TS. Phan Đức Hiếu: Cho vay tiêu dùng cần tính đến việc phá sản cá nhân
TS. Phan Đức Hiếu: Cho vay tiêu dùng cần tính đến việc phá sản cá nhân
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 25/03/2021 15:00 PM (GMT+7)
Theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, không nên gắn tài chính tiêu dùng với một số sứ mệnh như đẩy lùi tín dụng đen chẳng hạn. Chính phủ cần tính đến việc phá sản cá nhân để các khoản nợ được giải quyết.
Chia sẻ tại toạ đàm về tài chính tiêu dùng do Báo đầu tư và CTCP Truyền thông E.Life phối hợp tổ chức sáng nay (25/3), bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong xu thế nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế.
Cụ thể, tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%.
Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010.
Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng cũng đã tăng từ 8,17%/dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, kết quả tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng cho thấy, hệ thống ngân hàng đã và đang tập trung phát triển hoạt động cho vay lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.
Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giúp giảm thiểu các hệ lụy đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực cũng phải thừa nhận, quy mô thị trường này đã tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm qua nhưng vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển.
Ông Lực cho biết, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng khoảng 20%/năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam mới chỉ khoảng 800 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc... Với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn.
Về sản phẩm - dịch vụ tài chính tiêu dùng trong 10 năm qua ngày càng đa dạng với các phân khúc khách hàng khác nhau cho các vùng miền – theo đánh giá của ông Lực.
Trong đó, phổ biến nhất là các khoản vay tiền mặt, vay để mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính hay phương tiện (xe máy)….
Đồng thời, danh mục đã có cả nhóm sản phẩm hiện đại như một số quốc gia phát triển như sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm y tế…
Bên cạnh đó, các công ty cũng phát triển các sản phẩm cho các thị trường ngách như cho vay thẻ tập thể dục, học ngoại ngữ, tiệc cưới hay du lịch, thậm chí là phát hành thẻ tín dụng (cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại)...
Đặc biệt hơn, cho vay tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), rồi giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử...
Chẳng hạn, FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng NAP…
Có thể thấy, quá trình phát triển 10 năm qua của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đã thay đổi đáng kể cả về chất và lượng. Chính sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa, góp phần quan trọng vào đẩy lùi hiện tượng tín dụng đen, ổn định đời sống xã hội của người dân.
Đồng thời, thị trường tài chính tiêu dùng góp phần phát triển hệ thống tài chính Việt Nam cùng với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện…
Cần tính đến việc phá sản cá nhân để các khoản nợ được giải quyết
Không phủ nhận những lợi ích mang lại từ sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian qua. Tuy nhiên, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên gắn tài chính tiêu dùng với một số sứ mệnh.
Đơn cử như, nếu đặt vấn đề tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen thì ông Hiếu cho rằng, tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen bởi có tính liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính.
Hơn nữa, nếu gắn tín dụng tiêu dùng với sứ mệnh đẩy lùi tín dụng đen thì vô hình chung Nhà nước sẽ kiểm soát chặt mô hình này, làm cho các tổ chức chính thức gặp thiệt thòi và các tổ chức phi chính thức càng lạm dụng. Do đó, chỉ cần để thị trường này phát triển tự nhiên theo nhu cầu thị trường là thành công.
"Bất kể hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, Nhà nước không thể can thiệp ngăn chặn rủi ro này", ông Hiếu nhấn mạnh và làm rõ, bên cạnh rủi ro của cá nhân thì còn có rủi ro của tổ chức.
Từ thực tế đó, TS Phan Đức Hiếu chia sẻ 2 kiến nghị đối với thị trường tài chính tiêu dùng. Thứ nhất, đối với việc bảo vệ người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức người dân là rất quan trọng. Cần phải để người dân gánh chịu rủi ro để tự mình nhận lấy bài học. Chính phủ cần tính đến việc phá sản cá nhân để các khoản nợ được giải quyết.
Thứ hai, bảo vệ tổ chức cho vay. Tranh chấp kéo dài 2-3 năm, nhiều năm hoặc không có cơ hội giải quyết vấn đề sẽ là rào cản lớn. "Cần để thị trường phát triển đúng, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng và không phải chịu sứ mệnh gì", ông Hiếu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.