Từ bỏ làm lái buôn về trồng chè sạch mới thấu nỗi khổ của nông dân

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 16/06/2017 19:03 PM (GMT+7)
Về huyện Hải Hà (Quảng Ninh) hỏi thăm gia đình bà Hà Ngọc Quỳnh trồng chè ai ai cũng biết. Khá khiêm tốn khi nói chuyện về phát triển kinh tế gia đình, nhưng khi hỏi về cây chè bà Quỳnh lại có niềm đam mê mãnh liệt.
Bình luận 0

Bỏ cây vải bén duyên với chè

Dẫn chúng tôi thăm những đồi chè xanh ngút ngàn, bà Quỳnh tâm sự về chặng đường gắn bó với cây chè của mình. Bà Quỳnh và chồng là ông Nguyễn Duy Thuấn “bén duyên” với cây với chè từ năm đầu những năm 1990, khi ông Thuấn về làm việc ở Tổng Công ty chè Kim Anh (Hà Nội), còn bà Quỳnh bắt đầu sự nghiệp buôn bán chè. Bà Quỳnh lặn lội đi khắp các vùng chè trong nước để thu mua các loại chè búp khô đem sang Trung Quốc bán kiếm lời. Sau nhiều năm buôn bán, bà Quỳnh đã tích lũy được 1 số vốn kha khá. Đến năm 1997, vợ chồng ông bà chuyển về xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, Quảng Ninh sinh sống.

img

Bà Hà Ngọc Quỳnh chăm sóc đồi chè Ngọc Thúy của gia đình. Ảnh: Đ.T

Thấy bà con trong vùng trồng vải cho hiệu quả cao, bà Quỳnh đã mua lại đồi vải ở xã bên Quảng Long với diện tích trên 10ha. Duyên với chè của bà Quỳnh tạm thời bị gác lại. Khi đó, bà bắt đầu trồng nhiều loại cây ăn quả gồm: Nhãn, na, vải, cam... nhưng chỉ sau 2 năm, các cây trồng này đều bị thoái hoá. Bà Quỳnh nhớ lại: “Kinh tế gia đình lúc đó lao đao, suýt rơi vào cảnh trắng tay”.

Khi việc trồng vải, nhãn, na thất bát, bà Quỳnh quyết định trở lại với cây chè. Năm 2001, bà là người đầu tiên giống thử nghiệm trồng 1ha chè Ngọc Thúy (giống chè được nhập từ Đài Loan). Không ngờ chè Ngọc Thúy hợp đất và khí hậu, cây chè phát triển tốt, bà Quỳnh dồn lực mở rộng quy mô trồng chè. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng bà Quỳnh tự ươm giống để trồng. Từ năm 2002 - 2005, bà đã mở rộng quy mô trồng chè tới cả chục ha, đồng thời vận động bà con trong vùng cùng bỏ cây vải chuyển sang cây chè.  

Quy mô các đồi chè ngày càng lớn, bà Quỳnh còn đầu tư thêm vào việc thu mua, chế biến chè để giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho mình và cho cả bà con nơi đây. Năm 2004, ông bà Thuấn - Quỳnh thành lập xưởng đúng lúc bà con lại chặt chè vì giá rẻ. Sau khi có xưởng chế biến và thu mua chè, bà con đã trồng lại chè.

Hỗ trợ người trồng chè làm giàu

“Trước đây, khi còn đi buôn chè, tôi thường mua rẻ bán đắt. Tôi nghĩ là “con buôn” thấy tiền lời nhiều ai mà chẳng thích. Nhưng khi thực sự bắt tay  trồng chè, lao động như 1 nông dân thực thụ, thấm thía sự vất vả tôi mới thấy thương người trồng chè. Bà con lao động quần quật nhưng thu nhập mang lại từ cây chè quá thấp so với công sức bỏ ra” - bà Quỳnh thổ lộ.

Theo bà Quỳnh, bà con trong vùng Hải Hà trồng chè giống cũ năng suất kém, cộng thêm việc kỹ thuật chăm sóc chè không có nên hiệu quả kinh tế thấp. Ngoài đứng ra thu mua cho bà con, doanh nghiệp chè Thuấn Quỳnh còn hỗ trợ mô hình trồng chè Ngọc Thuý. Theo đó, bà con thực hiện mô hình được doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ giống chè. Từ nguồn hỗ trợ này, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hải Hà đã triển khai trồng mới được gần 70ha chè Ngọc Thuý. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, người dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chè.

Bà Quỳnh cho biết, mong muốn lớn nhất của bà là có thể xây dựng được vùng sản xuất chè có chất lượng tốt để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng. Vì vậy, bà đang liên kết với các hộ trồng chè từng bước xây dựng thương hiệu cho chè Hải Hà bằng việc sản xuất chè sạch.  “Để có chè sạch, ngoài việc chăm sóc chè bằng phân hữu cơ, khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây phải tuân theo quy định tiêu chuẩn. Bên cạnh trồng chè sạch thì khâu chế biến, sản xuất và bảo quản chè cũng phải sạch nữa. Chúng tôi còn đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng trồng chè”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem