Từ 24.1, Đại hội XII tập trung bàn về nhân sự

Hải Phong – Minh Yến Thứ tư, ngày 20/01/2016 16:44 PM (GMT+7)
Ngày 24.1, Đại hội sẽ nghe báo cáo về nhân sự chuẩn bị cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Sau đó, Đại hội XII sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự trước khi bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành T.Ư khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư.
Bình luận 0

img

Hoàn tất phiên họp trù bị

Thông tin từ Đại hội XII cho biết, sau phiên họp trù bị ngày 20.1, đúng 8 giờ sáng ngày 21.1, Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký lên làm việc. Tiếp đến, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu khai mạc Đại hội XII.

Bước vào đại hội, người điều hành - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - sẽ mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đọc báo cáo tổng hợp dài khoảng 20 trang của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội.

Tiếp đó, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đọc điện, thư chào mừng của các chính đảng nước bạn.

Chương trình tiếp nối với việc Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đọc báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Chiều 21.1, đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường về các văn kiện của Đại hội XII.

Trong 2 ngày 22 và 23.1, Đại hội sẽ thảo luận tại hội trường về văn kiện. Đại diện khoảng 30 đoàn, đại diện cho các tầng lớp trong xã hội sẽ tham gia cho ý kiến.

Đến ngày 24.1, Đại hội sẽ nghe báo cáo về nhân sự chuẩn bị cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Từ thời điểm này trở đi, Đại hội XII sẽ dành thời gian chủ yếu cho công tác nhân sự. Dự kiến, việc bầu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ diễn ra trong ngày 27.1. Vào sáng ngày bế mạc, 28.1, Đại hội sẽ chuẩn thuận các kết quả bầu cử và thông báo kết quả chính thức với báo giới.

Thông qua quy chế bầu cử

Trước đó, ngày 20.1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội XII) đã hoàn tất phiên trù bị vào lúc 10 giờ 30 sáng. Đại hội XII đã biểu quyết thông qua Chương trình, Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội XII và bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

Theo một đại biểu dự Đại hội, sở dĩ quy chế bầu cử được thông qua nhanh vì trước đó, Quy chế này đã được thông qua tại Hội nghị T.Ư 13, 14, sau đó được gửi đến 68 đoàn đại biểu lấy ý kiến thảo luận tại đoàn. Đến phiên trù bị của Đại hội XII, tuyệt đại đa số đại biểu đồng ý với nội dung chính của quy chế bầu cử.

Phân tích về nét mới trong Quy chế bầu cử của Đảng, ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng, Ban Tổ chức T.Ư từng đánh giá: Quy chế bầu cử trong Đảng mới được bổ sung thêm nhiều nội dung mới, trong đó có một số điều rất quan trọng, liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ của Đảng.

Theo ông Hà, quy chế bầu cử trong Đảng mới ban hành được bổ sung 12 điều so với Quy chế bầu cử trong Đảng trước đây, trong đó có Điều 13 quy định về việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Cụ thể, Điều 13 của Quy chế quy định:

- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử người ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

- Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do thường vụ cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ.

- Ở các hội nghị của BCH T.Ư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.

Sở dĩ cần phải quy định như vậy, theo ông Nguyễn Đức Hà, là do: Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cấp ủy khoá tới, cấp ủy cấp triệu tập đại hội đã thực hiện một quy trình dân chủ rộng rãi từ dưới lên trên.

Cuối cùng, cấp ủy cấp triệu tập đại hội thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu những cấp ủy viên đương nhiệm tiếp tục tái cử cấp ủy và những người mới sẽ tham gia cấp ủy khoá tới. Chỉ những người được trên 50% số cấp ủy viên đương nhiệm giới thiệu mới được đưa vào danh sách để cấp ủy đề cử với đại hội.

“Như vậy, các cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã thực hiện trách nhiệm của mình và tham gia vào quyết định của cấp ủy, thì không được nói và làm khác với quyết định của cấp ủy. Còn ở trong các hội nghị của cấp ủy và hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên ban thường vụ, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận, biểu quyết để ban thường vụ cấp ủy hoặc Bộ Chính trị quyết định danh sách đề cử với cấp ủy, thì cũng không được nói và làm khác với quyết định của ban thường vụ hoặc của Bộ Chính trị, vì mình đã tham gia để xây dựng nên quyết định của ban thường vụ hoặc của Bộ Chính trị”, ông Hà nhấn mạnh.

Đoàn Chủ tịch của Đại hội XII có 17 người, gồm có 16 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết. Đại hội cũng đã bầu ra Thư ký đoàn gồm có 5 người do Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng làm trưởng đoàn. Các thành viên có ông Phạm Minh Chính - Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Tổng biên tập báo Nhân dân Thuận Hữu, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Võ Văn Thưởng.Ban thẩm tra tư cách đại biểu do ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư làm trưởng ban.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem