Bỏ học từ năm lớp 7
Nguyễn Việt Duy sinh năm 1981 và lớn lên tại một xã miền núi nghèo thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội). Gia đình có 2 anh em trai, bố mẹ làm nông nghiệp nên cuộc sống luôn khó khăn, thiếu thốn. Lên cấp 2, cứ nửa buổi Duy đi học, còn nửa buổi đi bán kem dạo khắp làng trên xóm dưới để lấy tiền mua sách vở. Mặc dù có học lực khá nhưng khi vừa hết lớp 7, Duy đột ngột bỏ học.
Ảo thuật gia trẻ Nguyễn Việt Duy
Nói về điều này, Duy cười bảo: “Ngày đó thấy các bạn đi học vui vẻ, còn mình thì phải đạp xe đi khắp nơi bán kem, nhà nghèo đến nỗi không đủ tiền đóng học phí, mình xấu hổ lắm nên không dám đến lớp nữa”. Năm 1997, Duy theo gia đình vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, với khát khao tìm được cơ hội đổi đời.
Hồi đó bố mẹ cạn tiền nên chỉ có anh trai Duy tiếp tục được đi học, còn Duy phải đi làm đủ thứ nghề, từ bán báo dạo, vé số, phụ mẹ bán sữa đậu nành đến đi bốc vác. Duy kể, có những ngày còng lưng bốc mấy chục tấn hàng, đêm về không ngủ được vì chân tay đau nhức rã rời. Cuộc sống của gia đình lam lũ, vất vả là thế nhưng chưa lúc nào cậu bé Việt Duy thôi khao khát tiếp tục được đến trường...
Nguyễn Việt Duy và tiết mục ảo thuật biến sợi dây chuyền vào trái táo, khiến nữ giám khảo Thúy Hạnh vô cùng ngạc nhiên thích thú.
“Mỗi ngày bán báo, vé số, Duy lãi khoảng 15.000 đồng. Ban ngày phụ gia đình làm thêm, ban đêm Duy đi học bổ túc văn hóa và tranh thủ thời gian tới Nhà Văn hóa thiếu thi quận 10 học võ karatedo. Nhờ chăm chỉ luyện tập nên Duy đã được thầy dạy võ chọn làm phụ tá trong 3 năm liền, chủ yếu là dạy thêm tại Nhà Văn hóa thiếu nhi quận 10 và Trường Trung học cảnh sát Thủ Đức, rồi tham gia thi đấu...” – Duy kể.
Trong một giải đấu, Duy bị giãn dây chăng đầu gối nên không thể tiếp tục học võ, sau đó Duy may mắn xin được chân vệ sĩ tại một doanh nghiệp, được đưa đi đào tạo 6 tháng tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Làm việc tại đây khoảng 1,5 năm thì Việt Duy tiếp tục được tuyển vào làm tại nhà hàng Bonsai trên tàu của Đức. Cũng tại môi trường này, chàng trai trẻ Việt Duy đã có cơ hội làm quen với ảo thuật...
Việt Duy với tiết mục ảo thuật khiến điện thoại của giám khảo Huy Tuấn biến mất.
Thử sức với Tìm kiếm tài năng Việt
Theo lời Duy kể, anh may mắn được quen biết 1 ảo thuật gia khi ông đến biểu diễn tại nhà hàng và anh đã chạy theo xin học bằng được. Thấy chàng trai trẻ khao khát muốn thử sức với môn học mới, nhà ảo thuật nổi tiếng đã đồng ý dạy cho Duy trò đầu tiên với 2 sợi dây thun. Chỉ trong 1 tuần tập đi tập lại hàng nghìn lần, những ngón tay của Duy vốn quen với công việc bốc vác nặng nhọc đã có thể làm chủ những sợi dây thun với động tác hết sức mềm mại, khéo léo.
Thời gian sau đó, Duy xin trực thêm ca đêm để vừa có tiền học ảo thuật, vừa tập luyện thêm với thầy dạy. Ròng rã suốt 2 năm trời Duy vừa trực đêm, vừa học thuật, đồng thời anh còn tự học thêm tiếng Anh để có thể tiếp thu hết những lời chỉ dạy của thầy giáo. Năm 2006, Duy quyết định dốc toàn bộ vốn liếng lên đường sang Singapore để học trình diễn ảo thuật chuyên nghiệp.
Việt Duy biểu diễn ảo thuật tại một nhà hàng
Đến thời điểm hiện tại, Việt Duy có thể khẳng định mình đã xây dựng được một nền tảng khá vững chắc cho bản thân, với một lượng khách hàng thân thiết tương đối lớn. Đặc biệt, anh đã mở một công ty nhỏ chuyên về tổ chức sự kiện và cung cấp các dịch vụ ảo thuật, có thể làm người xem “hoa mắt” với khoảng 1.000 tiết mục khác nhau, từ các trò khéo tay, đến những trò phức tạp như đoán suy nghĩ của người khác...
“Chọn cho mình nghiệp diễn ảo thuật, thời gian biểu của Duy mỗi ngày hoàn toàn trái ngược với bạn bè và gia đình. Buổi sáng Duy thường thức dậy muộn, sau đó trao đổi về nội dung hợp đồng, thư từ, lịch hẹn với khách hàng, còn buổi tối là lúc Duy thể hiện khả năng tung hứng của mình trên sân khấu. Một điều khiến Duy rất hạnh phúc, đó là ngày càng có nhiều người biết tới mình, ủng hộ mình nhiều hơn” – Duy tâm sự.
Việt Duy (giữa) và bạn bè tại trường quay cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt.
Đây cũng chính là động lực to lớn, khích lệ Duy tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm những trò mới và khó hơn, trong đó có việc đăng ký tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt – Vietnam’s Got Talent. Việt Duy cũng cho biết, những trò ảo thuật được trình diễn tại cuộc thi đều do anh tự mày mò và nghĩ ra, nhưng để phù hợp với sân khấu Tìm kiếm tài năng, Duy phải cân nhắc nhiều yếu tố để có thể tạo nên sự phấn khích và thu hút cả khán giả lẫn các giám khảo khó tính.
Dù chưa biết liệu mình có thể đi sâu vào tới vòng nào, nhưng với chàng trai Việt Duy, cuộc sống là phải lạc quan, luôn nỗ lực cố gắng từng ngày để tiến về phía trước. Hiện anh vẫn đang dành thời gian tập luyện, sáng tạo để có thể đem đến cho khán giả những màn trình diễn đặc sắc và ấn tượng trong đêm bán kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.