“Lợn tiết kiệm” trở thành cơ nghiệp
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng số 4 và có gần chục năm gắn bó với nghề xây dựng, trải qua nhiều vị trí công tác ở Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn, rồi về điều hành công ty riêng của gia đình…, có lẽ chẳng bao giờ anh Hoàng nghĩ tới việc sẽ rời bỏ máy móc, công trình để toàn tâm toàn ý với cây thanh long như hôm nay.
Anh Hoàng chăm sóc vườn thanh long của gia đình. Ảnh: Tâm Thanh
Ba năm nay, đều đặn mỗi vụ nhà anh Hoàng thu được 65-70 tấn, thu về 1,2-1,3 tỷ đồng; sau khi trừ mọi chi phí còn lãi 600-700 triệu đồng. Nhờ sản xuất nông nghiệp sạch, trái thanh long nhà anh đã có mặt ở Malaysia, Đài Loan, lứa tới đây sẽ có mặt ở Úc. Anh Hoàng đã trở thành 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn. |
Diện tích 4ha thanh long 4 mùa xanh tốt trước đây được bố mẹ anh Hoàng thuê 50 năm để trồng cây lấy gỗ. Năm 2010 - 2013, huyện Lập Thạch có dự án trồng cây thanh long ruột đỏ, một số hộ ở xã Vân Trục trồng thí điểm, lúc đó “thấy hay hay”, sẵn máy móc công trình của nhà, anh thuê 60 nhân công san đất đồi trồng cây. Ngày đó, riêng tiền mua dầu cho máy móc đã tốn hơn 700 triệu đồng.
“Đầu tư vậy nhưng tôi luôn xem đó là… làm chơi thôi. Tôi làm rồi nhanh chóng quên đi. Giống như con lợn tiết kiệm ấy” - anh Hoàng ví von.
Bấy giờ, với cây thanh long ruột đỏ, anh Hoàng chỉ “chân trong chân ngoài”. Nhưng tính cách của người làm kinh tế là không bao giờ bắt tay vào việc khi chưa hiểu rõ về nó, nên vợ chồng anh gửi hai đứa con nhỏ nhờ ông bà nội ngoại thay nhau trông nom, chăm sóc để vào Bình Thuận học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm.
Trước khi đi, vợ chồng anh đã đọc khá nhiều tài liệu về cây thanh long ruột đỏ, nhưng “có vào đó, thấy họ làm chuyên nghiệp mới biết thực tế và lý thuyết khác nhau rất nhiều”. Trở về, chị Hoà vợ anh Hoàng bỏ chăn nuôi, bỏ đại lý thức ăn gia súc để tập trung làm thanh long.
Phải trả cả tỷ bạc cho... bài học vỡ lòng
Mặc dù đầu tư và tìm hiểu khá kỹ trước khi làm nhưng vợ chồng anh Hoàng cũng phải trả giá đắt cho việc thiếu kinh nghiệm khi mua phải cây giống kém chất lượng. Qua chỗ tin cậy giới thiệu, anh Hoàng đến mua cây giống của một gia đình bên xã Vân Trục, là hộ xuất giống cây uy tín nhất huyện. Anh đưa về trồng, chăm bón công phu suốt một năm theo đúng kỹ thuật. Đến kỳ hoa trổ trắng vườn, vợ chồng anh như bị dội gáo nước lạnh: Những bông hoa bé xíu, nở không cân đối, bởi người bán đã tráo cây giống kém chất lượng.
Anh Hoàng kể: “Là địa chỉ uy tín của cả huyện nên tôi không nghĩ đến trường hợp họ gian dối. Lại là lần đầu tiên mua cây giống, chưa có kinh nghiệm, chứ bây giờ nhìn giống gai ngắn hay dài, nhìn số gai, rồi nhìn mắt là tôi đã biết thuộc giống nào. “Học phí vỡ lòng” của tôi khi đó là cả tỉ bạc”.
Khi đi mua cây giống lần sau, anh rút kinh nghiệm nên giám sát việc họ cắt cành, bán giống. Đến năm 2015 trang trại thanh long nhà anh Hoàng mới cho lứa quả đầu tiên. Đúng dịp đó ngành xây dựng chững lại, việc làm ăn sa sút, thấy có triển vọng với cây thanh long nên anh Hoàng bỏ nghề xây dựng về quê cùng vợ làm nông nghiệp.
Nhìn người đàn ông da đen cháy nắng, tay thoăn thoắt tỉa cành không ai nghĩ trước đó anh lại là một người hoàn toàn “ngoại đạo”. Mỗi trụ thanh long, anh chỉ để khoảng 40 tay, thay vì hàng trăm tay như nhiều hộ. Anh lý giải: “Ít tay sẽ tập trung được “sức khoẻ” cho cây nuôi quả. Mỗi lứa hoa, một trụ ra cả trăm bông, nếu để nhiều tay quá thì riêng công tỉa hoa đã tốn nhiều nhân công. Chưa kể để quá nhiều tay, nhiều hoa thì quả nhỏ, giá bán chỉ khoảng 5.000-10.000 đồng/kg. Trong khi thanh long nhà tôi xuất bán, giá rẻ nhất đã 30.000 đồng/kg, lúc được giá còn lên đến 70.000 đồng/kg”.
Anh Hoàng cho biết: Thời tiết miền Bắc khác với miền Nam nên cuối tháng 4 đến giữa tháng 10, cây thanh long mới vào chính vụ. Nhiệt độ dưới 18ºC hay trên 36ºC đều khiến cây chững lại.
“Mùa hè nhiệt độ cao thì mình giữ ít quả. Đợt nắng nóng dài ngày trong tháng 6 vừa qua, tôi hầu như cắt bỏ hết hoa để tập trung giữ sức cho cây. Tôi từng thắp điện sưởi ấm, để cây “tưởng” là ban ngày sẽ tiếp tục ra hoa trong mùa đông nhưng không hiệu quả. Lúc đó tôi mới nghĩ: Mình ép nó ra hoa trong thời tiết khắc nghiệt, có khác nào ép một người đang ốm phải đi lao động nặng đâu” - anh Hoàng dí dỏm nói.
Ba năm nay, 4ha thanh long đã ổn định mỗi mùa ra trái, cứ nghỉ dưỡng sức nửa năm, nửa năm còn lại được 3-4 đợt ra hoa. Từ khi ra nụ đến khi nở mất 15-18 ngày. 35 ngày sau khi hoa rụng thì quả chín (tháng 9-10, nhiệt độ thấp hơn thì 40-45 ngày quả mới chín).
Sớm hướng đến nông nghiệp sạch
Điều đặc biệt trong kỹ thuật trồng thanh long của gia đình anh Hoàng là ngay từ khâu cải tạo đất (trước lúc đưa thanh long về trồng) anh đã đầu tư cả trăm triệu đồng để mua phân bón vi sinh. Suốt quá trình chăm sóc cây, anh cũng sử dụng phân bón hữu cơ: Nguồn đạm hoá học được thay hoàn toàn bằng đạm thực vật (từ đỗ tương), động vật (từ cá). Anh giải thích: “Phân hoá học cơ bản không có vi sinh nên nếu sử dụng lâu ngày sẽ làm đất đai dần nghèo nàn và thêm phần cằn cỗi”.
Kỳ công hơn, anh còn đầu tư hệ thống đường ống dẫn phân chuồng từ các trang trại lợn trong xã về ủ trong hầm biogas lớn. Sau một tháng xử lý chế phẩm để loại bỏ mùi và chất độc, phân được dẫn lên bể. Anh Hoàng hào hứng: “Tôi đầu tư đường ống mất hơn 100 triệu đồng, nhưng thấy được lợi nhiều. Cái lợi trước mắt là giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường, hai là dùng được lâu dài, đường ống đã hoạt động suốt 6-7 năm nay”.
Anh Hoàng đang chăm sóc vườn thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã ký kết với doanh nghiệp. Vừa rồi thanh long bị thối đầu cành ở khắp các vườn trong huyện, mấy đơn vị chức năng đã về lấy mẫu mang đi xét nghiệm. Nhìn những cành thanh long thối hỏng suốt nửa tháng trời, kết quả chưa có; bần thần cầm cành thanh long vừa phải cắt bỏ, anh ném vào đống vôi bột rồi quên đi; đến buổi chiều nhìn lại thì thấy vết thối đã khô lại. Mừng quá, anh mua vôi bột về hoà vào bình bơm cao áp và phun khắp vườn. Sau vỏn vẹn 3 ngày, bệnh thối đầu cành trong vườn thanh long đã hoàn toàn được loại bỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.