|
PGS-TS.Nguyễn Văn Nam |
NTNN phỏng vấn PGS-TS.Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại.
Ông Nam cho biết: Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp, đến 1-7-2006 thì có hiệu lực và ở thời điểm đó Chính phủ đã có các Nghị định 88/2006 về đăng ký kinh doanh và Nghị định 139/2007 về hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhà nước. Song theo đánh giá, đến nay vẫn còn tới 70% trong tổng số 1.500 Doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi hình thức hoạt động, hầu hết đều có nguồn vốn rất lớn.
Chậm chuyển đổi hoạt động vì lợi ích cá nhân
Như vậy, các doanh nghiệp đó sẽ được quản lý như thế nào để phù hợp với Luật Doanh nghiệp?
- Có thể nói đây là một thất bại trong việc thực hiện các Nghị định do các DNNN không chịu thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động, còn nhà nước thì buông lỏng, không sâu sát trong vấn đề này. Do không kịp chuyển đổi, nên các doanh nghiệp này buộc phải đổi tên thành tập đoàn hay các công ty TNHH nhà nước một thành viên cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, nếu cứ để tên như cũ thì sẽ không vào diện quản lý của luật nào cả.
Rõ ràng, ở đây mới chỉ là sự đổi tên, còn bản chất chưa có gì thay đổi?
- Ở các nước, đã là tập đoàn họ rất mạnh, có thể kinh doanh chuyên ngành hoặc đa ngành, kinh doanh rất hiệu quả. tập đoàn của họ thiết lập được các mối quan hệ ngang - dọc giữa các Doanh nghiệp để giảm trung gian, tăng sức mạnh kinh tế. Còn mình thành lập tập đoàn bằng một quyết định hành chính, vì thế, có tập đoàn hoạt động yếu kém như Vinashin chẳng hạn. Đối với những doanh nghiệp khác, họ đổi thành công ty TNHH nhà nước một thành viên, nhưng thực ra bản chất vẫn thế, hay nói đúng hơn là "bình mới, rượu cũ". Chúng ta buộc phải làm thế, vì bất cứ một đối tượng nào cũng phải có luật để quản lý, ở đây là Luật Doanh nghiệp. Nói là đưa về luật Doanh nghiệp, nhưng cơ bản các doanh nghiệp này vẫn chưa hoạt động theo Luật Doanh nghiệp một cách đầy đủ.
Các nghị định của Chính phủ để thực hiện Luật Doanh nghiệp đã được ban hành từ 3-4 năm nay, song các doanh nghiệp nhà nước chậm hoặc không chuyển đổi mô hình do bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
- Theo tôi, lý do chính của việc chậm chuyển đổi là do lợi ích cá nhân, tức lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước không muốn chuyển đổi, không chịu buông lợi ích. Mà giữ mô hình này rất tốt cho họ là lời thì họ được hưởng, lỗ nhà nước chịu; quyền rất lớn nhưng không phải chịu trách nhiệm gì cả. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên nhân nữa, đó là sự buông lỏng, thờ ơ của các cơ quan quản lý.
|
Nhiều doanh nghiệp nhà nước đến thời điểm này vẫn chưa chuyển đổi mô hình hoạt động (ảnh chụp tại một doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tập đoàn Vinasin). |
Không dùng biện pháp hành chính để chuyển đổi
Khi chuyển đổi hình thức hoạt động, các doanh nghiệp thực hiện theo mô hình "công ty mẹ - công ty con", theo ông mô hình này có phù hợp với Luật Doanh nghiệp?
- Theo tôi, cả 2 hình thức: Thành lập tập đoàn để có công ty mẹ - công ty con hay thành lập công ty TNHH nhà nước một thành viên về cơ bản đều chưa đạt mục tiêu theo tinh thần các nghị định của Chính phủ ban hành. Mục tiêu của Chính phủ là chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành các doanh nghiệp hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, nghĩa là phải hoạt động hoàn toàn bình đẳng theo đúng luật lệ, chính sách như các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Kết quả cuối cùng cần đạt được là thiết lập một thị trường bình đẳng, tất cả doanh nghiệp đều phải cạnh tranh, hạch toán tìm kiếm lợi nhuận. Phải đạt được mục tiêu đó, thì chúng ta mới có một nền kinh tế thị trường thực sự, mới có động lực phát triển.
Dù đã chuyển sang mô hình "công ty mẹ - công ty con", thì bản thân công ty mẹ cũng phải có vốn đầu tư vào các công ty con từ ít nhất 51% vốn trở lên để nắm cổ phần chi phối. Nhưng thực tế, nhiều công ty mẹ vẫn dùng quyết định hành chính để điều hành?
-Về mô hình công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty ở mình hoàn toàn ngược lại với thế giới. Theo quy luật kinh tế thế giới là "mẹ đẻ ra con", còn mình là "con đẻ ra mẹ". Ở đây, công ty mẹ phải rất mạnh, kinh doanh rất giỏi, rồi mới đi mua thêm công ty nọ, sáp nhập công ty kia, tức mẹ ra mẹ, con ra con. Còn mình cứ thấy các công ty con kinh doanh giỏi rồi dùng một quyết định hành chính gộp các công ty lại với nhau dù họ không muốn, rồi tự xưng "mẹ", bắt các công ty con phải nuôi công ty mẹ. Có những công ty con bị ép sáp nhập vào với công ty mẹ, rất ấm ức, vì phải san sẻ vốn của chính mình cho các công ty khác. Do đó, gần đây mới xuất hiện chuyện mấy chục công ty con của Tập đoàn Vinashin đã tố cáo công ty mẹ chiếm dụng vốn của họ. Việc hình thành tập đoàn, cần phải dựa trên mục đích, phương án kinh doanh chứ không phải là quyết định hành chính.
Vậy theo ông, sau đợt đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp luật, chúng ta còn phải làm gì để tiếp tục đổi mới, cải cách các doanh nghiệp nhà nước?
- Việc đổi tên, chỉ là biện pháp tình thế, còn thực tế là chưa đổi mới, chưa cải cách, nhiệm vụ đổi mới vẫn còn nguyên. Do đó, chúng ta cần tiếp tục đổi mới, chuyển đổi thực sự các doanh nghiệp này thành các công ty hạch toán kinh doanh, cạnh tranh. Trong trường hợp các doanh nghiệp không chịu chuyển đổi, nhà nước cần có các biện pháp quyết liệt yêu cầu thực hiện, nếu doanh nghiệp nào cố tình không thực hiện, thì phải cách chức lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đó. Theo tôi, nhà nước cần phải từ bỏ sự ưu ái với các doanh nghiệp nhà nước thì mới thực hiện được.
Có một vấn đề sau chuyển đổi, việc quản lý, hạch toán vốn của các DNNN, rồi vấn đề giải quyết công nợ là rất quan trọng. Cần phải làm gì để quản lý, chống thất thoát vốn nhà nước?
- Bản chất của các doanh nghiệp nhà nước dù có chuyển đổi hay không, thì vẫn là doanh nghiệp quốc doanh, nên công nợ của họ vẫn còn, mà đến một ngưỡng nào đó, thì nhà nước lại phải khoanh nợ, dãn nợ cho họ. Những thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước không hoàn toàn do họ, mà còn có cả sai lầm từ các cơ quan nhà nước quản lý họ, nên cả nhà nước và doanh nghiệp phải cùng giải quyết, rồi lại lấy tiền nhà nước, thực chất là tiền của dân để trả nợ.
Các doanh nghiệp nhà nước sau mỗi đợt thanh tra, kiểm toán đều lộ ra một vấn đề là thua lỗ hoặc trốn thuế hàng nghìn tỷ đồng. Tôi cho rằng, đây chính là hiện tượng làm mất tiền của dân, gây tổn hại cực lớn cho nhà nước. Nhưng có một điều lạ là, sau khi chúng ta đã tìm ra nguồn vốn bị thất thoát như thế, nhưng cuối cùng lại chẳng xử lý, kỷ luật ai. Muốn chống thất thoát không phải từ phía doanh nghiệp, mà trước hết phải từ chính nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Trả lời câu hỏi của NTNN về việc hình thành các Tập đoàn Lương thực, GS. Nguyễn Văn Nam cho biết: Ban đầu, các Tổng công ty Lương thực của chúng ta được thành lập với mục đích buôn, bán là chính. Khi đã hình thành tập đoàn rồi, thì phải chi phối được cả một quy trình sản xuất (quy trình dọc), từ khâu chỉ đạo nông dân trồng giống gì ở vùng đất nào, rồi hỗ trợ vốn cho dân sản xuất đến các khâu chế biến ra sản phẩm cuối cùng bao gồm cả gạo và các sản phẩm sau gạo phục vụ cho xuất khẩu. Rồi tập đoàn đó cũng có thể kinh doanh các lĩnh vực khác phục vụ cho sản xuất lương thực, chứ không đơn thuần là buôn - bán lương thực, như có thể sản xuất máy cày, máy kéo để phục vụ khâu làm đất, máy xay, xát để chế biến gạo… Tóm lại, đã là tập đoàn thì phải mang tính chất kinh doanh.
Lê Hân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.