Từ hôm nay, không giao cấu vẫn có thể phạm tội Hiếp dâm

Bách Thuận Thứ hai, ngày 01/01/2018 06:53 AM (GMT+7)
Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 được áp dụng từ ngày 1.1.2018, tội Hiếp dâm không nhất thiết phải là giao cấu trái ý muốn với nạn nhân nữa mà người thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý với nạn nhân cũng cấu thành tội.
Bình luận 0

Cụ thể, Điều 111 của BLHS 1999 quy định về tội Hiếp dâm như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Tuy nhiên, đến ngày 1.1.2018, không nhất thiết phải là giao cấu trái ý muốn với nạn nhân mới bị phạm tội Hiếp dâm; người nào thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (không giao cấu) trái với ý muốn của nạn nhân cũng cấu thành tội hiếp dâm.

Theo đó, Điều 141, BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Nhiều người hiếp một người; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên…, bị phạt tù từ 7-15 năm. Nếu hành vi phạm gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội hay làm nạn nhân chết hoặc tự sát, bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

img

Từ ngày 1.1.2018, không nhất thiết người phạm tội phải giao cấu trái ý muốn với nạn nhân, mà chỉ cần có hành vi quan hệ khác cũng bị cấu thành tội hiếp dâm.

Như vậy, theo BLHS 2015 sửa đổi, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền bất khả xâm phạm về tình dục của cả đối tượng nam, nữ và người đồng tính, người thực hiện hành vi phạm tội không nhất thiết phải giao cấu trái ý muốn với nạn nhân mới phạm tội Hiếp dâm, mà họ chỉ cần thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (không giao cấu) trái với ý muốn của nạn nhân đã cấu thành tội này.

Ngoài ra, hành vi “quan hệ tình dục khác” còn được BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung vào một số tội danh khác như: Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội Cưỡng dâm; Tội Cưỡng dâm người từ đủ 13-dưới 16 tuổi; Tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13-dưới 16 tuổi; Tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, BLHS 2015 cũng không loại trừ đối tượng mang giới tính nữ ra khỏi tội danh này. Bất kể người nào (không phân biệt nam hay nữ) có hành vi vi phạm nêu trên đều bị xử lý về tội Hiếp dâm.

Trong khi  đó, theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, khái niệm “giao cấu” chỉ được hiểu là sự cọ sát trực tiếp bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ nên có không ít ý kiến cho rằng, nữ không thể là chủ thể của tội Hiếp dâm, trừ trường hợp đồng phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem