Truyền thông và cuộc chạy đua “bắt mạch” Bình Nhưỡng

Chủ nhật, ngày 07/04/2013 20:26 PM (GMT+7)
Dân Việt - Không chỉ có giới ngoại giao, mà những người dân bình thường cũng bị cuốn theo cuộc đua của giới truyền thông để dự đoán về khả năng chiến tranh có thế xảy ra hay không trên bán đảo Triều Tiên.
Bình luận 0

Chiến thuật tâm lý

Trên các tờ báo lớn của thế giới, thông tin thường trực trên các trang nhất trong những ngày qua là về tình hình trên bán đảo Triều Tiên và những dự đoán về chiến tranh. Báo Le Figaro chạy tít : “Triều Tiên : Khuấy động chiến tranh trước mắt các nhà ngoại giao”. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-Un đề nghị các tòa đại sứ di tản nhằm làm cho người ta tin rằng một cuộc chiến hạt nhân có thể xảy ra và lời nói của mình có trọng lượng hơn.

Tuy nhiên, với một phản ứng hoàn toàn trái ngược, các cơ quan ngoại giao nước ngoài đã phớt lờ cảnh báo của Triều Tiên. Các đại sứ quán, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Bình Nhưỡng ngày 7.4 cho hay, họ vẫn lưu lại dù trước đó Triều Tiên đã cảnh báo sơ tán để đảm bảo an toàn.

img
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong một chuyến thị sát trên biển.
Ngày 7.4, trả lời câu hỏi về việc Triều Tiên khuyến cáo giới ngoại giao sơ tán, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ đảm bảo quyền hợp pháp cũng như an toàn cho công dân và giới doanh nghiệp của nước này ở Triều Tiên. Ông Hồng Lỗi nói: "Theo tôi được biết, Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Triều Tiên hiện vẫn hoạt động bình thường”.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố: "Hiện nay, Đại sứ quán Đức tại Bình Nhưỡng có thể duy trì hoạt động".

Còn theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh, Triều Tiên thực hiện bước đi trên như một phần trong hoạt động tuyên truyền về việc Mỹ gây ra mối đe dọa đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Nga và Anh cũng cho biết không có kế hoạch di tản nhân viên tòa đại sứ. Liên hợp quốc cũng tuyên bố không có kế hoạch rút nhân viên sau cảnh báo trên.

Mặc dù, đến thời điểm này, giới tình báo Mỹ, Hàn vẫn chưa thấy dấu hiệu bất thường nào bên trong Bình Nhưỡng, nhưng ai cũng phải công nhận rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay trong tình trạng căng thẳng chưa từng có, nhiều chuyên gia còn ví như một “quả bom chạm nổ”.

Mỗi ngày, Triều Tiên lại tiến thêm một nấc thang gia tăng căng thẳng. Mặc dù, nhận định những động thái của Bình Nhưỡng cũng chỉ để Mỹ xem lời nói của Bình Nhưỡng có trọng lượng hơn và nhằm đưa Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ hơn với mình song nguy cơ của một cuộc “chiến tranh tai nạn” đang dâng cao từng ngày.

Người ta tự hỏi nhà lành đạo trẻ Triều Tiên sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà không bị mất mặt.

Chiến tranh sẽ không xảy ra

Theo chuyên gia về vấn đề an ninh châu Á Michael Swaine, chiến tranh sẽ không nổ ra. Ông Swaine cho rằng tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên căng như dây đàn, nhưng Bình Nhưỡng sẽ không phát động chiến tranh thực sự. Theo ông Swaine, nguyên nhân là do Trung Quốc không ủng hộ cách làm hiện nay của Triều Tiên. Nước này làm như vậy sẽ càng bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ bình luận rằng, cho dù Mỹ tiến hành bất kỳ động thái nào đi nữa thì đó sẽ là sự đáp trả những lời lẽ hiếu chiến của Triều Tiên, chứ không phải chống lại tiềm năng chiến đấu thực tế của các lực lượng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

img
Triều Tiên khuyến cáo du khách nước ngoài rời Bình Nhưỡng.

Theo báo này, tiềm năng chiến đấu thực tế của các lực lượng hạt nhân tên lửa Triều Tiên vẫn chưa được kiểm chứng. Tên lửa “Musudan”, lần đầu tiên xuất hiện ở cuộc diễu hành năm 2010, và sử dụng bệ phóng khung gầm ô tô do Belarus chế tạo, nói chung chưa bao giờ được thử nghiệm.

Cho đến tận bây giờ vẫn không ai biết Triều Tiên đã phô trương thứ gì trong cuộc diễu hành - tổ hợp tên lửa thực sự hay chỉ là mô hình giả. Thậm chí nỗi hoài nghi còn lớn hơn xung quanh tên lửa đạn đạo mà phương Tây biết đến dưới cái tên KN-08, được phô trương trong cuộc duyệt binh năm 2012.

Tất nhiên, trong khi đối mặt với các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tuyên bố của Triều Tiên là sẽ sử dụng các vũ khí đó, Mỹ và Hàn Quốc sẽ coi tất cả các hệ thống vũ khí độc đáo mà Bình Nhưỡng phô trương là mối đe dọa thực tế. Không một vị lãnh đạo nào lại từ chối tiến hành các biện pháp phòng ngừa tối đa khi có ít nhất 1% xác suất một cuộc tấn công hạt nhân thực tế.

Triều Tiên đã bị coi là mối đe dọa trực tiếp và rõ ràng, và điều đó sẽ dẫn đến thay đổi lớn trong kế hoạch quân sự của Mỹ ở châu Á. Việc tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á bây giờ là điều không thể tránh khỏi và sẽ mang tính chất lâu dài. Mỹ đã cho biết về việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên đảo Guam.

Chuyên gia Nga về các vấn đề quốc phòng Vasily Kashin cho rằng, rốt cuộc Trung Quốc là nước phải chịu hậu quả nhiều nhất. Tất cả các cơ sở hạ tầng quân sự mới mà Mỹ và các đồng minh tạo ra trong khu vực Đông Bắc Á sau này sẽ là áp lực đối với Trung Quốc.

Gỡ thể diện

Tuy nhiên, có một hy vọng rằng những căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên sẽ lắng dịu. Bởi lẽ, Triều Tiên đã đi gần đến đoạn cuối của trò chơi mạo hiểm và phải lo cho ngày kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ vĩ đại của họ vào 15.4, cũng là ngày quân đội trở về quê làm ruộng vụ mùa xuân, sau khi có một hành động tượng trưng để gỡ thể diện với người dân trong nước.

Thời điểm 10.4 được đưa ra như hạn chót cho các phái bộ ngoại giao ở Bình Nhưỡng có thể là ngày Triều Tiên phóng thử phi đạn tầm trung Musudan, là loại mà họ chưa phóng thử lần nào, và chính là hành động gỡ thể diện.

Nhưng nếu Musudan hay bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên “bay thử nghiệm” về hướng Nhật Bản, thì chắc chắn sẽ bị bắn hạ. Mỹ đưa hai chiến hạm có hệ thống Aegis sang Tây Thái Bình Dương và dàn radar X-band đậu ngay trên biển Nhật Bản, không phải để khoe của trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Ngày 7.4, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, gần như chắc chắn, Bình Nhưỡng sẽ thử một tên lửa mang hạt nhân trong thời điểm xoay quanh ngày 10.4. Seoul đã trên tư thế sẵn sàng quân sự, phát ngôn viên Nhà Xanh- bà Kim Haeng cho biết trong một cuộc họp báo.

Bà Haeng cho biết, những phán đoán này cũng dựa trên những cảnh báo của Bình Nhưỡng với các đại sứ quán nước ngoài. Bà Haeng cũng nhấn mạnh, hiện tại không có gì bất thường ở Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo, nếu Triều Tiên để chiến tranh xảy ra, thì hậu quả mà Bình Nhưỡng nhận được sẽ lớn hơn gấp bội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem