Thông tin di sản chùa Cầu tại Hội An (Quảng Nam) sẽ được hạ giải toàn bộ để trùng tu đang gây chú ý trong dư luận với nhiều ý kiến tranh cãi. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền- chuyên gia trong lĩnh vực di sản.
Việc trùng tu chùa Cầu (còn gọi là di tích Lai Viễn Kiều) bằng cách tháo dỡ toàn bộ khiến nhiều người dân lo lắng
Theo ông Trần Lầm Biền, phải có cơ quan chịu trách nhiệm trên nền tảng khoa học tu bổ di tích một cách nghiêm túc mới làm được, còn nếu chỉ để thợ làm thì chỉ là tu sửa. Nếu có sự vào cuộc của giới khoa học thì mới gọi là tu bổ. Đây là công trình văn hóa không thể tu bổ theo kiểu sửa chữa nhà cửa, mà phải lấy vấn đề khoa học làm trọng.
Trước sự băn khoăn rằng nếu như chùa Cầu hạ giải toàn phần thì phần mái sẽ khó giữ được nguyên gốc và sau khi tu bổ xong thì chùa Cầu có nguy cơ trở thành “di tích 1 tuổi”, Giáo sư Trần Lâm Biền cho hay: Nếu như có các nhà khoa học vào cuộc thì việc hạ giải toàn phần chùa Cầu, họ sẽ phải làm theo cách ghi chép, đánh dấu rất cẩn thận, để từ đó chỗ nào hư hỏng không thể chữa được thì sẽ phải thay thế. Tức là làm việc một cách khoa học chứ không làm bừa, làm ẩu để tinh thần của chùa Cầu không bị giảm sút mà chỉ có chắc, bền hơn thôi.
Ông Nguyễn Thế Hùng- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Chuyện hạ giải toàn phần chùa Cầu có gì mà phải ầm ĩ!
Ngay sau những thông tin sẽ hạ giải toàn phần ngôi chùa Cầu cổ ở Hội An, rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ và e ngại. Để có thông tin nhiều chiều, PV Dân Việt đã liên lạc Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục di sản văn hóa. Tuy nhiên ông Hùng từ chối trả lời với lý do bận. Đồng thời ông Hùng cho biết, chuyện hạ giải toàn phần chùa Cầu có gì mà báo chí phải ầm ĩ.
|
“Tuy nhiên điều tôi không biết là cơ quan quản lý cũng như chính quyền Hội An có làm được hay không. Một điều tôi cũng cần lưu ý khi tu bổ chùa Cầu là phải có hội đồng khoa học, đặc biệt là có những nhà khoa học nhưng phải là người nghiên cứu di sản, văn hóa chứ không phải theo kiểu kiến trúc sư đơn thuần.
Nếu chỉ là kiến trúc sư đơn thuần họ sẽ chỉ nghĩ tới bền chắc, và luôn có ý định thay thế chứ không sửa chữa. Với kiến trúc sư trong ngành di sản văn hóa thì họ mới có ý thức bảo tồn, nghĩ đến giá trị di sản văn hóa, chỉ có bảo tồn thì văn hóa mới là văn hóa. Và có như vậy, thì những di sản văn hóa, những nơi bị mối hay bị hỏng ở đâu thì mới được sửa chữa và tu bổ giữ đúng giá trị của di sản”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền chia sẻ.
Ông Trần Lâm Biền cho rằng, hiện tại hạ giải toàn phần chùa Cầu nếu như làm không cẩn thận, việc tu bổ được giao cho những người yếu ý thức về di sản văn hóa, thì rất dễ đến tình trạng không chỉ trở thành “di tích 1 tuổi” mà điều đó trở thành hành vi độc ác đối với di sản.
Trước đó, ngày 16.8, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế về trung tu chùa Cầu với sự tham gia của 120 chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước. Rất nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ việc hạ giải toàn phần chùa Cầu để tu bổ, sửa chữa, thế nhưng cũng có nhiều ý kiến e ngại sợ rằng việc hạ giải toàn phần chùa Cầu dễ rất đến chùa Cầu trở thành 1 tuổi.
Theo PGS. TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, việc thăm dò dư luận, khảo sát ý kiến của cộng đồng là rất quan trọng. Phương án hạ giải toàn phần là hợp lý. Nếu không giải quyết triệt để thì không tạo ra kết cấu bền vững của vật chất, từ đó không giữ được giá trị phi vật thể lâu dài.
Còn ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, đã là di tích thì không thể cứ “trai tráng” mãi. Tuy nhiên, tháo dỡ phần hạ tầng không đáng lo bằng phần mái. Bởi nếu tháo dỡ mái Chùa Cầu để làm lại thì chùa Cầu không còn là chính nó nữa. “Chùa Cầu rất dễ biến thành di tích... 1 tuổi”, ông nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.