Chiếc xe tải chở sữa bị tai nạn tại đường vành đai thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đêm 9.12, nhiều thùng sữa bị văng ra đường. Hàng trăm người hiếu kỳ đến xem vụ tai nạn nhưng không ai có hành vi hôi của.
Ban đêm, rất dễ tranh thủ để hôi của. Thế nhưng, khác với vụ xe tải bia bị tai nạn ở Biên Hòa, Đồng Nai - người ta xông vào cướp cho bằng hết giữa ban ngày ban mặt – người dân ở thành phố Hạ Long tuyệt nhiên không có hành vi đó.
Có phải người dân Quảng Ninh tốt bụng hơn dân Đồng Nai không? chắc chắn không phải như thế. Có phải dân trí ở Quảng Ninh cao hơn dân trí ở Đồng Nai không? Tất nhiên là không.
Có cách lý giải cho hiện tượng này, đó là sau vụ hôi của xe tải bia ở Đồng Nai, cả xã hội lên án, đánh động rất lớn đến nhận thức của cả cộng đồng. Báo chí, các trang mạng đã phê phán gay gắt, những hình ảnh, clip ghi lại cho thấy hành động hôi của là quá xấu xa. Nhiều người không đồng tình hành vi hôi của, cho đó là ăn cướp, ngay cả những người tham gia hôi của cũng thấy mình sai, tỏ ra ân hận.
Dân nước mình còn thấy xấu hổ khi báo chí nước ngoài đưa hình ảnh vụ hôi của ở Việt Nam và xem đó như một điều quá đỗi kinh hoàng.
Ngoài việc lên án cái xấu, nhiều người lên tiếng góp tiền để hỗ trợ anh tài xế xe tải bị nạn. Tình người xuất hiện ngay sau vụ hôi của cho thấy, có những người xấu đi ăn cướp khi người khác gặp nạn, nhưng cũng không ít người sẵn sàng chìa tay ra giúp đỡ người bị nạn. Từ những câu chuyện chung quanh vụ hôi của, lóe sáng niềm tin rằng, xã hội còn có nhiều điều tốt đẹp.
Cùng với việc lên án hành vi xấu, ca ngợi nghĩa cử đẹp, là thông tin Công an Đồng Nai vào cuộc điều tra vụ hôi của. Tất cả thông tin này được báo chí đưa đầy đủ, có tác dụng tuyên truyền đến người dân khắp cả nước. Điều này đã có tác động tích cực, người dân nhận thức được rằng, hôi của là xấu, sẽ bị xã hội lên án. Hôi của còn là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị công an điều tra, xử lý.
Chúng ta có thể tin chắc rằng, nếu có một vụ tai nạn lật xe xảy ra tương tự ở Đồng Nai, cho dù là bia hay hàng hóa khác, sẽ không có cảnh hôi của như đã xảy ra.
Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng, không chỉ ở Đồng Nai mà ở nhiều địa phương khác, người dân cũng có ý thức hơn về việc này.
Từ hai vụ việc xảy ra ở Đồng Nai và ở Quảng Ninh cho thấy, báo chí đã có vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, phê phán cái xấu, tuyên dương điều tốt. Và hơn thế nữa, chúng ta có thể tin rằng, nếu tuyên truyền, giáo dục đúng, thì sẽ thay đổi được nhận thức của cộng đồng, hướng con người đến cái tốt đẹp, sự lương thiện, lòng nhân ái.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.