Từ người làm thuê thành tỷ phú: Yêu đất, đất trả ơn

Thứ năm, ngày 26/04/2012 17:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều lần thất bại phải tính tới chuyện bán ruộng trả nợ nhưng rồi nông dân Trần Hùng Tráng (ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) vẫn kiên cường bám đất, trở thành tỷ phú đại điền...
Bình luận 0

Nợ như Chúa Chổm

Sau giải phóng, không có cục đất chọi chim, chàng thanh niên 18 tuổi Trần Hùng Tráng (Ba Tráng) vác nóp vào tận Gò Chùa gần biên giới Campuchia khai vỡ 5ha đất hoang vùng bưng trũng... Nhưng chỉ làm xong vụ thứ hai thì chiến tranh biên giới xảy ra, Ba Tráng phải bỏ ruộng dắt các em đi sơ tán. Tới 1979, chiến tranh kết thúc, anh lại dắt các em về lại vùng đất này, tiếp tục khai hoang. Dọc biên giới Long An, hàng trăm nông dân chết và bị thương vì vướng phải bom mìn trên ruộng. Ba Tráng - bằng những kiến thức quân sự được học ở trường thiếu sinh quân, bằng cái "gien" can trường từ người cha là lính, đã từng tháng từng năm rà phá bom mìn. Vạt ruộng của anh cứ rộng dần, cho tới năm 1985 là 15 mẫu.

img
Nông dân Ba Tráng.

Ruộng nhiều, các em lại đang tuổi đi học không thể ép chúng ở nhà theo sau trâu cày, Ba Tráng nghĩ tới chuyện cơ giới hóa. Thời bao cấp, máy móc nông nghiệp thiếu thốn nên anh phải mò qua tận Đồng Tháp mua cái máy cày cũ hiệu DZM50 của Liên Xô với giá 65 tấn lúa, ứng trước 25 tấn. Xui cho Ba Tráng, cái máy chỉ đủ sức "lết" được mấy chục cây số đường đồng về tới ruộng nhà anh thì nằm ỳ như đống sắt vụn. Vốn liếng dành dụm mất sạch, Ba Tráng trở lại cảnh "kéo cày thay trâu" trên 15 mẫu đất của mình.

Năm 1987, Nông trường Lúa Vàng (Long An) đang hoạt động khá mạnh, anh tìm tới xin thuê máy cày, vừa cày cho mình vừa đi cày thuê. Có máy, anh hỏi mượn hơn 20 mẫu đất của bà con đang bỏ hoang để trồng lúa. Gần tới ngày thu hoạch, chuột từ biên giới tràn sang mà không có cách nào diệt nổi. Chỉ sau 2 đêm, toàn bộ ruộng của Ba Tráng chỉ còn trơ gốc rạ. Anh vò đầu bứt tai kêu trời không thấu, muốn tự tử chết quách cho xong cũng không được bởi tổng kết vụ đó anh nợ tiền phân giống lên tới 10 cây vàng (lãi 10%/tháng). Vét sạch tài sản trong nhà đem bán để đầu tư tiếp vào 40 mẫu đất, anh hy vọng vụ đông xuân 1988 sẽ trả được nợ... Ai ngờ giặc chuột lại về. Lần này thì anh ôm cục nợ lên tới 21 cây vàng.

Tay trắng đi lên

Nợ đầm nợ đìa nhưng với tính khí "anh Hai miền Tây", một hôm Ba Tráng bảo vợ bắt luôn con gà mái đang nằm ổ luộc lên để nhậu cho có "dũng khí"… bán đất trả nợ. Trời xui đất khiến, một ông bạn tên Ba Bê đi ngang bị Ba Tráng lôi vào nhà mời vài ly giải sầu. Ông Ba Bê than vắn thở dài mua cái máy cái cày làm ăn chung với người khác nhưng bị họ chơi xấu nên muốn bỏ nghề. Nghe Ba Tráng thú thiệt chuyện tính bán đất, Ba Bê bèn đề nghị bán thiếu máy cày cho anh. Vụ đông xuân 1989, chiếc máy cày này đã không phụ lòng anh khi nó có thể chạy 24/24 giờ suốt 7 ngày trong tuần, hầu như nó chỉ nghỉ khi anh và một tài xế cày thuê tắt máy thay nhớt, châm dầu… Từ tiền cày thuê và trúng lúa vụ này, Ba Tráng bắt đầu trả nợ dần dần và gom thêm ruộng để sản xuất. Nhờ chí thú làm ăn, tới năm 1994, anh đã có trong tay 100 mẫu đất ruộng, trở thành một trong những người có nhiều đất ruộng nhất xứ Đồng Tháp Mười.

Mùa lũ 2011, nước dâng cao bất ngờ làm hàng ngàn ha lúa ở ĐBSCL mất trắng, hàng chục ngàn ha khác bị lũ nhấn chìm gây thiệt hại lớn về năng suất. Vậy mà ngay giữa rốn lũ Đồng Tháp Mười, ông Hồ Văn Dân - Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng vẫn khá ung dung. Ông Dân bảo tính từ đầu mùa lũ cả huyện chỉ mới có 15ha bị thiệt hại nhưng không đáng kể. "Chúng tôi thu hoạch xong hết rồi, chỉ còn lúa của Ba Tráng và mấy người làm chung trong ô đê bao gần trăm mẫu chưa thu hoạch, nhưng chắc chắn sẽ không bị thiệt hại" - ông Dân quả quyết…

“Mình cứ làm đúng bài bản thì chuyện "ba bó vô một giạ" sẽ là chuyện đương nhiên thôi”.

Còn nhớ, khi chúng tôi băng con đường độc đạo xuyên qua đỉnh lũ để đến xã Hưng Điền B, hơn 70 mẫu ruộng của Ba Tráng vẫn như "ốc đảo" nằm giữa mênh mông biển nước. Độ chênh lệch giữa mặt ruộng lúa và mặt nước lũ khoảng 2,5m, được ngăn cách bởi đê bao đất rất vững chãi. Ba Tráng đang chỉ huy gia cố đê bao bằng phương tiện cơ giới, chỉ nửa buổi sáng là các điểm rò rỉ đã được bịt kín. Anh cho biết: "Làm lúa thì dễ, nhưng làm giàu từ cây lúa thì không dễ chút nào. Quan trọng là mình phải trù liệu trước mọi thứ, theo dõi sát sao lịch thời vụ, dự báo khí tượng thủy văn, tình hình sâu bệnh để có thể chủ động phòng thủ từ xa”.

Hiện "trang trại" lúa của Ba Tráng có đầy đủ máy cày, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp, kho chứa, nhà sấy… Thiếu nhân công, anh sang tận tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp tìm nhân công hợp đồng dài hạn. Trong nhà, Ba Tráng giao cho vợ cùng 2 con gái túc trực lo cơm nước cho hàng trăm nhân công ngày ba bữa no đủ, riêng anh cùng 3 con trai túc trực ngoài đồng đôn đốc, giám sát việc sản xuất…

Bài 3: Bỏ du học, về làm ruộng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem