Từ chiến trường đến bàn đàm phán: Kỳ 3: Buộc đối phương phải chấp nhận

Tiến sĩ Nguyễn Ngạc Thứ hai, ngày 21/07/2014 08:04 AM (GMT+7)
Trải qua 75 ngày đàm phán gay go, căng thẳng, với 31 phiên họp, cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, cuối cùng, ngày 21.7.1954,  các bên tham gia hội nghị đã thỏa thuận và ký kết hiệp định lịch sử.
Bình luận 0

Sự kiên trì của Việt Nam

Ngày 12.6.1954, Nội các Bidault bị Quốc hội Pháp đánh đổ. Ngày 29.6.1954, Chính phủ Mendes France lên cầm quyền, hứa với Quốc hội Pháp trong vòng 1 tháng sẽ giải quyết xong vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là sự kiện quan trọng góp phần phá vỡ bế tắc, thúc đẩy đàm phán tiến triển.

Trong giai đoạn từ ngày 20.6 đến 10.7.1954, hầu hết trưởng đoàn các nước về báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ở lại. Các quyền trưởng đoàn tổ chức các cuộc họp hẹp và họp tiểu ban quân sự Việt-Pháp. Các cuộc họp chủ yếu bàn các vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh, đi lại giữa hai miền.

10 ngày cuối của Hội nghị Geneva đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Pháp đàm phán rất gay go về phân chia vĩ tuyến (đoàn ta nêu vĩ tuyến 16 vì ta muốn làm chủ Đường 9 từ Savanakhet đi Quảng Trị là con đường duy nhất cho Lào đi ra biển, đoàn Pháp nêu vĩ tuyến 18); về thời hạn tổ chức tổng tuyển cử và các điều khác của hiệp định, đặc biệt là 24 giờ ngày 20.7.1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết.

3 giờ 45 phút ngày 21.7.1954, ba hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết; ngày hôm sau công bố tuyên bố chung của hội nghị gồm 13 điểm. Bên cạnh những kết quả và thắng lợi quan trọng, do sự thỏa hiệp của các nước lớn với vai trò chủ yếu của Trung Quốc, Hiệp định Geneva chưa phải là một thắng lợi trọn vẹn cho cả Việt Nam, Lào và Campuchia.

Kết quả của Hội nghị Geneva 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương không đáp ứng được tất cả các yêu cầu và mục tiêu của Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra lúc ban đầu như phân chia giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề vùng tập kết của các lực lượng kháng chiến Lào Itsala và Khmer Itsarak... nhưng nó phản ánh được tương quan lực lượng giữa ta và đối phương trong hoàn cảnh lúc đó, cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán. Hiệp định đã tạo nên một cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh sau này đặc biệt là trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Bài học nóng hổi

Thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao cách mạng non trẻ của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Việc đàm phán, ký kết hiệp định đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong quá trình đàm phán tiếp theo tại Hiệp định Paris và những bài học kinh nghiệm mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập.

Dù 60 năm trôi qua, nhưng những kinh nghiệm ngày đó vẫn còn nóng hổi với bối cảnh hiện tại: Kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Lợi ích cao nhất của chúng ta lúc đó tại Hội nghị Geneva là buộc đối phương phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và chúng ta đã đạt được. Thiện chí hoà bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam mở hướng đi tới một cuộc đàm phán để kết thúc chiến tranh. Các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đã giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh Đông Dương, phá khung chiến tranh lạnh, phá được khuôn mẫu hai phe đối lập nhau.

   Ngày 23.6, Chu Ân Lai lại nói với trưởng đoàn Pháp Mandes France: “Chia Việt Nam thành 2 miền cùng tồn tại hòa bình, giải quyết vấn đề quân sự trước (không nói gì đến vấn đề chính trị), tách rời giải quyết vấn đề Lào, Campuchia với vấn đề Việt Nam. Trung Quốc sẵn sàng công nhận 3 nước này trong Khối Liên hiệp Pháp… Đổi lại, Trung Quốc chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Dương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem