TS. Võ Trí Thành: Cần một biểu tượng mới cho “cô gái lỡ thì” PVN

P.V Thứ năm, ngày 12/12/2019 16:08 PM (GMT+7)
Nhận định PVN cần một biểu tượng mới, có nét riêng, khác biệt để có thể cạnh tranh, song TS. Võ Trí Thành vẫn nhấn mạnh, đôi khi điểm yếu trong quá khứ mới là động lực và bước ngoặt để giúp “cô gái lỡ thì” PVN phát triển trong tương lai.
Bình luận 0

img

Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh trong một lần phát biểu trước Quốc hội.

60 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nói riêng luôn giữ vai trò “đầu tàu” ở khối kinh tế Nhà nước và có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, “khoảng lặng” trong giai đoạn 2015 - 2017 với những đại án, những dự án chậm tiến độ, hay 5 dự án trong tổng số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây. Tất cả đã và đang được các cơ quan chức năng làm rõ, khiến nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo PVN vướng vào lao lý. Từ đây, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, uy tín và thương hiệu của PVN và một số đơn vị thành viên. Đồng thời, gây thiệt hại vật chất bằng tiền thông qua giá trị cổ phần, cổ phiếu, tài sản của doanh nghiệp, việc kêu gọi đầu tư với các đối tác cả trong và ngoài nước.

Trong một buổi hội thảo gần đây, bản thân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh đã từng ví von ngành dầu khí hiện tại đang như cô gái "quá lứa lỡ thì". Nhưng điều kiện đặt ra quá khắt khe, "của hồi môn quá cao", nên khó thu hút đầu tư.

Ông Thanh cũng thừa nhận, hiện ngành dầu khí đang ăn vào quá khứ, vào công lao của thời kỳ trước, trong khi việc gia tăng trữ lượng đang chững lại.

“Các cụ xưa hút 1 tấn dầu thì gia tăng 1,5 đến 2 lần. Còn chúng tôi giờ hút 1 nhưng chỉ bù đắp 0,3-0,4. Nên nói thẳng là chúng ta đang ăn vào công sức của ngày trước”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Theo Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh, thời kỳ trước, trung bình mỗi năm ngành dầu khí thu thút khoảng 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư bên ngoài để thăm dò, khai thác, thì hiện tại, con số này chỉ là vài trăm triệu USD.

img

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Và những vấn đề vừa nêu đã tiếp tục được các chuyên gia, cùng một số lãnh đạo của PVN và các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn này thảo luận tại toạ dàm “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”

Là một trong số các thành viên tham gia xây dựng Luật Dầu khí từ năm 1993, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, kể lại: “Khi khai thác được thùng dầu thô đầu tiên vào năm 1986, Quốc hội đã rất xúc động và tự hào. Sau đó là thời kỳ ngành dầu khí phát triển rực rỡ, có lúc đóng góp vào ngân sách lên đến 55%. Việt Nam trong giai đoạn khó khăn thì ngành dầu khí đã từng là cứu cánh.

Trong các cuộc họp Quốc hội và Chính phủ, khi thấy thiếu ngân sách thì lại trao đổi với lãnh đạo ngành dầu khí để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để tăng ngân sách, hỗ trợ tăng trưởng. Sau này thì ngành dầu khí đã phải đối mặt với những khó khăn, khi thăm dò, khai thác ngày càng khó khăn hơn, phải đi vào những vùng biển sâu hơn và nhiều những vấn đề nhạy cảm trên biển Đông.

Tuy nhiên, nếu tham quan các giàn dầu khí ngoài khơi, chúng ta sẽ thấy Việt Nam có một ngành công nghiệp dầu khí hiện đại sánh vai được với khu vực và quốc tế. Đó chính là thương hiệu”.

Trước câu hỏi: “Làm gì để phát triển thương hiệu ngành dầu khí?”.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, trước hết cần làm rõ câu hỏi: Thế nào là doanh nghiệp ngành dầu khí? Đó có phải là doanh nghiệp thuộc PVN không hay rộng hơn?

“Nếu hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả doanh nghiệp ngoài PVN thì nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cần để ý cả xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp dầu khí khác. Theo quy định Luật Dầu khí chúng ta có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - công ty mẹ và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - công ty mẹ hiện nay là doanh nghiệp duy nhất được Nhà nước uỷ quyền đứng ra ký kết hợp đồng với các nước. Vì vậy, vị thế của Tập đoàn Dầu khí công ty mẹ là rất lớn. Và cũng vì vậy cần lưu ý, khi xây dựng thương hiệu thì cần có sự vào cuộc của nhà nước”, ông Phúc đề xuất.

Theo đó, muốn xây dựng được thương hiệu mạnh cho PVN cần có Luật. Nhà nước ở tầm vĩ mô cần có sự đầu tư, để lại tỷ lệ ngân sách nhất định để xây dựng thương hiệu cho ngành dầu khí.

“Cần coi trọng thương hiệu doanh nghiệp vì không có thương hiệu doanh nghiệp sẽ không có thương hiệu quốc gia. Ở tầm vi mô, bản thân doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp thuộc PVN, phải có chiến lược xây dựng thương hiệu. Tôi đề xuất, khi bàn về xây dựng thương hiệu các doanh nghiệp trong ngành dầu khí nên tiến tới sửa đổi Luật Dầu khí”, ông Phúc nói.

Đây không phải là lần đầu tiên người viết ghi nhận ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Dầu khí từ ông Nguyễn Văn Phúc và một số chuyên gia khác.

Lần này, ông Phúc đề xuất: “Có thể chia làm 3 cấp độ doanh nghiệp dầu khí, cấp độ hoạt động ở thượng nguồn (khai thác), trung nguồn (sản xuất), hạ nguồn (phân phối). Trong Luật Dầu khí hiện nay mới có quy định về thượng nguồn”.\

img

TS. Võ Trí Thành. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, Việt Nam hiện chưa có một doanh nghiệp nào thực sự lớn mạnh. Bởi để có một doanh nghiệp lớn mạnh, cần chú trọng trong công nghệ, sáng tạo và lan tỏa trách nhiệm xã hội.

“Đầu tiên, thương hiệu được xác định bao gồm giá sản phẩm và lòng tin đối với các bên liên quan. Tuy vậy vẫn chưa đủ, đây chỉ là nền, muốn phát triển phải gắn với xu thế mới, phải đột phá, phải đột biến. Gắn với câu chuyện tại PVN, giá trị của PVN cho đến nay có vai trò cực lớn, giá trị thay đổi 1 USD, ngân sách thay đổi nghìn tỷ.

Tuy vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng PVN vẫn là doanh nghiệp nhà nước, hơn nữa thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh đó, dù PVN có nhiều sáng tạo tuy nhiên về mặt truyền thông là còn mờ nhạt”, TS. Võ Trí Thành nói.

Từ đây, ông Võ Trí Thành đặt ra câu hỏi: “PVN có nên xác định lại biểu tượng?”.

Bởi theo ông, đây là việc xác định bước ngoặt và tầm nhìn khác biệt. Nếu định hướng tương lai, PVN rất cần một biểu tượng mới có nét riêng, khác biệt để có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, dù thay đổi biểu tượng thì vẫn cần phải chú trọng vào yếu tố trung tâm, đó chính là khách hàng.

Cuối cùng, ông Thành nhấn mạnh: “Chính điểm yếu của quá khứ sẽ là động lực và bước ngoặt để giúp PVN phát triển trong tương lai”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem