“VUA” SẦU RIÊNG
Năm 1996, trong một lần lên thăm bạn ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng (Bình Phước), nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, phù hợp trồng cây ăn trái, ông Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1943) ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang mua 1 ha đất trồng sầu riêng. Rẫy gần sông Lấp, quá trình tưới, tiêu thuận lợi nên cây phát triển tốt. Nguồn lợi thu được ông đầu tư mở rộng dần diện tích và hiện có 10 ha...
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, xã Minh Hưng (Bù Đăng) cột dây níu đỡ trái để không bị gió lay rụng.
Xuất thân từ vùng đất chuyên trồng cây ăn trái ở miền Tây nên ông có nhiều kiến thức kỹ thuật trồng sầu riêng, kinh nghiệm trồng sầu riêng. Toàn bộ diện tích ông Hùng trồng 2 giống sầu riêng Monthong Thái Lan và RI6. Đây là 2 giống sầu riêng cơm vàng hạt lép nổi tiếng thơm ngon được thị trường ưa chuộng nhất hiện nay.
Để đáp ứng nhu cầu về nước tưới, ông Hùng đầu tư 4 máy nổ (dùng để bơm nước) và 5 giếng khoan. Toàn bộ hệ thống ống tưới bằng van tự động được phân bổ đều khắp rẫy, với tổng chi phí gần 500 triệu đồng. Trong 6 tháng mùa khô, 4 máy bơm hoạt động liên tục, bơm nước từ sông Lấp lên, thời điểm sông cạn thì 5 giếng khoan sẽ bơm tưới hỗ trợ. Vì vậy, mỗi năm ông Hùng chi phí khoảng 200 triệu đồng tiền dầu...
Monthong là 1 trong 2 giống sầu riêng ngon nức tiếng được ông Nguyễn Ngọc Hùng chọn trồng ở miền đồng rừng huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: IT.
Chia sẻ kinh nghiệm trong phòng trừ sâu bệnh cho cây sầu riêng, ông Hùng nói: Trong 6 tháng mùa mưa, do độ ẩm cao nên thường xuất hiện bệnh nấm hồng, bệnh nứt thân xì mủ và sâu đục thân. Người trồng phải thường xuyên theo dõi và phòng trừ ngay khi phát hiện sâu bệnh. Bệnh nứt thân xì mủ do một loại nấm có tên khoa học là phytophthora gây ra. Loại nấm này phát triển lúc chuyển mùa, chủ yếu tồn tại trong đất hoặc nước.
Để trị bệnh nứt thân xì mủ, ông Hùng thường dùng thuốc Agrifos có thể quét lên vết thương trên thân cây hoặc đổ xung quanh gốc định kỳ 2-3 lần/năm. Đối với bệnh nấm hồng, ông Hùng chuyên dùng thuốc Validacin, xịt toàn thân cây. Sau mùa thu hoạch, nhà vườn phải tỉa cành, bón phân, xử lý mầm bệnh để cây nhanh phục hồi. |
Theo ông Hùng, nấm tấn công từ những bộ phận bị bệnh trên cây sầu riêng hoặc từ rễ non dưới lòng đất, sau đó ăn dần và lan ra vị trí xung quanh, rồi lên thân cây làm vỏ cây đổi màu nâu, thối và chảy mủ. Nếu không khống chế kịp, bệnh còn lan ra gây thối trái hàng loạt...
Ông Hùng cho biết thêm: “Sầu riêng bắt đầu ra hoa khoảng từ tháng 12 dương lịch, sau 5 tháng thì cho thu hoạch. Cả 2 giống sầu riêng Ri6 và Monthong nếu chăm sóc tốt sẽ cho trái lớn và rất sai..."
Trung bình 1 cây sầu riêng từ 8-10 năm sẽ cho ra trên 100 trái. Tuy nhiên , theo ông Hùng, nếu để số lượng nhiều thì trái sẽ nhỏ, chất lượng giảm sút. Chính vì vậy, ông Hùng thường để từ 80-100 trái/cây. Trái có trọng lượng trung bình từ 3,5-4kg, dễ tiêu thụ. "Mấy năm gần đây, gia đình tôi luôn thu khoảng trên 4 tỷ đồng mỗi vụ, gấp hơn 10 lần so với trồng điều...”, ông Hùng quả quyết.
...LÀM GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ
Để có được thành quả như vậy, nhiều năm qua ông Nguyễn Ngọc Hùng và một số hộ trồng sầu riêng trong thôn đã liên kết hỗ trợ nhau nhiều mặt, nhất là khoa học - kỹ thuật. Ngày 22-11-2017, HTX cây ăn trái và dịch vụ Long An - Minh Hưng thành lập với 30 xã viên (chủ yếu là người dân quê gốc Long An) do ông Hùng làm giám đốc, có 60 ha trồng sầu riêng. Do mới thành lập nên HTX đang hoạt động lâm thời. Để đạt mục tiêu đem lại lợi nhuận cao cho xã viên, HTX xây dựng thương hiệu sầu riêng với chất lượng tốt, ký kết với các đối tác tìm đầu ra ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, các cấp, ngành cần hỗ trợ về pháp luật, ưu đãi vốn, thuế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đào tạo và bồi dưỡng nhân lực…
Mỗi cây sầu riêng, ông Nguyễn Ngọc Hùng để lại 80-100 trái để nâng cao chất lượng sầu riêng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Hưng cho biết: “HTX cây ăn trái và dịch vụ Long An - Minh Hưng là HTX đầu tiên được thành lập trên địa bàn xã. Chúng tôi rất ủng hộ mô hình này bởi khi thành lập HTX, xã viên sẽ có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế bền vững, từng bước hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao. Mới đây, HTX cũng đã được hỗ trợ 28 tấn phân hữu cơ vi sinh từ chương trình nông thôn mới. Hội Nông dân xã khuyến khích phát triển kinh tế theo mô hình này, đồng thời hỗ trợ các điều kiện trong phạm vi của hội, nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của xã phát triển”...
RI6 là 1 trong 2 giống sầu riêng đang được gia đình ông Hùng và các thành viên trong HTX cây ăn trái và dịch vụ Long An - Minh Hưng chọn trồng. Ảnh: IT.
Gia đình ông Bùi Văn Út Ba, phụ trách giám sát kỹ thuật có 3 ha sầu riêng trồng từ năm 2000, đến năm 2007 bắt đầu có thu hoạch. Năm 2017, ông thu 27 tấn, trừ chi phí lời trên 1 tỷ đồng. Hộ ông Lưu Hoàng Thạch, Phó giám đốc HTX cũng có 3 ha sầu riêng, trong đó 2 ha mới trong giai đoạn kiến thiết (chưa cho thu hoạch). Vụ vừa qua, 1 ha của ông Thạch cũng cho thu 12 tấn trái, trị giá trên 500 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Ba cho biết: “Thời gian tới, HTX phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc phát triển cây sầu riêng đồng loạt cho các xã viên học tập, áp dụng. Tất cả phải tuân theo quy trình chăm sóc bài bản, đảm bảo sự phát triển đồng đều. Các vấn đề về phòng trừ sâu bệnh cũng sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt, có sổ sách ghi chép, theo dõi”.
Khi kinh tế phát triển, ông Hùng sẵn sàng ủng hộ các khoản do xã vận động. Tiêu biểu năm 2016, ông Hùng tự nguyện hỗ trợ 100 triệu đồng cùng thôn làm đường bê tông, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới đúng thời gian. Nể phục về thu nhập cũng như sự chia sẻ với cộng đồng, người dân địa phương gọi ông Hùng là “vua” trồng sầu riêng.
Quang Minh (Báo Bình Phước)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.