Từ một bài văn xúc động và vấn đề hỗ trợ đột xuất cho người nghèo

Thứ ba, ngày 08/11/2011 09:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong tháng cao điểm vì người nghèo và “Ngày đại đoàn kết dân tộc” do Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQVN) tổ chức, có một vấn đề cần được MTTQVN chú trọng và nhân rộng hoạt động, đó là việc hỗ trợ đột xuất cho người nghèo.
Bình luận 0

Khi bài văn đầy xúc động của em học sinh Trường chuyên Hà Nội-Amsterdam được đăng trên báo, người ta mới biết, hóa ra, ở ngôi trường nổi tiếng là “quý tộc” này, vẫn có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình rất nghèo khổ, mà gia đình em Nguyễn Trung Hiếu - tác giả bài luận văn về tiền - chỉ là một ví dụ điển hình.

Muốn hỗ trợ đột xuất cho người nghèo, thì việc đầu tiên là phải phát hiện ra những trường hợp người nghèo đặc biệt cần hỗ trợ. Đó là việc MTTQVN cấp cơ sở cần đi sâu đi sát đời sống người dân và phối hợp với dân, với chính quyền địa phương, với các cơ quan truyền thông để phát hiện. Có một thực tế là người thật nghèo bây giờ thường sống rất lặng lẽ, nhiều khi họ thu mình tới mức nếu không quan tâm thì không thể phát hiện ra.

Khi đã phát hiện đúng những địa chỉ người nghèo đặc biệt cần được hỗ trợ đột xuất và kịp thời, thì Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, thành phải là cơ quan trực tiếp đứng ra hỗ trợ, bởi một điều đơn giản, là chỉ cơ quan MTTQ cấp tỉnh, thành mới có nguồn kinh phí thường xuyên dành cho việc hỗ trợ này. Các cơ quan MTTQ cấp quận, huyện hay phường, xã và ban công tác mặt trận thôn (khu phố) chỉ cần báo lên chính xác và kịp thời những trường hợp cần được hỗ trợ để Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, thành thực hiện việc hỗ trợ.

Thực tế, với cách làm này, trong năm 2011, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ đột xuất cho hàng trăm hộ nghèo đặc biệt cần giúp đỡ kịp thời trong tỉnh. Thực hiện thường xuyên những việc làm mang tính đột xuất như vậy, không chỉ cần một nguồn kinh phí mang tính thường trực, mà quan trọng hơn, là cần cái tâm vì người nghèo luôn thường trực trong các cán bộ Mặt trận, từ lãnh đạo tới nhân viên. Chỉ như thế, việc hỗ trợ đột xuất cho người nghèo mới mang tới những hiệu quả thiết thực. Vì nhiều khi, nếu sự hỗ trợ tới chậm, mọi việc đã không còn kịp nữa.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cha ông ta đã nói như thế, và đó là câu nói chí lý. Vì vậy, việc hỗ trợ đột xuất cần rất kịp thời. Muốn như thế, MTTQ cấp tỉnh, thành phải xây dựng được nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên. Nguồn này có thể lấy một phần ngân sách, nhưng phần quan trọng nhất là đến từ sự huy động lòng hảo tâm của toàn xã hội. Khi đã có nguồn kinh phí thường xuyên, việc hỗ trợ đột xuất cho người nghèo sẽ chủ động và mang lại hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem