Từ "kỳ vọng" tới "hắt hủi" chanh leo, HAGL Agrico của bầu Đức báo lỗ 737 tỷ đồng

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 31/07/2019 14:47 PM (GMT+7)
Từ kỳ vọng chanh leo sẽ tạo nên sự đột phá cho công ty, đến nay, HAGL Agrico của Bầu Đức dường như không còn nhắc tới loại cây trồng này. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến HAGL Agrico của Bầu Đức báo lỗ ròng 737,5 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh doanh thu trái cây giảm sâu, vì chuyển đổi diện tích trồng chanh leo sang các loại cây trồng lâu năm khác.
Bình luận 0

img

HAGL và HAGL Agrico đã có nhiều thay đổi sau cái bắt tay giữa bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương. (Ảnh minh hoạ)

Tỷ phú Trần Bá Dương đã “giải cứu” doanh nghiệp bầu Đức ra sao?

Từ sau cái bắt tay giữa tỷ phú Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức – PV), đánh dấu sự hợp chiến lược giữa Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) và Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), mở đầu bằng việc Thaco chi 7.800 tỷ đồng để nắm 35% vốn tại Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) và tới 65% vốn tại Hoàng Anh Gia Lai Myanmar.

Trải qua gần 1 năm, HAGL Agrico mới đây đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi hơn 221.700 trái phiếu phát hành 1 năm trước đó. Tỷ lệ chuyển đổi là một trái phiếu chuyển thành 1.000 cổ phiếu, do đó số lượng cần phát hành thêm là 221,7 triệu cổ phiếu.

Theo danh sách trái chủ thực hiện chuyển đổi, Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) chiếm tỷ lệ áp đảo với 221.688 trái phiếu. Phần còn lại thuộc về 14 cá nhân khác. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của HAGL Agrico sẽ tăng từ 8.868 tỷ đồng lên 11.085 tỷ đồng.

img

Sau khi chuyển đổi từ BĐS sang nông nghiệp, bầu Đức và các cộng sự tiếp tục gặp khó trong vấn đề cơ cấu cây trồng. (Ảnh minh hoạ)

Khoảng thời gian giữa hai mốc sự kiện nêu trên, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều thay đổi tại HAGL Agrico.

Doanh nghiệp này từ vai trò đơn thuần là một công ty con, do Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) với tỷ lệ sở hữu 57,81% cổ phần, thì nay có thêm sự xuất hiện của nhóm ông Trần Bá Dương với tỷ lệ cổ phần sở hữu 13,12% cổ phần.

Ngoài ra, phía Thaco đã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi để hỗ trợ HAGL Agrico trong hoạt động chế biến và xuất khẩu nông sản.

Một số tín hiệu tích cực trong hoạt động của doanh nghiệp bầu Đức cũng được giới đầu tư và truyền thông ghi nhận như HAGL Agrico chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương cho Thadi, hay HAGL vả HAGL Agrico mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu từ VPBank, chấm dứt vay nợ trái trái phiếu với trái chủ VPBank.

Dòng tiền kinh doanh âm, chỉ báo đáng lo với doanh nghiệp bầu Đức?

Một điểm đáng lưu ý trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ của HAGL Agrico là khoản lưu chuyển tiền thuần vào hoạt động kinh doanh âm 421,2 tỷ đồng.

Theo nhận xét của một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là phần quan trọng nhất trong các báo cáo tài chính do doanh nghiệp công bố.

Trong đó, dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Thực tế, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Song về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trang trải nợ vay… Nếu không, doanh nghiệp có thể sẽ chìm trong nợ nần.

HAGL Agrico của bầu Đức chật vật với cây chanh leo

Tương tự kết quả kinh doanh của công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai, HAGL Agrico, khi trong quý 2, doanh thu thuần ở mức 439,5 tỷ đồng, giảm 66%. Doanh thu 6 tháng chỉ đạt 779,4 tỷ, giảm 57%.

Với các loại chi phí và khoản lỗ lớn từ hoạt động khác, HAGL Agrico lỗ hơn 638 tỷ đồng trong quý II và lỗ 737,5 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi nửa đầu năm 2019, doanh nghiệp vẫn báo lãi 53 tỷ đồng.

img

Cây chanh leo, từng được kỳ vọng mang về doanh thu 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bầu Đức. (Ảnh minh hoạ)

Theo giải thich của HAGL Agrcio, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 854 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 do doanh thu trái cây giảm sâu vì chuyển đổi diện tích trồng chanh leo sang các loại cây trồng lâu năm khác.

Nhớ lại câu chuyện đầu tư cho cây chanh leo của HAGL Agrcio cách đây chưa lâu, năm 2017, khi chuyển dịch mô hình sang công ty nông nghiệp trồng cây ăn trái, Hoàng Anh Gia Lai từng kỳ vọng trái chanh leo sẽ tạo sự đột biến cho công ty và xâm nhập được thị trường Trung Quốc. Song sau đó, trong các báo cáo của mình, HAGL Agrico không nhắc đến quá nhiều về loại cây này.

HAGL Agrico từng đặt mục tiêu thu về 1.000 tỷ doanh thu từ chanh leo năm 2017, lớn nhất trong 3 loại trái cây được đầu tư phát triển khi đó là chanh leo, chuối và thanh long. Sang năm 2018, kế hoạch doanh thu từ chanh leo thu hẹp còn 650 tỷ đồng. Năm 2019, HAGL Agrico dự kiến chỉ thu về 30 tỷ đồng từ chanh leo và tập trung vào sản phẩm chủ lực là chuối.

Ngoài ra, thay vì thu hoạch thanh long chính vụ, HAGL Agrico sẽ thu hoạch thanh long trái vụ, từ tháng 12 tới tháng 4 năm sau để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, doanh thu trồng ớt cũng giảm 336 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018 do chuyển đổi diện tích trồng ớt sang trồng các loại trái cây khác.

Cũng do hoạt động điều chỉnh chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái và đánh giá lại các tài sản không hiệu quả, khoản chi phí khác của HAGL Agrico cũng tăng gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2018, lên 319 tỷ đồng.

Và vì tập trung vào vườn cây ăn trái, doanh thu từ bán sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp cũng giảm tới 231 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 93% so với cùng kỳ năm 2018.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem