Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mọi người đều rõ, cho đến đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bắc qua sông Hồng ở khu vực Hà Nội chỉ có cầu Long Biên. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra và cầu được nhiều người trào phúng đặt cho cái tên là "cây cầu dài nhất thế giới" do xe phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được!
Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong thì cũng không chia sẻ ngay được giao thông qua sông Hồng ở khu vực nội thành nhiều, do vị trí quá xa trung tâm. (Thời ấy 10 km từ Bờ Hồ lên cầu Thăng Long là vô cùng xa!).
Do vậy, cần có một cây cầu ngay tại nội thành là ưu tiên số một và chủ trương ban đầu là làm một cầu treo. Những ngày xuân ngay sau Tết Canh Thân, đầu năm 1980, Hà Nội rầm rộ làm lễ khởi công để xây dựng cây cầu nhằm giảm tải cho cầu Long Biên. Cây cầu dự định xây khi ấy mang cái tên rất ấn tượng: "Cầu treo Mùa Xuân".
Tuy nhiên công việc xây cầu không suôn sẻ! Trong quá trình thi công để làm cầu treo thì vấn đề đặt ra là nó không hề đơn giản: Lấy đâu ra cáp treo"? Tiền đâu ra? Mua ở đâu? Vì Việt Nam vẫn đang bị cấm vận…
Thế là công trình "Cầu treo mùa xuân" qua suốt mấy năm bị giẫm chân tại chỗ! Phương án cầu treo là không khả thi.
Do đó đến đầu năm 1983 thì Bộ Giao thông Vận tải và TP.Hà Nội quyết định thay "cầu treo" bằng "cầu cứng".
Ngày 10/10/1983 trên vị trí đã khởi công làm cầu treo lại tổ chức lễ khởi công làm cầu cứng! Cây cầu cứng này mang tên là "cầu Chương Dương".
Cầu Chương Dương nối trung tâm Hà Nội với Gia Lâm bên bờ bắc sông Hồng.
Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài.
Sách vở viết như thế và thực tế không có chuyên gia nước ngoài nào trực tiếp làm ở công trình.
Nhưng với cương vị Trợ lý, kiêm phiên dịch của Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô xây dựng cầu Thăng Long khi ấy tôi xin chia sẻ một số thông tin mà có thể nhiều người còn chưa biết liên quan đến 2 cây cầu lớn này của Hà Nội.
Dầm thép để làm cầu Chương Dương là tận dụng các dầm thép của các cầu đường sắt được viện trợ thời chiến tranh chống Mỹ để đảm bảo giao thông, được gia công "chế" lại.
Sắt thép, xi măng cho cầu Chương Dương được công trình cầu Thăng Long "chi viện" rất nhiều. Thậm chí có hạng mục như các tháp kiến trúc mỹ thuật đầu cầu Thăng Long không làm để dành vật liệu cho cầu Chương Dương.
Cầu Chương Dương có chiều dài 1.210,9 mét, rộng 19,26 mét gồm 02 làn xe tải ở giữa, 02 làn xe con đi chung với xe máy ở hai bên cánh gà.
Cầu có 11 nhịp dầm cầu chính bằng thép, 10 nhịp dầm cầu dẫn bằng bê tông (07 nhịp phía nội thành, 03 nhịp phía Gia Lâm). Có 21 trụ với tổng khối lượng bê tông các trụ là 40.000m3. Và tổng khối lượng sắt thép là 12.741 tấn.
Để so sánh:
Riêng 01 trụ giữa sông của cầu Thăng Long đã có khối lượng 10.000m3 bê tông! Có nghĩa là tổng bê tông sử dụng cho toàn bộ các trụ của cầu Chương Dương chỉ bằng 04 trụ cầu Thăng Long! Còn toàn bộ sắt thép cho cầu Chương Dương chỉ nhỉnh hơn 1/10 sắt thép của cầu Thăng Long!
Đúng là so với cầu Thăng Long thì cầu Chương Dương chỉ là… chuyện nhỏ!
Việc thi công các trụ phức tạp nhất giữa sông do những người thợ cầu Thăng Long đảm nhận.
Khi thi công đầu cầu Chương Dương phía Hà Nội thì cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã có những lần tham khảo, nhờ chuyên gia Liên Xô cầu Thăng Long tư vấn (những lần gặp đó tôi phiên dịch) để làm sao không ảnh hưởng nhiều đến các phố cổ Hàng Muối, Hàng Chĩnh, Chợ Gạo… (bởi trước đó đã có phương án cầu dẫn của cầu Chương Dương có thể "chọc" thẳng vào các phố cổ).
Dù không trực tiếp tham gia xây dựng cầu Chương Dương, nhưng Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô cầu Thăng Long E. Zelnin cũng được mời như khách "VIP" dự buổi lễ trọng này. Tôi tháp tùng ông Trưởng đoàn.
Ngày lễ thông cầu, xe chúng tôi cùng đoàn xe chở các "VIP" qua cầu trong cảnh người dân đứng thành hàng hai bên cầm cờ vẫy chào…
Với việc thông xe cầu Chương Dương, kể từ thời điểm 30/6/1985, việc đi lại qua sông Hồng từ khu vực nội đô Hà Nội, được giải quyết căn bản. Khu vực Gia Lâm, Yên Viên, Sài Đồng, Như Quỳnh… mới có "cơ" để thay đổi bộ mặt…
Từ "cầu treo Mùa Xuân" đến cầu Chương Dương, sự đóng góp của công trình cầu Thăng Long cho việc hình thành nên cây cầu Chương Dương là như thế!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.