Từ "lâm tặc" trở thành chủ nhân cánh rừng gỗ quý tiền tỷ

Phan Phương (Trang Trại Việt) Thứ ba, ngày 01/09/2015 17:30 PM (GMT+7)
Nếu hàng chục loài cây gỗ quý như sưa, lim, vàng tim, trầm hương… đang cạn kiệt vì bị khai thác tận diệt ở ngoài tự nhiên, thì ngược lại chúng đang phát triển tươi tốt ở cánh rừng hơn 4ha của lão nông Đinh Xuân Diễn ở bản Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Bình luận 0

Cánh rừng gỗ quý đó là tâm huyết cả đời của một lão nông yêu rừng đến mê hoặc. Với ông, trồng rừng không chỉ đơn thuần là mưu sinh cuộc sống mà ông còn muốn giữ lại cho muôn đời sau một cánh rừng tự nhiên như vốn có, dù đó chỉ là một khu rừng  rất nhỏ…

Cánh rừng gỗ quý tiền tỷ của ông lão tuổi 76

Bây giờ, ông Diễn đã ở vào cái tuổi 76, nhưng ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Hàng ngày, người dân bản Hà vẫn thấy ông miệt mài với công việc trồng và chăm sóc khu rừng. Với ông, tình yêu đối với rừng đã ngấm sâu vào huyết quản…

img

Cây dó đang được tạo trầm trong vườn rừng ông Diễn.

Ông Diễn kể, cách đây chừng 20 năm, xã Thanh Hóa quê ông được mệnh danh là xã “lâm tặc” bởi ngày đó hầu như nhà nào ở xã này cũng có người vào rừng khai thác gỗ về bán. Bản thân ông cũng không ngoại lệ, để nuôi sống cái gia đình 7 miệng ăn, ngày nào ông cũng phải vác rìu vào rừng. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, những khu rừng tưởng chừng như bất tận đã bị ông Diễn và những người dân quê ông khai thác đến kiệt quệ. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều đêm liền ông Diễn không thể nào ngủ được,  hình ảnh những khu rừng bị chặt phá cứ hiện diện trước mắt.

Ông Diễn cứ dằn vặt mãi, bao năm bám rừng mưu sinh, riêng bản thân ông đã đốn hạ hàng trăm cây gỗ rừng, cả xã Thanh Hóa này ai cũng như nhà ông hết thì e… rừng chẳng mọc kịp mà chặt. Rồi sau này con cái nên vợ nên chồng chắc gì còn gỗ mà dựng cho chúng liếp nhà? Vốn là một người lính trở về từ chiến trường Quảng Trị ác liệt, hơn ai hết ông Diễn hiểu rất rõ giá trị của những cánh rừng. Bao năm cầm súng đánh giặc, chính những cánh rừng bạt ngàn ở vùng Khe Sanh, Hướng Hóa đã nhiều lần che chở ông sống sót dưới những trận mưa bom, bão đạn của quân địch.

Suy nghĩ như thế, nên từ năm 1997, ông Diễn quyết định từ bỏ công việc của một “lâm tặc”, không vào rừng khai thác gỗ nữa. Cũng thời điểm đó, Nhà nước có chính sách kêu gọi người dân khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Không đắn đo suy nghĩ, ông Diễn quyết định dời nhà ở trung tâm xã vào sát bìa rừng nhận đất khai hoang để trồng rừng và làm trang trại. "Ở thời điểm đó, vùng đất sát hang Lèn Hà (nơi đóng quân của bộ đội Trường Sơn, nay là một điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia-PV) này là một vùng đất hoang vu, đầy bom đạn chiến tranh còn sót lại nên không ai thèm nhận. Nhưng tuôi lại nghĩ khác, một mảnh đất sát rừng sẽ có điều kiện tự nhiên phù hợp cho ý tưởng trồng các loại cây gỗ rừng bản địa  sau này” – ông Diễn giải thích về cái ý định ban đầu của mình.

Nhận được đất, ông Diễn bắt đầu đưa vợ con vào dựng trại, phát rừng mở đất. Ý định làm trang trại trồng rừng, nhưng ngày đó, vợ chồng ông Diễn cũng chỉ có sức người là chủ yếu. Chưa khai hoang được đám đất nào, vợ chồng ông đã rơi vào cảnh tiền hết, gạo vơi. Nhiều bữa, dốc hết thùng cũng chỉ còn được bơ gạo, vợ chồng phải trộn cả mớ rau má vào nấu cháo mà húp cho đằm bụng để có sức mà phát rừng…

Khai hoang được miếng đất nào, ông Diễn lại cắm xuống đấy các loại cây ngắn ngày như sắn, khoai môn, đậu…Sau một năm, khi những loại cây ngắn ngày cho thu hoạch, vợ chồng, con cái không còn lo cái đói nữa, ông Diễn mới tính đến chuyện dài hơi là trồng các loại cây dài ngày và trồng rừng. Có một điều khác với mọi người, ông Diễn không trồng các loại cây như keo, bạch đàn mà chú trọng trồng các loại cây gỗ rừng bản địa, trong đó có nhiều loài gỗ quý như sưa, lim, vàng tim, huỵnh…

img

Một góc khu rừng gồm nhiều loại cây gỗ quý do một tay ông Diễn trồng lên.

Nhưng ngày đó, những giống cây rừng bản địa này chưa có người ươm giống được, nguồn giống chủ yếu đều được lấy từ rừng. Thế là trong suốt nhiều năm sau đó, ông Diễn lai cơm đùm, gạo bới lầm lũi vào rừng nhưng không phải để khai thác gỗ mà để tìm cây giống. Những cây lim, cây huỵnh… nhỏ bé nép mình dưới những tán rừng được ông Diễn cẩn thận bứng về trồng. Ngày này qua ngày khác như thế, ông Diễn hết đạp rừng tìm cây giống thì đến bới đất trồng cây, lại oằn lưng xuống suối gánh từng thùng nước để tưới cây. Trúng thời tiết tốt thì trồng 10 cây có thể sống được 5 cây, nhưng gặp trời nắng hạn có khi chẳng sống được cây nào. Thế nhưng chưa bao giờ ông Diễn thấy nản lòng, mỗi cái cây đâm cái cây đâm chồi, ông như mở cờ trong bụng, là động lực để ông trồng những cây tiếp theo.

Cứ thế năm này qua năm khác, khi những tán cây khép lại thành rừng thì cũng là lúc tóc ông đã điểm bạc.  "Trồng cây keo, bạch đàn mau cho thu hoạch nhưng khi khai thác lại ảnh hưởng đến môi trường. Mình trồng các loại cây bản địa này với mong muốn trả lại cho rừng một mảng thiên nhiên thật hoang sơ như nó vốn có, từ đó bảo tồn một số loài cây gỗ quý của rừng mà tui đã từng tham gia khai thác tận diệt ngoài tự nhiên…” – ông Diễn chia sẻ lý do ông trồng những loài cây gỗ rừng bản địa.

Sống khỏe chỉ từ sản phẩm phụ của khu rừng

Ông Diễn dẫn chúng tôi thăm khu rừng của gia đình. Theo chân ông, chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt.

img

Lão nông Đinh Xuân Diễn bên cây lim trong vườn rừng của mình.

"Trồng cây keo, bạch đàn thì mau cho thu hoạch nhưng khi khai thác lại ảnh hưởng đến môi trường. Tui trồng các loại cây bản địa này với mong muốn trả lại cho rừng một mảng thiên nhiên thật hoang sơ như nó vốn có, từ đó bảo tồn một số loài cây gỗ quý của rừng mà tui đã từng tham gia khai thác tận diệt ngoài tự nhiên, như cái cách mà tui muốn trả nợ rừng vậy…”.  (Lão nông Đinh Xuân Diễn)

Ông Diễn cho biết, khu rừng của ông hiện có hơn 2.000 cây lim, 500 cây sưa, 500 cây vàng tim và 5.000 cây trầm dó cùng nhiều cây gỗ bản địa quý hiếm khác. Riêng gỗ lim, hiện ông Diễn là người duy nhất ở Quảng Bình sở hữu một rừng lim lớn đến vậy. Những cây lim được ông Diễn lượm lặt từ rừng về trồng, chăm chút hàng chục năm nay bây giờ đã cao hàng chục mét, đường kính 50 cm. Nhiều cây trong số đó nếu khai thác đã cho hơn 5m3 gỗ. Với giá gỗ lim hiện nay là khoảng 20 triệu đồng/m3, mỗi cây gỗ lim ông Diễn đã thu hơn 100 triệu đồng. Nhưng hiện ông Diễn chưa hề nghĩ đến việc khai thác gỗ rừng để bán. Nhiều năm qua, gia đình ông cũng đã sống khỏe từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng và những loài cây ăn quả như bưởi, cam, mít chuối…Có một sản phẩm phụ đã đem lại một nguồn thu khá cho gia đình ông trong những năm qua đó là nấm lim. Được coi là một nguồn dược liệu quý, hiện 1kg nấm lim hiện có giá gần 2 triệu đồng. Từ rừng lim của mình, mỗi năm ông Diễn cũng thu hoạch được hàng chục kg nấm.

Nấm lim chưa phải là nguồn thu chính. Năm 2014, sau khi tạo trầm hương từ rừng dó, gia đình ông Diễn đã thu hoạch được 600 triệu đồng. Hiện hàng ngàn cây trầm dó khác của ông Diễn cũng đã có thể tạo được trầm, có thể để đưa ông trở thành tỷ phú bất cứ lúc nào!

Mỏi nhừ chân theo ông tham quan, hóng chuyện khắp khu vườn rừng, chúng tôi trở về căn nhà nhỏ ấm cúng của ông ở bìa rừng. 5 người con của ông (3 trai, 2 gái) bây giờ đã lập gia đình và đều có cuộc sống ổn định. Năm nay đã bước vào cái tuổi 76, có trong tay cái vốn rừng cả chục tỷ đồng, nhưng ông Diễn vẫn chân chất, hồn hậu và yêu rừng đến mê hoặc. Không ngày nào ông  không vào rừng, như cái cách của ông tự bạch thì để ngửi cái hương, cái vị của rừng, đó cũng là một cách dưỡng già của ông vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem