"Đừng để người tài đơn độc"

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 08/02/2021 07:34 AM (GMT+7)
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ để phát triển đất nước bền vững, vấn đề phát hiện và tạo môi trường cho người tài phát triển còn nhiều bất cập.
Bình luận 0

Phát hiện, nhận diện người tài của nước ta vẫn còn yếu

Từ Đại hội XI, Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài.

Vừa qua, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục kế thừa và phát triển các nội dung trên. Trong báo cáo về văn kiện Đại hội XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Chia sẻ với báo Dân Việt, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: Hiện nay, vấn đề phát hiện, nhận diện người tài của nước ta vẫn còn yếu. Vấn đề bồi dưỡng nhân tài mà chúng ta đang nhắc tới thực chất là tạo điều kiện để người tài phát huy tài năng.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, người tài là người có phẩm chất đạo đức; có khả năng sáng tạo, đề ra phương hướng phát triển vấn đề cụ thể và có khả năng giải quyết vấn đề thực tế trong điều kiện hiện hữu; có niềm tin, khát vọng nghề nghiệp, cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển tổ chức, xã hội tại thời điểm xác định và cả trong tương lai. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm: "Đừng để người tài đơn độc" - Ảnh 2.

TS.Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Dưới góc nhìn là một người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, cần phải chú ý đến lớp trẻ trong vấn đề bồi dưỡng nhân tài. 

"Theo tôi chúng ta đang làm trường chuyên chưa được khoa học. Chúng ta đang chạy theo nhu cầu là thi quốc gia, quốc tế… cái đó cần thiết nhưng không phải là duy nhất. Cái chúng ta phải làm là trường chuyên phải là cái nôi, "bà đỡ" để bồi dưỡng nhân tài", TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm.

Hiện nay, cách nhìn nhận trường chuyên gắn với các bộ môn đã là lạc hậu. Kiến thức là tổng hợp, thiếu sót của các trường chuyên là thường chỉ tập trung cho các cuộc thi, học sinh vào đội tuyển thi là được bỏ hết các môn khác, khiến học sinh "què quặt" đi.

Thứ hai, học sinh phải gắn với thực tiễn cuộc sống, điều này ngành giáo dục của chúng ta làm chưa tốt. Thí dụ, học sinh giỏi về Hoá, Sinh phải được tiếp xúc với nhà máy sản xuất để tìm hiểu, vào các phòng thí nghiệm cùng làm, từ đó mới gợi ra việc phải học gì, phải làm gì… Các trường phổ thông phải phát huy vai trò đỡ đầu, chỉ dẫn những học sinh có đam mê chứ không phải chỉ chú trọng vào công tác luyện thi. Bộ GD-ĐT cũng cần điều chỉnh lại mô hình trường chuyên, không nên chạy theo số lượng. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm: "Đừng để người tài đơn độc" - Ảnh 3.

Để được vào trường chuyên danh tiếng như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, thí sinh phải trải qua một “cuộc đua” gian khổ. Ảnh: Gia Hân

Mong sớm có uỷ ban quốc gia về chiến lược người tài

TS. Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn đánh giá, hiện các cấp dưới phổ thông chưa đạt những mục tiêu đào tạo cái cơ bản, đến cấp 3 phải đào tạo lại từ đầu sẽ ảnh hưởng đến quá trình hướng nghiệp.

"Nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bậc phổ thông, phải có những yêu cầu chặt chẽ, khắt khe về kỷ luật và mọi thứ. Nhiều bậc phụ huynh bây giờ chiều con, hay chúng ta quan niệm "trường học hạnh phúc" là giảm tải cho học sinh thì chưa đủ. Đúng là phải giảm tải những áp lực không cần thiết, nhưng trong giáo dục là phải nuôi cấy, đảm bảo được những nhu cầu gồm: điều kiện ăn ở, sinh sống; điều kiện an toàn; điều kiện giao tiếp xã hội... Tuy nhiên, con người còn có những nhu cầu ở bậc cao hơn là được tôn trọng, được cống hiến, được xã hội ghi nhận và tạo ra sự lan toả… Những nhu cầu ấy nhiều người không có, vậy thì giáo dục phải làm được những việc đó, phải "gieo" những điều đó cho học sinh, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Năm 1989, TS. Nguyễn Tùng Lâm trăn trở bởi những đứa trẻ chưa ngoan, phạm lỗi bị các trường kỷ luật đuổi học. Ông trình bày ý tưởng thành lập mô hình giáo dục đặc biệt với lãnh đạo TP.Hà Nội và được sự ủng hộ.

Sau 30 năm thành lập trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, ông vẫn đơn độc trên hành trình "cảm hóa" hàng nghìn học trò ngỗ ngược. Có những người sẵn sàng đầu tư nhưng yêu cầu phải thay đổi thương hiệu, thay đổi mục tiêu, ông từ chối bởi ngôi trường thành lập không vì mục tiêu lợi nhuận mà xuất phát từ mục đích muốn đóng góp cho xã hội. 

Câu chuyện thực tế đó khiến ông ngậm ngùi thừa nhận, có những người rất gian khổ, lăn lộn say mê công việc nhưng "chỉ được hoan hô, vỗ tay thế thôi, chấm hết".

Bày tỏ vui mừng bởi hiện nay trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chú ý đến việc xây dựng và trọng dụng người tài, TS. Nguyễn Tùng Lâm mong muốn sớm có uỷ ban quốc gia về vấn đề chiến lược người tài. 

"Những người đứng đầu đất nước phải nắm, có đơn đặt hàng để hàng năm cơ quan này đưa ra, làm rõ những nhu cầu của đất nước, ai hiến kế làm được những việc đó thì phải tạo điều kiện, phải ủng hộ. 

Nghe người nói hay thì dễ lắm, phải xem những người tổ chức và làm được ra kết quả, vượt qua được khó khăn, thử thách…", TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem