Tử thần rình rập trên đường tới trường

Thứ sáu, ngày 16/09/2011 15:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) hàng trăm học sinh ở các làng Đăk Sút, Đăk Rơme... phải lội sông Pô Kô đến trường vì nhiều cầu liên thôn vẫn chưa được khôi phục sau cơn bão số 9 năm 2009.
Bình luận 0

Quần áo ướt tới trường

Năm học mới đã bắt đầu nhưng trên nét mặt của các thầy, cô giáo Trường THCS Ngô Quyền (xã Đăk Ang) vẫn đượm nét buồn lo. Thầy Phan Văn Tuần - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngày nào các em cũng tới trường trong tình cảnh quần áo ướt sũng vì lội nước. Những ngày mưa lớn, đứng bên làng Đăk Blái-Đăk Rơme nhìn con suối qua làng Long Zôn, các thầy cô giáo còn phải chứng kiến cảnh học trò của mình đứng dưới dòng nước chảy xiết như muốn cuốn trôi các em đi...".

img
Hàng ngày, hàng trăm học sinh ở xã Đăk Ang phải lội suối đi học.

Trường THCS Ngô Quyền hiện có tổng cộng 3 điểm trường, điểm trường chính ở làng Long Zôn, điểm trường 2 ở làng Đăk Blái-Đăk Rơme, điểm trường thứ 3 tại làng Đăk Sút. Điểm trường 2 chỉ có 2 lớp 6,7, muốn học lên lớp 8,9, các em phải đi bộ 15km, phải vượt sông, vượt suối.

Điểm trường tại làng Đăk Sút, cách trung tâm trường chính khoảng 10 km (mượn cơ sở của Trường Tiểu học Kim Đồng), có 6 lớp học với tổng số 137 học sinh. Muốn đến được điểm trường này, ít nhất 80 học sinh ở các làng phải lội suối vì cây cầu liên thôn nối làng Ja Tun qua Đăk Sút chưa được nối thông từ sau cơn bão số 9 năm 2009. Theo thầy Tuần, toàn trường có 418 em thì có tới 108 em phải lội suối, lội sông đi học.

Cây cầu bê tông liên thôn ở làng Đăk Blái bị gãy chỉ còn trơ lại mố cầu nằm chỏng chơ ở 2 bên bờ suối. Mùa này nước đã bắt đầu chảy xiết. Đứng trên bờ, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến cảnh từng tốp học sinh một tay nắm chặt tay nhau, một tay đội cặp sách trên đầu lội hì hụp qua suối khi nước ngập tới lưng quần các em.

Mặc dù đã quen với việc đi lại nguy hiểm này nhưng em Y Rao (ở làng Gia Tun) vẫn tỏ ra rất sợ hãi: "Mỗi ngày đi học, em đều phải qua con suối này, em sợ lắm nhưng muốn học thì phải đến trường. Mỗi khi trời mưa to, nước suối dâng cao là chúng em phải nghỉ ở nhà vì không qua suối được".

Vẫn chờ tương lai...

Ông A Phân - Phó Chủ tịch HĐND xã Đăk Ang cho biết: Từ sau cơn bão số 9 năm 2009, nhiều chiếc cầu bê tông của xã đã bị lũ cuốn trôi chưa thể khắc phục. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, xã đã có kiến nghị lên cấp trên nhưng câu trả lời vẫn chỉ là chưa có nguồn vốn nên không thể sửa chữa được.

Trước khó khăn về đường sá, đi lại, nhiều cha mẹ học sinh đã mang con em của mình ra các làng lân cận điểm trường chính để gửi nhà người quen vì sợ rủi ro xảy ra khi hàng ngày phải lội qua sông, suối. Tuy nhiên, với nhiều gia đình nghèo, việc lo ăn ở cho con là hết sức khó khăn khiến học sinh có nguy cơ bỏ học.

Không chỉ học sinh lội suối đến lớp với bộ quần áo ướt sũng mà giáo viên cũng vậy. Trường THCS Ngô Quyền hiện chỉ có 26 cán bộ, giáo viên. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, hàng tuần giáo viên của trường đều dạy trên 20 tiết/tuần (vượt quy định) và phải "chạy sô" 1 ngày đến 3 điểm trường. Nếu không muốn lội suối, các thầy, cô giáo phải chạy vòng xe máy từ xã này qua xã kia, có ngày nếu có tiết dạy ở cả 3 điểm trường trên có giáo viên phải đi về hết 40 cây số...

Trưởng phòng GDĐT huyện Ngọc Hồi, ông Trần Ngọc Lâm cho biết: UBND huyện đã ký quyết định cho xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Đăk Ang để thay thế các điểm trường THCS của xã như hiện nay. Dự kiến trường sẽ đảm bảo đủ số lượng phòng học, lớp học cho khoảng 243 học sinh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu một số công trình chưa được đầu tư như khu vệ sinh, nhà tắm, nhà ăn, giếng nước... phục vụ nhu cầu học sinh bán trú nên chưa thể đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, dù trường mới hay trường cũ, các em vẫn phải lội suối. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì học sinh sẽ chán nản dẫn đến bỏ học, nghỉ học giữa chừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem