Năm xưa sau chính biến Cao Bình lăng, Tư Mã Ý đã chính thức trở thành đại thần nắm trọng quyền của nhà Tào Ngụy, đặt nền móng cho con đường thao túng quyền lực và soán ngôi đoạt vị của gia tộc Tư Mã.
Tới năm 266 sau khi ép Tào Hoán thoái vị, Tư Mã Viêm chính thức thành lập nên nhà Tấn, sử cũ thường gọi giai đoạn này là Tây Tấn để phân biệt với Đông Tấn sau này.
Tuy nhiên điều đáng nói nằm ở chỗ, vương triều Tây Tấn do gia tộc Tư Mã sáng lập chỉ tồn tại được một thời gian ngắn ngủi, kéo dài từ năm 265 cho tới năm 316.
Lý giải về lý do khiến cơ nghiệp của con cháu Tư Mã Ý chỉ trụ được vẻn vẹn nửa thế kỷ như vậy, chuyên trang lịch sử Trung Quốc Qulishi đã chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Mầm họa Tư Mã Ý lưu lại từ khi chiếm quyền
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Thông qua không ít âm mưu chính trị, gia tộc Tư Mã cuối cùng đã chính thức soán Ngụy lập Tấn sau 3 thế hệ "cha truyền con nối" thao túng quyền lực.
Tuy nhiên theo nhận định của Qulishi, phương pháp đoạt quyền này đã hao tốn một khoảng thời gian tương đối dài, cách thức và bản chất cũng bất đồng nếu so với các cuộc nổi dậy soán ngôi đoạt vị khác trong lịch sử.
Bởi vậy mà vương triều Tây Tấn sau khi thành lập vẫn còn lưu lại không ít các danh gia vọng tộc cũng như các quý tộc cũ tồn tại từ tiền triều.
Phương thức chiếm quyền do Tư Mã Ý mở đường cho con cháu thực chất đã lưu lại một mầm họa ngầm hết sức nguy hiểm. Đó là khiến cho các gia tộc quyền thế vào thời bấy giờ nghĩ rằng bản thân đều có cơ hội ngồi lên ngai vàng như họ.
Qulishi cũng nhận định, nhà Tư Mã dù đoạt được hoàng quyền, thế nhưng uy vọng mà họ gây dựng vẫn chưa đủ lớn, chưa thể áp chế toàn bộ các thế lực tồn tại từ thời nhà Ngụy trước đó.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Tây Tấn sau này chỉ tồn tại được một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Nguyên nhân thứ hai: Vấn đề thừa kế tồn tại nhiều mâu thuẫn
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tư Mã Ý là nhân vật nòng cốt thuộc thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho cơ nghiệp vương quyền của gia tộc Tư Mã. Đây là sự thật mà không ai có thể phủ nhận.
Thế hệ thứ hai của dòng họ này tiếp tục được củng cố bởi hai nhân vật không kém phần nổi danh. Đó là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu – hai người con trai của Tư Mã Ý.
Trong đó, con trưởng Tư Mã Sư được đánh giá là người sở hữu tính cách trầm ổn, dũng cảm mưu trí, vô cùng thích hợp với vị trí người thừa kế của gia tộc.
Chỉ tiếc rằng Tư Mã Sư lúc sinh thời không có con trai nối dõi. Vì vậy em trai Tư Mã Chiêu liền để người con thứ của mình là Tư Mã Du làm con thừa tự cho huynh trưởng.
Nào ngờ sau này Tư Mã Sư qua đời trong chiến loạn, Tư Mã Du cũng mới chỉ lên bảy, lên tám, một khi thừa kế đại nghiệp từ cha nuôi thì khó có thể đảm bảo sự vững chắc cho thế lực của gia tộc.
Trước tình thế ấy, Tư Mã Chiêu đã tiếp tục trở thành người kế thừa đại quyền. Dù vậy, ông vẫn một lòng muốn nhường lại sự nghiệp cho Tư Mã Du sau khi mình qua đời với hàm ý trả lại thiên hạ cho con cháu của huynh trưởng.
Thế nhưng con trưởng của Chiêu là Tư Mã Viêm lại cương quyết không để điều này xảy ra, vì vậy đã âm thầm kết đồng minh với một số đại thần ủng hộ mình, từ đó thành công trở thành nhân vật nòng cốt nắm giữ quyền hành của thế hệ thứ ba thuộc gia tộc Tư Mã.
Sau đó, Tư Mã Viêm nhanh chóng soán ngôi xưng đế, thành lập nhà Tấn, sử cũ gọi là Tấn Võ Đế, chính thức hoàn thành giấc mộng đế nghiệp mà cha ông để lại.
Ngay sau khi khai quốc, Tư Mã Viêm từng khuyến khích phân phong tước vương cho các thành viên trong gia tộc để điều họ trú đóng các nơi nhằm áp chế các danh gia vọng tộc từ tiền triều.
Trong số đó, Tư Mã Du được phong làm Tề vương, lập được không ít công lao, rất có danh vọng trong triều đình. Vì vậy khi Hoàng đế dần lớn tuổi, các đại thần đa phần đều đề nghị chọn Tư Mã Du làm người kế vị nhưng không thành, Du cũng vì vậy mà u uất sinh bệnh rồi qua đời.
Từ những dẫn chứng trên đây, không khó để nhận thấy vấn đề về quyền thừa kế đã trở thành ngòi nổ mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tấn ngay từ khi còn chưa chính thức thành lập vương triều.
Nguyên nhân thứ ba: Hậu quả khôn lường từ loạn bát vương
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau khi xưng đế, Tư Mã Viêm phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: Con trưởng của ông là Tư Mã Trung vì chậm phát triển trí tuệ nên bị rất nhiều triều thần phản đối việc nối ngôi. Trong khi đó, triều thần có rất nhiều người ủng hộ lập em trai nhà vua là Tư Mã Du làm Thái tử.
Do muốn truyền lại hoàng quyền cho con cháu của mình, Tư Mã Viêm liền dùng một biện pháp để giải quyết. Đó chính là liên kết với các gia tộc có thế lực để củng cố quyền lực. Hai gia tộc được Hoàng đế để mắt là Giả thị ở Bình Dương và Dương thị ở Hoằng Nông.
Sau đó, Tư Mã Viêm đã để người con trai thiểu năng của mình lấy con gái nhà họ Giả, tức Giả Nam Phong, còn bản thân thì nạp con gái nhà họ Dương vào hậu cung và xem như Hoàng hậu.
Mặc dù sau này con trai của ông đã thuận lợi nối ngôi, tuy nhiên kế sách của Tư Mã Viêm năm xưa đã để lại vô số hậu quả khôn lường.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau khi ông qua đời, Hoàng Thái hậu Dương thị cùng Hoàng hậu Giả Nam Phong đã phát sinh tranh đấu gay gắt.
Mỗi người không chỉ dựa vào thế lực của gia tộc mà còn liên hiệp với các phiên vương trong dòng họ Tư Mã nhằm công kích lẫn nhau, từ đó mở ra giai đoạn tăm tối khét tiếng trong lịch sử Tây Tấn – loạn bát vương.
Năm xưa trong trận nội chiến ấy, thế lực một số các phiên vương đã sử dụng một sách lược nguy hiểm. Đó chính là liên minh với thế lực của người Hồ, từ đó vô tình tạo cơ hội cho quân đội Hồ tộc đi sâu tham dự vào chiến tranh Trung Nguyên. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thời kỳ Ngũ hồ loạn hoa sau đó.
Loạn bát vương thời Tây Tấn kéo dài 15 năm. Chiến tranh liên miên đã khiến kinh tế của vương triều tụt hậu, dân chúng thương vong, mất mùa, ôn dịch hoành hành liên tục, các gia tộc tàn sát lẫn nhau, quân phiệt khắp nơi được đà tự lập.
Cuối cùng, những mâu thuẫn nội tại kéo theo các cuộc nội chiến và sự công kích từ một số thế lực bên ngoài đã khiến cho triều Tây Tấn ở Lạc Dương chính thức sụp đổ chỉ sau vẻn vẹn nửa thế kỷ tồn tại.
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.