“Việc tuyên dương và trao giải cho học sinh giỏi sử không kỳ vọng làm thay đổi được thực trạng dạy và học môn lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay nhưng nó là giải pháp kích thích, cổ vũ tinh thần học sử của học sinh” - GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Lễ vinh danh đặc biệtĐối với rất nhiều học sinh phổ thông, môn sử đang bị coi là môn học “khó nhằn”, thậm chí bị “kỳ thị”. Bằng chứng là, năm học 2013, nhiều học sinh đã tỏ thái độ vui mừng quá khích khi xé cả đề cương sử rải khắp sân trường khi môn học này không được chọn là môn thi tốt nghiệp.
Các học sinh giỏi nhận giải sáng 23.4.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng đang được cảnh báo là “thảm họa” đối với môn sử khi hiện thống kê tại nhiều trường có rất ít học sinh chọn sử để thi, thậm chí học sinh thi khối C cũng không chọn sử và có nhiều trường THPT không có học sinh nào chọn thi sử. Các giáo viên lo ngại, với cách thi tốt nghiệp mới được Bộ GDĐT đưa ra, chỉ vài năm nữa, môn sử sẽ “biến mất” trong trường phổ thông vì nhiều học sinh sẽ quay lưng với nó khi nó không nằm trong danh mục… môn thi bắt buộc nữa.
Thầy Nguyễn Văn Khởi – giáo viên sử tại một trường THPT ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, thừa nhận: “Thi gì, học nấy” đó là tâm lý chung của tất cả học sinh hiện nay, vì vậy khi sử không còn là môn thi thì nó sẽ không còn là môn cần phải học nữa. Số học sinh yêu sử còn lại rất hiếm hoi. Hiện nhiều trường đã rất khó khăn trong việc tìm học sinh để thi học sinh giỏi môn sử. Chính vì vậy, việc tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi môn học này là việc làm rất cần thiết”.
Đứng trước những “nguy cơ” này, 3 năm nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Phát triển sử học Việt Nam đã kiên trì làm một công việc rất có ý nghĩa là tuyên dương những học sinh đạt giải cao ở môn sử - môn học duy nhất, đặc biệt cần được quan tâm. Năm nay, ngày 23.4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), có 217 học sinh THPT đoạt giải được vinh danh, trong số đó 6 em đoạt giải Nhất, 51 giải Nhì, 73 giải Ba và 87 em đoạt giải Khuyến khích.
Bên cạnh hoạt động trao thưởng cho học sinh giỏi quốc gia, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam còn trao học bổng cho sinh viên ngành sử có thành tích học tập xuất sắc, hỗ trợ xuất bản các công trình sử học có giá trị cao. Trong 2 năm 2012 và 2013, quỹ đã trao học bổng cho 72 sinh viên thuộc 12 trường đại học trên cả nước. Năm 2014, quỹ cũng tiếp tục triển khai hoạt động này.
GS Phan Huy Lê cho biết: “Mặc dù số tiền thưởng không lớn nhưng nó mang ý nghĩa động viên tinh thần và khuyến khích các em hăng say hơn nữa đối với môn học bản lề lịch sử. Con số hơn 200 học sinh cũng chỉ là con số nhỏ nhưng hy vọng đây là những ngọn lửa truyền hơi ấm cho môn lịch sử trong các nhà trường”.
Nhìn lịch sử theo… cách khácNhiều nhà sử học cho rằng, việc dạy học môn sử trong nhà trường hiện nay có rất nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Ngoài việc lượng kiến thức truyền tải khổng lồ, sách giáo khoa chỗ thừa chỗ thiếu, phương pháp giảng dạy chưa hấp dẫn… thì lỗi hệ thống cũng là nguyên nhân căn bản khiến sử không được học sinh thích thú.
GS Phan Huy Lê cũng thừa nhận việc môn sử không được coi trọng là một… lỗi hệ thống chứ không đơn giản chỉ là do các nguyên nhân cụ thể: “Hiện học sinh không thích môn sử là thực trạng phổ biến. Tôi cho rằng với cách dạy hiện nay, chương trình hiện nay thì điều đó là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, vừa thừa vừa thiếu, thiếu hấp dẫn, đến tôi nếu là học sinh, tôi cũng chán”.
Cũng theo GS Lê: “Giống như các môn học khác, lịch sử cũng cần được thay đổi theo hướng phát triển năng lực và giảm nhồi nhét kiến thức khô khan. Sử học cũng có trách nhiệm và chức năng liên tục đổi mới chứ không phải đổi mới một lần, cũng không hẳn cứ sử học là nói những cái cũ. Cần cập nhật kiến thức thường xuyên và gần gũi với học sinh hơn nữa”.
Còn nói về phương pháp học sử, ngay chính những học sinh đạt giải cao môn sử được tuyên dương lần này cũng cho rằng bản thân đến với sử học chỉ là “ngẫu hứng”. Em Nguyễn Thị Anh – Học sinh lớp 12A13 Trường THPT Mỹ Đức A (Hà Nội) là một trong 6 học sinh đạt giải nhất cũng thừa nhận mình chỉ đến với môn sử như một cuộc dạo chơi.
Và cách học của Anh là nhìn lịch sử theo… cách khác chứ không phải nhồi nhét kiến thức đơn thuần: “Nhiều bạn không tập trung học mới thấy môn sử khó, thực tế không phải vậy. Kinh nghiệm của em là trên lớp chăm chú nghe giảng, học theo sách giáo khoa. Sử dụng các phương pháp học linh hoạt, khi thì học theo dạng cây kiến thức, lúc thì học theo kiểu hỏi đáp để đỡ nhàm chán. Học sử cũng rất cần những phút “ngẫu hứng” nữa” – Anh chia sẻ.
Để “vẽ đường” cho học sinh đến với môn sử một cách có hệ thống, GS Lê cho biết thời gian tới Hội Khoa học Lịch sử sẽ tích cực tham mưu và đóng góp ý kiến, cả phản hồi đối với Bộ GDĐT trong việc đổi mới sách giáo khoa môn sử cả về nội dung và kỹ năng giảng dạy để làm thế nào cho học sinh và giáo viên có cách nhìn nhận khác về môn sử trong tương lai.
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Sử cần cung cấp kiến thức cho phù hợp với lối sống hiện đại. Hiện nay người ta không cần nhớ con số, ngày tháng năm mà quan trọng là ý nghĩa, giá trị của vấn đề mà các em được học. Tức là cần định tính nhiều hơn định lượng”.
PGS Nguyễn Văn Nhân – Viện trưởng Viện Sử học: “Mỗi tuần một tiết học mà phải truyền tải cả lịch sử Việt Nam và thế giới thì không thể hiệu quả được”.
|
Tùng Anh (Tùng Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.