Từ chiến trường đến bàn đàm phán: Kỳ 1: Đường tới Geneva

Tiến sĩ Nguyễn Ngạc Thứ bảy, ngày 19/07/2014 06:36 AM (GMT+7)
Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã chấm dứt ách đô hộ hàng thế kỷ của thực dân Pháp ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương. 60 năm qua, những bài học kinh nghiệm vẫn nóng hổi trên trường chính trị.
Bình luận 0

Cuối năm 1953 và đầu 1954, khi chiến tranh lạnh đi đến đỉnh cao thì thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực.

Biểu hiện rõ nhất của xu thế này là các nước lớn Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đi đến triệu tập Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước tại Berlin tháng 2.1954 bàn về vấn đề Đức - Áo. Do bất đồng quá lớn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị tồn tại sau chiến tranh lạnh, Hội nghị thất bại nên chuyển sang bàn vấn đề Biển Đông.

Ngày 18.2.1954, Hội nghị ra tuyên bố cuối cùng, trong đó nêu sẽ xem xét vấn đề Đông Dương. Điều này đã mở ra một con đường mới cho khả năng kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Đông Dương thông qua biện pháp thương lượng hòa bình.

Vừa đánh vừa đàm

Việc Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên ngày 27.3.1953 được ký kết, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 và sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp đã thúc đẩy việc khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng.

Trước tình hình thế giới đã xuất hiện xu thế các nước lớn bắt đầu đi vào hòa hoãn, chủ trương giải quyết hòa bình các cuộc chiến tranh khu vực, Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu rõ lập trường, sẵn sàng thương lượng để giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam.

Ngày 26.11.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng là giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam...".

Ngày 19.12.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Nếu Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và muốn giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sẵn sàng nói chuyện”.

Ngày 15.3.1954, báo cáo trước Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ: "Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi... Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao”.

Thiện chí hòa bình của Đảng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một cơ hội đi đến chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Giải pháp chia cắt Việt Nam

Để tỏ thiện chí và tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc và Liên Xô, tháng 3.1954, Hồ Chủ tịch và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có các cuộc họp cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô.

Qua đó, chúng ta nhận thấy Liên Xô và Trung Quốc đều ủng hộ Việt Nam tham gia Hội nghị Geneva để đi đến một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương; đồng thời cũng hiểu rằng, cả hai nước đều vì lợi ích của riêng họ mà thúc đẩy đi nhanh đến Hội nghị Geneva, cả hai đều muốn hòa hoãn với Mỹ và phương Tây làm dịu tình hình thế giới để xây dựng đất nước; cả hai đều bộc lộ ý đồ ủng hộ giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương theo kiểu Triều Tiên, tức là một giải pháp chia cắt Việt Nam tại Hội nghị Geneva.

Tháng 3.1954, Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị thành lập đoàn đi dự Hội nghị Geneva về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương. Lúc đầu Chính phủ chủ trương cử Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám dẫn đầu đoàn, nhưng khi cân nhắc yêu cầu và mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã quyết định cử Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Geneva.

Tham gia còn có: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu...

Bộ Ngoại giao đã chỉ thị 2 Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô, Trung Quốc tìm hiểu các vấn đề liên quan có thể diễn ra tại Hội nghị Geneva và lập trường của 2 nước về giải pháp; lập một Ban công tác ở Bắc Kinh với nhiệm vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị Geneva.

   Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến Hội nghị Geneva, tạo thế vững vàng cho đoàn Việt Nam bước vào Hội nghị Geneva với thế thắng, thế mạnh nhờ có thắng lợi quân sự khắp chiến trường Việt Nam. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem