TS. Đỗ Hải Ninh: "Tôi không vui vẻ gì khi buộc phải lên tiếng đòi lại quyền tác giả"

Khánh Yến Thứ năm, ngày 31/03/2022 14:57 PM (GMT+7)
"Tôi chia sẻ với chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi ông phát biểu rằng đây là một nỗi buồn. Bản thân tôi cũng không vui vẻ gì khi buộc phải đòi lại bản quyền tác giả cho mình" – TS. Đỗ Hải Ninh chia sẻ.
Bình luận 0

Sáng 30/3, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tạm thời thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đối với tác phẩm "Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật" của tác giả Vũ Thị Trang.

Quyết định này được ban chấp hành đưa ra sau khi nghiên cứu thư khiếu nại từ TS. Đỗ Hải Ninh đề cập đến những dấu hiệu vi phạm bản quyền trong cuốn sách, cũng như lắng nghe, tham khảo ý kiến một số nhà chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực lý luận phê bình và bản quyền.

TS. Đỗ Hải Ninh: "Tôi không vui vẻ gì khi Vũ Thị Trang bị Hội Nhà văn tước giải thưởng" - Ảnh 1.

TS. Đỗ Hải Ninh cho biết, cô vẫn chờ đợi quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội về vấn đề bản quyền cuốn sách ""Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật". (Ảnh: NVCC)

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Hải Ninh (Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học) về vấn đề này nhằm rộng đường dư luận.

BCH Hội Nhà văn Việt Nam vừa đưa ra quyết định tịch thu giải thưởng dành cho Tác giả trẻ đối với cuốn sách "Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật" của tác giả Vũ Thị Trang sau khi nhận được đơn kiến nghị từ chị. Chị đánh giá như thế nào về quyết định này?

- Có thể nói, đây là hành động thể hiện tinh thần trách nhiệm của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như tính công bằng của giải thưởng. Tôi cũng chia sẻ với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khi ông phát biểu rằng, đây là một nỗi buồn. Bản thân tôi cũng không vui vẻ gì khi buộc phải đòi lại bản quyền tác giả cho mình. 

Cũng cần nói thêm rằng thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ là quyết định liên quan tới tác giả Vũ Thị Trang và tác phẩm của cô ấy. Điều tôi quan tâm nhất lúc này vẫn là vấn đề quyền tác giả của tôi.

Được biết, vấn đề bản quyền tác giả đối với cuốn sách này sẽ phụ thuộc vào quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hiện tại, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và tác giả Vũ Thị Trang đã có động thái gì phản hồi văn bản của chị?

- Từ khi xảy ra sự việc, tác giả Vũ Thị Trang không hề liên hệ lại với tôi. Sau khi nhận đơn kiến nghị, phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đã gọi tôi lên để bước đầu xác minh vụ việc, nhưng hiện tại chưa có kết quả chính thức. Tôi vẫn đang trong quá trình chờ đợi.

Cuốn sách "Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật" ra đời từ năm 2021. Đến khi nào chị nhận ra một số chi tiết trong sách chính là "đứa con tinh thần" của mình?

- Mãi tới tận tháng 1/2022, tôi mới phát hiện những phần nội dung nghiên cứu do chính tôi chắp bút xuất hiện trong cuốn sách của Vũ Thị Trang, mà hoàn toàn không ghi nguồn trích dẫn.

Khi soát lại phần Tài liệu tham khảo, Lời giới thiệu, Lời nói đầu và cả cuốn sách, tôi không hề thấy có chú thích nào về việc cuốn sách này thoát thai từ đề tài cấp Bộ "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" mà tôi có tham gia để từ đó phát triển thành sách cá nhân mang tên Vũ Thị Trang.

Tôi gọi điện hỏi Trang vì sao lấy các phần viết của tôi đưa vào sách mà không có chú thích, ban đầu cô ấy đổ lỗi cho người biên tập. Khi tôi yêu cầu Trang phải có đính chính công khai về việc sử dụng các phần viết của tôi thì cô ấy đưa ra nhiều lý lẽ quanh co, như việc sách đã phát hành hết, cuốn sách này thuộc bản quyền của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nên sách không phải chỉ là của Trang.

Để làm rõ thực chất những lý giải trên của Trang, tôi kiểm tra lại bản lưu Báo cáo tổng hợp đề tài "Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học" (bản pdf) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia nhưng không thấy có tên của các thành viên tham gia thực hiện đề tài. Tôi cũng gọi điện cho người biên tập để hỏi lại cho rõ về việc tư vấn "bỏ tên tôi ra khỏi sách" thì anh ấy phủ nhận việc này.

Đến ngày 14/3, tôi công khai câu chuyện trên truyền thông. Sau đó, Vũ Thị Trang tuyên bố với báo chí sẽ đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội lập tổ thẩm định chuyên môn để giải quyết. Đây là điều mà tôi đã mong mỏi từ ngày 24/1, khi tôi gửi đơn đề nghị đến 6 cơ quan, tổ chức và tiếp tục gửi đơn lần 2 đến Học viện Khoa học xã hội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cuốn sách của Vũ Thị Trang đã nhận giải thưởng của cả Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Chị có cho rằng đây là sơ suất của hai đơn vị trên, hay điều này phần lớn phụ thuộc vào ý thức của tác giả?  

- Ý thức tác giả chính là thứ quan trọng nhất. Các Hội đồng xét giải đều dựa trên văn bản, họ hoàn toàn không thể nắm được quá trình hình thành của từng tác phẩm. Cũng bởi vậy, tôi nghĩ trách nhiệm không thuộc về Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội đồng lý luận nghệ thuật TW. Tuy vậy, tới thời điểm này, khi sự việc tác giả Vũ Thị Trang đạo văn của PGS. Đỗ Lai Thúy đã trở nên rõ ràng thì đương nhiên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn cần phải giải quyết để đảm bảo uy tín của giải thưởng.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Chia sẻ với PV Dân Việt, nhà phê bình gạo cội Phạm Xuân Nguyên (người từng tước giải thưởng của một cuốn sách bị đánh giá đạo văn khi còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội) đánh giá: "Đây là quyết định có tinh thần trách nhiệm đối với văn chương và giới học thuật. Hội Nhà văn Việt Nam không phải cơ quan phân định đúng sai về tác quyền, nhưng khi đã trao giải thưởng thì cần có trách nhiệm với giải thưởng đó. Hành động này rất kịp thời và đúng đắn".

PV Dân Việt có liên hệ với tác giả Vũ Thị Trang, tuy vậy cô chưa bắt máy.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem