Tên khai sinh của ông là Phạm Văn Xiếu, thường gọi Năm Xiếu, gốc nông dân ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước (Long An). Ông được tiếng là “doanh nhân tâm-tài”.Thời bao cấp, vào “hợp tác hóa nông nghiệp” không đủ sống, tức khí, ông quyết chí chuyển nghề làm thợ và kinh doanh.
|
Ông Phạm Xiân Hiếu , người sở hữu 40 cơ sở kinh doanh. |
Giờ đây ông đang sở hữu trên 40 cơ sở sản xuất kinh doanh, phân phát cho các con cháu nắm giữ, tạo thành một hệ thống cơ sở kinh tế gia đình do ông tổng quản lý. Ông được tiếng là “doanh nhân tâm-tài”.
Nhớ lại ngày ấy, Năm Xiếu rời tập đoàn sản xuất nông nghiệp xã Long Sơn, đi TP.HCM làm thuê cho một tiệm mộc. Cứ hết giờ làm việc buổi chiều, anh đạp xe lên xa lộ Đại Hàn quơ vội mớ rau muống mọc hoang bên vệ đường rồi gò lưng đạp một mạch về căn nhà lá ọp ẹp ở ấp 2, xã Long Sơn, xa hơn 40km. Cái nhịp điệu cuộc sống ấy cứ lặp đi lặp lại như thế.
Từ tay trắng…
Một hôm, nhìn mẹ già và vợ con quây quần bên mâm cơm chỉ có khoai mì độn bo bo, đĩa rau muống luộc và đĩa chao; các con giành gắp miếng chao duy nhất trong đĩa toàn nước lõng bõng, cãi nhau chí chóe, anh rơi nước mắt. Đêm đó anh thao thức mãi.
Sáng hôm sau, anh bàn với vợ vay mượn người thân được 2 cây vàng làm vốn khởi nghiệp. 2 cây vàng chỉ đủ mở một trại mộc nhỏ ở Sài Gòn. Anh đạp xe lên miệt rừng miền Đông lúc bấy giờ đang thực hiện chủ trương xây dựng khu kinh tế mới. Nhiều cánh rừng bị phát quang lấy đất dựng làng và sản xuất.
Anh không mua gỗ súc mà chọn mua nhánh, rễ đầu thừa đuôi thẹo. Kiểm lâm coi đó là củi, cho phép anh tự do vận chuyển. Từ thứ cây chỉ để làm chất đốt ấy, qua bàn tay Năm Xiếu cùng những người thợ khéo tay đã cho ra hàng loạt bộ cửa lá sách và những bộ bàn ghế gỗ ghép rất xinh xắn, được khách ưa chuộng.
Khi đất nước đổi mới, vốn có năng lực bẩm sinh nhạy cảm với kinh tế thị trường, Năm Xiếu đưa trại mộc bé nhỏ của mình lên xưởng mộc bề thế, trang bị máy móc và quy tụ hàng chục thợ giỏi làm ngày làm đêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Năng nhặt chặt bị, anh tích lũy vốn cho đầu tư, mở tiếp xưởng sản xuất nhà tiền chế, rồi mở xí nghiệp cán tôn, mở cơ sở sản xuất ván ép, mở cửa hàng xăng dầu... Chẳng bao lâu, hơn 40 cơ sở mang thương hiệu Tân Thành, Tân Tân Thành, Vạn Thành, Tân Liên Thành... rải từ TP.HCM đến Long An, các tỉnh miền Tây lên các tỉnh miền Đông, mỗi cơ sở đều có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng trở lên, quy tụ gần 600 công nhân ăn nên làm ra dưới sự lèo lái của Năm Xiếu.
Đến hệ thống công ty gia đình
Vào một ngày của hơn 10 năm trước, Năm Xiếu gọi hết 14 đứa con và các dâu, rể tới, thêm đàn cháu con người anh ruột đã mất để lại, giao cho các con quản lý các cơ sở mà ông đã tạo dựng. Ông bắt các con giao ước: Giữ vững nghiệp nhà và hết sức hòa thuận, thương yêu, cùng nhau để lại một chữ Tâm cho con cháu.
Vốn mê đờn ca tài tử và cổ nhạc, ông Năm Xiếu dành nhiều thời gian mày mò học hỏi rồi tự sáng tác nhiều bài ca cổ, cải lương… Trong một bài ca, ông viết: “...Ba mồ côi cha khi mới tròn 3 tuổi, bà nội ở vậy thờ chồng vất vả nuôi con.
Đó rồi năm tháng qua dần với sớm nắng chiều sương, đôi vai ba đã nặng gánh bầu đoàn thê tử, hạt gạo quê nhà chưa một lần no dạ nhưng lòng vẫn dặn lòng tìm cơ hội vươn cao...” và kết thúc bằng câu: “Nghèo tiền nghèo bạc, giàu nhân ái/ Giàu nghĩa, giàu nhân mới đáng giàu”.
Giàu nghĩa giàu nhân
Ông Lê Văn Tây - cán bộ hưu trí, bạn nối khố ông Năm Xiếu, kể rằng hôm ấy trời đã tối, ông đến nhà thấy ông Năm Xiếu đang xoay trần cưa xẻ gỗ. Hỏi tối rồi còn làm gì nữa? Năm Xiếu nói: “Tui muốn tự tay đóng cái hòm biếu ông bạn quá nghèo, sắp chết”.
Lần khác, ông Tây vừa đến xã Long Sơn, thấy mấy chiếc xe bồn từ TP.HCM ùn ùn chạy tới. Hỏi, mới biết ông Năm Xiếu về thăm nhà cũ, gặp lúc bà con xã nhà đang thiếu nước sạch để xài, ông liền điện lên một công ty cấp nước đặt mua mấy xe bồn chở nước máy xuống, kịp cho bà con “chữa cháy”.
“Đi xuống mấy vùng nông thôn, thấy chỗ nào cầu, đường hư là ảnh vô xã hỏi, rồi tài trợ”- ông Tây kể - Riêng tui, sau khi về hưu, ra làm ăn thua lỗ, kêu bán nhà để trả nợ. Anh Năm nghe, liền giao tui cơ sở sản xuất bao bì của ảnh. Nhờ vậy mà tui trả được nợ, lại còn có nguồn thu để sống nữa. Ảnh không giấu nghề, thấy làm ra cái gì có ăn là kêu bạn bè tới, chỉ cách và giúp vốn để làm. Nhiều người vốn ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, bây giờ đã có cơ sở làm ăn trị giá 5-6 tỷ”.
Tôi hỏi ông Năm Xiếu cụ thể đã làm công tác xã hội từ thiện được những gì. Ông nói: “Tui đâu có kể mà nhớ hết. Mỗi năm, riêng bệnh viện ung bướu, tui tặng 150 triệu đồng, cơ sở nuôi dạy trẻ tàn tật 50 triệu, trại nuôi trẻ em mồ côi 50 triệu, v.v...
“Cái hay của anh Năm Xiếu là giáo dục con cái. Đứa nào cũng có công ty rất thành đạt, nhưng hễ gặp bạn của cha mình, đứa nào cũng khoanh tay “thưa bác”, rất lễ phép chớ không phải ỷ giàu - điều mà giờ người ta thường thấy... Cháu Hải Triều, con thứ ba của ảnh, đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất tôn tráng kẽm, vốn đầu tư ba, bốn chục triệu USD” - ông Tây quay sang Năm Xiếu, nói lớn: “Thằng Triều nó hơn anh rồi, anh Năm. Con hơn cha là nhà có phúc nghe anh Năm!”
Quang Hảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.