô đây rồi ba!

Ông Hải nhìn hai bố con xách balô ra cửa, ngạc nhiên hỏi:

- Hai bố con cu Đức đi đâu đấy?

- Con cho cháu đi chơi loanh quanh một chút ông ạ…!

Ông Hải dặn với theo khi hai bố con Phúc đã ra đến sân:

- Đi mau rồi nhớ về ăn cơm tối đấy…!

Ngày trước Phúc thấy làng rộng là thế, đi mãi mới ra đến con ngòi ở rìa làng. Vậy mà giờ mới đi mấy bước chân đã nhìn thấy những ruộng lúa trơ gốc rạ cao ngang đầu gối. Có lẽ khi còn là trẻ con thì người ta cảm thấy cái gì cũng dài và rộng hơn…

- Châu chấu, cào cào là con nào hả ba…?

Nghe con hỏi, Phúc đưa mắt chăm chú hết nhìn trong đám xuyến chi mọc lút ở hai bên vệ đường rồi lại đưa mắt ra xa ở chỗ có các bụi khoai nước… để tìm kiếm. Song dù có cố đến mấy cũng không thể phát hiện ra được một thứ gì quen thuộc.

- Hồi trước hai bên đường này nhiều lắm, không hiểu sao giờ lại không có… - Phúc lẩm bẩm rồi đưa mắt nhìn ra xa phía trước, thấy một bờ cỏ chạy dài thì mắt sáng hẳn lên. Chắc ở bờ cỏ kia sẽ có, lũ ếch nhái ở đó cũng nhiều lắm!

Bờ cỏ ngày trước đi lại nhiều, lại được trâu bò thường xuyên tìm gặm nên chỉ mọc lan sát mặt đất. Lũ ếch nhái nâu, xanh ngồi xen lẫn trong đám châu chấu, cào cào xanh đỏ cứ lồ lộ ra trước mắt người. Bước chân của Phúc đi đến đâu thì lũ ếch nhái vội cuống cuồng nhảy ùm oàm xuống nước tìm chỗ trốn, lũ châu chấu, cào cào cũng nháo nhác bay rợp ra đến đó.

Thế mà giờ không hiểu sao bờ ruộng cỏ mọc tốt um tùm, cỏ cao, dày ngập lút cả bàn chân người lớn khiến Phúc chẳng thể nhìn thấy gì. Nghĩ lũ ếch nhái đang trốn mình trong đám cỏ dày, Phúc dùng chân khua khoắng cho chúng thấy động mà nhảy ra. Song đáp lại sự cố gắng của Phúc chỉ có những sợi cỏ khô bắn tung lên.

Thằng Đức bám sát theo sau bố nó một đoạn thì có vẻ đã mỏi chân hoặc cũng có thể nó đã cảm thấy chán nản nên dừng lại. Phúc thì vẫn cố kiên nhẫn đi sâu thêm một đoạn nữa. Chẳng có một con vật nào để Phúc có thể chỉ cho thằng Đức biết và chứng minh với nó là mình không nói phịa. Phúc thất vọng quay lại nhìn con nói:

- Ba không hiểu tại sao lại không có con nào…

- Chắc là không đúng mùa… - thằng Đức nhỏ vậy mà cũngbiết cách an ủi ba nó rồi nói: Thôi ba con mình đi tắm đi…?

- Ừ…! - Phúc như thoát được khỏi một gánh nặng. Ba con mình ra sông thôi…

img

***

Thuở nhỏ chiều nào Phúc cũng cùng đám trẻ con trong làng ra sông tắm táp nô đùa. Nước sông ngập mấp mé bờ bãi, đám cỏ gà mọc lan đến sát mép nước. Bọn trẻ con cứ chạy đà trên bờ rồi tung mình nhảy xuống ngụp lặn chán rồi lại thi nhau xem đứa nào bơi sang bờ bên kia nhanh nhất.

Nước con sông quê không những trong xanh mà có thể nói là còn rất sạch, vì Phúc thường thấy các nhà ở gần toàn ra sông gánh, thồ nước về để ăn thay cho lấy nước giếng làng. Chỉ nghĩ đến những cảnh đó Phúc đã cảm thấy mát mặt.

Gần đến bờ sông, mùi tanh hôi bắt đầu xuất hiện. Phân vân không hiểu sao lại có thứ mùi tởm lợm đó bốc ra từ phía con sông tuổi thơ của mình, Phúc vội rảo chân bước. Thằng Đức thấy ba nó đi nhanh như vậy thì cũng háo hức chạy đuổi theo.

Hiện ra trước mắt hai bố con chỉ là một màu xanh lút mắt của bèo tây. Thỉnh thoảng có vài chỗ bèo không lan kín, để lộ ra mặt nước màu đen ngòm. Bên trên bờ sông vứt la liệt những thứ chai lọ, vỏ nylon của các thể loại thuốc bảo vệ thực vật mang nhãn hiệu tây, tàu, ta… đủ cả.

Phúc ngẩn người vì không nghĩ con sông tuổi thơ đẹp đẽ của mình giờ lại biến thành một chiếc ao bèo lớn bốc mùi hôi thối giống như sông Tô Lịch ở Hà Nội. Thằng Đức thì hết đưa mắt nhìn ra sông lại quay sang nhìn bố, một lúc sau nó mới cất giọng nghi ngờ hỏi:

- Hồi xưa ba hay tắm ở chỗ này á…?

- À… ừ… nước trong xanh lắm…

- Nước này mà ba nói là trong xanh…? Thôi ba xuống tắm đi con chờ…

- Không… ý ba là ngày xưa không thế này… Chứ giờ nước như thế này thì ai tắm cho nổi…

***

Hy vọng cuối cùng của Phúc là buổi tối sẽ đưa con ra đường đê để nằm hóng gió. Trong lúc làn gió mát hây hây thổi vào mặt, Phúc sẽ chỉ cho con biết đâu là dải Ngân Hà, đâu là chòm sao Thần Nông, đâu là chòm sao Bắc Đẩu…

Cơm tối xong, Phúc hí hửng giắt mảnh nlon vào túi quần, hỏi mượn ông cậu cái xe máy rồi đưa con trai chạy thẳng ra con đường liên xã.

Đường liên xã là con đường giao thông chính để đi từ làng này sang làng khác, nó được đắp cao vút lên giữa cánh đồng để mùa lũ không bao giờ bị ngập. Chính vì được đắp cao như vậy nên dù đường ở giữa đồng nhưng mọi người lại hay gọi nó là con đê.

Ngày xưa điện chưa có, ăn cơm bằng đèn dầu, ngủ không có quạt. Sau khi ăn cơm, rửa bát xong, người lớn trẻ con lại í ới gọi nhau mang chiếu ra đê nằm hóng gió đến khi buồn ngủ rũ ra hoặc khi có trận mưa rào bất chợt thì mới chạy về.

Gió mùa hè bay lượn là trên mặt ruộng, gom góp hết những hương thơm của cỏ cây và lấy hết hơi mát của nước. Khi gặp con đê chắn cao, gió tạt thốc lên khiến người ta chỉ muốn nằm mãi cho đến sáng.

Hai bên đường đã có một dãy dài các nhà 2-3 tầng mới xây mọc lên. Đi một đoạn xa mới lại thấy ruộng và những làn gió mát thổi thốc vào mặt. Phúc lựa tìm một chỗ phẳng thì dừng xe bảo con xuống.

Chợt có một mùi lạ xộc vào mũi, thum thủm lan tỏa khắp không trung. Thỉnh thoảng những cơn gió cái thốc lên khiến mùi thủm thủm kia biến thành thứ mùi hôi thối nồng nặc. Có tiếng lợn kêu rống lên từ dãy nhà cấp bốn giữa ruộng… Phúc đã phát hiện ra nguồn gốc của mùi hôi thối kia, nó xuất phát từ một trang trại lợn lớn nằm chình ình giữa cánh đồng.

Thằng Đức đột nhiên quay sang nhìn ba nó nói:

- Mai mình về đi ba…

- Ừ, mai ba con mình về… Nhưng ba không có nói xạo mà…

- Không sao đâu ba… coi như ba kể chuyện cổ tích cho con nghe mà…

Trời, chuyện cổ tích thì đúng là xạo đến mức bá đạo rồi còn gì. Phúc không nhìn thấy mặt con, mà cũng chẳng cần nhìn thì cũng thừa biết mặt nó đang lộ vẻ thất vọng đến mức nào. Phúc cảm thấy thương con vì mọi háo hức, mọi tưởng tượng đẹp đẽ trong trí óc non nớt của nó đã không hiển hiện ra trước mắt mà lại trở thành nỗi thất vọng không có lời nào tả được.

Nghĩ lại Phúc cũng cảm thấy ngạc nhiên, ngạc nhiên đến sững sờ bởi sự thay đổi diễn ra quá nhanh chóng. Mới có hơn chục năm mà những kỷ niệm đẹp đẽ ngày nào của mình đã trở thành chuyện cổ tích rồi.

Phúc không sống ở làng nên không thể so sánh lợi ích mang lại của việc đổi mới và phát triển với hậu quả hủy hoại môi trường và càng không thể đưa ra phán xét đúng sai. Phúc chỉ cảm thấy tiếc nuối, giá như làng quê thay đổi nhưng vẫn giữ được môi trường sinh thái sạch sẽ như ngày xưa thì tốt biết bao. “Chẳng lẽ phát triển và sạch đẹp không thể cùng song hành tồn tại hay sao?”, Phúcnghĩ vậy thì bất giác lẩm bẩm:

Mới đó, ngoảnh đi ngoảnh lại mà đã…

Hà Nội, tháng 5 năm 2019

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem