Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Đoàn Xuân Tiên. (Ảnh: SAV)
Tự chủ đại học là xu hướng mang tính toàn cầu của các quốc gia trong quản trị đại học. Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Đoàn Xuân Tiên, tại Việt Nam, trải qua thời gian áp dụng cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo được nâng lên, áp lực chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục đào tạo được giảm nhẹ.
Thêm vào đó, một số trường đại học đã chủ động huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để gia tăng được nguồn thu sự nghiệp và có chênh lệch thu, chi để tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, cơ chế tự chủ đại học công lập cũng bộc lộ không ít tồn tại. Điển hình là thực trạng không có quy định với các khoản thu như học lại, tiền làm thẻ, tài liệu cho sinh viên… khiến các trường đại học rơi vào cảnh, thu thì lo rủi ro, không thu thì không đủ bù chi.
Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III. (Ảnh: SAV)
Vấn đề này đã được ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, phân tích cụ thể trong bài viết của mình tại Hội thảo với chủ đề “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Theo ông Lê Đình Thăng, các trường đại học chưa chủ động trong việc quyết định mức thu học phí mà còn phụ thuộc vào các quy định mức trần học phí từ Nghị định của Chính phủ. Bên cạnh đó, các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu dẫn đến một số trường còn tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định.
Ngoài ra, một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo.
Dẫn chứng số liệu kiểm toán tại một số cơ sở giáo dục đại học công lập, ông Lê Đình Thăng cho biết: “Số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, tiền làm thẻ, tài liệu cho sinh viên... ngoài quy định lên tới hơn 14,5 tỷ đồng. Theo báo cáo, 5/7 cơ sở giáo dục được kiểm toán trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài quy định hơn 702 triệu đồng. Số tiền này tại 5/9 cơ sở giáo dục đại học được kiểm toán thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là gần 4,5 tỷ đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ Giáo dục và Đạo tạo xấp xỉ 9,4 tỷ đồng”.
Tuy vậy, ông Thăng cũng nêu lên vấn đề, do không có quy định rõ ràng với các khoản thu trên nên các trường nếu không thu thì có khi không đủ bù chi, mà "thu thì rủi ro rình rập người đứng đầu." Những dịch vụ trên theo ông là nhu cầu có thật, các trường phải bỏ chi phí thật nhưng điều vướng là cơ chế.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Thăng, các trường đại học công lập thực hiện tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ trình đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc các cơ sở giáo dục công lập phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng từ các nguồn thu hợp pháp để ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các sinh viên có thành tích xuất sắc, còn phải có trách nhiệm xã hội trong việc hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học.
Và thực tế là hầu hết các trường đại học công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học.
“Điều này dẫn tới tình trạng người dân nghèo hiếu học, học giỏi nhưng không được học do mức học phí cao. Một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% quy định. Tổng số học bổng chi thiếu 42,6 tỷ đồng tại 8/12 trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được kiểm toán năm 2017”, ông Thăng cung cấp thông tin.
Một thực trạng nữa được ông Thăng nêu ra là việc tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập mới thực hiện được ở góc độ các trường nỗ lực tăng nguồn thu từ việc tăng mức thu học phí, tăng chỉ tiêu tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo bằng mọi cách, dẫn đến một số trường đại học công lập chất lượng sinh viên đầu vào giảm sút.
“Việc tăng thu học phí chủ yếu để tăng thu nhập cho các giảng viên mà chưa chú trọng tăng chất lượng đào tạo, hiện đại hoá cơ sở vật chất, trường học và ký túc xá, hầu hết các trường chưa xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển trung, dài hạn để có những bước phát triển đồng bộ, hiệu quả", ông Thăng nhận xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.