Từ 1.7, xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách: Nhắc nhở, tuyên truyền là chính

Nhóm phóng viên Thứ ba, ngày 01/07/2014 07:27 AM (GMT+7)
Từ 1.7.2014, trên toàn quốc, lực lượng CSGT sẽ thực hiện xử lý người tham gia giao thông bằng xe môtô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội MBH không đúng quy cách hay đội MBH dởm. Theo ghi nhận của NTNN, việc xử phạt sẽ chưa được áp dụng ngay... 
Bình luận 0

Tuyên truyền, nhắc nhở là chính

Chiều 30.6, đại tá Đào Vịnh Thắng Trưởng – Trưởng phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, bắt đầu từ 6 giờ – 22 giờ ngày 1.7, các đội CSGT từ số 1 đến 12 và đội 14 chia làm 3 ca, tổ chức 1 tổ tuần tra chuyên đề gồm từ 4 – 6 cán bộ, chiến sĩ CSGT sử dụng ôtô, môtô tổ chức tuần tra lưu động kết hợp với cắm chốt xử lý tại các nút giao thông có đèn chỉ huy giao thông. Việc kiểm tra, xử lý chỉ thực hiện sau giờ cao điểm sáng (từ 7 giờ – 9 giờ), chiều (16 giờ – 19 giờ 30) để tập trung vào công tác tổ chức, hướng dẫn giao thông.

Một điều đáng chú ý là với các trường hợp đội MBH không đạt chuẩn nhưng không vi phạm Luật Giao thông, lực lượng CSGT sẽ không tự ý dừng xe để kiểm tra, xử lý. “Với người đội MBH dởm, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền để người dân biết và tự ý thức việc đội MBH đúng tiêu chuẩn là văn minh và bảo vệ tính mạng khi tham gia giao thông” - đại tá Thắng khẳng định.

Tại Cà Mau, trung tá Lý Trường Thiện – Đội trưởng Đội tuyên truyền, xử lý (thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an tỉnh) cho biết: Từ ngày 15.5 đến ngày 30.6 đơn vị đã mở nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông đội MBH không đúng theo quy định. Lực lượng làm nhiệm vụ sẽ căn cứ vào các quy định về việc đội MBH phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ phải được gắn dấu hợp quy CR.

Còn thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh An Giang cho hay: “Trong vài ngày đầu thực hiện, tinh thần vẫn là phổ biến, giáo dục, nhắc nhở là chính. Bởi lẽ người dân, nhất là ở vùng nông thôn, mức độ tiếp cận thông tin có hạn chế, hoặc chưa hiểu rõ quy định, cần sự giải thích, nhắc nhở. Sau đó dần dần tiến hành xử phạt kiên quyết.

Không nên đổ hết lỗi cho dân

Qua trao đổi, lãnh đạo CSGT nhiều địa phương khẳng định, trong trường hợp xử phạt chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều bất cập, trong đó không loại trừ cả sự phản ứng của người dân.

Theo Phó Trưởng phòng CSGT Hải Phòng - ông Nguyễn Xuân Hải, trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn như việc phân biệt mũ thật, chưa có văn bản cụ thể nào hướng dẫn đến từng người dân thế nào là MBH giả và thật. Vì thế chắc chắn người dân sẽ có ý kiến khi bị xử phạt. Đồng quan điểm như vậy, một cán bộ thuộc lực lượng CSGT TP. Hồ Chí Minh cho biết:

“Nhiệm vụ của chúng tôi là xử lý vi phạm khi người dân tham gia giao thông không đội MBH đúng quy cách, chất lượng... Nhưng, cái khó là người dân và CSGT khó phân biệt mũ giả, mũ thiệt. Tôi nghĩ là cảnh sát nên nhắc nhở người dân tự ý thức với sự an nguy của mình mà mua mũ tại các cơ sở uy tín thì tốt hơn xử phạt”.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng: “Trước đây có đề xuất nông dân xài phân bón giả thì bị phạt. Chuyện này giống như xài MBH vậy. Không nên đổ hết lỗi cho dân. Bởi lẽ, nếu quản lý thị trường làm tốt nhiệm vụ thì MBH giả không thể có mặt trên thị trường để dân bị lừa”.

Tại Quảng Ninh, dù cơ quan chức năng khẳng định sẽ phạt rất nặng người không đội MBH và đội MBH dởm trên địa bàn từ 1.7, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nơi người dân vô tư đội MBH rởm. Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hiện Quảng Ninh không có đơn vị sản xuất MBH, mũ chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh khác về.

Để kiểm soát chặt chẽ MBH không đạt chuẩn, lực lượng chức năng của tỉnh đã đồng loạt ra quân tuyên truyền, xử lý, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh MBH ký cam kết không bán loại mũ này. Tuy nhiên, có những chủ cửa hàng đã tìm cách chống đối bằng việc dán thông báo “MBH này không dùng cho người đi xe máy” đã gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra, xử lý.

Theo bà Hiền, để bà con vùng nông thôn tiếp cận được chính sách này, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã phối hợp 5 doanh nghiệp đổi 30.000 chiếc MBH mới, đảm bảo chất lượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem