TS. Huỳnh Thế Du: Năng lực cạnh tranh của TP.HCM có những "trục trặc"

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 23/06/2018 19:00 PM (GMT+7)
Cách xác định tầm nhìn của TP.HCM, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là còn rất chung chung. Đây cũng là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của TP.HCM còn rất thấp so với các thành phố khác ở Châu Á.
Bình luận 0

TS. Huỳnh Thế Du, Trường Đại học kinh tế Fulbright nhấn mạnh như thế khi so sánh năng lực và môi trường sống tốt của TP.HCM với 12 thành phố trong khu vực – nhóm đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

“Thành phố trục trặc”

4 trụ cột để quyết định năng lực cạnh tranh của một thành phố gồm: nền tảng kinh tế; kết nối cứng, kết nối mềm; môi trường kinh doanh; thể chế và các quy định. Sau 3 năm cập nhật lại, vị trí của TP.HCM so các đối thủ không thay đổi nhiều vì những trục trặc cơ bản trong phát triển đô thị.

img

Năng lực cạnh tranh và mức sống tốt của TP.HCM không được cải thiện nhiều so với các thành phố khác trong khu vực. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trước hết, TP.HCM chưa phát huy tốt các lợi thế, chưa khai thác tốt các tiềm năng. Ở góc độ quản lý vận hành; cơ chế đánh giá và bổ nhiệm cán bộ theo nguyên tắc “không sai” chứ không phải “hiệu quả tổng thể”, cộng với việc không phân định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn vô hình chung đã triệt tiêu phần lớn khả năng sáng tạo của cán bộ, không tạo động lực thôi thúc nghĩ ra cách làm mới nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh.

Số liệu thống kê không đủ độ tin cậy làm cơ sở hoạch định và đánh giá chính sách. Bản thân công tác quy hoạch và lập kế hoạch không thể hiện được vai trò của chúng. Hậu quả là mọi thứ cứ giẫm chân tại chỗ, nhiều trường hợp gây ra kém hiệu quả và lãng phí.

“Ngay cả lãnh đạo thành phố cũng phải dành nhiều thời gian cho các vấn đề sự vụ, không còn đủ thời gian cần thiết để định hình ra những đường hướng phát triển dài hạn”, TS. Du nhận định.

Theo đó, tầm nhìn cho tương lai được đánh giá có vai trò rất lớn cho TP.HCM. Tuy nhiên cách điều hành hiện nay, thành phố có đưa ra tầm nhìn nhưng chưa sát thực tế.

Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của các thành phố ở Diễn đàn kinh tế thế giới (2014) chỉ ra 2 yếu tố then chốt cho sự thịnh vượng của thành phố là khắc phục tình trạng cả bộ máy tập trung vào các công việc sự vụ hàng ngày. Thứ hai là mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng, dễ hiểu để đại bộ phận dân chúng cảm thấy niềm tin và kỳ vọng tương lai.

img

Thông điệp về tầm nhìn của thành phố còn chung chung không kích thích được niềm tin và sự chung tay xây dựng thành phố từ người dân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng làm thành công cả hai điều này với Singapore. Cựu Tổng thống Lee Myung Park cũng từng làm rất tốt với Seul… Còn TP.HCM chỉ đưa ra được mục tiêu hay tầm nhìn cho tương lai một cách chung chung rằng: “Xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”

Xác định đối thủ cạnh tranh

TS. Du cho rằng việc không cụ thể hóa mục tiêu và tầm nhìn như thế của thành phố để đa số người dân có thể hiểu được đang là một rào cản lớn khiến cho người dân khó có thể tham gia và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển thành phố.

Với những lợi thế và vị trí hiện nay, trong vài thập niên tới khó có địa phương nào trong nước có thể vượt qua được TP.HCM để trở thành dẫn đầu. TP.HCM cần xác định đối thủ cạnh tranh không phải ở trong nước mà phải là các địa phương toàn cầu, cụ thể là 12 đô thị trực tiếp trong khu vực. Và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ là đối tác chiến lược để cùng xây dựng TP.HCM. Từ đó, phát huy lợi thế cạnh tranh của cả vùng.

Năng lực cạnh tranh so bên ngoài hiện chưa cải thiện nhiều thì trong nội bộ, người dân thành phố và cả nước đang có cái nhìn tiêu cực khi hình ảnh TP.HCM luôn gắn liền ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm.

img

Hình ảnh TP.HCM gắn liền ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Tầm nhìn của TP.HCM cần được xem lại, nhất là khi tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại. TS. Du gợi ý thông điệp thành phố thông minh hay thành phố đổi mới, sáng tạo phải được chú trọng để thay đổi tư duy, động thái của người dân cũng như lãnh đạo.

Nếu điều này thành hiện thực, niềm tin về một vùng TP.HCM phát triển làm nền tảng cho một Việt Nam thịnh vượng là hoàn toàn có thể. “Khi đó, yếu tố nghĩa tình, tư chất phóng khoáng, đùm bọc của một TP.HCM – "Anh hai Nam bộ" lại càng được phát huy”, TS. Du nói.

Chia sẻ điều này, PGS. TS. Nguyễn Thuấn, Trường Đại Học Mở TP.HCM thừa nhận nhiều nghiên cứu cho thấy tăng trưởng thành phố đã tới ngưỡng. Năng suất lao động xã hội hiện không tăng, thậm chí giảm từ 5,67% năm 2014 xuống còn 3,30% năm 2017. Lao động TP.HCM làm ra 11.000 USD/năm là còn thấp so với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới.

“Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ làm tăng năng suất lao động, nhưng cơ cấu ngành và nội bộ ngành đang không theo kịp nhu cầu lao động làm việc. Phải có chương trình lớn kiểm soát lại tăng trưởng dân cư để tăng trưởng kinh tế của thành phố gắn với cảm nhận tăng trưởng của từng người dân”, TS. Thuấn chia sẻ.

Tầm nhìn của một số thành phố đối thủ:

. Seul 2030: Thành phố hạnh phúc cho người dân được chia sẻ và quan tâm.

. Singapore 2030: Thành phố thông minh - Nghĩ lớn, khởi đầu nhỏ và tiến nhanh .

. Thượng Hải 2050: Thành phố văn minh toàn cầu.

. Bangkok 2032: Sôi động của châu Á.

. Kuala Lumpur: Thành phố đẳng cấp của thế giới.

. TP.HCM: Văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem