Từ sitcom "Căn hộ số 69": “Thả cửa” cho phim online

Mai An Thứ bảy, ngày 28/06/2014 07:39 AM (GMT+7)
“Căn hộ số 69” là bộ phim phát hành trên mạng, đến khi bị báo chí phát hiện có nội dung thô tục mới bị cơ quan quản lý tuýt còi (NTNN số 153/2014). Thế nhưng trước đó, đã có hàng trăm bộ phim do các nhóm làm phim tự do, tự sản xuất tung lên mạng mà không hề qua kiểm duyệt...
Bình luận 0

Không chỉ là “đam mê”

Khi giải thích cho quyết tâm “đi tiên phong” trong phong trào sản xuất phim sit com về đề tài người lớn, Nam Cito- nhà sản xuất của “Căn hộ số 69” khẳng định rằng đó chỉ là “đam mê” của nhóm mình, nếu có bị dừng thì chỉ là bị “dập tắt đam mê” thôi, chẳng thiệt hại gì.

Nhưng trên thực tế, điều này có hoàn toàn là một việc làm với đam mê hoàn toàn trong sáng, không vụ lợi hay không, cơ quan quản lý văn hóa cũng cần phải nắm rõ. Trả lời báo chí trước khi có vụ lùm xùm này, Nam Cito cho biết: “Nguồn thu của phim đến từ Youtube, khi mình được bảo hộ bản quyền trên Youtube, lượt click của khán giả được tính tiền, quảng cáo hiện ra trên phim cũng thu được chi phí từ đấy. Nguồn thứ hai là các brand (thương hiệu) tài trợ chi phí cho mình sản xuất, để có quyền lợi xuất hiện trong phim thế nào. Phần doanh thu trên Youtube là khi bắt đầu up trailer là mình đã thu được tiền rồi...”.

Như vậy có thể thấy, những bộ phim chọn cách phát hành online như “Căn hộ số 69” không phải là một bộ phim làm với mục đích “thỏa mãn đam mê” tình yêu điện ảnh như nhóm làm phim này khẳng định mà thực sự đã có những tính toán kỹ lưỡng để có nguồn thu. Với những bộ phim dựa vào yếu tố giới tính, lồng vào những câu chuyện về tình dục (dù dùng cách đi đường vòng) thì rõ ràng ai cũng biết độ “hot” về quảng cáo sẽ cao đến mức nào.

Thoải mái “lách luật”?

Trước khi có “Căn hộ số 69”, khoảng 2 năm trở lại đây, rất nhiều nhóm làm phim nghiệp dư là các bạn trẻ có cùng đam mê, ưa thích sáng tạo đã liên tiếp trình làng các sản phẩm là các clip, phim ngắn. Một trong những nhóm nổi đình, đám hiện nay là nhóm DamTV (Dám TV) với phim ngắn “Kính vạn bông”; nhóm Phở với seri clip mang tính thời sự cao; nhóm BB&BG... Cách làm phim này được giới trẻ ngày càng ưa chuộng bởi họ có thể thỏa sức sáng tạo với công cụ làm phim đơn giản, đôi khi chỉ là một chiếc máy ảnh kỹ thuật số.

Thế nên câu hỏi cần đặt ra ở đây là tại sao những bộ phim dạng này lại thoải mái lách luật như vậy? Ai quản lý nội dung của những bộ phim online nếu như nó được các nhóm làm phim thoải mái tuyên truyền về tình dục và hàng ngàn những chủ đề nhạy cảm khác mà không hề bị kiểm soát? Cho dù Youtube kiểm soát nội dung thông qua việc gắn nhãn theo lứa tuổi, nhưng họ không thể kiểm soát được vấn đề người có tài khoản trên Youtube có trung thực khi khai năm sinh trong lý lịch của mình hay không, vì vậy câu chuyện về việc gắn nhãn phim này chỉ là hình thức.

   Việc cần nhất hiện nay là 2 bộ- Bộ VHTTDL và Bộ TTTT phải  hợp tác để tìm ra giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý phim online, tránh tình trạng người chỉ lo quản đằng tây, người chỉ quản đằng đông còn lại thì để thênh thang cửa giữa.

Luật Điện ảnh - qua trường hợp xử lý câu chuyện “Căn hộ số 69” đã bộc lộ sự bất cập khi chưa với tới được thể loại phim online, chưa phân định được đâu là phim online, đâu là clip ngắn mà người có tài khoản Youtube được vô tư đăng tải lên mạng.

Nếu vụ việc của “Căn hộ số 69” không được xử lý rốt ráo thì rồi đây, việc phát hành phim online sẽ hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan kiểm duyệt, để cho những sản phẩm văn hóa lệch chuẩn được tự do trôi nổi tiếp cận người xem đủ các lứa tuổi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem