Tỷ phú Trần Bá Dương dự chi hơn 1.000 tỷ đồng vào cổ phiếu HNG của bầu Đức

Quốc Hải Thứ tư, ngày 17/04/2019 17:59 PM (GMT+7)
Cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức (HAG và HNG) bật tăng trước thông tin tỷ phú Trần Bá Dương tính chi hơn 1.000 tỷ đồng để gom gần 70 triệu cổ phiếu HNG với mục đích “đầu tư tài chính”.
Bình luận 0

img

Tỷ phú Trần Bá Dương tính chi hơn 1.000 tỷ đồng gom mua cổ phiếu HNG (Ảnh:IT)

Sau chuỗi ngày liên tục đứng giá hoặc giảm sàn, cổ phiếu HNG của bầu Đức (Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico), trong phiên giao dịch hôm nay 17.4 bất ngờ bứt tốc tăng mạnh 500 - 700 đồng/CP, tương ứng tăng từ 3,3% - 4,6%, lên mức giá từ 15.600 - 15.800 đồng/CP (tùy thời điểm trong phiên giao dịch). Tính  đến 15h, giá trị cổ phiếu HNG đạt mức 15.600 đồng/CP, khối lượng giao dịch cũng tăng gấp 8,3 lần so với phiên hôm qua, đạt hơn 2,76 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu HAG (Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) của bầu Đức cũng tăng từ 1,7% - 3,4%, từ mức giá 5.290 đồng/CP trong phiên giao dịch hôm qua lên mức giá 5.380 đồng - 5.470 đồng/CP (tùy thời điểm trong phiên), khối lượng khớp lệnh cao, đạt 4,73 triệu đơn vị.

Nguyên nhân khiến cặp đôi cổ phiếu nhà bầu Đức bật tăng là bởi Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú  Trần Bá Dương vừa có thông báo đăng ký mua 69,7 triệu cổ phiếu, tương đương 7,86% vốn điều lệ HAGL Agrico với mục đích được công khai là “đầu tư tài chính”. Thời gian thực hiện từ 23.4 đến 22.5 theo theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.

Như vậy, nếu tính theo thị giá của HNG hiện nay thì để sở hữu số cổ phiếu HNG nói trên, Thaco sẽ phải dự chi khoảng 1.098 tỷ đồng.

Hiện Thaco chưa sở hữu cổ phần nào tại HNG. Chỉ có người liên quan là ông Nguyễn Hùng Minh - Phó Chủ tịch HĐQT Thaco (cũng là thành viên HĐQT HAGL Agrico) thì đang sở hữu 5 triệu cổ phiếu HNG, chiếm tỷ lệ 0,56% vốn HAGL Agrico.

Trái cây vẫn là chủ lực của bầu Đức trong năm 2019

Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên được công bố (dự kiến diễn ra ngày 26.4, tại Gia Lai), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết năm 2018, công ty đạt doanh thu thuần 5.388 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017. Trong đó 63,3% doanh thu từ bán trái cây và bán ớt. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 6,2 tỷ đồng. Sang năm 2019, HAGL đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 5.125 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với kết quả năm 2018. Trong đó, doanh thu tiếp tục chủ yếu đến từ cây ăn trái, mủ cao su và cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, mảng kinh doanh chủ lực cây ăn trái dự kiến mang lại doanh thu 4.401 tỷ đồng, chiếm khoảng 86% trong cơ cấu doanh thu của HAGL năm 2019. Chuối vẫn sẽ là loại trái cây bán nhiều nhất, với sản lượng 244.000 tấn, mang về 3.545 tỷ đồng. Tiếp theo đó là các loại cây ăn trái khác như thanh long, mít, bưởi, xoài,… Ngoài cây ăn trái, cao su trong năm 2019 dự kiến thu được 15.081 tấn mủ khô, mang lại doanh thu khoảng 469 tỷ đồng, đóng góp khoảng 9,1% trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, HAGL cho biết sẽ chỉ duy trì chăm sóc các vườn cây cao su chứ không mở rộng diện tích trồng.

Các ngành khác, bao gồm cung cấp dịch vụ, bán căn hộ và bất động sản đầu tư dự kiến đạt doanh thu 255 tỷ đồng, đóng góp 5% vào doanh thu.

Mặc dù doanh thu dự báo giảm nhẹ (khoảng 5.125 tỷ đồng, so với 5.388 tỷ đồng của năm 2018), song HAGL lại đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 88 tỷ đồng, tăng đáng kể so với năm 2018.

Ngoài ra, HAGL cũng dự kiến trích quỹ đầu tư phát triển, phúc lợi tổng cộng 8% lợi nhuận sau thuế và tiếp tục không chia cổ tức.

Trước đó, hồi cuối tháng 3.2019, Hoàng Anh Gia Lai và Thaco đã khởi công khu công nghiệp nông - lâm nghiệp rộng 451 ha tại khu kinh tế mở Chu Lai. Trong đó, một nhà máy chế biến trái cây các loại công suất 500.000 tấn một năm với mức đầu tư 2.400 tỷ đồng cũng được xây dựng tại đây để bao tiêu sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…

“Nóng” vụ kiện tranh chấp góp vốn với FPT Capital

Một trong những vấn đề chắc chắn sẽ làm “nóng” đại hội cổ đông của HAG là việc tranh chấp hợp đồng góp vốn với Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital) - công ty liên quan của Tập đoàn FPT (HoSE: FPT).

Cụ thể, trước đó vào ngày 19.12.2011, FPT Capital và HAGL Rubber (nay là HAGL Agrico) đã ký với nhau Hợp đồng góp vốn cổ phần với tổng giá trị 76,5 tỷ đồng. Theo đó, FPT Capital mua vào 1,5 triệu cổ phiếu với mức giá 51.000 đồng/CP.

Theo các nội dung trong các hợp đồng góp vốn có yêu cầu, trong mọi trường hợp và vào bất kỳ thời điểm nào sau 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber thực hiện niêm yết (ngày 10/7/2015), HAGL có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phần HAG Rubber mà FPT Capital nắm giữ trong trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức không thực hiện cam kết.

Đến thời điểm tháng 6.2015, HAGL Agrico phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó lượng cổ phiếu của FPT Capital tăng lên 2.242.500 cổ phiếu.

Đến ngày 3.9.2015, FPT Capital có gửi thông báo đề nghị Tập đoàn và bầu Đức mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phiếu HNG tại ngày 21.1.2016 với tổng giá trị xấp xỉ 113 tỷ đồng, tương ứng 50.000 đồng/CP, trong khi thị giá cổ phiếu HNG tại thời điểm đó vào khoảng 30.000 đồng/CP. Tuy nhiên, phía HAGL cho rằng giá trị cổ phiếu HNG mà FPT Capital yêu cầu mua lại theo cách tính toán của FPT Capital là chưa hợp lý, trong khi hợp đồng đang có một số vấn đề pháp lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên công ty chưa chấp nhận.

Do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung nên FPT Capital khởi kiện ra tòa án.

Hiện tại, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2018 kiểm toán của HAG, tại ngày 31.12.2018, HAG vẫn đang là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng góp vốn với  FPT Capital. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất cho biết, theo đánh giá của Ban giám đốc HAG tại ngày báo cáo tài chính hợp nhất này, các điều khoản của các hợp đồng cam kết thanh toán nêu trên có các nội dung vi phạm pháp luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng cam kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem