Những ngả học nghề của họ rất khác nhau, có người thì từ việc "bị" tham gia một lớp dạy nghề ngắn hạn, sau đó lòng ham học đã thôi thúc họ học tiếp, không được hỗ trợ cũng "khăn gói quả mướp" đi học tỉnh gần tỉnh xa. Có người thì chủ động tham gia những lớp học mà mình yêu thích, cho dù phải bỏ tiền ra học chứ không chờ để được học nghề miễn phí. Có kiến thức, có kỹ năng, họ vững tin làm nghề, phát triển sản xuất. Điều đó cho thấy, từ tự chủ học nghề, họ đã tự chủ được số phận, không cam chịu thất nghiệp, nghèo khó.
Nhưng số đó thực sự không nhiều, trong hàng nghìn lớp dạy nghề cho nông dân được tổ chức năm 2010 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, đã có vài trăm nghìn nông dân được học nghề. Nhiều người lao động đi học chỉ vì được hỗ trợ miễn phí, có tiền ăn, có tiền đi lại. Vì không ham muốn, yêu thích nghề đã học nên thể hiện sự thiếu ý thức trong việc học nghề nên dù có tham gia vài khoá học, rút cuộc vẫn chẳng tinh nghề nào. Hoặc, nông dân được học nghề không đúng với nhu cầu và khả năng của bản thân, gia đình, nên "học xong bỏ đấy".
Tuy nhiên, để bà con "tự chủ" học nghề thì không chỉ bản thân họ tự nhận thức, thay đổi mà cần sự hỗ trợ của cả cơ chế, chính sách. Một nông dân nói với tôi, ông muốn học nghề trồng cây cảnh vì quê ông giờ ít đất, có hơn trăm m2 ruộng, không trồng được lúa với rau màu nữa rồi, nhưng địa phương lại chỉ tổ chức nghề mây tre đan nên "có mời ông cũng không đi học".
Như vậy, rõ ràng việc xác định nhu cầu học nghề, khả năng quy hoạch, tổ chức sản xuất của địa phương có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân nghèo chủ động tìm học nghề họ thích thì cách cấp vốn theo Thẻ học nghề được coi là khá linh hoạt. Quản lý vốn theo cách này, là trao cho nông dân quyền tự chủ được chọn ngành nghề đào tạo theo sở thích và điều kiện tìm kiếm việc làm của mình, cơ sở nào thầy giỏi sẽ có nhiều nông dân tìm đến học.
Nhưng rất tiếc, khâu triển khai còn nhiều khó khăn, nhùng nhằng liên quan tới việc xác định đối tượng, quyết toán… Rút cuộc, người dân muốn tự chủ học nghề thì thường phải bươn trải bằng chính sức mình. Nếu có sự hỗ trợ hợp lý về chính sách, số nông dân thực sự làm chủ được số phận thông qua học nghề sẽ có thể tăng mạnh hơn nữa.
Lê Huyền
Vui lòng nhập nội dung bình luận.