TS. Huỳnh Thế Du: DN Việt Nam lớn nhanh bất thường và rủi ro kinh tế 2019

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 13/03/2019 13:26 PM (GMT+7)
“Rủi ro của kinh tế Việt Nam là một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, hơn cả các Chaebol của Hàn Quốc về tốc độ tỉ lệ và theo đa dạng hoá đầu tư ngoài lĩnh vực. Chúng tôi nghiên cứu chu kỳ khủng hoảng 10 năm thì năm 2019 cực kỳ nhạy cảm, Nhà nước cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp tư nhân lớn lên bất thường, đầu tư ngoài ngành”, TS. Huỳnh Thế Du cho biết.
Bình luận 0

img

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, lưu ý vấn đề DN tư nhân Việt Nam lớn nhanh hơn Chaebol của Hàn Quốc. (Ảnh: Internet)

Chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên – năm 2019 với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Huỳnh Thế Du – Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, nhận định, kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng chưa từng có.

Nhìn lại lịch sử phát triển của Thế giới, TS. Huỳnh Thế Du nhận xét: “Trụ cột của các quốc gia thịnh vượng đều là kinh tế tư nhân. Tôi chưa thấy quốc gia nào trở nên thịnh vượng nếu kinh tế tư nhân không phát triển được”.

Theo ông Huỳnh Thế Du, tất cả các quốc gia đã thành công và trở nên phát triển đều đi theo con đường tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cơ chế thị trường được vận hành trơn tru.

Ngược lại, nhìn vào sự đóng góp của khu vực kinh tế Nhà nước trong những năm gần đây, dễ dàng nhận ra hầu hết các tổng công ty lớn của Nhà nước, vốn hoạt động trong những ngành có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hay độc quyền tự nhiên, đều có vấn đề và là gánh nặng cho nền kinh tế.

Theo đó, từ năm 2000 đến nay, khu vực kinh tế Nhà nước không tạo ra nhiều việc làm, không đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước cũng như GDP. Còn từ năm 2005 đến nay, kinh tế tư nhân (không bao gồm các hộ kinh doanh cá thể) chỉ chiếm khoảng 10% GDP.

“Khu vực hoạt động tốt nhất ở Việt Nam trong hơn 1 thập niên qua là các doanh nghiệp FDI. Điều này không vui chút nào”, TS. Huỳnh Thế Du nói.

Từ đây, ông Du tiếp tục đề cập tới vai trò và sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam thông qua hình tượng so sánh hai mặt của một đồng xu. TS. Huỳnh Thế Du chia sẻ: “Cuối thập niên 1970 thì tư nhân không được làm kinh tế. Cuối thập niên 1980 thì tư nhân được tự do quá mức dẫn đến khủng hoảng các hợp tác xã tín dụng. Cuối thập niên 1990 kinh tế tư nhân thực sự khởi sắc nhưng có tình trạng các doanh nghiệp tư nhân lớn không chú trọng sản xuất kinh doanh mà chuyển sang đầu cơ tài sản, thậm chí lấy tiền ngân hàng đi đầu cơ tạo ra khủng hoảng. Tới thập niên 2000, câu chuyện trở nên phức tạp hơn, xuất hiện thêm doanh nghiệp tư nhân thân hữu và lợi ích nhóm”.

Như vậy, kinh tế tư nhân là trụ cột phát triển của các quốc gia thịnh vượng. Song đồng thời, tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trên thế giới đều do doanh nghiệp tư nhân chạy theo mục tiêu ngắn hạn của mình, gây ra đổ vỡ. Và kinh tế tư nhân cũng gây ra những quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

TS. Huỳnh Thế Du cho biết: “Rủi ro của kinh tế Việt Nam là một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, hơn cả các Chaebol của Hàn Quốc về tốc độ tỉ lệ và theo đa dạng hoá đầu tư ngoài lĩnh vực. Chúng tôi nghiên cứu chu kỳ khủng hoảng 10 năm thì năm 2019 cực kỳ nhạy cảm, Nhà nước cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp tư nhân lớn lên bất thường, đầu tư ngoài ngành”.

Ông Huỳnh Thế Du lý giải, DNNN nếu có trục trặc vẫn còn có 2 “khoá” để giảm thiểu. Thứ nhất, người đứng đầu vẫn có sự ràng buộc, không được toàn quyền quyết định. Thứ hai, công chúng vẫn nghĩ rằng phía sau doanh nghiệp vẫn có sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn mong manh, chỉ cần một trục trặc có thể khiến cả nền kinh tế bị tác động.

“Doanh nghiệp tư nhân cực lớn nếu trong trạng thái rủi ro sẽ như con bạc khát nước. Mức độ rủi ro trong mỗi quyết định sẽ lớn hơn. Người dân, công chúng sẽ nghĩ không có Nhà nước đứng đằng sau đỡ.

Nếu như trước đây thứ tự ưu tiên của Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và cuối cùng là doanh nghiệp tư nhân thì bây giờ thứ tự ưu tiên có vẻ như đang là doanh nghiệp thân hữu. Doanh nghiệp tư nhân bây giờ cũng chia thành hai loại tư nhân thân hữu và tư nhân làm ăn bình thường. Ưu tiên lớn nhất hiện là doanh nghiệp thân hữu còn tư nhân làm ăn bình thường thì ở bét bảng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem