Truyền hình thực tế tại Việt Nam: Nhàm, dở vẫn chiếm sóng vàng

Hà Thu Thứ năm, ngày 07/08/2014 07:01 AM (GMT+7)
Tính ra, trên các kênh sóng truyền hình lớn tại Việt Nam hiện có tổng cộng gần 40 chương trình truyền hình thực tế. Khán giả thì đã chán ngán với nhiều chương trình, nhưng họ hầu như vẫn bắt buộc phải xem. 
Bình luận 0

Không có quyền lựa chọn

Bác Đỗ Tiến Đông- một khán giả truyền hình ở nhà C9 Nam Thành Công (Hà Nội) than thở: “Tôi thực lòng muốn nhờ các báo làm thế nào để phản ánh với Đài Truyền hình Việt Nam, làm thế nào để biên tập bớt những chương trình truyền hình thực tế (THTT) trên các kênh sóng của mình.

Bởi vì thực tế là có những khán giả như tôi cảm thấy quá chán ngán với các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc hoặc khiêu vũ, kể cả là các cuộc thi dành cho thí sinh lớn tuổi hay trẻ em, từ tối thứ 6 trở đi đến Chủ nhật, bật kênh nào lên cũng dày đặc.

Nhiều khi cứ bật TV lên cho nó có tiếng trong nhà chứ chả ai muốn xem, hát với nhảy, làm gì mà lắm thế, tài năng ở đâu mà nhiều thế”.

Như để dẫn chứng cụ thể hơn, bác Đông kể: Ngay sau khi Vietnam Idol kết thúc, Gương mặt thân quen liền chiếm chỗ, rồi Ngôi sao Việt mới ngừng, đã có Sao Mai điểm hẹn, Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí, Nhân tố bí ẩn, Bước nhảy hoàn vũ nhí...

Tôi đọc báo thấy nói tháng 8 này lại thêm “Bạn có thực tài”, tháng 9 tới Vietnam Got Talent tiếp tục lên sóng và Cặp đôi hoàn hảo đã rục rịch lên lịch casting để lên sóng vào tháng 10.

“Tôi nghĩ người nước ngoài xem TV sẽ không hiểu người Việt Nam chúng ta làm gì mà ca hát nhảy múa suốt ngày thế, từ năm này sang năm khác cứ mấy cuộc thi như vậy. Khán giả đâu có quyền lựa chọn vì đài truyền hình thích phát thì cứ phát thôi”- bác Đông kết luận.

Cơn bão mang tên THTT ở Việt Nam càn quét qua một nền showbiz quá nhỏ bé mới được vài mùa song đã bộc lộ dấu hiệu sa sút khi lặp đi lặp lại đến nhàm chán của các gương mặt từ giám khảo, MC đến cả các thí sinh. Có những thí sinh đi thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, người nổi tiếng cũng vậy, có điều vì họ nổi tiếng nên ngoài làm thí sinh, họ còn làm giám khảo cho các chương trình khác.

Những thí sinh, người nổi tiếng đã đoạt giải cao tại các cuộc thi có cơ hội làm MC, làm giám khảo các chương trình THTT khác. Có những cuộc thi ca hát không thể mời được ngôi sao, đã buộc phải mời tới những ca sĩ trẻ, thuộc diện bề nổi, thiếu chiều sâu chuyên môn vào ghế Ban giám khảo. Dù rằng biên độ tuyển chọn thí sinh của các chương trình THTT có rộng hơn, trải khắp 3 miền Bắc -Trung -Nam, phần thưởng cũng hấp dẫn hơn song cũng không vì thế mà công cuộc “đãi cát tìm vàng” kém phần khốc liệt.

Gần đây, một đại gia nắm trong tay nhiều chương trình THTT đã đăng đàn mạnh miệng tuyên bố rằng không có chuyện cạn kiệt tài năng vì họ luôn có ý thức “để dành” cho những mùa sau. Song, thực tế lại không như vậy. Tình trạng “không có bột - khó gột nên hồ” có thể nhận thấy rõ nhất với Chương trình Ngôi sao Việt. Lý do duy nhất lý giải cho sự mờ nhạt của Ngôi sao Việt là không tìm được các thí sinh tài năng. Với hơn 3.000 người dự thi nhưng không có giọng hát, gương mặt nào nổi bật và thật sự xuất sắc.

Kỷ lục các chương trình thiếu nhi

Sự thoái trào của những gameshow dành cho người lớn đã đưa đến ý tưởng để những chương trình thực tế dành cho trẻ em được dịp “lên ngôi”. 2014 là năm đánh dấu kỷ lục mới của truyền hình dành cho thiếu nhi: Liền một lúc 4 chương trình truyền hình, THTT lên sóng: Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh, Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí. Sự hồn nhiên, tài năng của các em nhỏ đang phần nào hút khán giả về phía màn hình. Tuy nhiên, cùng một thời điểm mà có tới 4 chương trình THTT dành cho trẻ em cũng không thể tránh khỏi nguy cơ bị bão hòa về độ hút khán giả.

Và bởi vì có quá nhiều chương trình nhưng quá ít những yếu tố phụ kiện đi kèm, chẳng hạn như một danh sách các tiết mục phù hợp với lứa tuổi nên đã xuất hiện các lời bàn tán không hay. Chị Thanh Tâm- một khán giả truyền hình ở đường Trần Hưng Đạo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết:

“Tôi thấy không ổn khi có nhiều tiết mục ở Bước nhảy hoàn vũ nhí sử dụng nhạc nền là nhạc người lớn, nhiều động tác của các em cũng hơi gợi cảm quá so với lứa tuổi. Chương trình Giọng hát Việt nhí thì năm trước cũng thế mà năm nay cũng thế, nhiều thí sinh đau khổ hát các ca khúc người lớn, khán giả cảm thấy không thoải mái khi xem các em hát những bài như vậy. Nhiều lúc tôi cũng cấm trẻ con trong nhà không được bắt chước các bạn trên truyền hình”.

Tạo ra được một sân chơi lành mạnh cho con trẻ là điều mong muốn của hầu hết các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, một khi các chương trình THTT trở nên ồ ạt mà mục đích vui chơi giải trí bị biến thành thứ yếu, mục đích thương mại được nâng thành đích đến thì đó lại là một lo ngại lớn. Mùa THTT năm nay, các chương trình với trẻ em lại có dấu hiệu thắng lớn. Còn trẻ em, chúng sẽ nhận lại gì sau những chương trình THTT khi các cuộc thi mang nặng tính ăn thua, ganh đua, khi có quá nhiều nước mắt, khi tuổi thơ của các em bị “đánh cắp” bởi vòng quay của showbiz.

  Nhìn tổng thể, các show tìm kiếm tài năng ca nhạc, khiêu vũ dù bão hòa, nhàm chán vẫn ngang nhiên chiếm sóng giờ vàng ở tất cả các kênh truyền hình lớn, đơn giản vì chúng vẫn hút quảng cáo, mang lại nguồn thu. Những show THTT hiếm hoi và có ý nghĩa nhân văn như “Lục lạc vàng”, “Vượt lên chính mình”, “Điều ước thứ 7”… thì hoặc là đã ngừng sản xuất hoặc là phải lên sóng ở một khung giờ không thuận tiện cho khán giả. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem