TP.HCM cần đạt mức tăng về GRDP hàng năm của kinh tế số từ 2,5 - 3%

Hồng Phúc - Quốc Hải Thứ sáu, ngày 15/04/2022 15:42 PM (GMT+7)
TP.HCM đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số với kỳ vọng lĩnh vực này sẽ chiếm tỷ trọng 25% GRDP vào năm 2025, và tăng lên mức 40% đến năm 2030. Vì vậy, mỗi năm TP.HCM phải đạt mức tăng về GRDP của kinh tế số từ 2,5 - 3%
Bình luận 0

Theo tính toán của các chuyên gia, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của kinh tế số năm 2021 đạt gần 192.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,27 tỷ USD. Theo đó, tỷ trọng kinh tế số đang chiếm khoảng từ 13,71 - 15,72% GRDP của nền kinh tế TP.HCM trong năm 2021.

TP đã có những bước đi, chứ không phải mới bắt đầu

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, công nghệ số đã trở thành công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Do đó, khi xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025, TP.HCM đề ra mục tiêu và quyết sách thúc đẩy quá trình phục hồi phát triển gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển nhanh kinh tế số...

Từ nay đến 2025, mỗi năm TP.HCM cần đạt mức tăng về GRDP của kinh tế số từ 2,5-3% - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp, khách mời quan tâm đến các nền tảng chuyển đổi số. Ảnh: Quốc Hải

"Theo mục tiêu phát triển kinh tế số đã được TP.HCM đặt ra, tỷ trọng kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP vào năm 2025, và tăng lên mức 40% đến năm 2030.

Đây là những mục tiêu có tính thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để hoàn thành, đặc biệt khi TP.HCM là một thị trường lớn nhất nước, với các ngành trong lĩnh vực kinh tế số cũng đang phát triển ở mức sôi động nhất", ông Mãi nói.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã và đang triển khai chuyển đổi số tới 2025 định hướng 2030 gắn với 6 chương trình đột phá. Trong đó, có 4 nội dung mà TP sẽ quán triệt triển khai một cách nghiêm túc, bài bản.

Thứ nhất, TP đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, giữ vững vai trò đầu tàu. Đến năm 2030, sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, xã hội số và chính quyền số.

Thứ 2, TP.HCM ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư; triển khai những đề án về kinh tế số, hệ sinh thái sản phẩm.

Thứ 3, TP sẽ triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình nghiên cứu AI, trở thành công nghệ cốt lõi trong đô thị thông minh, triển khai đồng bộ hạ tầng số, nghiên cứu triển khai chính sách có thử nghiệm dịch vụ kinh tế số mới.

Đặc biệt, tập trung triển khai trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ 4 là chuyển đổi số nâng cao hiệu quả doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Từ nay đến 2025, mỗi năm TP.HCM cần đạt mức tăng về GRDP của kinh tế số từ 2,5-3% - Ảnh 2.

Các giải pháp về số hóa tài liệu trong doanh nghiệp được nhiều đơn vị quan tâm. Ảnh: Quốc Hải

"Trong chuyển đổi số, công nghệ quan trọng nhưng yếu tố con người quan trọng hơn, do đó vấn đề đặt ra là vai trò của nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và vượt qua thách thức để chuyển đổi số. 

Đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, mối quan hệ của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng cần chú trọng trong quá trình chuyển đổi số", ông Mãi chia sẻ thêm.

Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, đóng góp 5% GDP và cao gấp 7 lần so với năm 2015. Dự kiến, con số này sẽ đạt tới 57 tỷ USD vào năm 2025…

Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nhấ mạnh, kinh tế số tại TP.HCM là một phần không thể tách rời của nền kinh tế số Việt Nam nói chung. Chính vì thế, để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho kinh tế số tại TP.HCM phát triển và tăng trưởng mạnh, cần có những chính sách chung thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.

Cụ thể, đó là các chính sách thử nghiệm đối với những mô hình kinh tế số mới, hệ sinh thái kinh tế số, chính sách thúc đẩy thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, đặc biệt là hạ tầng số cho các dịch vụ công tại thành phố…

"Tôi kiến nghị TP chi ít nhất không dưới 2% ngân sách để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế số", ông Bình nói.

TP cần làm gì để tạo "bệ vững" cho nền kinh tế số?

Đánh giá về mục tiêu phát triển kinh tế số của TP.HCM, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, TP đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%.

Vì vậy, để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.

"Chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác", ông nói, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn.

"TP.HCM xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặt mục tiêu số đưa công nghệ tiên tiến vào đổi mới sáng tạo; chuyển sang đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2.

Đồng thời, tăng cường hợp tác các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển, giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo,… quyết tâm hình thành nhanh hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế thành phố"...

Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, TP cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

"Chính phủ hoan nghênh thành phố đã mời được nhiều tổ chức quốc tế uy tín, nhiều quốc gia và địa phương nước bạn tham dự và chia sẻ. Tuy nhiên, cần học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản và liên tục mới hấp thụ được các tinh hoa, bài học quý tử bạn bè quốc tế.

Việc học hỏi, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và thành phố, không áp dụng một cách máy móc, rập khuôn", ông nói thêm.

Một điểm nữa, theo Phó Thủ tướng, thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể.

"Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Từ nay đến 2025, mỗi năm TP.HCM cần đạt mức tăng về GRDP của kinh tế số từ 2,5-3% - Ảnh 5.

Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, đóng góp 5% GDP... Ảnh: Quốc Hải

Do đó, Phó thủ tướng lưu ý TP cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số. Trong đó, chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung.

"Cách làm là những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng, thì tiếp tục thực hiện; còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội", ông nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem