Tôi là đứa con gái của xóm Cồn - cái xóm nhỏ con con nằm bên dòng kênh nước chảy lững lờ, mùa nắng cũng như mùa mưa, chẳng khi nào vơi cạn. Người ta bảo, thời xa lắc xa lơ nào đó, xóm chỉ là một cồn đất hoang vu trồi lên giữa cánh đồng lau lách.
Có người phụ nữ chẳng hiểu vì sao lưu lạc đến nơi này. Không chồng, không con, bà dựng lều một mình khai hoang, sau mấy trăm năm mới nên xóm nên làng. Nhà tôi mái ngói sân gạch, nhỏ xíu xiu, nằm gần cuối xóm, bên rặng xoan già cứ cuối mùa xuân lại trổ hoa tím biếc.
Hồi nhỏ, tôi có cảm giác mình luôn chìm trong nỗi bất an mơ hồ, ngay cả lúc buồn lẫn khi vui. Mà buồn thay, người thường mang đến sự bất an lại là bà nội. Bà nội tôi nhỏ người, dỏng cao. Khuôn mặt bà có đường lông mày cong và mỏng; môi cắn chỉ sắc nét bã trầu, nhưng đôi mắt sâu thì luôn phảng phất những nét buồn rất lạ. Chiếc áo bà ba màu gụ, hay chiếc quần lụa đen nhánh bà mặc thường phảng phất mùi băng phiến- thứ mùi ngai ngái xa xôi. Bà ít nói to, hầu như chẳng bao giờ quát tháo hay chửi mắng ai; nhưng lại ưa chì chiết. Tôi rất sợ những câu chì chiết của bà về một chuyện nhỏ nhặt nào đó trong ngày. Lời bà nói bâng quơ lắm, cứ nhẹ nhàng như người ta thả con diều ra rồi để trôi theo gió thôi, nhưng lật đi lật lại thì mỏng, và sắc lem lẻm như cái lưỡi dao bà vẫn dùng để bổ cau hay châm lỗ trên miếng trầu cánh phượng .
Tỷ như trong bữa cơm, khi con Mén em tôi đang ngửa cổ lùa bát canh vào miệng, bà gõ đũa nhẹ nhàng lên cái mâm đồng nâu xỉn, rồi thẽ thọt nói đổng: Ăn trông nồi ngồi trông hướng. Cái tuồng con gái miệng rộng đến tai, phàm ăn tục uống, sau này nhà chồng nó lại chẳng đào mả nhà mình lên. Tỷ như ngày cô Miên hàng xóm đón thằng con trai đầu lòng, bà lạnh lùng nhấm nhẳng nhà người ta có phúc có phần, sinh được cháu trai, nhà nào vô phúc mới chỉ đẻ ra rặt sò hến đái thối nhà. Tỷ như khi bố gửi lương về, tiền bà cầm, tráp bà giữ, nhưng bà vẫn ngồi bên bậu cửa, hờ vọng vào buồng trong, rằng số con trai bà khổ, ngày đêm vất vả trần mặt trên thao trường để lũ sò hến ở nhà nằm phưỡn ra ăn. Tiếng bà mỏng, đanh, pha thêm tí rền rĩ càng làm nhói tai người.
Sau này mẹ kể, lần duy nhất mẹ được bà gọi con xưng mẹ là cái hôm bước qua cây cầu bắc ngang kênh về nhà chồng, bà ngoại nước mắt lưng tròng, cầm chặt tay bà nội gửi gắm “Nhờ bà thương lấy cháu...”. Từ đó về sau là thôi, thôi hẳn. Những bữa cơm, bao giờ mẹ cũng cúi gằm mặt xuống vì kiểu gì bà cũng thả vài tiếng chì tiếng bấc. Trong ký ức của mình, tôi nhớ mẹ tôi vất vả, chưa từng một lần được đặt lưng lên giường vào giấc ban trưa, dù có lên cơn sốt đầm đìa mồ hôi.
Nói chuyện ngủ trưa, ờ, kể cũng buồn cười. Ở xóm Cồn của tôi, đàn bà không được ngủ dậy muộn đã đành, nhưng đến việc ngủ trưa cũng không có quyền. Buổi trưa, không ra đồng, không vào bếp, đàn bà sẽ nghĩ ra đủ việc để làm. Khi dần mủng gạo, lúc bện cái chổi rơm, hay tìm vài cái lá ruối rồi cọ cho trắng chiếc tích pha trà đen xỉn để từ buổi khươm mươi niên nào đó. Nhàn rỗi hơn nữa thì tụ tập bên cầu ao, dưới gốc mít cổ thụ trong vườn ai đó, quạt mo cau phành phạch kể chuyện con gà mái vừa mất đêm qua, chuyện bán yến thóc để mua bộ sách giáo khoa cho con, chuyện ăn chuyện ị của thằng cu cháu… Làm gì cũng được, chơi gì cũng xong, nhưng không được ngủ trưa, kẻo cái tiếng con đàn bà lười thối thây lại vang khắp làng trên xóm dưới.
Con Mén và tôi, dù chưa phải đàn bà, nhưng lên tám chín tuổi cũng bị tước quyền ngủ trưa như ai. Thật ra, hồi đó bọn nhỏ chúng tôi thường thích chơi hơn thích ngủ. Trưa mùa hè mà tụ nhau trong vườn nhà đứa nào đó, hái dái mít, chuối xanh chấm muối ớt, bắt chuồn chuồn cho cắn rốn, hoặc chơi ô ăn quan, chơi chắt chơi chuyền thì còn vui đến độ chả muốn về. Nhưng cũng có những hôm giang nắng dâm dấp mệt, những ngày trời rét thâm môi, muốn trùm chăn nằm cho ấm… mà bị bà bắt gặp thì kiểu gì cũng được nghe những câu nói thẽ thọt xót đến tận lòng.
Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.
Bà nội chẳng chửi bới mẹ con tôi bao giờ, (hàng xóm khen bà ăn ở với con dâu hiền lành là thế). Cái kiểu của bà không phải lửa rơm bùng lên, khiến người ta đau bỏng một lần rồi tắt, đó là kiểu của người cầm sợi cước, miết đi miết lại trên một vết thương ngoài da, chẳng đao to búa lớn làm rách da rách thịt, mà cứ nhấm nhẳng đau thấu tâm can.
Với bà, chị em tôi có một khoảng cách vô hình nào đó. Vùi vào lòng bà nghe chuyện cổ tích, nằm ngửa lưng cho bà gãi rôm, mè nheo bà đòi cục kẹo gôm dây kẹo kéo… là điều thằng Kèo, thằng Ốc, con Tí, con Na đều quen thuộc. Nhưng với con Mén và tôi, tất cả những điều bình dị ấy như một câu chuyện cổ tích ở nơi nào xa lắm, xa như những vì sao sáng trên trời mà chị em tôi vẫn nhìn qua cửa sổ hằng đêm, trừ ngày mây dày hay mưa gió.
Lần gần gũi nhất trong ký ức của tôi về bà đó là cái chiều tháng tám xa xôi nào đó, bà cầm chiếc lược dày, tay quậy thau nước rồi bảo còn Hến đâu lại đây bà chải chấy cho. Tôi còn ngỡ như mình nghe nhầm. Chỉ đến khi bà đặt chiếc ghế đẩu, thau nhôm cũ kĩ đặc sỉn bồ kết trước mặt và lặp lại câu nói ấy, tôi mới tin là thật. Lần ấy, ở gần bà là vậy, nép mình bên bà là vậy, mà sao tôi vẫn thấy đầu mũi lược cọ vào da đầu lành lạnh, và mùi băng phiến thì cứ phảng phất lạ xa. Nỗi sợ bà mơ hồ, chậm chậm kéo dài suốt tuổi thơ và để lại một vệt buồn thê thiết trong trái tim tôi.
Khoảng cách giữa bà nội và chúng tôi lớn như thế nào, thì khoảng cách giữa bố và mẹ cũng gần như thế. Bố tôi là quân nhân, cũng giống như ông nội. Đây là điều ông ngoại tâm đắc nhất khi chọn chồng cho con gái, tức là mẹ tôi. Ở cái làng quê nhỏ bé này, gia đình có truyền thống cách mạng thì nhiều lắm. Nhưng mấy nhà có đến hai đời cha con đều là sĩ quan như gia đình bố, hơn nữa, cụ thân sinh ra nó- như cách ông ngoại vẫn gọi- lại còn là liệt sĩ. Dễ thường, mẹ tôi phải tu bao nhiêu kiếp mới được bước chân vào làm dâu một nhà như thế.
Đơn vị ở xa nên bố đi biền biệt. Ngày tôi còn nhỏ, lần bố ra đi và lần trở về dài đến nỗi tôi không đếm xuể tháng xuể ngày. Tôi hay nhìn bức ảnh chụp bố mẹ đang chụm đầu vào nhau mà mẹ đặt trang trọng ở đầu giường để cho khỏi quên bố. Ngày đó, tôi thường xuyên có một ý nghĩ trẻ con, rằng nếu tôi không nhớ rõ khuôn mặt bố, thì một lúc nào đó gặp ông ngoài đường, tôi sẽ không thể nhận ra. Vậy nên thỉnh thoảng đang lộn như chèo bẻo trên cây trứng gà đầu ngõ, tôi như chợt nhớ ra, vùng cẳng chạy vào ngó qua tấm ảnh rồi mới ra chơi tiếp.
Tôi với con Mén có chung hai điều mong đợi. Một là mong đến Tết, hai là mong bố về. Ngày Tết hẳn nhiên vui. Ngày bố về còn vui hơn nữa.
Bà nội không tiếng chì tiếng bấc ba mẹ con, đấy là điều vui thứ nhất.
Điều vui thứ hai là chị em tôi được ăn những bữa cơm cao lương mĩ vị. Lương bố gửi về bà nội giữ. Mà bà thì keo sẻn. Mỗi tuần hai phiên chợ làng, phiên nào bà cũng chỉ mua mấy lát đậu phụ nướng, hoặc ít con cá rô, vài ba lạng trám. Miếng đậu mua về xắt con chì rồi đem kho thật mặn. Nếu là cá rô kho trám cũng gia giảm tương tự thế. Bữa cơm nào dọn ra cũng có đĩa rau, bát mắm, tô canh và chút đồ ăn mặn.Ai đó bất chợt vào nhà lúc cả nhà đang dùng bữa, cũng không đến nỗi cám cảnh mà than rằng sao ăn toàn rau không vậy.
Nhưng đấy là bề ngoài. Hôm nào đĩa đậu, đĩa cá cũng dọn ra, rồi lại đổ nguyên vào nồi kho lại. Phải mấy hôm sau, khi miếng đậu lên mốc xanh xanh, hay miếng trám nhừ ra như bột thì trong bữa cơm bà mới gắp, như tín hiệu cho phép cả nhà cùng ăn.
Hồi bé, tôi cứ tưởng chỉ có mình nhà tôi mới thế, nhưng khi bắt đầu dự nhiều cuộc tán gẫu bên cầu ao, mới biết ở xóm Cồn, nhiều nhà cũng giống vậy. Đĩa đồ ăn mặn là tượng hình của thứ sĩ diện tồn tại suốt bao đời trong xóm. Nó được dùng để tỏ cho láng giềng, hay huyễn hoặc chính những người ngồi quanh mâm cơm rằng gia cảnh không quá nghèo, quá khổ; nên khi người ta không có tiền mua thức mới, người ta không dám ăn ngay những thức cũ, mà phải giữ ngày này sang ngày khác, để có cái bày ra mâm. Lâu dần, dù cuộc sống có khấm khá hơn đôi chút, nó trở thành cái nếp kỳ cục, một thói quen khó bỏ, một cách tiết kiệm, một việc cho thấy người ngồi ăn là kẻ thanh đạm chứ không phải phường tục ăn tục uống.
Bố về thì khác. Mâm cơm kiểu gì cũng có bát canh ốc nhồi chuối đậu sóng sánh, thêm đĩa thịt ba chỉ luộc cuốn lá sung và dăm cây nem cuốn rán mỡ lợn vàng ruộm. Có khi bà nội còn sai mẹ làm hẳn con gà. Tôi đã quen ăn uống “thanh đạm”, nên cũng cầm chừng, chỉ tội con bé Mén, vục đầu vào ăn, y như những lần mẹ dắt hai đứa qua cầu sang bà ngoại ở bên kia con kênh. (Những hôm như thế, có món gì ngon bà ngoại đều mang ra hết, vừa đút cho cháu ăn vừa chấm nước mắt nghẹn ngào).
Bố về, chị em tôi đứa nào cũng có vài bánh lương khô, gói kẹo hoa hồng; bà nội có tấm vải lụa đen may quần, mẹ có chai dầu gội, đấy là niềm vui thứ ba.
Quà cáp, ăn uống chỉ là một phần. Khi bảy tám tuổi, tôi thích bố về vì cái cảm giác ông lần lượt bế bổng hai chị em, xoay một vòng rồi thơm vào má, cụi cụi chiếc cằm lởm chởm râu vào cổ khiến chúng tôi không nhịn được, bật cười khanh khách. Khi chín mười tuổi, bố không còn bế tôi nữa, mà xoa đầu âu yếm, với một bàn tay rất đỗi dịu hiền.
Nhưng chỉ đến khi mười một, mười hai tuổi, tôi mới đủ lớn khôn để gạt những hớn hở trẻ con sang một bên và để ý đến khóe mắt u buồn của mẹ mỗi khi bố về. Cho đến bây giờ, khi đã trở thành một “đứa con gái” ba mươi tuổi, tôi mới thấm thía nỗi buồn hiu hắt mà mẹ phải chịu đựng trong những ngày tháng cũ.
Có đôi lần, trong dịp bố về, tôi dậy giữa đêm, lần theo tiếng thút thít thấy mẹ ngồi ôm mặt khóc ngoài hàng hiên. Lại có lần, mẹ ngồi nhìn tấm ảnh chụp chung với bố nơi đầu giường, đôi mắt thẫn thờ, để rồi khi bị tôi bắt gặp, bà như đứa trẻ vừa làm điều có lỗi, giật mình vội ngó qua hàng song nhìn bầy chim sẻ từ mái ngói sà xuống sân ăn thóc, cố tránh ánh mắt dò hỏi của tôi.
Bố mẹ rất ít trò chuyện cùng nhau trong những lần gặp gỡ hiếm hoi của cuộc đời họ. Với con cái, với bà, với xóm giềng, bố có thể nói rất nhiều. Nhưng ông lại hầu như không tìm ra điều gì khả dĩ để sẻ chia với người đàn bà của mình.
Vào những buổi trưa hè lênh láng nắng, khi bà nội cắp mo cau sang gốc thị nhà hàng xóm, hai đứa tôi nghịch chơi riêng, mẹ sàng gạo trong bếp hay đun nồi nước lá gội đầu, bố thường ngồi bất động hàng giờ, ngắm bầy ong bầu xất bất xang bang ra vào trên những ống tre khô làm giàn cho dây mướp. Ông lặng lẽ, không nói một lời, không cười cũng gần như không động đậy. Có lần, tôi với con Mén trèo bên cửa sổ, chăm chú nhìn ông ngồi tạc vào buổi trưa mệt mỏi, nặng nề. Tiếng chim gù vọng từ phía nắng xa xôi nào đó.
Người lớn thật lạ. Họ có những ẩn ức không nói ra. Và trẻ con bọn tôi, dẫu bị mang tiếng tò mò, vẫn thỉnh thoảng ít nhiều bị những ẩn ức ấy thôi thúc phải đi tìm câu trả lời cho chúng.
Thực ra, lên chín tuổi, tôi đã nghe phong thanh về một người đàn bà khác của bố trong những câu chuyện bên cầu ao của các bà, các chị. Khi chị em tôi ngồi búng sỏi xuống mặt ao, họ vô tâm nói về đứa em trai nhỏ của tôi với bà dì “đẹp lắm”, kèm theo tiếng cười rúc rích. Hai người đó là ai, tại sao họ ở nơi xa thế mà lại là em tôi, là dì tôi được?
Con Mén rủ tôi đem điều ấy về nhà hỏi mẹ. Mẹ đang lật chiếc va-li vải màu huyết dụ cũ kỹ, xếp gọn những bộ quần áo mùa đông của cả nhà. Nghe con Mén hỏi, đôi tay chai sần của mẹ dừng lại trên tấm vải dạ sờn nâu. Tôi có cảm giác như những sợi gió cuối xuân phả vào mái tóc xác xơ của mẹ một nỗi buồn không tưởng. Mẹ im lặng, không nói gì.
Mấy hôm sau, với đôi mắt quầng thâm, mẹ te tái đội nón, dắt tôi sang ông bà ngoại. Hôm ấy, mấy khóm cúc tần bên vườn nhà ông ngoại phả vào không khí mùi hương nồng dịu.Tôi ngồi bên sân gạch, tay mân mê những sợi tơ hồng óng ả. Bên cạnh, con mèo đen nằm ngáp nắng, vẻ mặt thờ ơ.
Chỉ lát sau, trong nhà vẳng ra tiếng mẹ khóc, tiếng bà ngoại yếu ớt dỗ dành. Một tiếng “vèo” lướt qua, khiến tôi giật mình. Tiếp đó là tiếng “choang” khô khốc. Gió như ngừng thổi. Và nắng nhởn nhơ đậu lại trên mấy mảnh thủy tinh đã vụn ra dưới mặt trời. Con mèo đen khôn lỏi nhảy phắt lên bức tường loang lổ nắng tự bao giờ. Chỉ có tôi ngồi ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tiếng ông ngoại dằn lên, hòa vào những mảnh nắng vỡ ra, đung đưa theo gió: “Hay chi phường trốn chúa lộn chồng; để tiếng cho mình, cho con, cho bố mẹ. Một đời tôi theo Cách mạng, theo Đảng, xóm giềng đều trọng vọng. Chị tính sao thì tính.”
Lúc ông ngoại nói ra những lời ấy, nắng đã lên rực rỡ. Mùi cây cúc tần bị ai đó vặt lá nồng dậy lên, đặc quánh trong không khí. Con mèo nguẩy đít bỏ đi, để lại tôi trên sân, với mấy dây tơ hồng dập nát.
Khi ông ngoại sang nhà hàng xóm đánh cờ giải tỏa nỗi bực dọc, bà ngoại kéo mẹ vào buồng. Cái căn buồng nho nhỏ tôi thương, có nền đất phả mùi xưa cũ, nơi tôi từng ước ao được về nằm trên lòng bà nghe kể chuyện mỗi khi hè sang. Bà ôm lấy mẹ rồi cả hai cùng khóc. Nước mắt bà chảy thành từng giọt đùng đục xuống làn da răn reo. Nước mắt mẹ trào lên tức tưởi.
Khóc chán chê, tiếng bà cất lên nặng nề khe khẽ: “Con ạ! Đất lề quê thói, đàn bà bỏ chồng điều tiếng lắm. Nào phải mẹ không thương con, nhưng mà, bây giờ con bỏ chồng, bố mày phải sống làm sao với xóm giềng đây. Sinh ra làm thân đàn bà đã là tủi cực rồi, lội chân bến trong thì hưởng, ghé phải bến đục cũng cố đành mà chịu. Mình khổ đời mình rồi, đừng để tiếng cho con”.
Ngày hôm đó không có món ăn ngon như thường lệ. Trò chuyện xong với bà, mẹ dắt tôi lầm lũi qua cầu, về với xóm Cồn bên kia con kênh- xóm của những người đàn bà không được phép bỏ chồng như mẹ.
Ừ nhỉ! Cái xóm bé con của tôi có độ hơn trăm nếp nhà, mà sao lắm câu chuyện cười ra nước mắt về những thân phận đàn bà. Họ, những người bắt đầu còm cõi, già nua ở độ tuổi ngoài ba mươi, mỗi chiều đi làm đồng về, thản nhiên vác trên vai chiếc cày nặng trĩu, trong khi ngay phía trước vài bước chân, người chồng với đôi chân lấm bùn nhưng thảnh thơi, không có chút vướng bận gì ngoài điếu thuốc lá sâu kèn thư thái kẹp trên tay. Để rồi, khi đêm về, cũng chính những người phụ nữ ấy tự bôi chút rượu địa liên day lên những ổ khớp đau nhức, tê tái sau một ngày làm việc mệt nhoài.
Ở xóm Cồn, đàn ông thường chỉ làm “việc lớn”. Tôi không rõ việc lớn ấy là những gì, vì quanh quẩn cũng chỉ thấy họ thồ vài xe lúa mùa gặt, cuốc mảnh đất mùa gieo mạ- những việc đàn bà thậm chí phải cáng đáng nhiều hơn. Nhưng họ nhất định không bao giờ làm việc nhỏ, nghĩa là những công việc lặt vặt trong nhà. Nếu một người đàn ông nào đó bị bắt gặp khi đang lụi cụi giặt chậu quần áo, hí húi vo gạo thổi cơm, thì anh ta sẽ trở thành nhân vật chính được đem ra chế nhạo bên mâm rượu tơi bời như một cách khơi gợi những tràng cười vô tâm trong tiết trời gió mưa ảm đạm.
Đàn bà xóm Cồn khổ, nhưng họ chấp nhận sự khổ ấy trong cam chịu, bằng lòng và thậm chí, tự hào như mình đang hy sinh vì một điều gì tốt đẹp. Đàn bà càng khổ, càng nhẫn nhịn trong cái khổ thì càng được các bà, các mẹ và đương nhiên, cả cánh đàn ông, ca ngợi như một tấm gương nhằm răn dạy lũ gái dậy thì.
Đâu xa cách nhà tôi có mấy rặng xoan, thím Luyên là người đàn bà thường được khấn tên nhiều nhất. Bà nội tôi, người hầu như chả bao giờ khen ai, mà thỉnh thoảng cũng phẩy quạt mo cau quả quyết, nếu có cái mề đay cho người vợ chịu khổ giỏi nhất, chắc con mẹ Luyên đeo đỏ ngực lâu rồi.
Nguyên là chú Luyên chân cà nhắc cà nhắc, mặt choắt, nếp nhăn chằng chịt, vàng ủng như quả táo tàu, làm gì cũng yếu xìu, nhưng uống rượu thì khỏe không đối thủ. Thím đi làm đồng về, vai tòn ten quang gánh, tay phải lúc lỉu một xà cạp cua nhộn nhạo, hay xâu cá lia thia, hoặc chùm nhái bén- quà cho thằng Quất, con Bưởi, con Hồng. Ờ, cái tay phải thím muốn cầm gì thì cầm, xách gì thì xách, nhưng tay trái nhất định phải có nửa lít rượu mang về cho chú. Thằng Quất, con Bưởi, con Hồng nhịn cơm thì được, chứ chú không thể nhịn rượu bữa nào. Ngay cả tiền mua sách cho thằng Quất, chú đem đổi rượu uống với chuối xanh được hai ngày, báo hại thằng cu con đi học phải nhìn sách chung với bạn.
Hôm nào không có rượu là hôm đó xóm giềng biết ngay. Nhà thím Luyên cứ như đê vỡ. Một tay thím bế con Hồng, một tay cầm cái quạt cóc- tài sản đáng giá nhất của cả nhà, chạy vòng vòng khắp xóm. Bế con Hồng là vì sợ nó khóc, còn đèo bòng thêm cái quạt, là vì sợ trong lúc nóng giận chú đập vỡ thì toi cơm tài sản lớn của gia đình. Cứ thế, bà vợ lực lưỡng, to khỏe chạy trước, ông chồng nhỏ thó, cà nhắc đuổi theo, tay huơ cành củi khô loạn xạ, vừa huơ vừa chửi bới liên mồm. Cái tấn bi hài kịch ấy diễn ra thường xuyên đến nỗi chẳng ai trong xóm còn đứng lại nhìn mỗi khi bắt gặp nữa.
Chai rượu của chú Luyên nhìn nho nhỏ vậy, nhưng đáy chai rộng dài đến nỗi quần áo, sách vở của lũ trẻ con, đàn lợn, ổ gà của thím cứ tuốt tuột trôi vào đó mà chẳng chịu quay ra. Cái căn nhà tuềnh toàng mỗi độ mưa sa ngói trút xuống lộp bộp bao năm không có tiền lợp lại, nhưng tiền uống rượu của chú dễ thường cũng lợp được vài cái mái ngói thật tốt chứ chẳng đùa.
Vậy mà thím Luyên chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ chồng. Cứ mỗi chiều, trước khi đi làm đồng, thím lại vét trong đáy rương xem có tờ tiền hai nghìn năm nghìn nào sót lại, để chiều về có thể mang cho ông chồng lưng lửng chai rượu gạo, rượu sắn loại rẻ tiền.
“Cái phận tôi nó vậy, chả lẽ lại trách trời”.
Mỗi khi có ai đó tỏ bày sự cảm thông, thím lại cúi đầu nói ra câu ấy. Mãi rồi người ta nghe cũng quen, quen cảnh chú chả làm gì, ngày nào cũng khật khưỡng nghêu ngao những khúc hát nghe vừa chối tai, vừa rõ thằng đàn ông không nên nết; quen việc thím và lũ nhỏ mỗi chiều ngồi quây bên niêu cơm nấu nát, độn sắn khô lổng chổng phía trên, chan xì xụp vài muôi canh loáng thoáng rau. Đến thím còn đổ tại nỗi khổ của mình cho trời, thì thiên hạ biết đổ lỗi cho ai?
Cách nhà thím Luyên độ vài ba phút đi bộ, lại thêm một “ngôi sao” vợ hiền của xóm. Thím An với chú An vốn dĩ đã là đôi đũa lệch từ ngày cưới. Hồi trẻ chú An đẹp trai nhất nhì xóm Cồn này. (Bây giờ, chú đã ngoài 50 mà vẫn còn phong độ chán chê, thanh niên có khi chạy dài không kịp). Da chú trắng, người chú cao dong dỏng. Đã thế chú lại còn hát hay, biết thổi sáo trúc. Mỗi sáng chú úp nơm, đánh lưới trên kênh, các cô buôn cá buôn tôm quây lấy chú đông chật cả bờ kênh nhỏ (dẫu rằng nhiều khi cá tôm của chú chả được phần tư cái mủng cắp nách của các cô).
Mỗi tội, nhà chú nghèo. Thuở ấy, cả xóm đã có nhà ngói, nhà bằng, mà mẹ con chú vẫn ở nhà tranh vách đất. Bà mẹ chú mù lòa, lại phong thấp, lẩy bẩy như gà rù mắc mưa, suốt ngày chỉ biết ngồi ở cửa ngóng con; đến con lợn sề hay đàn gà nhép cũng không chăm được.
Độ chú lấy thím An, làng trên xóm dưới xôn xao một dạo. Thím An xấu người, da đen nhẻm, người nhỏ nhỏ, tròn tròn như cái hạt mít vùi tro. Nhưng bố mẹ thím có của ăn của để. Nhà thím ao gần mẫu, đàn bò dăm bảy con, lại có thêm cái xe máy kim vàng giọt lệ. Chú An lấy thím hôm trước, hôm sau nhà vợ dắt sang đôi bò. Mấy hôm sau nữa, anh em đằng thím sang lợp cho hai vợ chồng với bà mẹ chồng cái nhà ngói đỏ tươi rười rượi. Người ta bảo chú lấy thím vì tiền.
Chú lấy vợ rồi, nhưng cứ mỗi lần chú ra kênh tát cá, thả lưới, kiểu gì khúc kênh ấy cũng xôn xao tiếng cười đùa của các cô buôn. Cái mùa trở gió hanh hao, khi thím nằm ổ đẻ thằng cu đầu, chú có người đàn bà khác, một trong những cô buôn ấy.
Lần đầu tiên, thím khóc, thím hờn ghen nhưng rồi tự dằn lòng nhịn, vì nghĩ mình thua thiệt nhiều bề, chồng chê là điều hôm trước hôm sau. Chả biết vì thương vợ con, vì bà mẹ mù đập đầu dọa chết, hay vì chán cô nhân tình, mà chú quay về.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, thím nằm ổ đứa thứ hai, chú lại tiếp tục đi. Thím vẫn khóc, vẫn ghen, nhưng chú nhất định hú hí cùng cô bồ chứ không chịu về nhà. Trong cái buổi mưa gió dầm dề, thằng con lớn đau bụng nằm lăn ra manh chiếu rách, thằng con nhỏ bỏ bú quấy khóc tỉ tê mà chồng thì mất mặt, thím đánh liều quấn tơi, ôm chặt hai đứa con bỏ về nhà mẹ đẻ.
Sau chặng đường mưa trơn trượt, con khóc mẹ khóc nhòa cả mắt, đến cổng nhà, bố thím gang tay giữ chặt hai cánh cổng tre, kiên quyết đuổi con và cháu đi. Mẹ thím đứng dưới mưa, vục tay vào mặt khóc mà không dám nói một lời can ngăn chồng.
“Đã nhịn một lần rồi thì cố nhịn thêm lần nữa. Đàn ông nó đi chán nó về. Con cái vào rồi, lỡ dở chỉ khổ các cháu con ơi”.
Cái câu bà mẹ nói với theo con gái lúc nghẹn ngào đuổi thím quay ngược lại nhà chồng ấy vô tình đã trở thành điểm tựa cho chú An. Chú chả con biết sợ, chú công khai cặp bồ, một lúc với mấy cô: Một cô hàng xén chưa chồng ngoài chợ, một bà nạ dòng chồng chết xóm trên, một ả lẳng lơ làm nghề cắt tóc ngoài thị trấn…
Thím An héo quắt người lại vì đau, vì hận. Nhưng thím không khóc nữa, cũng chẳng còn mong chú quay về. Mãi rồi, như tấm lưng bị roi vọt quá nhiều, thành sẹo lồi sẹo lõm, thím trở nên trơ lỳ với những tin ngoại tình mới của chú bay về từ khắp nơi trong thôn ngoài xóm. Thím cặm cụi làm quần quật ngày đêm, nuôi hai đứa con, thêm bà mẹ chồng mù lòa, đến nỗi da ngày càng đen, người ngày càng quắt queo; để mặc ông chồng đẹp trai mang tình đi thả rông như gió bốn phương.
Có người khuyên thím làm ầm lên, gọi ba bà chị dâu đến đè ngửa mấy con đàn bà lẳng lơ cướp chồng ấy ra mà gọt tóc, bôi vôi, mà xé quần xé áo, mà cào cấu, chửi rủa cho hả giận, rồi muốn sao thì muốn. Thím chỉ cười buồn. Xấu chàng hổ ai? Để thế này người ta còn thương. Em làm thế, thiên hạ lại bảo con vợ đó đã xấu người còn xấu nết nên chồng mới bỏ đi theo gái.
Triết lý của thím nhận được bao nhiêu cái gật gù. Nói về thím, bên cầu ao, bên gốc mít, đàn bà chép miệng “con đó giỏi”, đàn ông tâm đắc “con này được”; các bà tóc trắng răng đen lừ mắt nhìn mấy đứa cháu gái ngực vừa nhu nhú “Nhìn đó mà học. Đàn ông năm thê bảy thiếp thì cứ, nhưng đàn bà rằng phải chính chuyên một chồng”.
Những người phụ nữ khốn khổ trong xóm không dám, hoặc không được bỏ chồng, vậy thì mẹ tôi vì lý do gì mà bỏ chồng kia chứ? Bà nội tôi quá quắt ư? Ở cái làng quê này, có bà mẹ chồng nào thương con dâu? Bố tôi có con riêng ư? Đó chỉ là tin đồn nào đã ai chứng thực.
Người ta không biết rằng, khi bố ngồi bất động bên giàn mướp, không biết làm gì ngoài việc ngắm mấy con ong bầu bay ra bay vào, là khi mẹ để những giọt nước mắt nóng hổi của mình chảy trên sàng gạo giữa buổi trưa thanh vắng. Người ta cũng đâu biết khi cả nhà đã ngủ say, bố lại bỏ ra phản nằm suốt đêm, để mẹ ôm con Mén nghe tiếng ếch nhái ngoài đồng vọng lại rồi hiu hắt thở dài. Khi đã ba mươi tuổi, tôi mới thấu hiểu được nỗi đau của mẹ- nỗi đau của một người đàn bà không có được tình yêu của chồng.
Nhưng, ở xóm Cồn, bỏ chồng vì không có tình yêu là một lý do quá đỗi buồn cười. Buồn cười đến mức không thể nào chấp nhận được! Đàn bà ở đây không cần sống vì tình yêu trai gái. Họ sống là để hy sinh một cách tự nguyện với biết bao thiên chức cao quý mà cuộc đời đổ chụp lên đầu mình.
Tôi, con Mén, con Na, con Mận, con Bưởi và biết bao đứa gái nhỏ xóm Cồn này lớn lên, trong một nỗi buồn vô hình không thể nào cắt cho rõ nghĩa.
Nhưng cuộc đời không hẳn chỉ toàn nỗi buồn. Điều may mắn cho ba mẹ con tôi, hay cho chính bà nội là thói thường, người càng già càng trái tính; nhưng bà nội càng nhiều tuổi lại càng bớt chì chiết hơn xưa. Những lần con trai độc nhất của bà trở về nhà ngày càng thưa thớt, nên khi không băm mớ bèo cho đàn lợn, trộn chút cám cho mấy nhóc gà con, gẩy đống rơm khô khốc ngoài đường vun thành từng đống to, bà thường ngồi bên bậu cửa ngóng ra cánh đồng xa như đợi một điều gì.
Khi sức khỏe yếu dần, đôi khi bà gọi tôi nhờ lấy giúp bà thứ này thứ nọ, thực ra chỉ là để kiếm cớ nói vài câu chuyện vu vơ nào đó: Chuyện của năm Ất Dậu đói day đói dứt, chuyện về một lần đi chợ với bà cố ngoại ăn bánh đúc mắm tôm chanh ớt đã đời, hay chuyện chiếc khoen tai bằng vàng mười đầu tiên bà sắm được...
Những ký ức của bà hiện về trong đôi mắt mờ đục. Tôi uể oải ngồi nghe, dù chẳng mấy thích thú, nhưng có vẻ như chúng khiến cho khoảng cách xa lạ và sợ hãi ngày nào giữa hai bà cháu dần tan biến.
Những ngày cuối đời, bà gọi tôi nhiều đến nỗi, khi nghe tiếng bà hắng giọng tôi đã biết lại là câu Hến ơi Hến à, lấy cho bà ngụm nước, cho bà xin cái ống nhổ, chút thuốc lào xỉa răng hay ti tỉ thứ hầm bà lằng nào khác. Để rồi, khi tôi le te đưa ngụm nước ấm cho bà, bà lại đặt xuống, để đôi môi khô cong, tiếp tục nói về một ngày xa lắc nào đó trong cuộc đời mình.
Một buổi chiều cả gió, bà yếu lắm, bàn tay run run, răng lập cập chả còn xỉa nổi thuốc lào. Bà nhắc đến bố, với những vệt sáng yêu thương lóe lên trong đáy mắt già nua: “Bố mày ngày xưa nó đẹp trai, nó giỏi. Cả làng này chỉ mình nó thành sĩ quan thôi đấy. Ừ, lạ lắm. Xóm Cồn này bao cô mê nó. Mẹ mày cũng mê. Vậy mà mãi nó chẳng yêu ai. Nó gần ba mươi, bà lo quá nên mới sang nhà rước mẹ mày về đấy chứ. Thế mà mẹ mày chẳng đẻ được thằng đích tôn cho bà…Vì bố mày mà bà mới sống. Chứ không bà uống thạch tín chết đi từ cái năm ông mày hy sinh rồi”.
Quá khứ hiện về như một thước phim quay chậm trong trong lời kể mệt lả của bà. Câu chuyện bi thương ấy sau này có lần tôi kể với mẹ. Mẹ im lặng không tỏ vẻ ngạc nhiên, như thể đã biết tự lâu rồi. Tôi đem chuyện kể cho con Mén, nó cười khành khạch: “ Bà cố còn ác hơn bà nội cơ à? Thế đàn bà nhà mình càng ngày càng hiền nhỉ”. Tôi nhìn nó, thở dài, đúng lúc chuông gió rung lên leng keng, nghe như một kiếp người vừa đi qua khung cửa sổ.
Năm ấy Thẩm mười bảy tuổi. Ở xóm Cồn, cô được xếp vào hàng xinh xắn nhất. Là con gái hạng cùng đinh, tuy đôi bàn tay thô kệch vì phải mò cua bắt ốc suốt ngày, đôi chân thâm xỉn vì lội bùn, lội kênh nhưng cái cổ cao ba ngấn, khuôn mặt có đôi gò má hơi cao nhưng rất ưa nhìn thì không mưa nắng nào làm thay đổi được.
Bà mẹ điếc lác chết từ năm đói Ất Dậu cùng hai người anh trai. Ông bố chột mắt, cụt một bên chân chỉ còn Thẩm là con gái. Ông lại ho hen, ngày trở gió cái cần cổ cứ rướn lên như con gà trống giương cổ khò khứ mãi mà không gáy được. Người ta coi thường một gia đình như thế. Người ta cũng ngại đèo bòng. Nên nhiều trai làng mỗi sáng ngẩn ngơ nhìn Thẩm ra bờ kênh giặt áo, mỗi chiều, muốn đeo hộ cái bừa nặng trĩu trên vai cô lúc đi đồng về, nhưng không ai đủ can đảm bước qua định kiến để cầm tay cô ngỏ lời yêu rồi rước về làm dâu nhà họ.
Ấy thế mà, đùng một cái, có anh sĩ quan về thăm nhà, bỏ mọi chê bai, bỏ sự chống đối dữ dội của bà mẹ cay nghiệt có tiếng khắp làng trên xóm dưới, để cưới Thẩm về làm vợ.
Thẩm làm dâu một gia đình có nhà ngói ba gian, có sân gạch đỏ tươi được bao quanh kín cổng cao tường. Anh chồng còn là sĩ quan quân đội, mỗi chuyến về quê đạp cái xe có chuông leng keng rộn ràng cả xóm. Ông bố què quặt của Thẩm cứ ngỡ như là mơ. Dù trong đám cưới, bà mẹ chồng Thẩm dấm dẳng ra mặt, dù cho họ hàng bên chồng Thẩm bóng gió đủ điều, ông cũng nhắm mắt gả con gái bằng xong.
Thẩm lấy chồng, ở với chồng được mươi hôm thì chồng trở lại chiến trường. Mười ngày ngắn ngủi ấy là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Thẩm. Khi bóng anh chồng vừa khuất, bà mẹ chồng giật tung nắm tóc con dâu.
Cứ thế, vừa nắm tóc, vừa kéo lê Thẩm dưới đất bà vừa chửi bới bằng những lời tục tĩu. Con hồ ly! Con yêu tinh! Mày quyến rũ con bà, mày bỏ bùa mê thuốc lú cho con bà. Con bà ngời ngời ra đấy, mà nó lại đi lấy cái giống mả hủi như mày à!
Kéo vào đến bếp bà lấy thanh củi đang cháy dở bên dưới ấm đun nước, day đi day lại trên mái tóc dài mượt của Thẩm, rồi di cả lên đùi, lên cánh tay. Mùi tóc cháy, mùi quần áo, mùi da thịt bỏng khét lẹt căn bếp ám màu bồ hóng.
Sau trận đòn phủ đầu khủng khiếp, những ngày kế tiếp là những ngày tối đen trong cuộc đời của Thẩm. Bà mẹ chồng đánh Thẩm nhiều đến mức, cô còn không có cảm giác đau đớn là gì nữa. Sáng ngủ dậy, cái dây phơi quần áo tự nhiên đứt, đánh. Buổi trưa đàn gà vào bếp bới tung đống tro, đánh. Khi hoàng hôn xuống, cái thau ủ trấu đuổi muỗi khói quá, lại đánh. Người đàn bà lực điền xấp xỉ năm mươi tuổi ấy, dường như không biết làm gì cho với đi sức lực sung mãn của mình, ngoài việc trần lưng trên những cánh đồng và đánh đập, chửi bới con dâu.
Vậy mà lạ, cái thai hoài hình trong bụng Thẩm không hề hấn gì. Khi bụng Thẩm hơi lùm lùm, bà mẹ chồng thôi không đánh đập cô, chỉ dùng lời chì chiết, nạt nộ để đe dọa.
Cái thai tám tháng thì giấy báo tử của chồng Thẩm bay về. Bà mẹ chồng cô như con rắn bị cướp mất ổ trứng, quằn quại, quẫy đạp trong nỗi đau của mình. Khi nỗi đau đã trầy da tróc vẩy, và khi đã mệt lả trước những kêu than, gào khóc, không còn sức để mà quẫy đạp nữa, bà tìm kẻ để trút giận. Giữa lúc đứa con dâu chửa vượt mặt lả đi vì khóc, mẹ chồng vẫn dúi tóc cô đập đầu thình thình vào tường. Những mảng vữa rơi xuống kèm theo máu cùng những lời chửi rủa đã khản đặc đi: Mày giết con tao. Con hồ ly. Cái gò má cao của mày… tao biết… tao biết có ngày mày giết con tao mà Thẩm ơi…
Thẩm đã muốn chết đi từ ngày ấy. Cô giấu gói thạch tín xin được dưới chân tủ, mấy bận mở ra, rồi lại đậy vào khi thấy đứa con giống chồng như lột quẫy đạp oe oe đòi sữa. Cô không dám chết. Cô sống để nhìn thấy con, mặc cho mỗi ngày chỉ được bát cơm hẩm độn gốc muống già đắng ngoe đắng ngoét. Có lần, đói quá, chờ mẹ chồng đi làm, cô lẻn xuống bếp, húp vụng bát cám lợn cho khỏi xót lòng; vừa húp vừa nhìn dáo dác sợ người khác bắt gặp, để rồi khi cái bụng trương ễnh lên thứ nước nhầy nhầy đùng đục ấy, Thẩm ngã vật ra nền đất bẩn, khóc tức tưởi như chưa từng được khóc.
May cho cô, thằng cu con bú thứ sữa chắt từ những món đồ ăn kinh khiếp ấy cứ lớn như thổi, cứ ngoan như đất, mặc cho sự hành hạ của bà nội, mặc tiếng khóc rấm rứt của mẹ mỗi ngày. Nó cho Thẩm cái cớ để sống, dù những đòn roi và lời nói cay nghiệt của mẹ chồng đã làm lòng cô nham nhở những vết thương.
Câu chuyện về cô Thẩm ngày nào khiến cho tôi lần nào nghĩ đến cũng cảm thấy buồn bã, mặc dầu không thể khóc. Khi người ta quá khổ, người ta tự cho phép mình cái quyền không bao giờ nói rằng mình sung sướng nữa. Cuộc đời của những người đàn bà xóm Cồn là vậy. Họ bị cái đói rách, sự chà đạp khinh khi đè nén, và rồi, khi trái tim với tình cảm ấm nóng nguyên sơ dần chai sạn đi vì những đau khổ, họ lại quay ra tìm cách làm khổ những người đàn bà khác.
Bà nội mất trong một ngày tháng ba xanh rười rượi. Một ngày cả gió, (như cái ngày bà nói với tôi câu chuyện về cô Thẩm khổ cùng khổ cực), giàn hoa lý ngoài sân đung đưa những cọng lá xanh um trong nắng nhẹ. Chuông gió bên cửa sổ kêu lên những tiếng lảnh lót u buồn. Đôi mắt bà khép hờ, khuôn mặt vẫn đọng lại nét rầu rầu khó tả.
Khi mẹ cất lên đầu chiếc khăn tang trắng, tôi không biết mẹ đang nghĩ gì. Mẹ không hờ khóc rền rĩ, nhưng đôi mắt lênh lang nước. Những giọt nước mắt chưa thành hình, trào lên ầng ậng, rồi lặng lẽ chảy ngược vào trong. Có lẽ, những lời chì chiết, đay nghiến của bà khi còn sống cũng đã theo gió, leo lên ngọn mấy rặng xoan đang chuẩn bị trổ hoa tím, vắt vẻo trên ấy giây lát rồi tan biến trong khoảng không gian xanh trắng nhẹ nhõm của bầu trời.
Ngày bà mất, người xóm Cồn của tôi gác lại những câu chuyện bên cầu ao, bên gốc mít, gốc thị để đến đưa tang rất đông. Đưa một phận đàn bà về với đất, khép lại câu chuyện cuộc đời trĩu nặng những nỗi buồn và rất ít niềm vui.
Mấy ngày sau đám tang bà, bố lại đi. Người đàn ông duy nhất trong nhà ấy trở về với những giọt nước mắt, nhưng rồi, khi ra đi, tôi đọc được trong đôi mắt ông một cảm giác thanh thản và nhẹ nhàng. Từ đó, bố vẫn đều đặn gửi tiền về mỗi tháng, nhưng ông hầu như không còn trở về nhà nữa, kể cả khi đã nghỉ hưu.
Không có lời giải thích nào cho hành động kỳ quặc của bố, và mẹ cũng chưa bao giờ viết thư gặng hỏi. Mẹ con tôi không biết bố đang ở đâu. Hoặc giả, mẹ đã biết nhưng cố tình giấu kín chị em tôi. Những tin đồn về đứa em trai có khi lớn tướng lên rồi, hay bà dì rất đẹp đang sống ở nơi xa lắc nào đó vẫn tiếp tục len lỏi khắp xóm Cồn, trong những câu chuyện ban trưa của các bà hàng xóm.
Bà nội mất, tôi mười sáu, thanh xuân rờ rỡ, nhưng cũng đã kịp để nỗi buồn và những câu hỏi không lời đáp làm ngậm ngùi thêm tuổi mình. Con Mén chưa hẳn lớn, nhưng cũng không còn bé nữa. Nó mười bốn tuổi, ngực cau nhú bên dưới cái áo phông Tàu lòe loẹt in hình con thỏ có hai tai ngắn cũn cỡn màu đỏ chót.
Từ ngày bà mất, của đáng tội, cuộc sống của mấy mẹ con tôi đỡ khổ hơn nhiều. Cái tráp bà nội đưa tận tay cho mẹ trước khi mất, trong có chứa đến mấy chục chiếc nhẫn vàng. Số nhẫn ấy, bà mua được nhờ chắt bóp, dè sẻn những đồng lương của bố, từ vài sào lúa của mẹ, vài con lợn trong chuồng. Tôi thấy ngạc nhiên khi bà chưa từng cho mẹ cầm một khoản tiền cho ra tấm món, nhưng trước khi mất lại đưa tất cả tài sản tích cóp suốt một đời cho con dâu. Hơn thế, ánh mắt của bà khi ấy, nó chứa chan điều gì rất khó tả, một chút hối lỗi, một chút buông xuôi, một chút như thanh thản, nhẹ nhàng.
Hôm xong ba ngày cho bà, mẹ giao tráp cho bố, nhưng bố lắc đầu, đưa trở lại cho mẹ rồi bảo “Mẹ nó để lo cho hai con”.
Khi mẹ mở tráp, con Mén bị những cái khong tròn vàng ruộm làm lóa mắt. Cửa miệng nó há ra, cứng đơ không khép được. Tôi biết, trong đầu con bé ấy đã nghĩ đến một cuộc đổi đời, với viễn cảnh là ngôi nhà mái bằng hoành tráng, cái ti vi Sony màu, hay chiếc xe đạp mi ni Nhật màu mận chín để lòe lũ bạn chơi .
Nhưng con Mén nhầm. Nó vẫn cuốc bộ đến trường làng cách nhà chưa đầy cây số. Ngôi nhà ngói ba gian tuy cũ nhưng sạch sẽ được giữ y nguyên. Mẹ không tiêu đến số vàng trong tráp. Mẹ bảo đó của bố và bà, để dành khi hai chị em tôi lớn lên.
Tiền bố gửi về, mẹ chỉ tiêu một phần, chủ yếu cho việc học của hai chị em. Phần còn lại được mẹ vuốt gọn gàng, bọc giấy báo rồi buộc chiếc dây nịt xanh đỏ, cẩn thận xếp vào tráp. Ba mẹ con sống thanh đạm bằng vài sào lúa, mấy lảnh rau trong vườn, đàn gà thịt và đôi lợn nái.
Dù mỗi bận ngồi vào mâm cơm không còn phải ngó trước ngó sau, khi cái dép đứt quai được mua liền đôi mới, có bốn bộ quần áo đến trường thay vì hai bộ như trước kia, nhưng con Mén vẫn không ngừng sốt ruột. Cái sự sốt ruột ấy được nó bày tỏ ra mặt mỗi khi trong xóm có nhà ai đó động thổ xây nhà, sắm xe Hon-đa mới, hay đứa bạn nào được bố mẹ mua cho cái mini Nhật bóng lộn màu mận chín. Nó cứ dớn dác như thể nếu mẹ không xây nhà, người ta sẽ xây hết mất; không mua xe thì ngày mai đại lý xe trên thị trấn sẽ chả còn cái nào.
Ờ, mà nói đến chuyện xây nhà mới nhớ. Hồi ấy, dân xóm Cồn lục tục xây nhà mái bằng. Xóm Cồn của tôi thay đổi hẳn. Những nếp ngói đỏ tươi hay sẫm màu cổ kính dần được thay thế bằng những khối bê tông vuông thành sắc cạnh. Con gà tức nhau tiếng gáy. Nhà chú Tiến xây xong cái mái bằng bảy chục mét vuông, thì nhà cô Thơm cũng gấp rút phá ngôi nhà gỗ lim năm gian bề thế có tuổi đời hơn trăm năm, đào móng, xây tường, lên ngay cái mái bằng gần trăm mét vuông.
Cái hôm bác Tuất đầu xóm dựng xong ngôi nhà hai tầng quét ve xanh leo lét, cả xóm được mời đến ăn mừng. Bác ngả ba bốn con lợn béo, cỗ bàn tràn trề trải từ trong nhà ra sân, từ sân ra ngõ… Đôi mắt bác lộ rõ vẻ ngất ngây khi ai đó khen nhà đẹp quá anh Tuất ơi, có xây được cái nhà thế này chết đi cũng thỏa.
Người xóm Cồn yêu triết lý “sống cái nhà, thác cái mồ” hơn nơi đâu hết. Chú Tiến, cô Thơm, bác Thông, bác Vạn xây cho xong cái nhà, ngắm đã đời, rồi sau đó mới dần dà cảm nhận sức nặng của món nợ đang lơ lửng trên đầu. Để rồi khi nhà mới ở còn chưa ấm, họ lại lăn lưng ra đồng, mót từng cọng lúa, buộc chặt bụng cho qua cơn đói vì mỗi bữa cơm năm miệng ăn mà chỉ dám nấu hai ống bò gạo cũ. Nhà ở cứ mới hơn, cứ rộng ra, mà những trận cãi vã vì món nợ đến kỳ hạn chưa thanh toán được, vì đã thiếu tiền mà ông chồng còn máu me cờ bạc… diễn ra cũng thường xuyên hơn.
Khi những căn nhà hình hộp xanh đỏ nâu vàng lần lượt mọc lên, tôi tự nhiên thương những căn nhà gỗ lợp ngói lần lượt qua đời ngay trên chính mảnh đất chúng sinh ra. Cái cảm giác thương tiếc ấy cũng tựa như khi tôi ngắm các bà già trong xóm răng hạt huyền, tóc vấn đuôi gà, mặc quần lụa đen áo bà ba, vừa chống gậy đi chợ, vừa đủng đỉnh nói cười. Họ là những người cuối cùng trong các xóm làng Bắc Bộ giữ kiểu ăn vận ấy. Rồi sẽ có một ngày, không còn khuôn mặt nào cười những nụ cười đen nhay nháy, hay ngồi vấn tóc bên chiếc gương bạc phếch gần cửa sổ nữa.
Cuộc đời vẫn vậy, có những thứ lặng lẽ đi qua, lặng lẽ lặn mình vào quá khứ trước ánh nhìn thờ ơ dửng dưng của mọi người. Để rồi, một ngày nào đó, chúng ta nhận ra sự biến mất ấy trong thảng thốt thì mọi thứ đều đã muộn màng.
Mẹ không xây nhà, không mua xe đạp mini Nhật màu mận chín cho con Mén, nhưng chỗ vàng mẹ không thể để lo cho chúng tôi ăn học. Mẹ bị tai nạn năm tôi mười tám tuổi, đang học cuối cấp ba.
Sau ba tháng nằm viện ròng rã, mẹ trở về nhà. Bà bị liệt, nhưng chỉ liệt từ thắt lưng trở xuống. Phần thân trên của mẹ vẫn có thể cử động được, tuy rằng không nhanh nhẹn. Điều quan trọng, là mẹ vẫn tỉnh táo về trí não, để mà đau khổ nhận ra, mình đã trở thành người đàn bà tật nguyền, không còn khả năng đi lại.
Gia đình tôi khánh kiệt. Số tiền bố lặng lẽ gửi về mỗi tháng gần như chỉ đủ mua thuốc cho mẹ, dư ra chút đỉnh mua thêm thức ăn mỗi ngày. Con Mén phải được đi học cho xong bậc trung học phổ thông. Tôi không thể đi học tiếp, hay không còn cách nào để đi học tiếp. Chưa bao giờ như khi ấy, tôi lại cảm nhận một cách rõ ràng sức nặng của cái gia đình nhỏ bé đang đặt trên đôi vai gầy guộc của mình.
Dạo đó, mẹ chỉ nằm được một chỗ. Thỉnh thoảng, khi bà quá mỏi, tôi và con Mén bế bà ra ngồi tựa trên chiếc ghế mây ngoài hàng hiên. Lúc bế mẹ lên, tôi cảm thấy trào lên trong lòng mình một nỗi đau khó tả. Người đàn bà lực điền cả một đời cày cuốc, phơi mình trước nắng sương, giờ đây sọp lại như một chú mèo con ốm yếu. Những dẻ xương của bà gần như chẳng còn sức sống. Chỉ có điều, bà không rên rỉ, than vãn. Những ngày tháng buồn bã nhất của cuộc đời tôi trôi qua suốt một mùa chậm chạp. Mẹ không di chuyển được, nhưng bà cố để tự chăm sóc cho mình. Những ngày trời bắt đầu se lạnh, bà bảo tôi mua cho bà mấy cuộn len. Vài hôm sau, tôi, con Mén đã có thêm chiếc khăn mới.
Những khi không thể nghĩ ra việc gì để làm, mẹ thích ngồi ngắm bầy chim sẻ sà xuống bên hiên nhà. Thỉnh thoảng, tôi thấy bà thò tay vào túi áo, lấy những hạt gạo, hạt đỗ xấu quăng xuống nền sân gạch với đôi mắt sáng rỡ lên trong một ý nghĩ vui vẻ lạ kỳ. Phải chăng, bà đang nghĩ tới những ngày bay nhảy hiếm hoi đã qua đi cùng với tuổi thanh xuân của mình? Những ngày mà cô thiếu nữ tên Cát còn xinh đẹp, môi còn đỏ, tóc còn dài mượt, cổ ba ngấn còn đeo chuỗi hạt huyền đen mịn; mỗi bận cô đi xem chiếu bóng ở sân đình thì cũng phải cả tá trai làng đặt dép tranh chỗ ngồi kế bên. Những ngày ấy, cô Cát còn mơ mộng khi nghĩ đến một nếp nhà ấm áp, có hai vợ chồng, vài ba đứa con, có mảnh vườn trước nhà xanh rười rượi, bầy gà bươi thóc nơi góc sân, đôi lợn ụt ịt trong chuồng. Những ngày ấy, với cô đã xa như một giấc mơ, kể từ cái ngày cô bước qua cầu, sang với bên này xóm Cồn làm dâu.
Có lần, trong một cơn bất nhẫn, tôi đánh liều hỏi mẹ bố đang ở đâu, nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu của bà; kèm theo ánh mắt lạnh lùng, phảng phất chút bi phẫn. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình, rằng mẹ khổ hơn, hay bà nội khổ hơn? Câu trả lời là mẹ. Bà nội, dẫu phải chịu những ngày tháng kinh hoàng khi ở với mẹ chồng, dẫu mất chồng từ rất sớm, nhưng ít ra, còn được người đàn ông của đời mình yêu thương. Còn mẹ, suốt một đời, tôi không biết bà trông đợi điều gì ở bố - người đàn ông đã đến bên đời bà, cho bà hai đứa con, nhưng dường như chưa bao giờ trao cho bà, dù chỉ là một chút, những ấm áp yêu thương tự đáy lòng.
Mười hai năm kể từ ngày mẹ ngồi xe lăn, tôi từ cô học giỏi nhất nhì lớp văn trường huyện đã miệt mài gắn với cái nhà máy may trên phố huyện. Con Mén lớn lên, con Mén phổng phao, xinh đẹp, rồi con Mén lấy chồng. Nhà chồng Mén có cửa hàng buôn bán, bố mẹ chồng nó hiền lành, vậy cũng yên phận nó. Mười hai năm, mẹ không biết đã nuôi lớn bao bầy chim sẻ bên hiên. Bố vẫn biền biệt không về. Có những đêm mùa đông cả gió, nhìn thấy thanh xuân trôi đi trên bàn tay gầy guộc của tôi, mẹ thẽ thọt nhắc chuyện chồng con, tôi chỉ cười bảo mẹ duyên con chưa tới. Để rồi, khi trở về buồng, soi mình trong gương, vuốt ve đôi má tuổi ba mươi đã bắt đầu sạm lại, gỡ mái tóc tuổi ba mươi đã khô cong, tôi tự thấy xót xa cho phận mình.
Mùa thu đến, lúc giàn đậu ván buông hoa tím rủ xuống bên hiên, sức khỏe mẹ xấu đi hơn bao giờ hết. Bà không có bệnh. Chỉ là, những năm tháng nằm bệt mình trên chiếc chõng tre và sự phát tác của đủ loại kháng sinh đã hút dần hút mòn sinh lực của bà. Bầy sẻ vẫn đến bên hiên, nhưng không có bàn tay nào tung hạt đỗ hạt gạo cho chúng nữa.
Giữa lúc mẹ bệnh, tôi gọi Mén về, giao nó trông mẹ vài ngày, tôi phải đi du lịch cùng công ty.
Sự thật là tôi giấu mẹ đi tìm bố. Tôi phải tìm ông về để hỏi ông vì sao bỏ mặc mẹ con tôi suốt bao năm rõng rã, vì sao lại đày đọa tinh thần người đàn bà của cuộc đời ông. Tôi tìm ông, để ít ra trong những ngày tháng cuối đời, mẹ có thể chì chiết, trách móc ông vài câu nếu như bà muốn.
Tôi lần theo địa chỉ mà một đồng chí cũ của bố cho, và tìm thấy căn nhà bé xinh của ông nằm chênh vênh bên sườn đồi vắng vẻ, cách nơi mẹ con tôi ở cả nửa ngày đường ô tô. Căn nhà có giàn hoa giấy xinh xinh, gọn gàng ngăn nắp hệt như có bàn tay phụ nữ chăm sóc. Nhưng ra đón tôi lại là một người đàn ông ngũ tuần. Người đàn ông có đôi lông mày mảnh, bàn tay mềm mại chuốt móng gọn gàng, cử chỉ và giọng nói cũng mềm mại như gió thoảng “Cháu gái tìm ai”.... “Dạ, cháu nhỡ độ đường, xin chú ngụm nước. Chú sống ở đây một mình ạ?”. “Không, chú ở cùng anh họ. Anh ấy đang có việc ra ngoài, ở đây vắng vẻ, vào nhà uống chén trà”.... Tôi đã tìm cớ rời khỏi căn nhà có giàn hoa giấy ấy khi nhìn thấy tấm ảnh bố và người đàn ông đặt sau khung kính của chiếc tủ tường. Tấm ảnh chụp đã lâu, hai người đàn ông chụm đầu vào nhau (cái kiểu chụp ảnh cổ điển của những ngày tháng cũ), một rắn rỏi, một e ấp rụt rè như nhi nữ.
“Nhà gần đồi đó hả? Ông Phiên thiếu tá nghỉ hưu sống với ông em họ, dọn về đây từ mười mấy năm rồi. Hai anh em tình cảm lắm. Mà lạ, chả hiểu sao cả hai không vợ con gì, cũng chẳng biết quê đâu”. Tai tôi ù đi khi nghe câu chuyện của bà hàng bán nước đầu làng. Ngoài mái quán, những cọng gió miền trung du hiu hắt, thổi vào lòng tôi một nỗi buồn thăm thẳm.
Tôi chênh vênh trở về xóm Cồn của tôi, cái xóm có con kênh nhỏ nước trong leo lẻo bốn mùa. Cái xóm có một người đàn bà đã chờ đợi tình yêu của chồng trong vô vọng. Cái xóm của những nỗi buồn phụ nữ cứ lặn vào năm tháng. Mẹ vẫn nằm đó, yếu ớt, mỏng manh bên hiên nhà có giàn đậu ván đang mùa trổ hoa tím biếc. Tôi, phờ phạc cả thân xác lẫn tâm hồn sau chuyến đi dài, sà vào lòng mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc. Bà để yên cho tôi khóc mãi, nước mắt dạt dào tuôn ra như nước dòng kênh nhỏ của xóm Cồn.
“Mẹ, con không đi chơi. Con đã...”.
“Mẹ biết hết rồi, biết từ cái ngày mẹ dẫn con về xin ông bà ngoại cho ly dị. Bố cũng kể hết cho mẹ sau ngày bà nội mất. Mẹ đau lắm, vì không hiểu sao bố lại...lại là... một người đàn ông chứ không phải đàn bà. Nhưng mà, bố có nỗi khổ riêng. Mẹ thương bố, vẫn thương như ngày theo ông ấy về nhà này. Mười mấy năm qua, mẹ tha thứ cho bố rồi...”
“Mẹ có tiếc cho đời mình không?” - tôi nhìn mẹ, thao thiết hỏi.
Mẹ cười buồn, ngó lơ ra sân vắng. Gió mùa thoảng nhẹ, giàn hoa tím đong đưa. Trên nền gạch, đàn chim sẻ mải chơi lích rích tìm hạt rơi hạt vãi, rồi vù cánh, bay về phía bầu trời xanh thẳm...
Tin cùng chủ đề: Thi viết truyện ngắn Làng Việt thời hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.