TS Phạm Tiến Dũng: Cảnh giác với hình thức biến tướng của các "tà đạo" hoạt động rầm rộ trên mạng xã hội

Thành An Thứ tư, ngày 29/09/2021 07:10 AM (GMT+7)
TS Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo TP.Hà Nội vừa khuyến cáo người dân cảnh giác với sự nở rộ các hình thức biến tướng của "tà đạo", giáo phái "tà đạo" trên mạng xã hội làm vỏ bọc lừa đảo, kiếm tiền trên sự kém hiểu biết của một số người dân.
Bình luận 0

Mạng xã hội – môi trường màu mỡ

Trao đổi với PV Dân Việt, TS Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo TP.Hà Nội cho biết, hiện tượng các giáo phái "tà đạo" trên thế giới và ở Việt Nam không có gì lạ lẫm đối với người dân.

Nhắc đến "tà đạo", giáo phái chúng ta thường nghĩ liên quan đến ma qủy, cúng bái cực đoan, thực hành các hành động kỳ quái…nhưng nếu thế thì lại quá dễ và người nào xem nhiều phim có thể nhận biết ngay đó chính là "tà đạo".

"Trên thực tế "tà đạo" không vận hành lộ liễu như vậy mà biểu hiện rất tinh vi, phức tạp", TS Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

TS Phạm Tiến Dũng: Cảnh giác với hình thức biến tướng của các "tà đạo" trên mạng xã hội - Ảnh 1.

TS Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban Tôn giáo TP.Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Theo Trưởng Ban Tôn giáo TP.Hà Nội, hiện nay môi trường internet và nền tảng mạng xã hội đang là môi trường màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức "tà đạo".

"Các đối tượng xấu lợi dụng "tà đạo" đang vận hành, nhan nhản trên các trang mạng, diễn đàn, hội nhóm phổ biến trên các nền tảng trực tuyến như facebook, zalo, telegram, messenger, instagram, lotus, mocha, gapo, tiktok, zoom…", ông Dũng nói và cho biết, các đối tượng này thường hướng tới người già, người rảnh rỗi hay người đang mang bệnh nan y, dễ bị dụ dỗ tin theo.

Người trẻ ít gặp hơn nhưng cũng không phải là không có. Ông Dũng ví dụ, tại Hà Nội, nhóm "Hội thánh Đức chúa trời mẹ" gần đây tăng cường truyền giáo trực tuyến trên mạng xã hội và qua một số ứng dụng Zoom, Skype hướng đến học sinh, sinh viên.

"Nếu các đối tượng xấu lợi dụng "tà đạo" đăng ký hoạt động như một tổ chức, một hội đoàn tôn giáo chính thức thì bị kiểm soát bởi cơ quan chức năng quản lý nhà nước, bởi các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chính thống phát hiện, vì thế môi trường internet và nền tảng mạng xã hội là môi trường màu mỡ cho đối tượng xấu hoạt động dưới hình thức "tà đạo"", ông Dũng phân tích nguyên nhân.

TS Phạm Tiến Dũng: Cảnh giác với hình thức biến tướng của các "tà đạo" trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Một buổi truyền đạo trái phép của Hội thánh Đức Chúa Trời tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp.

Biểu hiện "tà đạo" và hình thức "tẩy não"

Bóc trần các hành vi tinh vi, phức tạp của các "tà đạo", Trưởng Ban Tôn giáo TP.Hà Nội cho rằng, họ thường mượn những từ ngữ tích cực, có ý nghĩa khoa học để mê hoặc như thiện, thiền, chữa lành, lạc quan, sống chủ động, tiềm thức, năng lượng vũ trụ, năng lượng gốc, năng lượng trường sinh, tần số rung động, truyền năng lượng, lượng tử, vận công phong thủy, mối tương quan giữa con người - vũ trụ, chữa bệnh bằng năng lượng, không dùng thuốc…

Các giáo chủ đa phần sẽ thu hút tín đồ tin theo qua việc tự nhận được trời, phật, các đấng siêu nhiên chỉ dụ, sắc phong, báo mộng... được phái xuống trần thế, được giao sứ mệnh trở thành người lãnh đạo, dẫn dắt, giác ngộ con người nên có được sức mạnh siêu nhiên như có thể thông công với các đấng thần linh, các vong linh người đã mất, có năng lực chữa bệnh bằng năng lượng, bằng phù chú, có khả năng giúp người dân tìm lành tránh dữ...

Giáo lý, lễ nghi của "tà đạo" thường đơn giản, mang tính dân gian, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, đa số các tôn giáo mới hàm chứa yếu tố mê tín, một số mang màu sắc chính trị.

""Tà đạo" thường có hệ thống kinh sách và thờ cúng sơ khai, đơn giản. Kinh sách chủ yếu được tự sáng tác dưới dạng thơ, văn vần, dễ đọc dễ thuộc, giáo lý mang màu sắc "đa tôn giáo", vay mượn khái niệm, hình tượng của các tôn giáo, lồng ghép hình tượng tín ngưỡng truyền thống, mượn hình ảnh một số anh hùng dân tộc, danh nhân như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Chủ tịch Hồ Chí Minh... Yếu tố giáo lễ thực hành dễ dàng, đơn giản, hình thức thờ cúng sơ khai, nhiều khi chỉ cần bát hương...", TS Phạm Tiến Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tôn giáo Hà Nội cũng cho rằng, tổ chức thường lỏng lẻo, nửa công khai, nửa bí mật. Những nhóm "tà đạo" bao giờ nó cũng che dấu thông tin là do ai sáng lập ra, địa chỉ, số điện thoại, chức danh, lịch sử hoạt động của giáo chủ…

"Đối tượng lợi dụng "tà đạo" thường có những biểu hiện hay phô trương thanh thế, xây dựng hình ảnh trái ngược với người thực hành tâm linh chân chính. Đa phần hình ảnh thường ma mị, bất chính, kỳ quái, khó hiểu.

Bên cạnh đó, để thu hút người tin theo, đối tượng thường sử dụng các mạng xã hội, lập các nhóm kín, group không công khai, chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để chia sẻ các video thực hành thờ cúng, vẽ bùa chú, hướng dẫn tu tập, chữa bệnh bằng năng lượng, yểm bùa, bắt ma...", TS Phạm Tiến Dũng.

"Tà đạo" đánh vào tâm lý nghi ngờ dè chừng mất tiền nên ban đầu "tà đạo" sẽ tổ chức những buổi hội thảo, video, live stream miễn phí và đây chính là các buổi tẩy não. 

Các buổi vận hành này giống như các buổi hội thảo dạy làm giàu hay truyền động lực… nghe xong không ai nghĩ là tẩy não mà đang nghĩ "tôi thấy cũng tốt đấy chứ, "học" xong cảm thấy tốt hơn".

Các buổi live stream hay hội thảo sẽ có ngập tràn các nick ảo (thậm chí có cả nick thật, thường là con mồi đã được thu phục) gọi là đội seeding, được thuê để ăn chia (hoặc tin vào giáo phái ) để tạo hiệu ứng đám đông. Đây là trò sơ đẳng nhất của giáo phái dù là "luật hấp dẫn" hay đa cấp đều dùng chiêu trò này.

Trong buổi livestream giáo chủ truyền động lực bằng cách nói ra những điều gần như ai cũng biết rồi nhưng do chính bản thân mình không dám tin nên nghe lại vẫn thấy hay, thậm chí phải chính miệng ông ta (bà ta) nói ra mới hài lòng.

Sau buổi livestream/hội thảo, ê kíp của những người này sẽ follow up bằng cách cung cấp thêm các tài liệu tẩy não, hướng dẫn đọc thêm. Khi khoa học giả đã ngấm vào đầu, người nghe dần sẽ u mê tin theo, rút ruột rút gan cống hiến cho tà giáo như đóng góp từ thiện, mua sách, tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh...

Có người nghe theo, có bệnh cũng coi như không có, không chịu đi khám, không uống thuốc, nhiều người bị ung thư, đã bỏ qua giai đoạn vàng để phẫu thuật điều trị theo khoa học và đến lúc quá muộn.

Người dân cần nâng cao nhận thức

Trưởng Ban Tôn giáo TP.Hà Nội khuyến cáo, quần chúng nhân dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo, không nghe đối tượng xấu nói, không nhìn chúng làm.

Đừng để những lời nói, việc làm của những kẻ lợi dụng "tà đạo" gây hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống của mọi người và thế hệ con cháu tương lại và đặc biệt lưu ý nên cảnh giác và chớ coi thường và nghĩ rằng "chắc chưa đến lượt mình đâu, mình tinh khôn và tỉnh lắm".

Nếu có nhu cầu "tâm linh" gia nhập các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp để được tiếp nhận thông tin từ việc các tổ chức hợp pháp tuyên truyền, giới thiệu về tôn giáo mình để khi người dân gia nhập sẽ kiểm soát được hành vi, chính kiến của mình, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những tổ chức "tà đạo".

"Đối với việc thờ, cúng, khấn, lễ, để tránh bị lừa đảo, người dân đừng quá chấp tâm vào câu văn, lời khấn. Có tâm khấn thì tâm mình đã được chứng rồi, việc khấn, nói ra có hay không không quan trọng. Đừng chấp tâm vào lễ to, hương thơm hay không, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phải to, đẹp vì thờ, cúng, khấn, lễ phải tại tâm, do tâm, tùy tâm", TS Phạm Tiến Dũng nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem