Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng Việt Nam là một đất nước không chịu phát triển
Không chịu thay đổi, tới công nghệ cũng bó tay
“Một số chuyên gia World Bank còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – Chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ tại Hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8.8.2015 ở Đà Nẵng. |
Dẫn lại lời “nói đùa” của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới từng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể lại, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc Trung tâm khoa học tư duy (Bộ Khoa học Công nghệ) mở đầu diễn đàn “Nhìn từ APEC 2017: Kỷ nguyên số 4.0 & Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp” bằng câu nói: “Việt Nam là một đất nước không chịu phát triển”.
Ông Hòa tiếp lời: “Thế giới đang thay đổi, nhưng bản thân người Việt Nam không chịu phát triển. Trong từng ngành, nghề, cách hành xử đều tồn tại những cục máu đông. Từ bà bán rau ngoài chợ tới các chuyên gia hàng đầu đều đặt câu hỏi: Cơ chế là cái gì?
Nếu chúng ta tiếp tục hành xử kiểu không thay đổi, thì công nghệ có cao cấp tới mấy cũng không giúp được gì. Với CMCN 4.0, chỉ cần một vài mã vạch, tất cả xe cộ chỉ mất vài giây là có thể chạy qua trạm BOT. Nhưng cách hành xử của chúng ta đang đặt sai chỗ. Khi tất cả thanh toán bằng tiền lẻ thì mọi thứ sẽ chậm lại. Và tới công nghệ cũng bó tay!”
Các cảng ở Việt Nam trung bình giữ container của DN từ 7 – 10 ngàytrung bình giữ container của DN từ 7–10 ngày
Theo ông Hòa, Việt Nam đang nằm ở trung tâm của mọi cơ hội khi ở bên cạnh Trung Quốc – một trong những nhà cung ứng lớn nhất thế giới và cũng sở hữu thị trường đông dân nhất thế giới, nhưng không biết tận dụng cơ hội của mình.
Ông Hòa kể lại: “Chúng tôi thực hiện rất nhiều dự án Chính phủ điện tử và Hải quan điện tử. Ở Hongkong, khi một tàu hàng tiếp cận cảng, họ được thông báo trước 3 tiếng và trong 3 tiếng sẽ lấy được container. Ở Singapore, cảng rất bé, tàu hàng được thông báo trước 1 tuần và chỉ có 1 giờ để lấy container. Với hải quan điện tử, chữ kí số, hoàn toàn có thể lấy được container trong vòng từ 45 phút tới 1 giờ khi ở Singapore.
Nhưng ở Việt Nam, toàn bộ các cảng từ Vân Đồn, Hải Phòng, Dung Quất, Đà Nẵng, Bình Dương… trung bình giữ container của DN từ 7 – 10 ngày. Không một DN nào chấp nhận được khoản lãng phí gấp gần 50 lần so với các DN khác trong chuỗi vận tải, cung ứng này.
Kết quả, các tập đoàn đa quốc gia lần lượt rút khỏi Việt Nam. Chính phủ biết, chuyên gia biết, chúng tôi từng thí điểm mô hình hải quan điện tử ở cảng Vân Đồn. Với phần mềm, quy trình họa động của Singapore, chỉ mất 5 giờ là DN có thể lấy được container. Nhưng rồi không thể áp dụng trong thực tế vì vướng một loạt quy trình và bởi chính những con người làm việc trong thực tế. Từng dấu chấm, dấu phẩy của các tập đoàn đều có thể bị cán bộ làm khó để kiếm tiền lobby”.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, hạ tầng dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong CMCN 4.0
Trong khi đó, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, hạ tầng dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất trong CMCN 4.0.“Hạ tầng dữ liệu chỉ có thể hình thành được trên cơ sở tất cả các sao lưu, thông tin về con người, hoạt động của con người được ghi chép lại hết sức minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của từng người.
Nếu ai đó còn có quyền biến báo thông tin, một DN có 2, 3 sổ sách, con số thống kê mỗi năm điều chỉnh 1 lần thì không bao giờ có một cơ sở dữ liệu nghiêm túc để tiến vào CMCN 4.0 cả”, bà Chi Lan nói.
Uber, Facebook là điển hình của CMCN 4.0
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, biểu hiện rõ nét nhất của Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là sự xuất hiện của mạng xã hội Facebook và ứng dụng đặt xe Uber.
Ông Hòa nói: “Cách đây 10 năm, không ai trong chúng ta tưởng tượng ra cách tiếp cận tri thức, trao đổi thông tin, tiếp cận lẫn nhau mạnh mẽ như Facebook hiện nay, Facebook giờ đã bước ra khỏi thế giới ảo, là một phần trong đời sống thật. Hay giải pháp công nghệ cao của Uber, họ không sở hữu xe, không sở hữu khách hàng của các hãng taxi nhưng đang tạo sự thay đổi toàn diện trong ngành giao thông vận tải.
Việt Nam từng loay hoay, lúc thì chống Uber, lúc lại làm khó họ nhưng bản chất là sự tiến hóa, chất lượng dịch vụ khách hàng và giá trị xã hội nâng lên rất nhiều nhờ CMCN 4.0. Cuộc CMCN 4.0 vẫn sẽ vào Việt Nam dù chúng ta muốn hay không muốn”.
Uber là biểu hiện rõ nét nhất của Cách mạng Công nghiệp 4.0
Từ đây, ông Hòa tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Vấn đề là tại sao không người Việt Nam nào làm mà lại để Uber làm? Vì sao không ai có giải pháp thông minh giống như Uber?”
Theo ông Hòa, trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại thông minh (Smartphone), mỗi chiếc phải có hàng trăm ứng dụng (App) giống Uber để phục vụ cho đời sống, như vậy mới có thể coi là điện thoại thông minh.
“Tôi kì vọng mọi ngành, mọi nghề trong nền kinh tế Việt Nam sẽ có hàng nghìn Uber khác. Hiện nay, chúng tôi cũng đang cố gắng tạo ra những Uber trong giáo dục, y tế, truyền thông với mong muốn tạo ra giá trị thay đổi lớn, tăng năng suất lao động của người Việt Nam.
Việt Nam có nhiều thuận lợi trong CMCN 4.0 vì sở hữu nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng rất tốt. Nếu Uber vào Myanmar sẽ không có hạ tầng Internet và GPS để triển khai nhưng vào Việt Nam ngay lập tức có cơ hội phát huy.
Còn rất nhiều sản phẩm khác giống Uber đang chờ cơ hội để tạo ra giá trị, tài sản trên một hệ thống hạ tầng công nghệ của FPT, VNPT, Viettel. Giờ là lúc mọi giá trị tri thức của DN phải thay đổi. Nếu chúng ta không thay đổi, không muốn, không ai giúp được chúng ta”, ông Hòa kỳ vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.