Chị Đức từng là sinh viên khoa Văn học, thạc sĩ Khoa học Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị cũng từng có kinh nghiệm làm biên tập viên của Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, Văn Tuổi thơ, 3 năm làm biên tập viên dòng sách tác giả Việt.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, tác giả Hoàng Du tâm sự, vào năm 2019 chị được mời tham gia một dự án sách audio thiếu nhi. Dự án đó mong muốn gửi gắm các kiến thức tự nhiên về các loài sinh vật vào các câu chuyện nhỏ. Mỗi loài vật gồm 9 câu chuyện tập hợp thành 1 tập truyện. Chị đã chọn Vích biển, loài sinh vật đang được đưa vào danh sách cần được bảo tồn do sự săn bắt của con người.
Điều đặc biệt thú vị là những câu chuyện trong cuốn sách đều được lấy cảm hứng từ con của chị. Hai con của chị đặc biệt thích tìm hiểu về đại dương. Những lần đưa con đi hiệu sách, đọc các chi tiết về tập tính, xem những thông tin về loài Vích, chị Đức đều ghi chép lại. Một hôm xem thời sự có tin một con Vích được ngư dân cứu. Đêm hôm đó Ben - con trai nhỏ của mình có hỏi "Nếu bạn Vích bị mắc cạn khi được thả về biển, có tìm được đường về nhà không? Chắc mẹ bạn Vích sẽ buồn lắm". Ngay lúc đó thì chị Đức chưa nghĩ gì nhưng đường về nhà với mẹ cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ. Đó tuy là con đường quen thuộc nhưng với một loài vật thì sẽ là một hành trình tự học hỏi, phát triển và trưởng thành.
Các nhân vật trong câu chuyện là do tác giả quan sát, ghi chép lại từ những cô bé cậu bé xung quanh như Vích Nâu mạnh mẽ hay nói to giống với bạn của Bean (con trai đầu của chị); Vích Mũi hồng hay lo, thích những đồ vật đẹp như ngọc trai thì chị lấy tính cách của My, cháu chị. Vích Đen là nhân vật chính bình tĩnh, có đôi chút sợ hãi kiểu trẻ thơ nhưng vẫn là một chú Vích dũng cảm nhân hậu... Các cô bé cậu bé xung quanh đã cho chị dữ liệu để tạo hình nhân vật. Chương Cu Nhí là lấy tình tiết từ câu chuyện một chú Vích bị mắc cạn, ngư dân đã thả chú Vích về biển chứ không đem bán.
Ý nghĩa của câu chuyện, chị Đức muốn nhấn mạnh thông điệp gia đình. "Nhà, đó là một nơi an toàn đầy yêu thương. Ở nhà có mẹ! Chỉ cần được nghe mẹ nói, được mẹ âu yếm, được ăn những món ăn mẹ chuẩn bị đó là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Cuộc đời thực sự là khi có mục đích sống, có bạn bè, có người yêu thương và có nhà để trở về". Trong mỗi chương truyện đều có ý nghĩa riêng nhưng đặc biệt là việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn các loài sinh vật biển trước hiểm họa tuyệt chủng do nạn săn bắt, mua bán trứng.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, chị Đức cho hay: "Trong chuyện có một chi tiết, các bạn Vích đều được đánh số ở chân, mình ấp ủ viết tiếp các hành trình khác của Vích nhằm tuyên truyền cho việc con người đồng hành bảo vệ biển, đại dương".
Đường về nhà của Vích Đen
Vích Đen dùng hết sức làm vỡ lớp vỏ trứng cứng ra bên ngoài vô cùng ngạc nhiên trước những gì mình chứng kiến, không phải là một hố cát sâu trước biển cả mà là một căn phòng ngập ánh sáng điện đèn ấm, xung quanh là những vỏ trứng vương vãi cùng các bạn vích non mới nở. Nhớ lời dặn khi còn trong bụng mẹ "Con bé bỏng, mẹ sẽ sinh con cùng các anh chị trong một hố cát, sau đó các con sẽ tự phá vỡ vỏ trứng, bò ra khỏi hố, bơi ra biển. Đó là nhà của chúng ta, mẹ sẽ đón các con ở đó", Vích Đen cùng các bạn đã có cuộc phiêu lưu trên con đường về nhà. Con đường quen thuộc trở nên thú vị, không chỉ là sự trở về mà còn là hành trình rèn luyện, hiểu biết, trưởng thành.
Với 108 trang in 4 màu, minh họa dễ thương, xinh xắn, hành trình về nhà của Vích Đen và các bạn trở nên thật ý nghĩa. Các bạn nhỏ cùng với các nhân vật trải qua những cảm xúc vui, buồn, lo lắng, những cảnh giải cứu cụ Vích Đại, chạm trán với Cá Mập đầy gay cấn, cuộc gặp gỡ với Cu Nhí…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.