TT-Huế: Công trình thủy lợi tiền tỷ “chết yểu”

Thứ năm, ngày 22/08/2013 06:51 AM (GMT+7)
Công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn ở xã Lộc Tiến (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) được xây dựng với kinh phí tiền tỷ nhưng không phát huy tác dụng khiến cả trăm ha ruộng ở địa phương này bị khô hạn và phải bỏ hoang.
Bình luận 0
Lãng phí tiền tỷ

Công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn được xây dựng vào năm 2003 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, do UBND huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư. Công trình gồm các hạng mục: Trạm bơm, trạm biến áp, nhà điều hành và hệ thống kênh mương bằng bê tông dài 2km. Công trình được xây dựng nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 100ha ruộng lúa thường xuyên bị khô hạn của các hợp tác xã Trung Tiến và Phú Sơn của xã Lộc Tiến.

Nhà điều hành trạm bơm của công trình thủy lợi Trung Tiến- Phú Sơn  nhiều năm nay trở thành… chuồng  nuôi dê.
Nhà điều hành trạm bơm của công trình thủy lợi Trung Tiến- Phú Sơn nhiều năm nay trở thành… chuồng nuôi dê.

Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay, công trình thủy lợi này chưa một lần phát huy tác dụng. Nguyên nhân là do khi vận hành, nước từ trạm bơm không chảy tới được các cánh đồng mà tràn vào vườn tược của dân và làm ngập đường sá. Đến thời điểm hiện tại, công trình thủy lợi này đã trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Các hạng mục đã trở nên hoang tàn, đổ nát hầu hết. Riêng nhà điều hành trạm bơm nhiều năm nay được người dân tận dụng làm… chuồng nuôi dê.

Anh Đặng Thành Dũng (thôn Phú Sơn) cho biết, vì công trình thủy lợi không phát huy tác dụng nên từ 10 năm nay, người dân trong vùng muốn cày cấy phải tự tìm nguồn nước tưới. Người dân nơi đây thường đào mương dẫn nước từ các khe suối ra tưới tiêu cho đồng ruộng, tuy nhiên nguồn nước này thất thường nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. “Việc lấy nước cho đồng ruộng theo cách này thường chỉ thực hiện được trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì rất hiếm nguồn nước”- anh Dũng kể.

Dân lãnh hậu quả

Hậu quả của tình trạng này là từ nhiều năm trở lại đây, người dân các thôn Trung Tiến và Phú Sơn thường xuyên chịu cảnh mất mùa vì đồng ruộng khô hạn triền miên. Đặc biệt, vào vụ hè thu, hầu hết diện tích ruộng ở đây đều trong tình trạng bỏ hoang vì không có nguồn nước tưới. Tình trạng này khiến đời sống người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn. Trong khi đó, khi có mưa lũ, hệ thống kênh mương của công trình thủy lợi này cản trở nước lũ thoát ra ngoài khiến nước tràn vào nhấn chìm vườn tược và nhà cửa của người dân.

Theo nhiều người dân địa phương, nguyên nhân khiến công trình thủy lợi này “chết yểu” là do lỗi từ nhiều khâu. Từ việc khảo sát đặt vị trí trạm bơm cho đến chất lượng thi công các hạng mục của công trình này đều không bảo đảm. Trong đó, vị trí lấy nước của trạm bơm là một nhánh suối nhỏ thường bị khô kiệt vào mùa hè, nên không có nguồn nước để bơm phục vụ cho vụ hè thu.

Trước thực trạng trên, người dân địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng đầu tư sửa chữa và khắc phục các lỗi của công trình này, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết.

“Sự cẩu thả, vô trách nhiệm trong thiết kế và thi công công trình đã khiến hàng tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước bị lãng phí. Khi người dân chúng tôi lên tiếng thì cơ quan chức năng làm ngơ như không có chuyện gì”- một người dân thôn Trung Tiến bức xúc.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Trần Kim Thành - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thừa Thiên - Huế cho biết, mới đây, Sở phối hợp với UBND huyện Phú Lộc và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá công trình thủy lợi này. Kết quả khảo sát cho thấy việc thiết kế và thi công công trình này không có vấn đề gì lớn, mà chỉ có “một vài thiếu sót nhỏ”. Về việc công trình không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang 10 năm nay, ông Thành nói nguyên nhân là do… công tác quản lý của chính quyền xã và hợp tác xã.

An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem